Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giúp phòng trừ sâu bệnh gây hại, tăng năng suất cây trồng và bảo quản nông sản. Tuy nhiên, việc lạm dụng, không tuân thủ kỹ thuật sử dụng, nhất là các loại thuốc BVTV hóa học, sẽ gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng thuốc BVTV sinh học là giải pháp cần đẩy mạnh, nhất là trong xu thế phát triển nông nghiệp bền vững hiện nay.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), hàng năm có đến 40% sản lượng cây trồng toàn cầu bị ảnh hưởng vì dịch hại và sâu bệnh, làm thiệt hại cho kinh tế toàn cầu hơn 220 tỷ USD, trong đó, xâm hại bởi côn trùng (khoảng 10.000 loài côn trùng chân đốt), 30.000 loài cỏ dại, 100.000 loài vi sinh vật (nấm, vi rút, vi khuẩn,...) gây bệnh trên thực vật đã làm thất thoát ít nhất 70 tỷ USD. Nhằm giảm thiểu thiệt hại, nhiều loại thuốc BVTV có nguồn gốc từ sinh học (hay hóa học) đã được sử dụng để phòng trừ các loại sâu, bệnh hại.
Nguồn: camnangcaytrong.com
Thuốc BVTV sinh học: sử dụng thực thể tự nhiên có khả năng kiểm soát dịch hại bằng các cơ chế không độc. Đó có thể là các sinh vật sống (thiên địch) hoặc chế phẩm của chúng (hóa chất thực vật, chế phẩm vi sinh) hoặc hóa chất truyền tin (semiochemical). Với đặc tính tự nhiên, thuốc BVTV sinh học ít độc với con người, tuy nhiên, hiệu lực phòng trừ dịch hại chậm hơn và thời gian bảo vệ ngắn hơn thuốc BVTV hóa học. Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả sử dụng thuốc BVTV sinh học, cần phải áp dụng các công tác phòng bệnh, cũng như kết hợp các tiến bộ KH&CN vào quá trình canh tác.
Thuốc BVTV hóa học: được tổng hợp từ hóa chất, gồm các hoạt chất và phụ gia. Thuốc BVTV hóa học đều là những chất độc hại, nên dễ diệt côn trùng, đáp ứng nhanh với bộc phát dịch hại, thích hợp sử dụng ở các không gian và có thời gian ngắn. Từ thập niên 60, thế giới đã sử dụng rộng rãi thuốc BVTV hóa học cho công cuộc cách mạng nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV hóa học không đúng sẽ gây tồn dư hóa chất trong sản phẩm; hoặc trong quá trình phân hủy, thuốc BVTV hóa học thải các chất độc hại vào không khí, xuống đất và sông ngòi; tích tụ chất độc hại, phá hủy thế cân bằng của sinh vật, hệ sinh thái, gây ra nhiều hệ lụy khôn thường khó hồi phục với môi trường xung quanh, tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.
Thuốc BVTV là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc. Nguồn: Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (số 35/VBHN-VPQH), ngày 10/12/2018. |
Quản lý thuốc BVTV tại Việt Nam
Theo Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng thuốc BVTV hóa học nhiều và khó kiểm soát. Thống kê sơ bộ trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi từ 500-700 triệu USD để nhập các loại hóa chất BVTV. Trong số này, 48% là thuốc diệt cỏ (tương đương 19.000 tấn), còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh (khoảng trên 16.000 tấn).
Để giảm lượng thuốc BVTV hóa học lưu thông trên thị trường, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thực hiện nghiêm các khâu, từ đăng ký, cấp giấy phép khảo nghiệm đến đánh giá kết quả khảo nghiệm; đồng thời, thường xuyên rà soát Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam để tiếp tục xem xét, đề xuất loại bỏ các hoạt chất độc hại, có nguy cơ ảnh hưởng cao đến sức khỏe con người, vật nuôi, môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm.
Về chỉ tiêu chất lượng đối với thuốc BVTV, ngay từ năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quy chuẩn QCVN 01-188:2018/BNNPTNT, quy định cụ thể về các mức giới hạn. Theo đó, hàm lượng hoạt chất tối thiểu của thuốc đăng ký không được nhỏ hơn quy định. Các chỉ tiêu vi sinh vật có trong thuốc BVTV thành phẩm, mật độ vi sinh vật sống phải đăng ký (khi xác định, mật độ trung bình không nhỏ hơn 10 lần mật độ đã đăng ký). Với thuốc BVTV sinh học có nguồn gốc từ thực vật, hàm lượng hoạt chất phải đăng ký (khi xác định, hàm lượng hoạt chất trung bình tuân theo mức sai lệch cho phép quy định cụ thể tại Quy chuẩn). Thuốc BVTV nhập khẩu phải công bố hợp quy, dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy. Với thuốc BVTV sản xuất trong nước, việc công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy, hoặc trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân.
Từ ngày 11/2/2022, Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam, ban hành theo Thông tư số 19/2021/TT-BNNPTNT, ngày 28/12/2021, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bắt đầu có hiệu lực. Thông tư này quy định rõ 1.679 hoạt chất được sử dụng (với 4.071 tên thương phẩm) và 31 hoạt chất thuốc BVTV bị cấm sử dụng tại Việt Nam và xây dựng lộ trình đưa nhiều hoạt chất ra khỏi danh mục được phép sử dụng, đó là:
- Quý 2/2022: các hoạt chất Carbosulfan, Benfuracab.
- Quý 1/2023: nhóm thuốc Dithiocarbamate (Mancozeb, Propined, Zineb, Maneb, Zizam).
- Quý 2/2023: nhóm thuốc trừ cỏ (Atrazine, Acetochlor).
- Quý 4/2023: hoạt chất Chlorothalonil, nhóm thuốc Carbaryl, Propineb, Thiodicarb và nhóm thuốc kháng sinh (Erythromycin, Gentamicin sulfate, Kanamycin sulfate, Oxytetracycline (oxytetracyline hydrochloride), Streptomycin (streptomycin sulfate), Tetramycin).
Việc đưa ra Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam, cùng với Quy chuẩn về sản phẩm thuốc BVTV góp phần quản lý chặt chẽ hơn nguồn gốc cũng như chất lượng thuốc; thúc đẩy việc nghiên cứu, sử dụng thuốc BVTV sinh học để thay thế cho thuốc BVTV hóa học, hướng tới một nền nông nghiệp thân thiện với môi trường.
Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng thuốc BVTV sinh học
Để giảm thiểu tác động xấu của thuốc BVTV hóa học tới môi trường và con người, một trong những xu hướng hiện nay là chọn lọc, tìm kiếm và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường: ít độc đối với người sử dụng, phân hủy nhanh, ít để lại dư lượng trong nông phẩm và môi trường nhằm thay thế các sản phẩm độc hại. Nói rộng hơn, đó là việc chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, từ truyền thống sang nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ - xu thế chung của nhiều nước trên thế giới. Đây cũng chính là cơ hội cho các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học phát huy tác dụng.
Theo xu thế này, thời gian qua, tại Việt Nam, nhiều chế phẩm sinh học giúp phòng trừ sâu, bệnh hoặc dùng để sản xuất phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, chất kích thích tăng trưởng cho cây trồng đã được các chuyên gia trong nước nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn. Có thể kể đến như: chế phẩm sinh học phòng trừ sâu khoang ăn tạp (Spodoptera litura) hại rau, đậu của tác giả Nguyễn Thị Hai (Đại học Công nghệ TP.HCM); chế phẩm sinh học từ Pseudomonas sp. phòng ngừa bệnh héo xanh do vi khuẩn Ralstonia solanacearum gây ra trên cây cà chua của tác giả Trần Hải My (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao); chế phẩm sinh học từ dịch chiết lá cây thầu dầu (Ricinus communis) và lá cây thuốc cá (Deris scandens) ứng dụng trong phòng trừ bọ phấn (Bemisia tabaci) hại cây trồng của tác giả Trần Thu Trang (Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao),…
Để các loại thuốc BVTV nguồn gốc sinh học có thể thâm nhập sâu vào thực tiễn, bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung, còn cần thay đổi cả phương pháp canh tác, từ canh tác truyền thống sang canh tác nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Muốn vậy, phải nâng cao được nhận thức của người nông dân, các đại lý thuốc BVTV về vai trò, lợi ích lâu dài của việc sử dụng các chế phẩm sinh học và thuốc BVTV sinh học để thay đổi các hành vi vốn liên quan chặt chẽ với thói quen canh tác truyền thống lâu nay.
Máy bay không người lái phun thuốc BVTV sinh học tại vùng nguyên liệu lúa. (Nguồn: tuoitre.vn)
Một chương trình theo hướng này đã được Cục Bảo vệ thực vật triển khai, thông qua ký kết chương trình hợp tác “Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học giai đoạn 2021-2025” với 12 doanh nghiệp sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học. Theo đó, đến năm 2025 sẽ xây dựng gần 120 mô hình trình diễn thuốc BVTV trên đồng ruộng cho 9 nhóm cây trồng chủ lực (diện tích từ 200.000-250.000 ha); tập huấn cho hơn 400.000 nông dân, 15.000 đại lý để nâng cao nhận thức cho người nông dân và các đại lý về sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn, hiệu quả; xây dựng hơn 1.300 bể chứa và bể lưu chứa, thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Theo Chương trình này, một số mô hình được triển khai trong thực tiễn đã cho thấy tính hiệu quả, như: mô hình “Sức mạnh sinh học trên lúa” sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học là các Polyphenol (chiết xuất từ than bùn, lá, vỏ thân cây xoài,..) trên diện tích 40.000 ha tại ấp Thới Hòa (xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, Thành phố Cần Thơ) có kết quả ghi nhận ban đầu rất khả quan; mô hình sử dụng thuốc hữu cơ sinh học Amtech 100EW (dịch chiết từ vỏ lụa hạt điều) để trị bệnh trên cây thanh long ruột đỏ tại Long An cho thấy, dù hiệu quả trừ bệnh hại của thuốc sinh học có thấp hơn so với dùng hóa chất, nhưng năng suất, chất lượng trái vẫn đảm bảo, không có dư lượng, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu.
Có thể thấy, thuốc BVTV có vai trò rất quan trọng trong phòng trừ sâu bệnh gây hại, giúp tăng năng suất cây trồng và bảo quản nông sản. Việc hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học và tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học trong canh tác nông nghiệp sẽ giúp hạn chế tồn dư hóa chất trong đất, nước, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra được các sản phẩm an toàn hơn với sức khỏe con người, đáp ứng yêu cầu trong canh tác hữu cơ. Đây cũng là một trong những giải pháp phù hợp nhằm hướng đến nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, hiện thực hóa chủ trương phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “…phát triển nông nghiệp xanh, sạch; nông nghiệp sinh thái, hữu cơ,…”.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật không còn nằm trên giấy.https://nongnghiep.vn/hieu-qua-thuoc-bao-ve-thuc-vat-sinh-hoc-khong-con-nam-tren-giay-d319996.html
[2] Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sao cho hợp lý? https://vnexpress.net/su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-sao-cho-hop-ly-4306497.html
[3] Danh mục cấm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam. https://iqc.com.vn/danh-muc-thuoc-bao-ve-thuc-vat-bi-cam-tai-viet-nam
[4] Quy chuẩn chất lượng thuốc bảo vệ thực vật yêu cầu gì? http://www.quatest3.com.vn/quy-chuan-chat-luong-thuoc-bao-ve-thuc-vat
[5] Thuốc trừ sâu sinh học hướng đến nông nghiệp bền vững. https://vista.gov.vn/vn-uploads/tong-luan/2015/tl6_2015.pdf
[6] “Mê hồn trận” thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp. http://baokiemtoannhanuoc.vn/ van-de-hom-nay/me-hon-tran-thuoc-bao-ve-thuc-vat-dung-trong-nong-nghiep-146042