Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Báo cáo đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DNKHCN) Việt Nam của Bộ KH&CN cuối năm 2020 cho thấy: cả nước mới có 538 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận DNKHCN. Trong đó, tổng doanh thu năm 2019 của 235 DNKHCN có báo cáo đầy đủ thông tin đạt 2,39 % GDP cả nước. Với ước tính cả nước có trên 3.000 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình DNKHCN, nếu các DNKHCN đều có thực lực, đóng góp vào GDP sẽ không nhỏ.

 

Đôi nét về Doanh nghiệp KH&CN

Khái niệm DNKHCN đã chính thức được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật kể từ năm 2005, với Nghị định 115/2005/NĐ-CP, khi Chính phủ hướng dẫn chuyển đổi các tổ chức KH&CN thành các DNKHCN. Khái niệm này cũng xuất hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan sau đó như Nghị định 80/2007/NĐ-CP, Nghị định 96/2010,... Đến năm 2013, quy định về DNKHCN đã được làm rõ hơn tại Điều 58 Luật KH&CN và gần đây, Chính phủ được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về DNKHCN, ban hành ngày 1/2/2019.

Theo đó, DNKHCN là “doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và thực hiện việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ kết quả KH&CN”. Trong đó, “kết quả KH&CN” (là cơ sở để xem xét cấp Giấy chứng nhận DNKHCN) được thể hiện ở một trong các hình thức như: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng đã được cấp văn bằng bảo hộ (hoặc được công nhận đăng ký quốc tế), chương trình máy tính đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả; giống vật nuôi mới, giống cây trồng mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận; kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về KH&CN; các kết quả KH&CN, công nghệ nhận chuyển giao được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.DNKHCN là đối tượng đang được các cấp chính quyền, từ Trung ương đến địa phương, hỗ trợ mạnh: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% cho 9 năm sau đó), tiền thuê đất, vay vốn tín dụng đầu tư, thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước; tạo điều kiện ưu đãi cho tham gia các hội thảo, triển lãm, kết nối cung - cầu, chợ công nghệ và thiết bị (tăng cường khâu giới thiệu, quảng bá sản phẩm); hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ (nâng cao giá trị thương hiệu),…nhờ vậy, DNKHCN có nhiều điều kiện để tập trung nguồn vốn đầu tư cho KH&CN, cho cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để tạo ra và thương mại hóa các sản phẩm mới có chất lượng và sức cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Ở góc độ bên cầu, khách hàng cũng sẽ yên tâm hơn về chất lượng, do sản phẩm của DNKHCN được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.

Nỗ lực triển khai các hoạt động phát triển thị trường công nghệ và DNKHCN của các cấp chính quyền thời gian qua đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ bước đầu: số DNKHCN trên cả nước ngày càng gia tăng; số DNKHCN được Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (Bộ KH&CN) và Sở KH&CN các tỉnh thành cấp giấy chứng nhận DNKHCN ngày càng nhiều (theo Báo cáo đánh giá tình hình phát triển DNKHCN Việt Nam của Bộ KH&CN cuối năm 2020, cả nước có 538 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận DNKHCN. Trong đó, tổng doanh thu năm 2019 của 235 DNKHCN có báo cáo đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt 2,39 % GDP cả nước).

Số DNKHCN đã được cấp giấy chứng nhận trong cả nước (Nguồn: Tổng hợp)

Nhờ ưu thế là nơi tập trung nhiều viện trường, cơ quan nghiên cứu cùng đội ngũ cán bộ khoa học hàng đầu, có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cung cấp dịch vụ để các DNKH&CN có thể hình thành và phát triển, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM là những nơi có lượng DNKHCN chiểm đa số trong cả nước. Tuy nhiên, theo các thống kê thực tế, số lượng doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận DNKHCN, kể cả ở những địa phương này, vẫn còn khá ít so với tổng số hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình DNKHCN tại Việt Nam.

Số DNKHCN được Sở KH&CN tại 5 thành phố lớn cấp giấy chứng nhận (Nguồn: Tổng hợp)

Tuy môi trường hoạt động đã có nhiều thuận lợi, nhưng các DNKHCN vẫn còn phải đương đầu với khá nhiều rào cản: chính sách hỗ trợ của Nhà nước tập trung chủ yếu cho giai đoạn tạo ra sản phẩm KH&CN, việc hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm mới (vốn cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro) vẫn còn khá hạn chế; cơ sở vật chất cho hoạt động KH&CN của các DNKHCN còn thiếu, do thiếu vốn đầu tư hoặc không thuê được đất để xây dựng mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh; một số sản phẩm KH&CN không mang lại lợi nhuận cao do công nghệ không thật sự nổi trội, hay không có thị trường; việc liên kết với các viện, trường trong việc đầu tư tạo ra kết quả KH&CN mới, sản phẩm mới của một số DNKHCN còn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tận dụng được tiềm năng của kho kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ tại các viện, trường; sản phẩm của các nước tiên tiến xâm nhập mạnh vào thị trường trong nước, khiến cho sản phẩm của DNKHCN bị cạnh tranh gay gắt, bên cạnh việc tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ chưa có giải pháp xử lý triệt để. Ngoài ra, gần đây, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm phát sinh các vấn đề cho doanh nghiệp cả nước nói chung như: thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu hụt nhân công, thị trường tiêu thụ bị hạn chế, doanh thu sụt giảm,… thì DNKHCN cũng ít nhiều chịu tác động.

 

Phát triển DNKHCN: gắn kết Viện, Trường và Doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo "Thúc đẩy khoa học công nghệ cho doanh nghiệp" do Hiệp hội DNKHCN Việt Nam tổ chức ngày 15/5 vừa qua, khi đề cập đến các DNKHCN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: “…Chúng ta không cần phải kỳ vọng về số lượng, mà phải chú trọng vào chất lượng, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế của đất nước”. Đây là một định hướng rất đúng đắn, khi mà trong thực tế “hiện nay có không ít doanh nghiệp thuộc Hiệp hội năng lực còn hạn chế, chưa đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, doanh thu khiêm tốn…”, như chia sẻ của ông Hoàng Đức Thảo (Chủ tịch Hiệp hội DNKHCN Việt Nam).

Cũng trong bối cảnh “tại Việt Nam, hiện nay các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các ý tưởng sáng tạo nhiều nhưng lại chậm đưa ra thị trường, thương mại hóa, chưa tương xứng với tiềm năng”, như đánh giá của Thứ trưởng Trần Văn Tùng, việc thúc đẩy liên kết viện, trường và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ hình thành và phát triển DNKHCN là rất cần thiết. Để làm được việc này, theo các chuyên gia, cần có các cơ chế thích hợp để tạo ra sự gắn kết giữa các viện, trường và doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp nhận kết quả KH&CN mới để hình thành các DNKHCN; thúc đẩy hỗ trợ phát triển mô hình doanh nghiệp spin-off từ các viện, trường để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu do các viện, trường tạo ra.

Ngoài ra, trong điều kiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đã phát triển khá mạnh, việc thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, đã có kinh nghiệm liên kết hỗ trợ với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặt hàng để các doanh nghiệp này cùng tham gia giải quyết bài toán của thị trường để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế là yếu tố rất quan trọng để hội nhập kinh tế quốc tế. Thời gian qua, KH&CN luôn được coi là có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Do vậy, nhiều nội dung liên quan đến hoạt động kết nối KH&CN với khu vực doanh nghiệp và phát triển DNKHCN đã được triển khai mạnh mẽ, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2022: Tháng 2, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM ký kết chương trình hợp tác với Công ty Tư vấn thiết kế cảng và kỹ thuật biển (Portcoast), tạo cơ sở để các giảng viên Khoa Xây dựng và một số khoa khác của Trường đến làm việc tại Portcoast. Theo đó, các giảng viên sẽ đóng góp về mặt chuyên môn khi tham gia các dự án, công trình cảng biển của doanh nghiệp nhằm có thêm kinh nghiệm thực tiễn để phục vụ ngược lại cho công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Hơn thế, “Thông qua sự hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp sẽ thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, tạo ra những ý tưởng, sản phẩm mới cho doanh nghiệp” theo ông Phạm Anh Tuấn (Tổng Giám đốc Portcoast). Đây chính là kỳ vọng của các doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của mình, khi hợp tác với khu vực nghiên cứu. Tháng 3, Câu lạc bộ Doanh nghiệp KH&CN TP.HCM tiến hành đại hội thành lập, quy tụ hơn 60 DNKHCN của TP.HCM để kết nối, liên kết các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng - chuyển giao các thành tựu KH&CN vào sản xuất - kinh doanh,… Ngành KH&CN Thành phố kỳ vọng, với sự ra đời của Câu lạc bộ Doanh nghiệp KH&CN, các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, dành nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, tìm ra những giải pháp đột phá cho Thành phố.

Ban Chấp hành CLB Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ TP.HCM. (Nguồn: vneconomy.vn)

Gần đây, ngày 20/5, Sở KH&CN TP.HCM đã công bố "Chương trình nghiên cứu và định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025". Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, ngành KH&CN của Thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm xây dựng thành phố thông minh, phục vụ chương trình chuyển đổi số,… Các nhiệm vụ KH&CN mà Thành phố hỗ trợ đặt hàng hoặc hỗ trợ thực hiện sẽ giải quyết những vấn đề TP.HCM đang quan tâm, như nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp,... Ở Chương trình này, Thành phố không còn đặt ra chỉ tiêu cụ thể về số lượng phát triển DNKHCN đến cuối kỳ (năm 2025) như Chương trình của giai đoạn trước (2016-2020), mà tập trung vào hiệu quả của các nhiệm vụ KHCN, với yêu cầu tỉ lệ ứng dụng trực tiếp cho doanh nghiệp phải đạt 60%. Theo Lãnh đạo Sở KH&CN TP.HCM, “…nghiên cứu sẽ đi theo hướng ứng dụng nhiều hơn. Ngoài ra, các nhiệm vụ KH&CN sẽ cần kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp.".

Có thể nói, gắn kết chặt chẽ KH&CN với doanh nghiệp sẽ mang lại nhiều thành quả vượt trội. Thực tế đã cho thấy, các DNKHCN Việt Nam với thế mạnh làm chủ công nghệ đã vượt qua nhiều thách thức và phát triển bền vững, ngay cả trong đại dịch Covid-19. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới, khi KH&CN, chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức,… ngày càng đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay, các ý tưởng sáng tạo, các kết quả nghiên cứu trong khu vực viện, trường khá nhiều, nhưng lại chậm được thương mại hóa, chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, cần có các giải pháp thích hợp để phát triển mạnh các DNKHCN. Việc tăng cường rà soát, chọn lọc các giải pháp công nghệ có tiềm năng cao về thị trường tại các viện, trường; đẩy mạnh công tác “ươm tạo” DNKHCN từ vườn ươm của các viện, trường hoặc các cơ sở ươm tạo của Nhà nước; gia tăng liên kết hợp tác giữa các viện, trường và doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về DNKHCN để nắm rõ được các biến động, "sức khỏe" của doanh nghiệp, có các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kịp thời là những việc làm rất cần thiết, được đề cập tại nhiều diễn đàn.

Trong các nỗ lực gắn kết KH&CN với doanh nghiệp để phát triển kinh tế, bên cạnh việc hỗ trợ phát triển DNKHCN về lượng (mục tiêu đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí DNKHCN tăng hai lần so với năm 2020, theo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/5/2022), cần quan tâm hỗ trợ DNKHCN phát triển về chất, đó là các yếu tố liên quan đến giá trị, đầu ra cho sản phẩm, công nghệ mới,… Qua đó, DNKHCN có thêm khả năng cạnh tranh và phát triển; đóng góp được nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của quốc gia.

Tuấn Kiệt

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN. Thúc đẩy phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2021-2025 – từ việc tăng cường mối liên kết giữa viện trường và doanh nghiệp. https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/19068/thuc-day-phat-trien-he-thong-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam-giai-doan-2021-2025--tu-viec-tang-cuong-moi-lien-ket-giu.aspx
[2] Bá Mạnh. Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam chú trọng chất lượng. https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc-su-kien/phat-trien-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam-chu-trong-chat-luong/20210213015734828
[3] Hà An. Giảng viên đến doanh nghiệp nghiên cứu khoa học. https://vnexpress.net/giang-vien-den-doanh-nghiep-nghien-cuu-khoa-hoc-4427990.html
[4] Mộc Minh. Ra mắt CLB Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ TP.HCM. https://vneconomy.vn/ra-mat-clb-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe-tp-hcm.htm
[5] T.Hà. Cần theo dõi 'sức khỏe' các doanh nghiệp khoa học công nghệ. https://congnghe.tuoitre.vn/can-theo-doi-suc-khoe-cac-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-20220515194458266.htm

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập