Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

kết quả thống kê

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với quy mô lớn và tốc độ nhanh trên hầu hết các lĩnh vực, đổi mới sáng tạo là cơ hội để doanh nghiệp cải tiến sản phẩm, dịch vụ, cũng như các quy trình kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp có thể nắm bắt được thời cơ để phát triển và linh hoạt ứng phó với những biến động khó lường trong đời sống, kinh tế và xã hội.

 

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2021

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2021 của WIPO, Việt Nam xếp thứ hạng 44/132 nền kinh tế và đứng thứ 4 trong khối các nước ASEAN. Với những nỗ lực nhằm cải thiện chỉ số ĐMST, có thể thấy thứ hạng của Việt Nam hiện nay đã tăng nhiều so với giai đoạn 2014-2016 (Hình 1).

Hình 1. Xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu của các nước thuộc khối ASEAN giai đoạn 2014-2021
(Nguồn dữ liệu: Global Innovation Index 2014-2021)

Mặc dù đã tăng về thứ hạng nhưng mức độ đầu tư cho ĐMST ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, khi tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển (NC&PT)/GDP được thống kê năm 2019 chỉ đạt khoảng 0,53%.

Khảo sát về hoạt động ĐMST trong khu vực doanh nghiệp năm 2019 của Bộ KH&CN cho thấy, phần lớn doanh nghiệp thực hiện ĐMST thông qua “Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” và “Nâng cấp, chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại”. Các doanh nghiệp chỉ chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động NC&PT (thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực). Bên cạnh đó, có đến 80% doanh nghiệp chưa có hợp tác với đơn vị, tổ chức khác để thực hiện các hoạt động ĐMST.

Năm 2021 cũng là năm đại dịch Covid-19 gây tác động nặng nề tới nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, khiến khoảng 150.000 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Có thể thấy các nhóm chỉ số ĐMST đầu vào và đầu ra trong năm 2021 đều sụt giảm hoặc giữ nguyên thứ hạng so với năm 2020, trừ nhóm chỉ số “Trình độ phát triển của thị trường” có sự gia tăng mạnh mẽ, từ thứ hạng 34 (năm 2020) lên vị trí 22 của trụ cột này. (Hình 2).

Hình 2. Xếp hạng các nhóm chỉ số ĐSMT toàn cầu của Việt Nam giai đoạn 2016-2021
(Nguồn dữ liệu: Global Innovation Index 2016-2021)

 

Về hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp TP.HCM năm 2020

Theo kết quả khảo sát 2.701 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM trong “Báo cáo thường niên về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với các ngành và lĩnh vực trọng điểm của TP.HCM năm 2021”, có 907 doanh nghiệp có thực hiện các hoạt động ĐMST trong năm 2020 (chiếm tỷ lệ 33,6%). Trong đó, chủ yếu các doanh nghiệp thực hiện “Đổi mới về phương pháp quản lý, tổ chức” và “Đổi mới về quy trình sản xuất/cung ứng dịch vụ” (Hình 3). Hoạt động “Đổi mới về sản phẩm, dịch vụ cung ứng” hầu như rất ít doanh nghiệp thực hiện.

Hình 3. Hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp năm 2020 theo nội dung đổi mới
(Nguồn dữ liệu: Báo cáo về hoạt động khoa học và công nghệ của TP.HCM năm 2021)

Hoạt động ĐMST chia theo các ngành kinh tế

Phân chia doanh nghiệp theo các ngành kinh tế thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ (Hình 4), có thể thấy hoạt động ĐMST trong năm 2020 ở các ngành công nghiệp nhìn chung chiếm tỷ lệ cao hơn ngành dịch vụ. Trong đó, 2 ngành công nghiệp trọng yếu có tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện ĐMST năm 2020 cao nhất là “Hóa nhựa – cao su” (chiếm 52,6%) và “Chế biến tinh lương thực, thực phẩm” (chiếm 50,7%); 2 ngành dịch vụ có tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện ĐMST năm 2020 cao nhất là “Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” (chiếm 58,9%) và “Y tế” (chiếm 52,2%). Lĩnh vực “Thông tin và truyền thông”, với tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST chỉ chiếm 18%, ở vị trí thấp nhất trong các ngành.

Hình 4. Hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp năm 2020 theo các ngành kinh tế chính
(Nguồn dữ liệu: Báo cáo về hoạt động khoa học và công nghệ của TP.HCM năm 2021)

Xem xét cụ thể các doanh nghiệp có hoạt động ĐSMT theo các ngành kinh tế cấp 2 (Hình 5), ngoài các ngành chiếm tỷ lệ cao đã nêu ở trên, còn có sự góp mặt của một số lĩnh vực như “Sản xuất thiết bị điện” (47,1%), “Bán lẻ” (41,7%), “Sản xuất đồ uống” (40%). Bên cạnh đó, cũng có thể thấy một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện ĐMST khá thấp như “Dịch vụ ăn uống” (16,4%), “Vận tải đường sắt, đường bộ và vận tải đường ống” (16,9%), “Quảng cáo và nghiên cứu thị trường” (20%).

Hình 5. Hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp năm 2020 theo chi tiết ngành kinh tế cấp 2
(Nguồn dữ liệu: Báo cáo về hoạt động khoa học và công nghệ của TP.HCM năm 2021)

Hoạt động ĐMST chia theo loại hình doanh nghiệp

Theo 3 loại hình doanh nghiệp (Hình 6), mặc dù lượng mẫu khảo sát thấp nhưng tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước có hoạt động ĐMST năm 2020 lại chiếm cao nhất với 58,2%, tiếp đến là doanh nghiệp FDI (40,7%) và cuối cùng là doanh nghiệp ngoài nhà nước (30,8%).

Hình 6. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST trong năm 2020 theo loại hình doanh nghiệp
(Nguồn dữ liệu: Báo cáo về hoạt động khoa học và công nghệ của TP.HCM năm 2021)

Hoạt động ĐMST chia theo quy mô doanh nghiệp

Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST trong năm 2020 tăng dần theo quy mô doanh nghiệp (Hình 7). Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp lớn có hoạt động ĐMST là 58,6%, doanh nghiệp vừa là 45,3%, doanh nghiệp nhỏ là 28,4% và doanh nghiệp siêu nhỏ là 9,7%.

Hình 7. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST trong năm 2020 theo quy mô doanh nghiệp
(Nguồn dữ liệu: Báo cáo về hoạt động khoa học và công nghệ của TP.HCM năm 2021)

Về hiệu quả của hoạt động ĐMST giai đoạn 2016-2020, các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động ĐMST có mức tăng trung bình doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 2,4% và 1,8%. Riêng năm 2020, mức tăng trung bình của doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 2,8% và 2,2%. Qua đó, có thể thấy chính sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh sau quá trình thực hiện ĐMST sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và dễ dàng thích nghi với những thay đổi của xã hội và sự biến động của nền kinh tế.

Duy Sang

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] Bộ KH&CN. (2021). Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2020. NXB Khoa học và Kỹ thuật.
[2] Nguyễn Hải Phong. (2021, December 10). Cập nhật về Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam đến 2021. Retrieved from Cục Sở hữu trí tuệ: https://www.ipvietnam.gov.vn/wipo-tisc/-/asset_publisher/cJxYn3niVhqg/content/cap-nhat-ve-chi-so-oi-moi-sang-tao-toan-cau-gii-cua-viet-nam-en-2021?inheritRedirect=false
[3] Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. (2021, December 22). Đổi mới sáng tạo: Để chính sách “ngấm” vào doanh nghiệp. Retrieved from Bộ Khoa học và Công nghệ: https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/21531/doi-moi-sang-tao--de-chinh-sach-ngam-vao-doanh-nghiep.aspx
[4] Sở KH&CN TP.HCM. (2021). Báo cáo thường niên về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với các ngành và lĩnh vực trọng điểm của TP.HCM năm 2021. Sở KH&CN TP.HCM.
[5] WIPO. (2021). Global Innovation Index 2021. WIPO.

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập