Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

kết quả thống kê

Năng suất lao động là đại lượng đo lường sản lượng được tạo ra trên một đơn vị lao động, là chỉ tiêu tổng hợp đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội. Trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, xu hướng toàn cầu hóa và sự cạnh tranh khốc liệt, vấn đề nâng cao năng suất lao động trở thành mục tiêu sống còn của các doanh nghiệp.

 

Có ba phương pháp để đo lường năng suất lao động (NSLĐ), gồm: NSLĐ tính bằng hiện vật, NSLĐ tính bằng giá trị (tiền) và NSLĐ tính bằng thời gian lao động. Mỗi phương pháp tính đều có ưu và nhược điểm riêng (Bảng 1).

Bảng 1. So sánh các phương pháp tính NSLĐ

Phương pháp NSLĐ tính bằng hiện vật NSLĐ tính bằng giá trị NSLĐ tính bằng thời gian lao động
Công thức tính

W = Q/T

Trong đó:

- W là mức NSLĐ của một lao động

- Q là tổng sản lượng tính bằng hiện vật

- T là tổng số lao động

W = Q/T

Trong đó:

- W là mức NSLĐ của một lao động (tính bằng tiền)

- Q là tổng sản lượng (tính bằng tiền)

- T là tổng số lao động

L = T/Q

Trong đó:

- L là lượng lao động hao phí cho một sản phẩm

- T là thời gian lao động hao phí

- Q là tổng sản lượng

 

Ưu điểm

- Biểu hiện mức NSLĐ một cách cụ thể, chính xác, không chịu ảnh hưởng của sự biến động về giá cả;

- Có thể so sánh mức NSLĐ giữa doanh nghiệp (DN) hoặc các nước khác nhau theo một loại sản phẩm;

- Đánh giá trực tiếp hiệu quả của lao động

- Phản ánh tổng hợp hiệu quả của lao động, có thể tính cho các loại sản phẩm khác nhau, khắc phục được nhược điểm của phương pháp tính bằng hiện vật;

- Tổng hợp chung được các kết quả mà DN đã tạo ra trong kỳ như thành phẩm, bán thành phẩm, các công việc và dịch vụ…

 

Phản ánh cụ thể mức tiết kiệm về thời gian lao động để sản xuất ra một sản phẩm.

 

 

 

 

 

 

Nhược điểm

- Chưa phản ánh đúng hiệu quả của lao động vì chỉ tính cho thành phẩm mà không tính cho các sản phẩm dở dang;

- Chỉ dùng để tính cho một loại sản phẩm nhất định, không thể dùng làm chỉ tiêu tổng hợp tính cho nhiều loại sản phẩm nên không thể so sánh mức NSLĐ giữa các ngành có các loại sản phẩm khác nhau, giữa các DN sản xuất nhiều loại sản phẩm;

- Yếu tố chất lượng sản phẩm đôi khi bị bỏ qua;

- Rất khó thực hiện cho sản phẩm dịch vụ.

- Bị ảnh hưởng bởi yếu tố giá cả;

- Không khuyến khích tiết kiệm vật tư và dùng vật tư rẻ, DN nào dùng nhiều vật tư hoặc vật tư đắt tiền sẽ đạt mức NSLĐ cao;

- Nếu lượng sản phẩm hợp tác với bên ngoài nhiều, cơ cấu sản phẩm thay đổi sẽ làm thay đổi mức NSLĐ của DN.

 

 

 

 

 

Việc tính toán phức tạp mà không dùng được để tính tổng hợp NSLĐ bình quân của một ngành hay một DN có nhiều loại sản phẩm khác nhau.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ở Việt Nam, thường chọn cách tính NSLĐ bằng giá trị. Theo hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, NSLĐ là chỉ tiêu phản ánh hiệu suất làm việc của lao động, được đo bằng tổng sản phẩm trên phạm vi một vùng, một tỉnh hay một thành phố (GRDP) tính bình quân trên một lao động trong thời kỳ tham chiếu, thường là một năm.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (phối hợp Cục Thống kê TP.HCM) trên 3.690 DN tại TP.HCM, NSLĐ bình quân của DN tại TP.HCM năm 2019 đạt 591,10 triệu đồng/người. Trong đó, NSLĐ của 9 ngành dịch vụ khá cao, đạt 681,94 triệu đồng/người, NSLĐ của 4 ngành công nghiệp trọng yếu đạt 525,58 triệu đồng/người, trong khi số liệu này của khu vực nông nghiệp thì thấp hơn, chỉ đạt 250,66 triệu đồng/người. Về thay đổi NSLĐ, trong giai đoạn 2016-2019, bình quân NSLĐ của các DN được khảo sát tăng 17,07%/năm. Xét theo các khu vực kinh tế, bình quân NSLĐ của khu vực nông nghiệp tăng trưởng cao nhất, đạt 31,49%/năm; tiếp đến là 9 ngành dịch vụ với mức tăng trưởng 19,81%/năm và 4 ngành công nghiệp trọng yếu có mức tăng NSLĐ bình quân là 10,47%/năm (Hình 1).

Hình 1. NSLĐ của các DN tại TP.HCM năm 2019
Nguồn: Báo cáo về hoạt động KH&CN của TP.HCM năm 2020

Trong số các ngành công nghiệp trọng yếu, công nghệ thông tin-điện tử viễn thông và chế biến tinh lương thực thực phẩm là hai ngành có NSLĐ khá cao so với hai nhóm ngành còn lại, lần lượt đạt giá trị 786,02 triệu đồng/người và 725,42 triệu đồng/người. Trong khi đó, NSLĐ trong năm 2019 của ngành hóa nhựa-cao su và cơ khí chế tạo-tự động hóa chỉ bằng khoảng 50% so với hai ngành trên (lần lượt đạt giá trị 398,84 triệu đồng/người và 365,29 triệu đồng/người). Về mức tăng trưởng NSLĐ trong giai đoạn 2016-2019, công nghệ thông tin-điện tử viễn thông là ngành có tốc độ tăng trưởng NSLĐ cao nhất (tỷ lệ tăng trưởng 18,96%/năm), tiếp đến là cơ khí chế tạo-tự động hóa với mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 15,69%/năm. Ngược lại, hóa nhựa-cao su là ngành có NSLĐ tăng trưởng thấp nhất với tỷ lệ 2,27%/năm (Hình 2).

Hình 2. NSLĐ của ngành công nghiệp trọng điểm tại TP.HCM năm 2019
Nguồn: Báo cáo về hoạt động KH&CN của TP.HCM năm 2020

Đối với các ngành dịch vụ, hoạt động kinh doanh bất động sản và dịch vụ lưu trú, ăn uống là những ngành có NSLĐ cao nhất và đều vượt trên 1 tỷ đồng/người (lần lượt đạt giá trị 1,528 tỷ đồng/người và 1,054 tỷ đồng/người). Trong khi đó, thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo là hai ngành có NSLĐ thấp nhất, chỉ bằng khoảng hơn 20% so với hai ngành trên (lần lượt đạt giá trị 258,36 triệu đồng/người và 384,72 triệu đồng/người). Về mức tăng trưởng NSLĐ trong giai đoạn 2016-2019, dịch vụ lưu trú, ăn uống là ngành có tốc độ tăng trưởng NSLĐ cao nhất (tỷ lệ tăng trưởng 50,41%/năm), tiếp đến là vận tải kho bãi (32,87%/năm) và thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ (25,61%/năm). Ngược lại, thông tin và truyền thông, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ là hai ngành có NSLĐ tăng trưởng thấp nhất (lần lượt đạt tỷ lệ 2,96%/năm và 3,29%/năm) (Hình 3).

Hình 3. NSLĐ của các ngành dịch vụ tại TP.HCM năm 2019
Nguồn: Báo cáo về hoạt động KH&CN của TP.HCM năm 2020

Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành nền tảng quan trọng giúp cải thiện năng suất. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, với những công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi các hệ thống sản xuất toàn cầu, CMCN 4.0 có thể giúp tăng năng suất 30-40%. Trong bối cảnh mới, nâng cao NSLĐ dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ vừa là công cụ, vừa là kim chỉ nam để các DN tạo bước đột phá.

Như Hà

 

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] Báo cáo về hoạt động KH&CN của TP.HCM năm 2020
[2] So sánh khái niệm năng suất lao động và cường độ lao động. https://luatminhkhue.vn/so-sanh-khai-niem-nang-suat-lao-dong-va-cuong-do-lao-dong-.aspx
[3] Nâng cao năng suất lao động dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. https://vjst.vn/vn/tin-tuc/4239/nang-cao-nang-suat-lao-dong-dua-tren-khoa-hoc--cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao.aspx

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập