Đến cuối tháng 4/2022, dù Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng hơn 10,5 triệu ca mắc Covid-19, nhưng tình hình dịch bệnh đã quay đầu giảm mạnh, cả về quy mô và tác hại. Trong kỳ, không chỉ số ca mắc giảm mạnh (hơn 1 triệu, so với hơn 6 triệu bệnh nhân phát sinh trong tháng 3), mà điều đáng mừng nhất, là tỉ lệ tử vong rất thấp. Tại TP.HCM - “tâm điểm” thiệt hại của đợt dịch thứ 4, chỉ tổn thất 5 nhân mạng trong tuần đầu tháng, đến cuối tháng đã không còn thêm bệnh nhân nào thiệt mạng. Kết quả rất tuyệt vời này là hệ quả tất yếu từ việc thực hiện nghiêm túc chiến lược “5K + vaccine”, cùng các nỗ lực tối đa của cả hệ thống chính trị trong các công tác phòng chống dịch và sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ của người dân trên cả nước.
Bệnh dịch lui dần cũng là lúc các hoạt động kinh tế - xã hội cần được gấp rút triển khai để đưa đất nước tái hòa nhập với thế giới. Ở ngành nông nghiệp, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực này của Việt Nam đạt từ 2,8-3%/năm, thuộc nhóm có tốc độ phát triển cao của thế giới. Tuy nhiên, trong ngành nông nghiệp, nhiều quốc gia trên thế giới đã bước vào cuộc cách mạng nông nghiệp hữu cơ, với những bước tiến vượt trội (hơn 71 triệu ha canh tác hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác, hơn 186 quốc gia phát triển các dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ,...). Một số nơi có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh như Mỹ, Úc, nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU),… Việc canh tác hữu cơ tại Việt Nam, mặc dù đã có một số cơ sở ứng dụng khá lâu, nhưng do nhiều nguyên nhân như chưa có các cơ chế chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ; việc đầu tư quảng bá xúc tiến thương mại, khả năng ứng dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất hữu cơ còn hạn chế,… nên vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng.
Từ tháng 12/2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố bộ Tiêu chuẩn ngành 10TCN 602-2006, quy định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chế biến. Tuy nhiên, các quy định trong tiêu chuẩn này, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, là vẫn còn khá chung chung. Đến năm 2017, bộ Tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ (TCVN 11041:2017) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, quy định cụ thể các yêu cầu đối với nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ, từ chăn nuôi hữu cơ, trồng trọt hữu cơ, bao gồm cả việc thu hái tự nhiên (không áp dụng đối với canh tác thủy canh và khí canh) và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; đã tạo ra được căn cứ tham chiếu (chứng nhận) cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong nước.
Tham chiếu các quy chuẩn trong nước cùng các tiêu chuẩn quốc tế về sản phẩm hữu cơ, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất sản phẩm phục vụ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được các nhà nghiên cứu trong nước và tại TP.HCM triển khai hiệu quả vào thực tiễn, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Một số ví dụ có thể kể đến như: mô hình trồng rau hữu cơ Nhất Thống tại huyện Nhà Bè có thể cho lợi nhuận 30% mỗi vụ sản xuất; phân bón lên men dạng lỏng của Trường Đại học Công nghệ TP.HCM giúp nông sản như lúa, dưa hấu tăng năng suất 10-15%, mía đạt độ đường cao hơn; phân hữu cơ vi sinh của Đại học Nông lâm TP.HCM đảm bảo gia tăng năng suất, chất lượng cây trồng,… Nhờ nỗ lực bền bỉ của các doanh nghiệp, các chuyên gia và nông dân, Việt Nam đã bước đầu có chỗ đứng trong danh sách các quốc gia tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang góp phần hữu hiệu vào quá trình hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và có sức cạnh tranh cao; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,… tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2050, nông nghiệp Việt Nam có thể trở thành một trong những nền nông nghiệp hàng đầu thế giới, như tinh thần của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã đề cập.
BBT