Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Ngày nay, khi nhiều nước đã chuyển sang nền kinh tế tri thức thì hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm và dịch vụ ngày càng lớn và trở thành một yếu tố quyết định tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Do vậy, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) có vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là trong ngành nông nghiệp (Agri-startup), còn chưa chú trọng đến nội dung này, mà hầu như chỉ tập trung vào phát triển và kinh doanh sản phẩm.

Nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang phát triển nhanh, ổn định và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản đều có tốc độ phát triển đáng kể. Theo chia sẻ của Bà Nguyễn Thị Hương (Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2021, trong khi tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế khác đều giảm sâu, thì nông nghiệp vẫn đạt mức 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp xanh ngày càng được quan tâm. Xu hướng khởi nghiệp nông nghiệp (Agri-startup) tại Việt Nam vẫn đang diễn ra rất mạnh mẽ.

Bằng trí tuệ, niềm đam mê và mong muốn làm giàu trên chính ý tưởng của mình, các Agri-startup đã góp phần tạo ra sự thay đổi diện mạo mới trong nông nghiệp Việt Nam, hiện đại hóa các khâu sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và tạo các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Có thể thấy ở các mô hình nông nghiệp như: dự án nuôi trai lấy ngọc trong môi trường nước ngọt của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bắc Pearl (Bắc Giang), nhằm tạo ra một nghề mới mang lại giá trị kinh tế bền vững, có lợi cho môi trường, đặc biệt là môi trường nước ngọt. Đến nay, Hà Bắc Pearl đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nuôi cấy trai nước ngọt lấy ngọc tại Việt Nam, với công nghệ nuôi cấy tiên tiến của thế giới; Dự án “Sokfarm” sản xuất mật dừa ở Tiểu Cần (Trà Vinh), tạo ra sản phẩm mới, khác biệt từ cây dừa (hiện năng suất sản xuất hơn 1,5 tấn mật thành phẩm/tháng) đã tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân và mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ trồng dừa.

Bản mô tả giải pháp nông nghiệp thông minh APPA (Nguồn: techport.vn)

Bên cạnh việc tạo ra những sản phẩm khác biệt, các Agri-startup cũng có nhiều quan tâm ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Dự án giám sát liên tục (24/7) công tác chăm sóc, cảnh báo (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và các điều kiện môi trường bất lợi), của APPA Group là một ví dụ. Mọi thông số giám sát sẽ hiển thị trên điện thoại thông minh của doanh nghiệp và cho phép lưu trữ, truy xuất dữ liệu về quá trình sản xuất, giúp tiết kiệm tài nguyên, nhờ thực hiện tưới tiêu chính xác (từ 10-40%), tiết kiệm chi phí nhân công, quản lý (từ 20-40%), tăng năng suất cây trồng và hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập (từ 20-50%) và hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp.

Dự án kết hợp các kết quả nghiên cứu KH&CN về đèn LED chiếu sáng trong nông nghiệp của Argilight (Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội) là một minh chứng khác. Tích hợp các module cảm biến về cường độ ánh sáng, độ ẩm không khí, nhiệt độ, độ pH,…, hệ thống cho phép hiển thị, điều khiển từ xa thông qua kết nối internet, giúp người sử dụng theo dõi các thông số và lượng sáng phù hợp với từng loại cây, từng giai đoạn sinh trưởng nên tiết kiệm được chi phí sản xuất, đảm bảo nguồn sáng đồng đều cho cây, ngay cả khi cần chiếu sang ở những diện tích lớn.

Startup nông nghiệp Việt Nam (Nguồn: doanhnhantrevietnam.vn)

Tuy lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp ứng dụng khá nhiều giải pháp mới vào thực tiễn, nhưng theo bà TS. Đàm Sao Mai (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM), việc đăng ký SHTT và bảo hộ quyền SHTT còn chưa thực sự được các startup trẻ này quan tâm, mà phần lớn tập trung vào việc phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, bán hàng.

Một ý tưởng hay, có công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm tốt và được thị trường tiếp nhận mà không được bảo vệ, thì nguy cơ bị xâm phạm rất cao. Chia sẻ trong một hội thảo trực tuyến do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức, Ông Nguyễn Ngọc Luận (CEO Công ty Cà phê trái cây Meet More) cho biết, do chậm đăng ký, nhãn hiệu “Meet More” - thương hiệu cà phê trái cây đầu tiên ở Việt Nam của doanh nghiệp đã bị một đối tác “nộp đơn đăng ký trước” tại Hàn Quốc. Doanh nghiệp đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để đàm phán, thu hồi.

Các đối tượng quyền SHTT được luật pháp bảo hộ:

• Quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, tên thương mại…);
• Quyền đối với giống cây trồng (giống cây trồng và vật liệu nhân giống);
• Quyền tác giả (tác phẩm văn học, nghệ thuật, đối tượng liên quan đến quyền tác giả…).
Nguồn: Điều 3, Luật Sở hữu trí tuệ 2009 sửa đổi (VBV 36/2009/QH12)

1 - Xác định tài sản trí tuệ cốt lõi

Ở giai đoạn ý tưởng, nghiên cứu tạo ra sản phẩm thì đối tượng quyền SHTT có thể là bí mật kinh doanh, sáng chế, giải pháp hữu ích. Ở giai đoạn thương mại, đưa sản phẩm ra thị trường thường có các vấn đề liên quan đến tên thương mại, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm,... Như vậy, cần phân loại, xác định rõ từng đối tượng tài sản trí tuệ để thực hiện các biện pháp bảo vệ cho phù hợp.

2 - Đăng ký xác lập quyền

Theo luật pháp Việt Nam, Tên thương mạiBí mật kinh doanh là những đối tượng được bảo hộ quyền SHTT nhưng không cần phải đăng ký. Tên thương mại sẽ được công nhận thông qua việc sử dụng trong hoạt động kinh doanh. Bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có sự đầu tư tài chính, trí tuệ hay bất kỳ cách thức hợp pháp nào để tìm ra, tạo ra hoặc đạt được thông tin và có thực hiện các biện pháp bảo mật bí mật kinh doanh đó.

Các đối tượng còn lại cần phải tiến hành đăng ký để được bảo hộ.

• Sáng chế/giải pháp hữu ích: là giải pháp kỹ thuật (ở dạng sản phẩm hoặc quy trình) nhằm giải quyết một vấn đề qua việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Để được bảo hộ (cấp bằng độc quyền), sáng chế phải đảm bảo có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Với giải pháp hữu ích, cần phải có tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp.

• Kiểu dáng công nghiệp: là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của những yếu tố đó. Kiểu dáng công nghiệp tạo nên sự khác biệt cho từng sản phẩm của doanh nghiệp, giúp người tiêu dùng quyết định lựa chọn sản phẩm này thay vì chọn mua sản phẩm khác. Để đáp ứng được điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp cần phải có tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp của sản phẩm.

• Nhãn hiệu: là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân. Trong đó, dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

• Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn: là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn. Để được bảo hộ, thiết kế bố trí phải có tính nguyên gốc và có tính mới thương mại.

Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu (Nguồn: sohuutritue.net.vn)

Trước khi tiến hành đăng ký bảo hộ cho các nhóm đối tượng nêu trên (sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và thiết kế bố trí), doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ về sản phẩm cạnh tranh, nhãn hiệu mà các doanh nghiệp khác đang sử dụng, qua tra cứu các thông tin liên quan tại Cục Sở hữu trí tuệ, trên các cơ sở dữ liệu về SHTT quốc tế,… hoặc sử dụng các dịch vụ hỗ trợ chuyên sâu (ví dụ như dịch vụ Tư vấn đăng ký sáng chế, được Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN triển khai thực hiện từ năm 2021,…). Từ đó, có thể đánh giá khả năng được bảo hộ trước khi nộp đơn (trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục SHTT, hoặc gửi trực tiếp đến Cục SHTT và văn phòng đại diện của Cục SHTT tại các địa phương).

• Chỉ dẫn địa lý: là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Theo quy định hiện hành, Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý.

• Giống cây trồng: là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được. Để được bảo hộ, giống cây trồng phải được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành), có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp. Để đăng ký, cần nộp hồ sơ tại Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới (Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Có thể thấy, tài sản trí tuệ là rất đa dạng và việc bảo vệ quyền SHTT có vai trò quan trọng không kém so với việc phát triển sản phẩm hay gọi vốn đầu tư. Do vậy, Agri-startup nên lưu ý bảo vệ các tài sản trí tuệ ngay khi chúng mới hình thành, để hạn chế các rủi ro như bị làm giả, làm nhái, đánh cắp,... Hơn thế, các quyền SHTT được bảo hộ cũng chính là các tài sản vô hình, giúp cho Agri-startup khẳng định vị thế và dễ thu hút vốn đầu tư hơn, tạo điều kiện nâng tầm sản phẩm và doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Vân Anh

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Minh Đạt. Xu hướng khởi nghiệp trong nông nghiệp. http://consosukien.vn/xu-huong-khoi-nghiep-trong-nong-nghiep.htm
[2] Hà Thanh. Quên đi quyền sở hữu trí tuệ, nhiều startup bị mất thương hiệu. https://sohuutritue.net.vn/quen-di-quyen-so-huu-tri-tue-nhieu-startup-bi-mat-thuong-hieu-d136840.html
[3] Thanh An. Bảo hộ nhãn hiệu cho doanh nghiệp: Không chỉ dừng ở việc đăng ký. https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/bao-ho-nhan-hieu-cho-doanh-nghiep-khong-chi-dung-o-viec-dang-ky/20210715100446857p1c785.htm

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập