Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

kết quả thống kê

Phần 2: Đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích

Giải pháp hữu ích (GPHI) là giải pháp kĩ thuật mới so với trình độ kĩ thuật trên thế giới, được tạo ra bởi quá trình lao động trí óc, có thể nhận biết một cách rõ ràng với các giải pháp được biết đến trước đó và có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Giải pháp được xem là mới nếu nó chưa được bộc lộ công khai trên thế giới dưới bất cứ hình thức nào, đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được.

 

Theo khoản 2 Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019, GPHI được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền GPHI nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện về tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp. Sự khác nhau cơ bản giữa GPHI và sáng chế là sáng chế phải thỏa mãn điều kiện về trình độ sáng tạo, trong khi GPHI không chú trọng điều kiện này.

Theo báo cáo thường niên hoạt động SHTT năm 2020, trong giai đoạn 2010-2020, có 4.800 đơn đăng ký bảo hộ GPHI và 1.743 bằng độc quyền GPHI đã được cấp tại Việt Nam. Số đơn đăng ký biến động qua các năm nhưng nhìn chung có xu hướng tăng. Số bằng độc quyền GPHI đã cấp tăng trong giai đoạn 2010-2018, trong đó 2018 chứng kiến một sự tăng mạnh với 355 bằng, tăng 143% so với năm 2017, nhưng sau đó giảm cho đến năm 2020. Tỉ lệ được cấp bằng độc quyền GPHI tại Việt Nam trong giai đoạn 2010-2020 đạt 36,3% và cũng có xu hướng tăng, đáng chú ý, con số này trong năm 2018 là 63,7% (Hình 1).

Hình 1. Tình hình đăng ký bảo hộ và cấp bằng độc quyền GPHI tại Việt Nam giai đoạn 2010-2020

Xét theo người nộp đơn, 67,5% đơn đăng ký bảo hộ GPHI là của người nộp đơn Việt Nam với 3.238 đơn, trong khi đó số đơn của người nước ngoài chiếm 32,5% với 1.562 đơn. Phần lớn bằng độc quyền GPHI cũng được cấp cho người Việt Nam, chiếm tỉ lệ 75,7%. Khi xem xét tỉ lệ được cấp bằng độc quyền GPHI thì người nộp đơn Việt Nam có xác suất được cấp bằng thành công cao hơn so với người nước ngoài (người Việt Nam: 40,7%, người nước ngoài: 27,1%) (Hình 2).

Hình 2. Tỉ lệ đơn đăng ký bảo hộ GPHI và bằng độc quyền GPHI đã được cấp theo người nộp đơn giai đoạn 2010-2020

Xét theo thời gian, số đơn đăng ký bảo hộ GPHI của cả người nộp đơn Việt Nam và nước ngoài nhìn chung có xu hướng tăng trong giai đoạn 2010-2020. Tuy nhiên, chỉ năm 2017 có sự sụt giảm nhẹ trong số đơn của người Việt Nam, trong khi đó, số đơn của người nước ngoài có biến động giảm trong các năm 2012, 2013 và 2020 (Hình 3).

Hình 3. Đơn đăng ký bảo hộ GPHI tại Việt Nam theo người nộp đơn giai đoạn 2010-2020

Trong giai đoạn 2010-2017, số lượng bằng độc quyền GPHI đã cấp cho người nộp đơn nước ngoài có biến động, sau đó từ năm 2017-2020, con số này có xu hướng tăng. Đối với người nộp đơn Việt Nam, số bằng độc quyền GPHI được cấp trong giai đoạn 2010-2017 cũng có xu hướng tăng nhưng mức tăng không nhiều. Đến năm 2018, số lượng bằng cấp cho người Việt Nam tăng rất mạnh, gấp gần 2.5 lần so với năm 2017, nhưng sau đó lại giảm vào năm 2019 và 2020 (Hình 4).

Hình 4. Bằng độc quyền GPHI đã được cấp tại Việt Nam theo người nộp đơn giai đoạn 2010-2020

Như Hà

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] Báo cáo thường niên hoạt động SHTT năm 2020.
[2] Giải pháp hữu ích là gì? Khái niệm về giải pháp hữu ích. https://luatminhkhue.vn/giai-phap-huu-ich-la-gi---khai-niem-ve-giai-phap-huu-ich.

 

Xem Phần 1: Tình hình đăng ký bảo hộ SÁNG CHẾ

Xem Phần 3: Tình hình đăng ký bảo hộ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Xem Phần 4: Tình hình đăng ký bảo hộ NHÃN HIỆU

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập