Sản xuất, canh tác hữu cơ đang là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp thế giới. Không đứng ngoài cuộc, Việt Nam cũng từng bước đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo nguồn sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của người tiêu dùng nội địa, cũng như xuất khẩu.
Đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm cho con người, nông nghiệp hữu cơ dần trở thành xu thế của toàn thế giới. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là sản xuất theo các nguyên tắc được Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM - International Federation of Organic Agriculture Movements) quy định, nhằm đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất, đảm bảo cân bằng hệ sinh thái. Phương pháp này không cho phép sử dụng các loại hoá chất độc hại, như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ cũng như các loại phân hoá học. Canh tác nông nghiệp hữu cơ dựa tối đa vào việc quay vòng mùa vụ, tái sử dụng các phế, phụ phẩm sau thu hoạch, phân động vật và việc canh tác cơ giới để duy trì năng suất đất, cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, kiểm soát cỏ dại, côn trùng và các loại sâu bệnh khác.
Khái quát về tình hình canh tác hữu cơ
Trong những năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã bước vào cuộc cách mạng nông nghiệp hữu cơ, với những bước tiến vượt trội. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FIBL) và IFOAM cho thấy, năm 2021 có hơn 71 triệu ha canh tác hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác, hơn 186 quốc gia phát triển các dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Một số nơi có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh như Hoa Kỳ, Úc và Liên minh châu Âu (EU),… Trong đó, Úc là nước có diện tích nông nghiệp hữu cơ lớn nhất (hơn 35 triệu ha). Quốc gia này nổi tiếng với các trang trại nuôi bò, heo, trồng nho hữu cơ quy mô lớn, mô hình giáo dục nuôi trồng thủy sản,… Nông dân được hướng dẫn tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, sử dụng phụ phẩm hữu cơ của ngành này làm đầu vào cho ngành khác. Mỗi vùng nuôi, trồng đều có phiên chợ cuối tuần, để đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng hoặc trưng bày và bán tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng,… nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Ngoài ra, người ta còn tổ chức những chuyến tham quan các trang trại của nông dân làm hữu cơ để trải nghiệm công việc làm vườn, cũng như thưởng thức các sản phẩm ngay tại trang trại. Chính vì vậy, sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ nhiều hơn, với giá cả ổn định hơn.
Ở Việt Nam, việc canh tác hữu cơ cũng đã có những cơ sở ứng dụng từ lâu, nhưng do các cơ chế chính sách và việc đầu tư quảng bá xúc tiến thương mại, khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất hữu cơ còn hạn chế, nên nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Diện tích nông nghiệp hữu cơ còn khá khiêm tốn, tập trung ở một số tỉnh, thành phố như: Lâm Đồng, Bến Tre, TP.HCM, Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Thuận,…
Nông nghiệp hữu cơ là hướng đi lâu dài, bền vững. (Nguồn: baochinhphu.vn)
Nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn: (1) Chưa có quy hoạch về sản xuất hữu cơ, chưa có các cơ chế chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ, mà lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác như chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng,…; (2) Tại Việt Nam, chưa có nhiều tổ chức kiểm tra chứng nhận sản xuất hữu cơ, phần lớn việc chứng nhận hữu cơ phải thuê các tổ chức nước ngoài, nên chi phí cao, khó thực hiện, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ hoặc các hộ dân; (3) Quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các tài liệu đào tạo, tập huấn còn hạn chế; (4) Người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác; (5) Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nên chi phí đầu tư cao sẽ khó có thể sản xuất quy mô lớn; (6) Nguồn nhân lực tinh thông trong lĩnh vực này còn quá ít so với nhu cầu; (7) Chưa xây dựng các chương trình trọng điểm và đầu tư nguồn lực tương xứng để tạo đột phá nông nghiệp hữu cơ.
Dù phải đương đầu với khá nhiều thách thức, nhưng với sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp và nông dân, Việt Nam đã được đưa vào danh sách các quốc gia tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, nhiều sản phẩm hữu cơ đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới như: Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Singapore, Nga,… Một số sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến là gạo Hoa sữa của Công ty Viễn Phú Organic & Healthy Food (Cà Mau), lúa gạo Tâm Việt của anh Võ Văn Tiếng (Đồng Tháp),…
Khởi nghiệp bằng nông nghiệp hữu cơ
Nhận thấy tiềm năng, lợi ích và nhu cầu to lớn của thị trường nông sản hữu cơ, nhiều mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực này đã ra đời và ghi nhận những thành công ban đầu. Một cái tên có thể kể đến là thương hiệu Organica của chị Phạm Phương Thảo (TP.HCM). Khởi đầu vào năm 2013, với một cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3, TP.HCM), Organica đã đầu tư một trang trại hữu cơ tại Long Thành, Đồng Nai. Trái ngọt đã được gặt hái vào cuối năm 2015, khi trang trại đạt chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Liên minh châu Âu (EU), sau nhiều đợt kiểm tra nghiêm ngặt. Vào thời điểm đó, đây là nông trại hữu cơ đầu tiên có chứng nhận hữu cơ quốc tế tại Việt Nam. Đến nay, Organica đã có 8 cửa hàng tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội với hơn 10 trang trại, gồm đầu tư trực tiếp và liên kết, canh tác rau, củ, quả có chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ và châu Âu.
Một mô hình nông nghiệp hữu cơ khác có thể nhắc đến tại TP.HCM là mô hình trồng rau hữu cơ Nhất Thống (Ấp 4, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè). Mô hình được đầu tư sản xuất vào đầu năm 2017, trên vùng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng. Đến nay, mô hình với hệ thống nhà màng có diện tích trên 12 ha, áp dụng kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ của Châu Âu và Hoa Kỳ, sử dụng các nguyên liệu hữu cơ như phân gà của Y (được Viện nghiên cứu Vật liệu hữu cơ Hoa Kỳ (OMRI) chứng nhận), xơ dừa và trùn quế. Đầu tư hệ thống sơ chế sau thu hoạch với quy trình chặt chẽ, mô hình cho phép đưa ra thị trường các sản phẩm sạch và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Trang trại đã đạt chứng nhận hữu cơ USDA, EU và JAS cho các nhóm rau củ quả, trái cây liên tục từ năm 2017 đến nay. Từ tháng 10/2019, nhóm sản phẩm trứng (gà, vịt) đã đạt chứng nhận hữu cơ EU. Bên cạnh việc canh tác, sản xuất các nông sản hữu cơ, trang trại còn kết hợp dịch vụ tham quan, trải nghiệm cho học sinh và các gia đình đến vui chơi.
Organica được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế. (Nguồn: tienphong.vn)
Univers Farm Organics là một trang trại điển hình trong xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ tại vùng đất Lâm Đồng, với sản phẩm được dán nhãn “100% organic”. Trang trại đầu tư 14 ha đất canh tác hữu cơ và quy trình chế biến rau củ hữu cơ theo các tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm hữu cơ và chất xơ. Các tiêu chuẩn này bao quát toàn bộ quy trình sản xuất và sản phẩm, từ lúc ở nông trại đến bàn ăn của người tiêu dùng, gồm chất lượng đất trồng, nước tưới, kiểm soát sâu bệnh, tập quán côn trùng,...
Sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp sạch
Yêu cầu quan trọng của sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không được phép sử dụng các loại hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân bón hóa học mà cần các biện pháp cải tạo đất an toàn. Một trong những lựa chọn tối ưu cho người dân là bón phân hữu cơ, nguồn thực phẩm cần thiết cho hoạt động của vi sinh đất và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng. Việt Nam có tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn do có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là phế, phụ phẩm trong nông nghiệp. Tuy nhiên, nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp phần lớn thường bị đốt bỏ, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm phân bón hữu cơ khá hiệu quả.
Để sản phẩm được dán nhãn “100% organic”: - Tất cả các thành phần phải là hữu cơ (trừ muối và nước); - Tất cả các phương pháp sản xuất và chế biến phải là hữu cơ; - Nhãn sản phẩm phải ghi rõ tên cơ quan chứng nhận trên phần thông tin sản phẩm; - Có con dấu hoặc xác nhận hữu cơ của USDA. Nguồn: www.usda.gov |
Một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Công nghệ TP.HCM đã phát triển thành công giải pháp sinh học toàn diện, tạo ra bộ sản phẩm men ủ phân hữu cơ, phân bón lên men dạng lỏng, góp phần phát triển nông nghiệp sạch, không hóa chất. Quy trình sản xuất gồm xử lý và ủ trộn phế phụ phẩm nông nghiệp trong 30-45 ngày. Sản phẩm tạo ra dạng mùn hữu cơ có thể sử dụng để bón cho đất (bón gốc, bón lót); men vi sinh có khả năng lên men rất mạnh (1 lít sản phẩm có thể sử dụng được cho 1 tấn nguyên liệu). Đối với phân bón lên men dạng lỏng, sản phẩm được chiết xuất từ các loại cá biển bằng công nghệ lên men tiên tiến nhiệt độ thấp, cho phép bảo vệ các vitamine, acid amine, enzyme và các hormone tăng trưởng. Do không sử dụng bất cứ phụ gia hoá chất nào, nên sản phẩm hoàn toàn thân thiện với môi trường, không gây độc hại cho người sử dụng, không tạo tồn dư hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp. Các thành phần dinh dưỡng và đa vi lượng ở dạng dung dịch được cây hấp thụ trực tiếp qua lá và rễ, giúp tăng khả năng quang hợp, kích thích cây ra hoa nhiều và đồng đều, tỉ lệ đậu quả cao. Kết quả thực nghiệm cho thấy, phân bón lên men dạng lỏng giúp lúa tăng năng suất 15%, thu hoạch sớm 10 ngày; mía đạt độ đường cao hơn 2%, thu hoạch sớm hơn 15 ngày; dưa hấu cho năng suất cao hơn 10-15%, độ ngọt tăng 2-5% so với các ruộng không dùng sản phẩm lên men dạng lỏng.
Sử dụng các loại phân bón hữu cơ cho cây trồng. (Nguồn: techport.vn)
Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học và Môi trường (Đại học Nông lâm TP.HCM) đóng góp bằng quy trình sản xuất enzyme protease thủy phân phụ phẩm cá tra và cá basa để sản xuất phân bón hữu cơ và thức ăn chăn nuôi. Để sản xuất enzyme protease, nhóm nghiên cứu đã sử dụng Bacillus Subtilis một loài trực khuẩn hiếu khí có khả năng sinh protease cao, độ ổn định đồng đều. Bacillus Subtilis có thể phát triển nhanh, khả năng sinh bào tử và chịu nhiệt đều tốt hơn một số chủng vi khuẩn khác.
Theo quy trình, sau khi nuôi cấy vi khuẩn trong thành phần bột cám gạo, đậu nành với thời gian ủ tối ưu 60 giờ, độ pH 8.4,… sẽ thu được enzyme protease thô. Sau đó, sản phẩm được tinh sạch, sấy và bảo quản ở nhiệt độ lạnh. Enzyme sạch đươc dùng để thủy phân các phụ phẩm cá tra, cá basa (đầu, xương) hoặc các loại cá khác, sau khi được xay nhỏ. Sản phẩm sau thủy phân (chủ yếu là dịch cá thủy phân) có thể dùng để phối trộn với các thành phần dinh dưỡng khác làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, hoặc làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Sản phẩm dịch cá sau thủy phân dùng bón cho cà chua, dưa leo, cải ngọt cho năng suất cao hơn trên 20% so với đối chứng.
Một sản phẩm khác là phân bón hữu cơ vi sinh từ giá thể mùn dừa đã qua sử dụng của Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM. Khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh bổ sung vào giá thể trồng (tỷ lệ 60% giá thể và 40% phân hữu cơ vi sinh) năng suất và chất lượng của cây trồng (rau cải bẹ xanh, dưa lưới,...) được nâng lên cao hơn so với khi sử dụng giá thể mùn dừa trơ.
Phân bón hữu cơ từ mùn dừa. (Nguồn: vista.gov.vn)
Với lợi thế nguồn nguyên liệu phế, phụ phẩm nông nghiệp dồi dào cũng như công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ đa dạng, sẵn sàng chuyển giao từ những doanh nghiệp, viện nghiên cứu uy tín, việc người dân tiếp cận đến phân bón hữu cơ không còn là vấn đề quá khó khăn. Tuy nhiên, do thói quen sử dụng phân hóa học truyền thống (có tác động nhanh đến quá trình sinh trưởng của cây trồng) còn cao, nên tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay vẫn còn thấp. Đây là thói quen cần phải nhanh chóng thay đổi, do sử dụng hóa chất có khả năng gây hại cho sức khỏe của con người và ô nhiễm môi trường. Mặt khác, tồn dư hóa chất trong nông sản thực phẩm cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nông sản, thực phẩm Việt Nam khó có thể xâm nhập các thị trường khó tính.
Có thể nói, sản xuất nông nghiệp hữu cơ không bao giờ là dễ dàng, nhưng đây là hướng đi đúng đắn để tạo ra nguồn nông sản sạch, an toàn, vì sức khỏe cộng đồng và nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đáp ứng hội nhập quốc tế.
Như Hà
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Châu Tấn Phát. Nông nghiệp hữu cơ: Thực trạng và một số hướng phát triển tại Việt Nam. http://tapchimattran.vn/kinh-te/nong-nghiep-huu-co-thuc-trang-va-mot-so-huong-phat-trien-tai-viet-nam-43780.html
[2] Nông nghiệp hữu cơ: Xu hướng của thời đại mới. https://phanbonquocgia.gov.vn/nong-nghiep-huu-co-xu-huong-cua-thoi-dai-moi/
[3] Các nước trên thế giới đang phát triển nông nghiệp hữu cơ như thế nào? https://sfarm.vn/cac-nuoc-tren-the-gioi-dang-phat-trien-nong-nghiep-huu-co-nhu-the-nao/
[4] Những mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam? https://sfarm.vn/nhung-mo-hinh-khoi-nghiep-tu-nong-nghiep-huu-co-tai-viet-nam/
[5] Kỳ 2: Những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong thực tế. https://dangcongsan.vn/kinh-te/ky-2-nhung-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-trong-thuc-te-587275.html
[6] Kiều Anh. Phát triển nông nghiệp sạch bằng phân bón hữu cơ. http://techport.vn/72/phat-trien-nong-nghiep-sach-bang-phan-bon-huu-co-102217.html?fbclid=IwAR2hCRslwgFq7eT3g0ONDc0c87Yl3Sh0QGAOXAo8BvBc5IzVRVMCJVjApMM