Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, quản trị sở hữu trí tuệ là một trong những hoạt động mà các doanh nghiệp cần hết sức quan tâm. Được bảo hộ SHTT, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp cao hơn. Hoạt động này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: đặc điểm của công ty, yếu tố công nghệ, môi trường pháp lý…
Hoạt động quản trị sở hữu trí tuệ (SHTT) trong doanh nghiệp (DN) được phân tích trên 3 phương diện: DN có nhân sự được đào tạo, tập huấn hoặc chuyên trách về SHTT; DN có ban hành các quy định nội bộ/quy chế quản lý tài sản trí tuệ; DN có hạch toán các tài sản trí tuệ vào giá trị tài sản cố định vô hình trên bảng cân đối kế toán. Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (phối hợp Cục Thống kê TP.HCM) trên 3.690 DN tại TP.HCM, tính đến hết năm 2019, số DN có nhân sự được đào tạo, tập huấn hoặc chuyên trách về SHTT đạt 1,63% (60/3.690 DN), số DN có ban hành các quy định nội bộ/quy chế quản lý tài sản trí tuệ đạt 2,25% (83/3.690 DN) và số DN có hạch toán các tài sản trí tuệ vào giá trị tài sản cố định vô hình trên bảng cân đối kế toán chỉ đạt 0,84% (31/3.690 DN).
Hình 1. Thống kê hoạt động quản trị SHTT trong DN đến hết năm 2019 tại TP.HCM
Nguồn: Báo cáo về hoạt động khoa học và công nghệ của TP.HCM năm 2020
Với 31 DN tham gia tạo lập tài sản trí tuệ trong mẫu khảo sát, tổng giá trị tạo lập tài sản trí tuệ được hạch toán ban đầu đạt 192.544 triệu đồng/năm, trung bình đạt 6.211,1 triệu đồng/DN/năm. Tổng giá trị tạo lập tài sản trí tuệ được hạch toán bổ sung năm 2019 đạt 116.735 triệu đồng/năm, trung bình đạt 84.302 triệu đồng/DN/năm.
Bảng 1. Thống kê giá trị tạo lập tài sản SHTT trong DN tại TP.HCM năm 2019
Nguồn: Báo cáo về hoạt động khoa học và công nghệ của TP.HCM năm 2020
Để đánh giá về hiệu quả các hoạt động quản trị SHTT trong DN, nhóm nghiên cứu đã phân tích tương quan về doanh thu, lợi nhuận trước thuế của DN năm 2019 trên nhiều phương diện (đăng ký xác lập quyền SHTT tại Việt Nam; bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam; đào tạo, tập huấn về SHTT; các quy định nội bộ/quy chế quản lý tài sản trí tuệ; hạch toán các tài sản trí tuệ vào giá trị tài sản cố định vô hình…). Kết quả khảo sát cho thấy, những DN sở hữu văn bằng bảo hộ SHTT có doanh thu và lợi nhuận trước thuế cao hơn nhiều so với các DN không có văn bằng bảo hộ. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận trung bình của một DN có văn bằng bảo hộ SHTT năm 2019 lần lượt đạt 10.257,13 triệu đồng và 304,47 triệu đồng.
Hình 2. Thống kê doanh thu, lợi nhuận trước thuế trung bình của một DN năm 2019 liên quan hoạt động quản trị SHTT (triệu đồng)
Nguồn: Báo cáo về hoạt động khoa học và công nghệ của TP.HCM năm 2020
Nhiều DN nhận thấy rằng, trên thực tế tài sản trí tuệ có giá trị lớn hơn rất nhiều so với tài sản vật chất, đặc biệt đối với các DN hoạt động trong những lĩnh vực có tính sáng tạo và trí tuệ cao, hoặc các DN có thương hiệu nổi tiếng. Đăng ký bảo hộ SHTT là việc đầu tư đúng đắn, góp phần nâng cao giá trị thị trường của DN, giúp cải thiện mạnh mẽ tình hình tài chính của công ty.
Như Hà