Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Trong đại dịch Covid-19, vaccine đã cho thấy được khả năng bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người một cách hiệu quả. Do có sự suy giảm kháng thể theo thời gian, trong bối cảnh xuất hiện các biến chủng Omicron BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan cực nhanh gần đây, việc tiêm liều tăng cường cho những người dễ bị tổn thương đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, như một chiến lược phòng ngừa chủ động.

 

Vaccine: công cụ đối phó hiệu quả với SARS-CoV2

Năm 2019, bắt đầu với chủng Alpha rồi Beta,… đại dịch Covid-19 đã bùng phát trên toàn thế giới, mà cao điểm là khi biến chủng Delta (B.1.617.2), xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ vào cuối năm 2020, đã lây lan mạnh tại 124 quốc gia trên thế giới. Đây cũng chính là biển chủng chủ yếu gây nên các ca bệnh Covid-19 tại Mỹ trong giai đoạn này, với con số tử vong lên đến hàng trăm ngàn người.

Theo ghi nhận của WHO, biến chủng Delta có khả năng gây bệnh và tốc độ lây nhiễm nhanh hơn so với các biển chủng trước đó (nhanh hơn đến 50% so với sự lây lan của biến chủng Alpha). Delta đã trở thành biến chủng SARS-CoV2 đáng lo ngại từ tháng 5/2021 và tỏ ra cực kỳ khó kiểm soát ở những cộng đồng chưa tiêm chủng. Trong suốt năm 2021, đại dịch Covid-19 về cơ bản đã trở thành đại dịch Delta, vì biến chủng này lấn lướt các biến chủng khác, chiếm đến hơn 90% số ca Covid-19 toàn cầu.

Tại Việt Nam, Delta cũng là nguyên nhân gây nên tổn thất sinh mạng khá lớn cho người dân, nhất là tại TP.HCM vào năm 2021, trong những tháng ngày cao điểm “ai ở đâu thì ở đó” (gần 20.000 người đã mất trong giai đoạn này), khi mà vaccine vẫn còn đang là “vấn đề nóng” trên mặt trận chống dịch.

Các biến chủng của virus SARS-CoV2. (Nguồn: World Health Organization)

 

Một số thông tin về tình hình Covid-19 tại Mỹ. (Nguồn: worldometers.info)

Thực tế công tác chống dịch Covid-19 trên toàn thế giới đã cho thấy vai trò quan trọng của vaccine trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Hơn 5,23 tỷ người (tương đương 68,1% dân số thế giới) đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Các quốc gia trên thế giới đã sử dụng đến gần 30 loại vaccine trong nỗ lực chống dịch. Trong đó, nhiều nhất là các loại vaccine như AstraZeneca (185 nước), Pfizer-BioNTech (164 nước), Moderna (107 nước). Việt Nam cũng “suýt” có được 1 vacccine trên bản đồ vaccine thế giới (Nanocovax, dở dang ở phase 3B, do không còn đủ số lượng thử nghiệm trước khi được phê duyệt lưu hành).

27 loại vaccine phòng chống Covid-19 đã và đang được các quốc gia trên thế giới sử dụng.
(Nguồn: The NewYork Times)

Mặc dù ở đâu đó trên thế giới vẫn ít nhiều còn tồn tại hiện tượng bài xích vaccine (anti-vaccine), nhưng nhìn chung, cùng với hiệu quả rõ rệt của việc tiêm phòng vaccine, thái độ của người dân đối với vaccine đã có những chuyển biến đáng kể (số người đồng ý tiêm vaccine ở đa số các nước đều tăng mạnh, số phân vân giảm mạnh), theo một điều tra gần đây của Trung tâm dữ liệu hành vi YouGov (Đại học Hoàng gia London).

* Dữ liệu tại Singapore và Hàn Quốc được khảo sát tại các thời điểm quý 1 và quý 3 trong năm 2021.
(Nguồn: Our World in Data)

Nhờ có hoạt động chích ngừa vaccine rộng khắp và khá đồng bộ, cư dân Việt Nam, và đặc biệt là tại TP.HCM, đã ít nhiều tạo được tình trạng “miễn dịch cộng đồng” chủ động, hạn chế đà lây lan và tiến tới khống chế được các tác hại của đại dịch. Từ “5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Không tụ tập – Khoảng cách – Khai báo y tế), với tỉ lệ tiêm phòng khá cao so với nhiều nước trên thế giới (89% tiêm ít nhất 1 liều, 65% đã được tiêm liều thứ 3), hiện nay người Việt Nam chủ yếu chú trọng thực hiện tốt các yêu cầu về “V2K” (Vaccine – Khẩu trang – Khử khuẩn) trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Cuộc sống đang dần trở lại nhịp độ thường ngày.

Tình hình tiêm vaccine tại các nước ASEAN (đến 28/6/2022). (Nguồn: Our World in Data)

Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện biến chủng Omicron hiện đang khiến cho cả thế giới phải lo ngại, nhất là với các dòng BA.4 và BA.5.

Mối nguy mới từ các biến chủng Omicron BA.4, BA.5,…

Được phát hiện lần đầu tiên (biến chủng B.1.1.529) vào tháng 11/2021 tại Botswana và Nam Phi, virus SARS-CoV2 họ Omicron đã nhanh chóng vươn lên thống trị toàn cầu, gây ra làn sóng ca bệnh mới gia tăng nhanh chóng trong mùa đông 2021. Phiên bản gốc của Omicron, có khả năng lây lan gấp hai đến ba lần so với Delta, và BA.2 thậm chí còn lan truyền nhanh hơn. BA.4 và BA.5 đã cho thấy là những biến chủng dễ lan truyền nhất. Ở một số quốc gia, theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, những biến chủng này đang thay thế BA.2, nhanh như BA.2 đã thay thế các biến chủng Omicron ban đầu. Các nhà nghiên cứu của Anh cũng đã ước tính rằng, nguy cơ tái nhiễm Omicron cao gấp 5 lần so với các biến chủng khác.

Các biến chủng Omicron đang hoành hành tại Mỹ.
(Nguồn: CDC Covid Data Tracker: Variant Proportions)

Trong các biến chủng của Omicron, hai chủng gần đây là BA.4 và BA.5 được biết nguy hiểm hơn các chủng khác, do mang những đặc tính có thể lẩn trốn hệ miễn dịch, trong đó bao gồm cả khả năng lẩn tránh kháng thể tạo ra từ lần tiêm vaccine hay lần mắc Covid-19 trước đó, thậm chí cả kháng thể tạo ra nhờ từng nhiễm các phiên bản trước đó của ngay cả họ Omicron. Điều này lý giải tại sao BA.5 và BA.4 lại lây lan nhanh hơn các biến chủng phụ khác trong họ này.

Theo The New York Times, trong tuần cuối tháng 6/2022, hai biến chủng Omicron BA.5 và BA.4 đã chiếm tới 52,3% ca mắc Covid-19 mới ở Mỹ (biến chủng BA.5 chiếm tới 36,6% và BA.4 chiếm 15,7% ca). Tính đến ngày 27/6, ở Mỹ số ca nhập viện tăng 6% chỉ trong 2 tuần. Bình quân hơn 31.000 ca nhập viện mỗi ngày, số trường hợp tử vong mới do Covid-19 dưới 400 ca/ngày. Các chuyên gia dự báo rằng số ca mắc mới 2 biến chủng đang dần chiếm chủ đạo này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những thời gian tới. Đây cũng là các biến chủng đang lây lan nhanh và dần trở thành biến chủng chủ đạo trên toàn cầu. Một số nhà khoa học cũng ước tính rằng, làn sóng ca mắc gần đây có thể lớn thứ hai trong đại dịch.

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 27/6 cho biết, biến chủng Omicron BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam. Biến chủng này cũng đã có mặt tại TP.HCM qua tầm soát ngẫu nhiên, theo chia sẻ của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, ngày 5/7.

 

Giải pháp của thế giới: tiêm vaccine liều tăng cường

Như đã biết, hiệu quả bảo vệ chống nhiễm bệnh của vaccine (kháng thể do cơ thể tạo ra sau khi tiêm) suy giảm dần theo thời gian. Cùng với sự xâm nhập của Omicron BA.5 và BA.4, việc gia tăng các ca mắc mới trên thế giới là lẽ đương nhiên. Để đối phó với sự đe dọa của Omicron, cần phải sử dụng các liều vaccine tăng cường (booster dose).

Đã có những bằng chứng từ nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm về việc những người chưa tiêm phòng, hoặc đã bị nhiễm các biến chủng trước đó của Omicron (ví dụ BA.1), sẽ dễ dàng bị tái nhiễm BA.4 hoặc BA.5. Những người đã từng tiêm phòng cho thấy khả năng được bảo vệ tốt hơn.

Tỉ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 theo các khu vực (Nguồn: Our World in Data)

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine liều tăng cường sẽ có tác động đáng kể trong việc giảm tỷ lệ nhập viện, bệnh nặng và tử vong, bảo vệ tốt cho hệ thống y tế. Cũng theo WHO, nên sử dụng liều tăng cường (đối với tất cả các loại vaccine Covid-19 đã được WHO chấp thuận trong danh sách sử dụng khẩn cấp - EUL) sau khoảng thời gian từ 4-6 tháng, kể từ khi hoàn thành các mũi tiêm căn bản, đặc biệt là trong bối cảnh của Omicron. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã triển khai công tác tiêm phòng bổ sung cho người dân trên cơ sở này.

Tình hình tiêm vaccine tăng cường tại một số quốc gia trên thế giới.
(Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của WorldBank, Our World in Data)

Không chỉ hướng đến mũi tiêm tăng cường liều thứ 3, các phát hiện mới nhất từ nghiên cứu Cov-Boost của Vương quốc Anh (được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet) đã so sánh phản ứng của kháng thể và tế bào T sau liều thứ 4 của vaccine mRNA Covid-19 với phản ứng miễn dịch sau liều thứ 3. Kết quả cho thấy, việc tiêm liều thứ 4 (với vaccine của Pfizer) và nửa liều (với vaccine của Moderna) là an toàn (không có tác dụng phụ nghiêm trọng), được dung nạp tốt, có hiệu quả rõ rệt, giúp gia tăng mức kháng thể và khả năng miễn dịch tế bào cao hơn so với mức đạt được sau khi tiêm liều thứ 3. Đây chính là lợi ích của việc tiêm liều thứ 4 cho những người dễ bị tổn thương nhất, như một chiến lược phòng ngừa, theo ông Saul Faust (Trưởng nhóm thử nghiệm và Giám đốc cơ sở nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Đại học Southampton -NHS Foundation Trust).

Nhiều nước trên thế giới đã triển khai chính sách tiêm tăng cường mũi 4 cho công dân (Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai đến mũi thứ 5), tùy theo từng nhóm đối tượng cụ thể:

Quy định của một số quốc gia về đối tượng tiêm liều 4. (Nguồn: Tổng hợp)

Tại Việt Nam, theo quy định của Bộ Y tế, việc tiêm mũi tăng cường (mũi 4) vaccine phòng Covid-19 sẽ áp dụng cho các đối tượng gồm người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp). Vaccine sử dụng để tiêm mũi 4 là vaccine mRNA (vaccine do hãng Pfizer, hoặc Moderna sản xuất), vaccine do AstraZeneca sản xuất, hoặc vaccine cùng loại với loại đã tiêm mũi 3.

Tính đến ngày 3/7, cả nước đã tiêm được hơn 45,4 triệu mũi 3 (tỉ lệ 67,7%) và hơn 4,6 triệu mũi 4 (khoảng 6,9%). Ở TP.HCM, theo thống kê của Sở Y tế, sau hơn hai tuần cao điểm triển khai từ 24/6, mới tiêm được thêm gần 150 ngàn mũi 3 và hơn 426 ngàn mũi 4.

Tiêm vaccine đang là một giải pháp được Chính phủ cung cấp miễn phí để bảo vệ người dân và cả quốc gia trong nỗ lực phòng chống Covid-19. Việc tiêm chủng là sự tham gia tự nguyện, nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi người để bảo vệ bản thân, người khác và cộng đồng, nhất là những nhóm dân số dễ bị tổn thương, như chia sẻ của TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.

Do kháng thể bảo vệ cơ thể dưới tác động của vaccine phòng Covid-19 giảm theo thời gian, nên việc tiêm các mũi vaccine tăng cường (mũi 3, mũi 4) là cần thiết để phòng mắc bệnh (hoặc tái mắc bệnh); nếu có mắc thì nguy cơ bệnh nặng, tử vong sẽ giảm thiểu, điều kiện xuất hiện các biến chủng mới, khó lường. Chúng ta muốn mở cửa càng sớm càng tốt, người lao động đến nơi làm việc, trẻ em được đến trường, mở cửa du lịch,… trở lại cuộc sống bình thường thì mọi người, nhất là những người lớn tuổi và có nguy cơ cao, cần khai thác triệt để phương tiện giúp bảo vệ bản thân mình và những người khác. Đó chính là vaccine.

Tuấn Kiệt

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] WHO. Tracking SARS-CoV-2 variants. https://www.who.int/activities/tracking-SARS-CoV-2-variants
[2] Interim statement on the use of additional booster doses of Emergency Use Listed mRNA vaccines against COVID-19. https://www.who.int/news/item/17-05-2022-interim-statement-on-the-use-of-additional-booster-doses-of-emergency-use-listed-mrna-vaccines-against-covid-19
[3] Covid-19: Fourth dose of mRNA vaccines is safe and boosts immunity, study finds. https://www.bmj.com/content/377/bmj.o1170
[4]. Worldometer's Covid-19 data. United States. https://www.worldometers.info/coronavirus/country/us/
[5] Thái Bình. Bộ Y tế đưa tên hàng chục tỉnh, thành tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4 thấp. https://covid19.gov.vn/bo-y-te-dua-ten-hang-chuc-tinh-thanh-tiem-vaccine-covid-19-mui-3-mui-4-thap-171220703191710833.htm
[6] Thu Hiến. Ở TP.HCM đăng ký tiêm vắc xin mũi 4 ra sao, ở đâu? https://tuoitre.vn/o-tp-hcm-dang-ky-tiem-vac-xin-mui-4-ra-sao-o-dau-20220705081502579.htm

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập