Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Đến nay, có thể nói, với nhiều giải pháp quyết liệt của chính quyền, sự đồng lòng của người dân, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19. Trong tháng 5, chỉ ghi nhận thêm khoảng 70 ngàn ca, số tử vong mới vì Covid-19 trong cả nước tăng thêm không đáng kể (38 ca). Chiến lược chống dịch “5K + vaccine” đã phát huy tốt tác dụng. Đến nay, bên cạnh việc tiếp tục triển khai tiêm vaccine mũi 4 trong cộng đồng, “5K” đang chuyển dần còn “2K” (khẩu trang, khử khuẩn). Các hoạt động kinh tế - xã hội đã dần vào ổn định. Do vậy, nhiều vấn đề còn đang tồn đọng trong cuộc sống, vốn tạm được đưa vào hàng “thứ yếu” khi chống dịch, nay đã bắt đầu tái xuất trong sự quan tâm của nhiều người.

 

“Ô nhiễm nước, không khí, rác thải sinh hoạt đang bủa vây Hà Nội, TP.HCM” là một trong những nội dung như vậy. Theo bài viết cùng tên trên báo Pháp luật (số ra ngày 29/5/2022), trong báo cáo gửi Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng tại các đô thị, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh ô nhiễm từ chất thải rắn (tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 47/63 tỉnh/thành phố là 53.048 tấn/ngày, trong đó, Hà Nội hơn 6.000 tấn/ngày, TP.HCM là 8.900 tấn/ngày), ô nhiễm không khí (do bụi, khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, công nghiệp phát thải lớn, chưa được kiểm soát hiệu quả) vẫn diễn biến phức tạp, nhất là bụi mịn ở Hà Nội và TP.HCM (không khí ô nhiễm sẽ gây hại đến sức khỏe của người dân khi vượt quá ngưỡng an toàn).

 

Đối với nguồn nước, theo báo cáo đã nêu, ô nhiễm nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các ao, hồ, kênh rạch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có nhiều cải thiện, nhất là đối với các dòng sông chảy qua địa bàn Hà Nội và TP.HCM, do hạ tầng các đô thị chưa đáp ứng, nước thải sinh hoạt bị xả thẳng ra môi trường mà chưa được xử lý. Một nghiên cứu năm 2019 của World Bank cũng nhận định, chất lượng nguồn nước Việt Nam đang có các dấu hiệu nhiễm độc do nước thải sinh hoạt, nước rỉ ra từ các bãi rác, từ các làng nghề, hóa chất khó xử lý của các ngành công nghiệp và từ phân bón dư thừa bị rửa trôi trong nông nghiệp. Các chất ô nhiễm bề mặt đã dần tác động đến cả nguồn nước ngầm ở nhiều khu vực.

 

Riêng tại TP.HCM, thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, quỹ dự trữ nước mặt chính của Thành phố là nguồn nước sông Sài Gòn, đang chịu tác động từ nhiều nguồn thải (nước thải sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp). Nước thải đô thị cùng với nước mưa theo hệ thống cống chung đổ ra sông Sài Gòn - Đồng Nai một lượng chất hữu cơ cực lớn. Các khu vực phụ cận như Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai) cũng là nguồn phát sinh chất thải theo hệ thống kênh, rạch liên thông. Hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; phát triển giao thông vận tải tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự cố môi trường hay nước rò rỉ từ các bãi rác chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cũng góp phần vào việc "giết dần" các nguồn dự trữ nước mặt.

 

Trong bối cảnh các nguồn ô nhiễm đe dọa nghiêm trọng, nhiều giải pháp đã được các cấp chính quyền triển khai: để quản lý, cải thiện chất lượng môi trường nước, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, ứng dụng các biện pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp để cải tạo, xử lý, phục hồi các lưu vực sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt; thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước mặt tại các ao, hồ, kênh rạch trong các đô thị, khu dân cư, làng nghề,…

 

Ở cấp độ địa phương, TP.HCM đã xây dựng kịch bản ứng phó, xử lý các sự cố liên quan đến nguồn nước; thường xuyên quan trắc, kiểm soát ô nhiễm các nguồn cung cấp nước sạch cho TP.HCM như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, kênh Đông,… Qua đó, có các giải pháp ngăn chặn xả thải gây ô nhiễm nguồn nước từ các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư.

 

Tham gia vào các nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hóa đối với môi trường, đặc biệt là môi trường nước, các nhà khoa học đã có nhiều đóng góp quan trọng. Nghiên cứu “Quy trình xác định sức tải của thủy vực ven biển có tính đến khả năng tự làm sạch của thủy vực” là một ví dụ. Nghiên cứu này mở ra các hướng xây dựng chính sách cho các địa phương ven biển, từ việc quản lý lượng chất thải đổ ra môi trường, đến hình thành các ngành kinh tế dịch vụ thu gom và xử lý chất thải,… Nhờ đó, các nhà quản lý có thể hiểu và sử dụng một cách hợp lý các nguồn tài nguyên, đáp ứng mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội. Cảm biến sinh học (cho phép phân tích nhanh và liên tục chỉ số BOD) là một ví dụ khác về việc khai thác các nguồn vật liệu có sẵn để tạo ra công cụ đo độc tính tổng của nguồn nước. Cảm biến này cho phép cảnh báo kịp thời về ô nhiễm nước, với quy trình đơn giản, thời gian trả kết quả nhanh (chỉ trong vòng vài phút). Cảnh báo sớm ô nhiễm nguồn nước giúp các nhà quản lý có các phương án xử lý thích hợp và kịp thời.

 

Nước là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định sự sống trên Trái đất. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực do nguồn nước bị ô nhiễm, bên cạnh các chủ trương, chính sách của chính quyền, thời gian qua, các nhà khoa học đã đóng góp nhiều giải pháp công nghệ để xử lý, cảnh báo ô nhiễm nước và ứng dụng tốt vào thực tiễn. Tuy nhiên, để chống ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước thật sự hiệu quả, căn cơ, cần có sự tham gia, hưởng ứng của cả cộng đồng. Mỗi người, ở từng vị trí của mình, cần hạn chế tối đa việc phát thải ra môi trường. Đó cũng chính là cách hưởng ứng thiết thực nhất Chỉ thị 19 của Thành ủy TP.HCM về cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập