Khoa học và công nghệ (KH&CN) đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của kinh tế - xã hội. Trong đó, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu sẽ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN. Kết quả nghiên cứu (KQNC) được hiểu một cách khái quát là kết quả của một hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ KH&CN, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển KH&CN, thường được định hình dưới dạng kết quả hay sản phẩm của một nhiệm vụ KH&CN. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu là hoạt động trong đó tri thức từ các trường đại học và viện nghiên cứu được khai thác bởi các doanh nghiệp hay bởi chính các nhà nghiên cứu để tạo ra những giá trị kinh tế và xã hội, thúc đẩy phát triển công nghiệp, sản xuất. Chính vì vậy, tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy thương mại hóa KQNC đang là vấn đề được rất nhiều đơn vị, chủ nhiệm đề tài và cơ quan quản lý quan tâm.
Để có cái nhìn tổng quát về tình hình thương mại hóa KQNC tại TP.HCM, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ đã tiến hành phỏng vấn trực tiếp 15 đơn vị, thu thập phiếu khảo sát ý kiến của 45 tổ chức có hoạt động nghiên cứu khoa học- công nghệ trên địa bàn, bao gồm viện nghiên cứu; trường đại học; trung tâm nghiên cứu; doanh nghiệp khoa học công nghệ và ý kiến từ 120 chủ nhiệm đề tài. Những kết quả thu thập được từ cuộc điều tra sẽ giúp nhận dạng thực trạng thương mại hóa KQNC tại TP.HCM trong giai đoạn 2014 -2018, phân tích những khó khăn và đề xuất những chính sách thúc đẩy hoạt động này.
Khảo sát cho thấy trong giai đoạn 2014-2018, tổng số đề tài được các viện trường nghiên cứu, nghiệm thu là 1.587 đề tài. Trong đó, số lượng đề tài được thương mại hóa thành công tỷ lệ chiếm tỷ lệ khá thấp 12.7%. Số đề tài nghiên cứu đã ở mức độ hoàn thiện, sẵn sàng chuyển giao chiếm 37.2%. Tỷ lệ 50.1% là các đề tài đang ở quy mô pilot, phòng thí nghiệm... cần hỗ trợ, tiếp tục thực hiện nghiên cứu trước khi thương mại hóa.
Bảng: Số lượng đề tài được nghiệm thu trong giai đoạn 2014 – 2018 qua khảo sát viện trường
Đề tài nghiên cứu đã nghiệm thu |
Số lượng |
Tỷ lệ |
-Đề tài nghiên cứu cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu thêm |
795 |
50.1% |
-Đề tài nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao |
591 |
37.2% |
-Đề tài nghiên cứu đã được thương mại hóa |
201 |
12.7% |
Tổng cộng |
1.587 |
100% |
Các viện, trường và chủ nhiệm đề tài đều cho rằng yếu tố gây nhiều trở ngại cho quyết định đầu tư hoặc tiếp nhận công nghệ của doanh nghiệp là kết quả nghiên cứu thường dừng ở quy mô phòng thí nghiệm; thiếu kinh phí để hoàn thiện công nghệ; thiếu cơ sở sản xuất thử nghiệm. Bên cạnh đó, việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ thương mại hóa trong bối cảnh chưa tổ chức hiệu quả bộ phận chuyên trách công tác giới thiệu, quảng bá KQNC cũng là vấn đề đáng quan tâm của các viện – trường. Ngoài ra, tỷ lệ cao các viện trường cũng gặp vấn đề khó khăn trong định hướng mục tiêu nghiên cứu và đánh giá/ định giá KQNC. Ở nhóm đối tượng đã hoàn thiện, làm chủ công nghệ như doanh nghiệp KH&CN, thì vấn đề trở ngại chính là thiếu vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, nghiên cứu nâng cao, tăng cường quảng bá và thiếu những chính sách thúc đẩy thương mại hóa KQNC.
Đối tượng được khảo sát ở cả 03 nhóm viện - trường, chủ nhiệm đề tài, doanh nghiệp KHCN đều nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý trong việc tăng cường các biện pháp hỗ trợ quảng bá KQNC bằng nhiều biện pháp... qua đó giúp thiết lập cầu nối trực tiếp đưa KQNC đến được các doanh nghiệp có nhu cầu. Bên cạnh đó, vấn đề về vốn đầu tư, bảo lãnh tín dụng cho các KQNC được đánh giá nhiều tiềm năng để tiếp tục hoàn thiện công nghệ cũng được các đơn vị đề xuất, quan tâm. Các đối tượng được khảo sát cũng mong muốn được tiếp cận, hỗ trợ nhiều hơn từ các dịch vụ khoa học công nghệ như đánh giá, định giá công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ,tư vấn sở hữu trí tuệ.