Sở hữu trí tuệ (SHTT) là hoạt động KH&CN mang tính xã hội cao. Việc bảo hộ quyền SHTT có vai trò to lớn, góp phần hạn chế tối đa các tranh chấp trong sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hoá trên thị trường, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Quyền SHTT giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2019, đã xác định rõ, quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Trong đó, quyền tác giả là các quyền đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; quyền đối với giống cây trồng là quyền đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu; quyền sở hữu công nghiệp là quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (phối hợp Cục Thống kê TP.HCM) trên 3.690 doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM, nhiều DN vẫn chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc đăng ký quyền SHTT. Số liệu khảo sát năm 2019 cho thấy, tỷ lệ DN có văn bằng bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam chiếm tỷ trọng khá thấp, chỉ khoảng 2,2% (81/3.690 DN).
Xét về ngành kinh tế, trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 3 nhóm ngành hóa nhựa - cao su, chế biến tinh lương thực, thực phẩm, công nghệ thông tin - điện tử viễn thông là có tỷ lệ DN sở hữu các văn bằng bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam cao hơn gần gấp đôi so với ngành cơ khí chế tạo-tự động hóa. Đối với 9 ngành dịch vụ, các ngành y tế và tài chính - ngân hàng - bảo hiểm có tỷ lệ DN sở hữu văn bằng bảo hộ quyền SHTT cao hơn so với các ngành còn lại (mức tương ứng là 2,7% và 2,1%). Tuy nhiên, tỷ lệ này cũng chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn đôi chút, so với các DN trong ngành nông nghiệp (tỷ lệ 2,2%, với 1/46 DN có văn bằng bảo hộ quyền SHTT).
Hình 1. Tỷ lệ DN có văn bằng bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam đến hết năm 2019 phân theo ngành kinh tế
Nguồn: Báo cáo về hoạt động khoa học và công nghệ của TP.HCM năm 2020
Xét về loại hình DN, các DN nhà nước có tỷ lệ sở hữu văn bằng bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam đến hết năm 2019 cao hơn so với khu vực còn lại, với tỷ lệ khoảng 6,7%.
Hình 2. Tỷ lệ DN có văn bằng bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam đến hết năm 2019 phân theo loại hình DN
Nguồn: Báo cáo về hoạt động khoa học và công nghệ của TP.HCM năm 2020
Xét về quy mô, DN lớn và DN vừa có tỷ lệ sở hữu văn bằng bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam đến hết năm 2019 cao hơn so với các DN còn lại, với tỷ lệ lần lượt là 4,50% (25/556 DN lớn) và 4,10% (17/415 DN vừa). Tuy chỉ chiếm hơn ¼ (971/3.690) số DN được khảo sát, nhưng các DN vừa và lớn đã có đến 52% (42/81) lượng văn bằng bảo hộ được cấp.
Hình 3. Tỷ lệ DN có văn bằng bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam đến hết năm 2019 phân theo quy mô DN
Nguồn: Báo cáo về hoạt động khoa học và công nghệ của TP.HCM năm 2020
Theo Niên giám thống kê 2019 của Cục Thống kê TP.HCM, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã tăng hơn gấp đôi, từ 96.216 DN năm 2010 lên 199.389 DN năm 2018. Số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho thấy, số đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT của các DN TP.HCM có sự gia tăng khá ổn định trong giai đoạn 2011-2019. Tuy nhiên, với kết quả khảo sát nêu trên, tỉ lệ bảo hộ sở hữu trí tuệ của nhiều DN tại Thành phố vẫn còn khá khiêm tốn.
Trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng các nhà sáng chế cần sớm đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm của mình. Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), để tăng cường khả năng bảo hộ quyền SHTT phục vụ phát triển kinh tế bền vững, cũng cần có sự chung tay, chung sức để nâng cao nhận thức và vai trò của SHTT trong đổi mới sáng tạo, hình thành văn hóa SHTT trong toàn xã hội.
Như Hà
Tài liệu tham khảo:
[1] Báo cáo về hoạt động KH&CN của TP.HCM năm 2020.
[2] Sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách.https://www.moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/so-huu-tri-tue-trong-doanh-nghiep-la-yeu-cau-cap-bach-19217-3101.html.