Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Nhiều chương trình, hoạt động đã được thiết kế và triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp - trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là cầu nối quan trọng trong việc chuyển hóa các thành tựu KH&CN vào cuộc sống - tiếp nhận chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Nguồn: www.vista.gov.vn

 

Phát triển cùng Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia

Theo báo cáo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ về kết quả đạt được sau 7 năm triển khai thực hiện “Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020” trên quy mô toàn quốc từ năm 2013-2020, việc đổi mới công nghệ đã giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động (năng suất lao động tại một số doanh nghiệp tăng gấp 5,4 lần) và gia tăng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (tăng khoảng 2,4 lần) so với trước. Bên cạnh đó, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia cũng phát huy tốt hiệu quả: “…huy động được gần 800 tỷ đồng từ doanh nghiệp cho các dự án đang thực hiện thông qua các nhiệm vụ được tài trợ, giúp doanh nghiệp tăng thêm 4.000 tỷ đồng doanh thu, 800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hàng năm sau khi thực hiện đổi mới công nghệ, nộp ngân sách Nhà nước 300 tỷ đồng/năm (lớn hơn kinh phí được ngân sách Nhà nước tài trợ). Gần 50 công nghệ, giải pháp, dây chuyền và thiết bị được đổi mới, cải tiến và ứng dụng trực tiếp tại các doanh nghiệp, mang lại hiệu qủa kinh tế cao”.

Với sự hỗ trợ cả về pháp lý và các nguồn lực cần thiết trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp đã tham gia Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và thành công trong việc đổi mới công nghệ, nâng tầm giá trị doanh nghiệp, tiêu biểu như:

  • Công ty cơ khí Bách Tùng (Bình Dương), hoạt động trong lĩnh vực gia công chi tiết và các thiết bị phụ trợ cho ngành công nghiệp, với yêu cầu phải sản xuất số lượng lớn, giá thành thấp, ổn định về chất lượng và đáp ứng được thời gian giao hàng. Sau khi tham gia và nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, doanh nghiệp đã đầu tư các máy móc hiện đại hơn, tự động hóa các dây chuyền và phương thức sản xuất. Kết quả sau thời gian đổi mới công nghệ, doanh nghiệp đã rút ngắn được 1/3 thời gian sản xuất, giảm được 50% nhân công vận hành, giảm 5 lần chi phí nhân công đối với mỗi sản phẩm, năng suất lao động tăng gần 5 lần so với công nghệ cũ.
  • Công ty TNHH Việt Nông (Đồng Nai), chuyên về nghiên cứu hạt giống rau màu. Việt Nông thường mất trung bình 5 năm mới tạo ra được một cặp lai triển vọng và mất từ 2-3 tháng để có thể đánh giá được sự đồng đều và chất lượng sản phẩm trồng ngoài ruộng so với nhu cầu thị trường. Sau khi áp dụng công nghệ mới, doanh nghiệp đã rút ngắn được thời gian lai tạo xuống còn 3 năm, chỉ mất 48 tiếng để đánh giá chất lượng sản phẩm ngoài thực địa, giảm được 20%-30% giá thành sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã chọn, tạo thành công 12 giống rau điển hình đạt chuẩn quốc gia từ hơn 3.000 giống cây rau màu của Việt Nam, khu vực và thế giới. Kết quả tham gia dự án đã đóng góp cho tăng trưởng doanh nghiệp ước khoảng 10%/năm.
  • Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (An Giang), hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và thủy sản. Với sự hỗ trợ từ chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, từ năm 2018, doanh nghiệp đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất dầu ăn chất lượng cao từ mỡ cá tra, quy trình công nghệ sản xuất bột nêm từ phụ phẩm cá tra và hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất thức ăn chăn nuôi từ bột cá. Nhờ có đổi mới công nghệ, doanh thu sản phẩm dầu ăn từ phụ phẩm cá tra của doanh nghiệp đã tăng gần 2,9 lần, doanh thu bột cá tăng hơn 57% so với các năm trước. Qua đó, giúp cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp cũng tăng đến 32%.

Có thể thấy, việc đổi mới công nghệ là nền tảng để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, chủ động thích ứng với nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện.

Một số thách thức đặt ra sau thời gian thực hiện Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã được đề cập tại trong Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ”, tổ chức ngày 25/3/2022 tại TP.HCM do Bộ KH&CN phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Trong đó, vấn đề chủ yếu là các hỗ trợ hiện nay của Nhà nước chưa đáp ứng kịp với nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp còn gặp khó trong việc tiếp cận thông tin về công nghệ, các chương trình hỗ trợ của nhà nước; chưa có nhiều ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ chuyển giao, đổi mới công nghệ, chưa có nhiều hỗ trợ về tài chính để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ (cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ lãi suất vay); chưa có hướng dẫn và tạo điều kiện để doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển KH&CN,…

Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ”
(Nguồn: khoahocphattrien.vn)

Mặt khác, để đổi mới công nghệ, ngoài việc mua, cải tiến các công nghệ/sản phẩm hiện có, doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ từ các đề tài nghiên cứu, nhưng việc này thường khá khó khăn. Nguyên nhân là để chuyển kết quả nghiên cứu thành sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh cho người dùng cuối (ví dụ như pin, điện thoại hay các loại thiết bị khác…), cần phải trải qua rất nhiều bước triển khai, mà bản thân nhà nghiên cứu không thể tự mình giải quyết. Do vậy, trong nhiều trường hợp, sản phẩm của nhà nghiên cứu, nếu không có sự đồng hành của doanh nghiệp, thì kết quả chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng (và chứng thực qua công bố quốc tế), mà chưa tạo ra được công nghệ hoàn chỉnh để áp dụng vào thực tiễn.

Từ kết quả nghiên cứu thành công nghệ, đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều bước
(Nguồn: khoahocphattrien.vn)

Những thách thức trên đã tạo ra các kiến nghị của khu vực doanh nghiệp: cần ưu đãi đối với sản phẩm từ chuyển giao, đổi mới công nghệ; có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ, tăng cường nhập khẩu công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận các công nghệ tiên tiến; đặt hàng các trường, viện nghiên cứu giải mã công nghệ;… nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong việc đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Những ý kiến này chính là những gợi ý để Bộ KH&CN hoàn thiện cơ chế, pháp lý cho hoạt động đổi mới công nghệ, nhằm đạt được các mục tiêu trong “Chương trình Tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030”[*] (thuộc Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 1851/QĐ-TTg, ban hành ngày 27/12/2018, của Thủ tướng Chính phủ) và “Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030” theo Quyết định số 118/QĐ-TTg, ban hành ngày 25/01/2021, của Thủ tướng Chính phủ.

[*] Mục tiêu "Chương trình Tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030": hỗ trợ kết nối chuyển giao 100 công nghệ; 30 công nghệ tiên tiến được giải mã, làm chủ phục vụ tạo ra một số sản phẩm chủ lực, trọng điểm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường; xây dựng được mạng lưới 400 đối tác công nghệ trong nước và quốc tế, 8.000 hồ sơ công nghệ tiên tiến của nước ngoài phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Mục tiêu: số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15-20%/năm; năng suất lao động của doanh nghiệp sau đổi mới công nghệ tăng ít nhất 1,5-2 lần khi chưa đổi mới công nghệ.

 

Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Kết quả hoạt động đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố được chỉ ra trong “Báo cáo thường niên về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với các ngành và lĩnh vực trọng điểm của TP.HCM năm 2021”, thông qua khảo sát doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, trong năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp TP.HCM có hoạt động nghiên cứu cải tiến máy móc, thiết bị và đổi mới công nghệ là 43%, tăng gần gấp đôi so với mức 23% năm 2019. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ là 17%, hoạt động cải tiến máy móc, thiết bị và công nghệ là 12%. Tỷ lệ chi tiêu KH&CN trên lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 8,7% và 10,6%, tăng gấp đôi so với năm 2019. Có thể thấy, các doanh nghiệp đang ngày càng chú trọng đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, cải tiến máy móc, thiết bị và đổi mới công nghệ.

Để giúp các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số; hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số nhằm góp phần thúc đẩy triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số của Thành phố, cuối tháng 02/2022, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã ban hành kế hoạch phát triển các Trung tâm đổi mới công nghệ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đặt mục tiêu hình thành và phát triển ít nhất 2 Trung tâm Đổi mới công nghệ để phục vụ quá trình chuyển đổi số, với 4 nội dung hỗ trợ chính từ các Sở ban ngành:

1. Hỗ trợ nâng cao năng lực cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển giao công nghệ.

2. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức, trung tâm, doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, hình thành mạng lưới hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số.

3. Hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.

4. Hỗ trợ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, quảng bá sản phẩm, kết nối cung - cầu công nghệ.

Thực hiện chủ trương của Thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua các hoạt động tư vấn, kết nối và chuyển giao công nghệ, để đáp ứng yêu cầu giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong năm 2021, Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (techport.vn) đã tổ chức nhiều mô hình hoạt động, đa dạng hóa các sự kiện, hội thảo phục vụ công tác hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN trên nền tảng công nghệ số. Nội dung các sự kiện, hội thảo giới thiệu giải pháp công nghệ sẵn sàng chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn đã được ghi hình, biên tập hoàn chỉnh thành các video công nghệ và phổ biến rộng rãi trên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Qua đó, thông tin công nghệ có thể lan tỏa đến rộng rãi nhiều đối tượng; các khách hàng tiềm năng có thêm cơ hội tìm hiểu, tiếp cận và kết nối với các nhà cung ứng công nghệ thích hợp.

Đặc biệt, xuất phát từ hội thảo “Giải pháp chiết xuất tinh dầu bằng thiết bị chưng cất tinh dầu đa nguyên liệu”, được tổ chức tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM trong năm 2021, đến nay, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy Mộc Việt (đơn vị cung ứng công nghệ) liên tục nhận được các đơn đặt hàng và hướng dẫn quy trình vận hành thiết bị chưng cất tinh dầu từ nguồn nguyên liệu là phụ phẩm trong nông nghiệp (vỏ bưởi, vỏ cam,…). Ngoài ra, dự kiến trong quý 2/2022, doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng cung cấp các thiết bị chưng cất tinh dầu quy mô nhỏ cho các trường cao đẳng và đại học ở một số tỉnh khu vực miền Trung để xúc tiến hợp tác thương mại hóa cho sản phẩm đầu ra ngay tại nơi sản xuất.

Đại diện Công ty Thủy Mộc Việt hướng dẫn thao tác vận hành thiết bị chuyển giao cho HTX Bưởi da xanh Tân An
(Nguồn: techport.vn)

Với gần 700 yêu cầu cung cấp thông tin công nghệ cho doanh nghiệp thông qua các sự kiện tại Sàn GDCN TP.HCM trong năm 2021, trong đó có 15 hợp đồng, 29 biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ đã được ký kết, cho thấy nhu cầu nâng cấp, đổi mới công nghệ, đổi mới máy móc thiết bị của doanh nghiệp hiện nay đang còn rất lớn.

***

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức cạnh tranh toàn cầu, trong đó, khách hàng ngày càng muốn trải nghiệm sản phẩm mới, khiến vòng đời sản phẩm càng ngắn dần, từ 5-7 năm, xuống chỉ còn 2-3 năm. Mặt khác, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, càng yêu cầu phải có sản phẩm tốt và sáng tạo để có thể đứng vững trên thị trường. Do đó, hoạt động đổi mới công nghệ ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển, giúp doanh nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất chất lượng và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Duy Sang

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ. Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 - Giai đoạn mới mục tiêu mới. https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/20489/chuong-trinh-doi-moi-cong-nghe-quoc-gia-den-nam-2030---giai-doan-moi-muc-tieu-moi.aspx
[2] Hòa Bình. 33 doanh nghiệp lữ hành nước ngoài hiến kế dùng công nghệ để phục hồi du lịch TP.HCM. https://viettimes.vn/33-doanh-nghiep-lu-hanh-nuoc-ngoai-hien-ke-dung-cong-nghe-de-phuc-hoi-du-lich-tp-hcm-post155606.html#google_vignette
[3] Hoàng Giang. Đổi mới công nghệ - ‘sống còn’ của doanh nghiệp. https://baochinhphu.vn/doi-moi-cong-nghe-song-con-cua-doanh-nghiep-102220409091140746.htm
[4] Kiều Anh. Nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. https://khoahocphattrien.vn/thoi-su-trong-nuoc/nhieu-chuong-trinh-hoat-dong-ho-tro-doanh-nghiep-doi-moi-cong-nghe/20220325035859784p882c918.htm
[5] Sở KH&CN TP.HCM. Báo cáo thường niên về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với các ngành và lĩnh vực trọng điểm của TP.HCM năm 2021. Sở KH&CN TP.HCM.
[6] Thanh Nhàn. Chuyển giao công nghệ: Giải pháp nằm ở cơ chế? https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/chuyen-giao-cong-nghe-giai-phap-nam-o-co-che-ky-cuoi/20220414125736381p1c785.htm
[7] Vân Minh. TPHCM phát triển các Trung tâm đổi mới công nghệ giai đoạn 2021-2025. https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-phat-trien-cac-trung-tam-doi-moi-cong-nghe-giai-doan-2021-2025-1491891054

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập