Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa (RTN), cao hơn mức trung bình của thế giới và nằm trong số 20 quốc gia có lượng RTN nhiều nhất. Trước thực trạng này việc nghiên cứu các giải pháp, công nghệ xử lý hiệu quả RTN là rất cấp thiết, để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như mang lại giá trị kinh tế từ chính RTN.

 

Là những sản phẩm làm bằng nhựa đã qua sử dụng hoặc không được dùng đến (như túi, chai, ly, ống hút, đồ chơi cũ,…), theo các chuyên gia môi trường, RTN có thời gian phân hủy rất lâu trong tự nhiên, có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm (nắp chai nhựa phân hủy sau 100-500 năm, bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm, chai nhựa phân hủy sau 450-1.000 năm,…). Nếu không được xử lý đúng cách, RTN sẽ tác động trực tiếp đến không khí và môi trường, gây tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người. RTN khi đốt sẽ sinh ra chất độc dioxin, furan gây ô nhiễm không khí, có thể gây ngộ độc và làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư,…cho con người. Khi chôn lấp, RTN sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi vào đất, tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, các hạt vi nhựa có thể lẫn vào nguồn nước gây ô nhiễm, từ đó, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của con người.

 

Những con số đáng báo động về RTN

Theo báo cáo của OECD, trong năm 2021, thế giới thải ra 353 triệu tấn RTN. Tuy nhiên, lượng RTN được tái chế chỉ khoảng 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn. Điều đáng lo ngại là vẫn còn 22% RTN chưa được xử lý theo đúng quy định hay rò rỉ ra môi trường tại các bãi rác lộ thiên,... Cũng theo báo cáo của OECD, trong năm 2019, nhựa là nguyên nhân tạo ra 3,4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Hoạt động sản xuất nhựa từ nhiên liệu hóa thạch chiếm đến 90% tải lượng ô nhiễm từ nhựa. Trong các công nghệ mới được tạo ra có liên quan đến nhựa, chỉ 1,2% công nghệ hướng đến giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Xử lý rác thải nhựa là bài toán khó ở nhiều quốc gia (Nguồn: nhandan.vn)

Tại Việt Nam, việc lạm dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả rất nghiêm trọng đối với môi trường. Hàng năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt hơn 25 triệu tấn, trong đó, 8-12% là RTN. Tuy nhiên, cũng chỉ khoảng 11-12% lượng RTN được xử lý, tái chế. Số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, RTN chiếm 50-80% lượng rác thải biển, khiến Việt Nam trở thành nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới (khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng RTN thải ra biển trên toàn thế giới).

Có thể nói, tình hình xả thải RTN không chỉ rất đáng báo động, mà còn đang tạo ra gánh nặng nghiêm trọng cho môi trường.

 

Nghiên cứu công nghệ xử lý, tái chế RTN

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa để giảm bớt lượng RTN thải ra môi trường, các quốc gia trên thế giới đã không ngừng tìm kiếm các giải pháp để xử lý RTN, biến chúng thành nguồn nguyên liệu có ích. Chẳng hạn như Singapore, một trong những quốc gia đầu tiên đã triển khai hệ thống xử lý RTN thành năng lượng sạch bằng công nghệ lò đốt khép kín. Trong quá trình đốt, nhiệt lượng sinh hơi, làm quay turbin và phát ra điện.

Tại Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu xử lý và tái chế RTN, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa mang lại giá trị kinh tế. Có thể kể đến việc nghiên cứu các chế phẩm sinh học xử lý RTN của nhóm chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Các chế phẩm này không chỉ giúp đẩy nhanh phân hủy sinh học một số loại RTN, mà còn tạo ra quá trình ủ phân hữu cơ có đầu ra “giống như được khử trùng”. Theo nhóm nghiên cứu, các chế phẩm được tạo ra trong phòng thí nghiệm hoàn toàn sử dụng nguồn tài nguyên di truyền của thiên nhiên Việt Nam, do vậy sẽ không gặp vấn đề cạn kiệt nguồn nguyên liệu. Các chế phẩm này (đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế số VN 1-0021300, VN 1-0021301, VN 1-0021302) giúp doanh nghiệp lĩnh vực môi trường đẩy nhanh quá trình phân hủy một số loại RTN, sau đó tách lọc ra các hạt nhựa để làm nguyên liệu cho sản xuất đồ nhựa dân dụng.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đang trao đổi với cộng sự về khả năng phân hủy sinh học của các tổ hợp vi sinh vật, tổ hợp nấm mới đối với một số loại túi và ly nhựa (Nguồn: ipvietnam.gov.vn)

Một hướng nghiên cứu khác là tái sử dụng RTN dưới dạng bột, kết hợp với mùn cưa, để sản xuất viên nén đa nguyên liệu. Đây là nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, giúp tận dụng triệt để các chất thải trong sản xuất nông - lâm nghiệp và RTN trong sinh hoạt hằng ngày để tạo ra nguồn năng lượng hữu ích, phục vụ cho sản xuất. Các tác giả đã xây dựng thành công công thức và quy trình sản xuất viên nén phối trộn mùn cưa và bột nhựa từ nylon đựng thực phẩm (tỷ lệ 15% bột nhựa nylon và 85% mùn cưa, độ ẩm của hỗn hợp là 13%), cho hiệu quả thu hồi sản phẩm là 64%, với nhiệt trị đạt 5.631 kcal/kg.

Việc xử lý RTN, bảo vệ môi trường không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học. Một nhóm sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã nghiên cứu biến RTN thành sản phẩm gạch ngói, với tên gọi Pando. Dự án đã giành giải “Sinh viên khởi nghiệp xuất sắc nhất” tại chung kết cuộc thi khởi nghiệp “Startup Wheel 2020”; giải Nhất cuộc thi sáng kiến thanh niên “Trả xanh cho biển” năm 2020 do Quỹ ASEAN tổ chức và Top 10 giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM 2020. Sự kết hợp giữa vật liệu nhựa và cát giúp gạch ngói Pando có trọng lượng nhẹ (giảm được tới 50% trọng lượng so với các sản phẩm gạch ngói khác), dễ ứng dụng vào các công trình nhà có độ dốc thấp và giúp giảm đáng kể vật liệu mái, khung sườn đồng thời tăng tuổi thọ công trình. Các sản phẩm của Pando có khả năng chịu uốn, chịu nén, chịu kéo và độ mài mòn đạt các giá trị cho phép theo các tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN 6477:2011, TCVN 4313:1995). Khi so sánh với các sản phẩm trên thị trường, gạch ngói Pando có các thông số kỹ thuật vượt trội. Dự án đã huy động được hơn 10 tỉ đồng tại Startup Wheel 2020. Đây là bàn đạp để Pando thực hiện định hướng trở thành một công ty tái chế RTN hàng đầu khu vực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm đa dạng làm từ RTN, góp phần cải thiện chất lượng môi trường.

Dự án gạch ngói Pando giành giải "Sinh viên khởi nghiệp xuất sắc nhất" tại Startup Wheel 2020. (Nguồn: svvn.tienphong.vn)

Có thể thấy, RTN là mối nguy hại lớn đối với môi trường, nhưng nếu được xử lý, tái chế đúng cách, nó mang lại các sản phẩm có giá trị kinh tế.

Vấn đề quản lý, xử lý RTN đã chính thức được luật hóa tại Luật Bảo vệ môi trường (hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022), với lộ trình cụ thể: từ ngày 1/1/2026 không sản xuất và nhập khẩu túi nylon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50x50 cm; giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Đến sau ngày 31/12/2030 dừng sản xuất, nhập khẩu túi nylon, bao bì khó phân hủy (trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường). Luật cũng quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc (thông qua việc tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường).

Như vậy, trách nhiệm của nhà sản xuất đã được mở rộng đến cuối vòng đời sản phẩm, khi chúng trở thành rác thải, để giảm thiểu nguy cơ cho cộng đồng và môi trường. Tuy nhiên, nếu thực hiện các công tác xử lý, tái chế RTN đúng cách, sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất.

Như Hà

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] PV. Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. https://tuyengiao.vn/khoa-giao/moi-truong/viet-nam-nam-trong-so-20-quoc-gia-co-luong-rac-thai-lon-nhat-va-cao-hon-muc-trung-binh-cua-the-gioi-136175
[2] OECD: Chỉ 9% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới trong 2021. https://moit.gov.vn/bao-ve-moi-truong/oecd-chi-9-rac-thai-nhua-duoc-tai-che-tren-toan-the-gioi-trong-2021.html
[3] Những cách xử lý rác thải nhựa bảo vệ môi trường. https://aqualife.vn/nhung-cach-xu-ly-rac-thai-nhua-bao-ve-moi-truong/
[4] Thái Thanh. Nhà khoa học Việt chế tạo chế phẩm sinh học xử lý rác thải nhựa. https://www.ipvietnam.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/nha-khoa-hoc-viet-che-tao-che-pham-sinh-hoc-xu-ly-rac-thai-nhua [5] Nghiên cứu xây dựng công thức sản xuất viên nén đa thành phần từ mùn cưa và rác thải nhựa đựng thực phẩm. http://library.cesti.gov.vn/ViewerV3/180093/Bai-trich/Nghien-cuu-xay-dung-cong-thuc-san-xuat-vien-nen-da-thanh-phan-tu-mun-cua-va-rac-thai-nhua-dung-thuc-pham
[6] Khoa Tư. Những sinh viên biến rác thải thành gạch và chiến thắng "Startup Wheel 2020". https://svvn.tienphong.vn/nhung-sinh-vien-bien-rac-thai-thanh-gach-va-chien-thang-startup-wheel-2020-post1290335.tpo

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập