Cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến mô hình và cách thức hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp để tạo ra những cơ hội và giá trị mới để tồn tại và phát triển. Theo xu hướng chuyển đổi số, ngành du lịch cũng đang đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số trong các hoạt động quản lý và kinh doanh nhằm cung cấp dịch vụ hoàn hảo hơn, nâng cao trải nghiệm của du khách.
Du lịch số hay chuyển đổi số (CĐS) ngành du lịch là phát triển du lịch một cách thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ số, để cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch một cách thuận tiện, linh hoạt, phong phú trên nhiều nền tảng. Theo diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2025, CĐS sẽ tạo ra 305 tỷ USD giá trị bổ sung cho riêng ngành du lịch thông qua việc tăng lợi nhuận, trong đó khoảng 100 tỷ USD giá trị được chuyển từ những doanh nghiệp truyền thống sang những đối thủ kỹ thuật số, với các mô hình kinh doanh sáng tạo. Việc CĐS cũng được dự báo sẽ tạo ra lợi ích trị giá 700 tỷ USD cho khách hàng và xã hội từ việc giảm tác động môi trường, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dùng.
Đôi nét về du lịch số tại Việt Nam và TP.HCM
Du lịch là một trong những ngành mũi nhọn góp phần không nhỏ vào GDP của Việt Nam. Phát triển du lịch số, du lịch thông minh là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được cụ thể hóa bằng Quyết định số 1671/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 30/11/2018 phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”. Tại Diễn đàn "Luồng xanh" cho du lịch cất cánh, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức ngày 18/5/2022, ông Nguyễn Lê Phúc (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) đã nhấn mạnh, CĐS là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu, mang đến cơ hội phát triển bền vững hơn cho ngành du lịch.
Trong các năm qua, là cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương, Tổng cục Du lịch đã tập trung triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về CĐS, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam qua các hoạt động: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch Việt Nam; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ở các địa phương, nhiều nơi đã đưa những điểm đến của địa phương mình lên các nền tảng số như Hà Nội có hệ thống du lịch Văn Miếu - Quốc tử giám, Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Toursism, Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành thực tế ảo,... Việt Nam cũng đã có hơn 10 sàn giao dịch điện tử liên quan đến hoạt động dịch vụ du lịch như Ivivu.com, Chudu24.com, Mytour.vn, Gotadi,…
Với vai trò là một trong những trung tâm trung chuyển, đầu mối tiếp nhận khách quốc tế và nội địa quan trọng hang đầu của cả nước, ngành du lịch TP.HCM có đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Theo thống kê của Sở Du lịch, Thành phố đang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng (234 tài nguyên văn hóa vật thể, hơn 120 tài nguyên nhân tạo trong tổng số 386 tài nguyên du lịch); hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng phong phú; hệ thống đường sông trong lòng đô thị; nhiều khu sinh thái, nông thôn mới liền kề đô thị; văn hóa nghệ thuật, công nghiệp giải trí, văn hóa ẩm thực phát triển mạnh,… với nhiều điểm đến hấp dẫn như Chợ Bến Thành, Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi,…
Phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM. (Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam)
Nhận thức được tầm quan trọng của CĐS trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của ngành du lịch nói chung, những năm qua, nhằm phát huy tối đa tiềm năng du lịch hiện có, TP.HCM đã và đang tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào ngành du lịch.
Nhiều ứng dụng du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS (“Vibrant Ho Chi Minh City”, “SaiGon Bus”, “Ho Chi Minh Travel Guide”, “Ho Chi Minh City Guide and Map”,…) đã được triển khai. Công nghệ 3D được sử dụng, tái hiện một phần không gian Thành phố từ trên cao, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị một cách trực quan, sinh động. Cổng thông tin 1022 được triển khai, cung cấp các thông tin hỗ trợ về du lịch, cũng như giúp du khách tương tác với chính quyền để phản ánh chất lượng, an ninh du lịch tại Thành phố; đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về du lịch, tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính dịch vụ công mức độ 4 tại Sở Du lịch TP.HCM,... Những chương trình, hoạt động thiết thực này minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của TP.HCM trong công cuộc CĐS ngành du lịch, xây dựng du lịch số, du lịch thông minh để phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói tại Thành phố.
Một số ứng dụng du lịch thông minh của người Việt
Cùng với sự gia tăng số lượng người dùng sử dụng điện thoại thông minh trong thời gian gần đây, các ứng dụng du lịch thông minh cũng có nhiều “đất dụng võ”, nên tăng trưởng rất mạnh mẽ. Bên cạnh các ứng dụng do các cơ quan quản lý nhà nước phát triển, sản phẩm của các công ty công nghệ cũng xuất hiện khá nhiều, đón nhận được sự quan tâm thật sự của cộng đồng thích dịch chuyển. Trong đó, có thể kể đến là các ứng dụng như: “Gotadi”, “Vibrant Ho Chi Minh City”, “TripHunter”,…
Gotadi
Được biết đến như một đại lý du lịch trực tuyến (OTA – Online Travel Agent), Gotadi cho phép khách du lịch lên kế hoạch lịch trình toàn diện và sẵn sàng cho chuyến đi, chỉ với một vài thao tác click chuột. Qua trang web gotadi.com và ứng dụng Gotadi dành cho hệ điều hành iOS và Android, nền tảng này giúp khách du lịch đặt vé máy bay, phòng khách sạn và đặt tour du lịch. Đây là OTA đầu tiên ở Việt Nam tích hợp hệ thống đặt chỗ và hệ thống chia sẻ thông tin du lịch, nơi du khách có thể tự đăng ký tài khoản để chia sẻ các thông tin và trải nghiệm về các chuyến đi. Thế mạnh của Gotadi là hệ thống tìm kiếm, thanh toán và đặt chỗ hoàn toàn tự động kết nối với 900 hãng hàng không toàn cầu, hơn 2.000 khách sạn trong nước, 400.000 khách sạn quốc tế và vô số tour du lịch đa dạng. Với hệ thống thông tin lớn này, Gotadi mang đến cho khách hàng dịch vụ du lịch với giá cả cạnh tranh, đa dạng lựa chọn từ nhiều nhà cung cấp trong và ngoài nước.
Gotadi-siêu ứng dụng săn vé máy bay, khách sạn giá rẻ, nhanh chóng và tiện lợi.
Bằng công nghệ đặt chỗ hiện đại kết hợp với dịch vụ khách hàng tức thời cũng như tinh thần cầu thị trong phục vụ khách hàng, Gotadi đã và đang khẳng định là một giải pháp cung cấp dịch vụ du lịch toàn diện, ứng dụng CĐS trong ngành du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách.
Vibrant Ho Chi Minh City
Bằng Vibrant Ho Chi Minh City có thể coi là một cẩm nang hướng dẫn du khách vô cùng tiện lợi, giúp du khách trong và ngoài nước tiết kiệm thời gian trong việc tìm kiếm những địa điểm du lịch khi đến TP.HCM. Ứng dụng cho phép tra cứu thông tin về điểm đến, khách sạn, nhà hàng và địa điểm ăn uống, các chương trình vui chơi giải trí, các chương trình khuyến mãi; chỉ dẫn đường đi đến các địa điểm cụ thể; thông tin đường dây nóng, hỗ trợ khách du lịch tại TP.HCM cũng như tính năng đặt dịch vụ (phòng, tour) trực tuyến cho người dùng. Hơn thế nữa, du khách có thể lưu giữ danh sách địa điểm ưa thích để sử dụng cho lần du lịch sau này.
Giao diện trực quan của ứng dụng Vibrant HoChiMinh City
Bằng ứng dụng có giao diện hiện đại, trực quan, phù hợp với nhiều đối tượng người dung, từ giới trẻ đến người già không rành về công nghệ. Người dùng có thể dễ dàng tải về điện thoại có hệ điều hành iOS và Android thông qua từ khóa “Vibrant Ho Chi Minh city” hoặc “Ho Chi Minh Tourism” và đăng nhập vào ứng dụng bằng tài khoản Facebook, Google+ hoặc đăng ký một tài khoản Vibrant Ho Chi Minh City riêng. Với tài khoản cá nhân, người dùng có thể tìm lại các thông tin quan trọng như lịch sử đặt dịch vụ, các địa điểm yêu thích đã lưu,…
TripHunter
TripHunter (nền tảng web, Android, iOS) được một nhóm khởi nghiệp tại TP.HCM phát triển với mục tiêu giúp du khách tự lên lịch trình chi tiết, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tối ưu chi phí và tận hưởng chuyến du hành một cách trọn vẹn. Đây là một công cụ du lịch thông minh rất hữu ích với những bạn trẻ thích đi du lịch tự túc, với các thông tin miễn phí, chi tiết tại các điểm đến và chức năng đặt các dịch vụ du lịch, giải đáp mọi thắc mắc (đi đâu, ăn gì, ở đâu, chơi gì, đi như thế nào,…).
TripHunter là ứng dụng giúp lên kế hoạch du lịch thông minh và tiện lợi (Nguồn: techport.vn)
Ứng dụng các công nghệ thông minh (Big Data – dữ liệu lớn, AI – trí tuệ nhân tạo), TripHunter phân tích sâu dữ liệu đầu vào (điểm đến, ngày đi, sở thích) để tự động lên kế hoạch chi tiết cho từng ngày, phù hợp với sở thích riêng của từng người. Với chức năng lên lịch trình tự động, người dùng chọn điểm đến, ngày đi và bấm “Tạo tự động”, TripHunter sẽ đề xuất một lịch trình tối ưu chỉ trong 30 giây, nhờ vào những thuật toán phức tạp và chính xác. Nếu không muốn lịch trình mà TripHunter đề xuất, người dùng có thể chọn “Tự tạo” và thiết kế cho mình một lịch trình riêng. Khi đó ứng dụng sẽ hỗ trợ tính toán quãng đường, thời gian di chuyển, nhắc nhở về thời gian mở - đóng cửa của các điểm đến, gợi ý các dịch vụ giá tốt (khách sạn, vé tham quan, vé máy bay, xe khách,…). Ngoài tính năng lên lịch trình tự động, ứng dụng này còn có các tính năng hỗ trợ khác như chỉnh sửa lịch trình, tính chi phí dự kiến, tích hợp bản đồ, thời tiết, tự động tối ưu quãng đường và thời gian di chuyển, tìm địa điểm xung quanh, ghi chú, lưu địa điểm ưa thích, mời bạn bè tham gia vào lịch trình, tải lịch trình.
Lọt vào top dự án triển vọng tại cuộc thi HIST (Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành du lịch) do Sở Du lịch và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức vào năm 2018; là dự án xuất sắc nhất tại chuỗi sự kiện Tuần lễ đổi mới sáng tạo Techfest Vietnam vùng Đông Nam bộ; top 35 dự án tiêu biểu Techfest Vietnam 2018 tại Đà Nẵng, với các tính năng hữu ích, thiết thực, TripHunter đã được đông đảo người dùng đón nhận, nhất là những bạn trẻ yêu công nghệ và thích du lịch khám phá, với hơn 52.000 lượt tải về.
Có thể thấy, trong tình hình mới, để phục hồi và phát triển, ngành du lịch đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình thúc đẩy hoạt động CĐS, xây dựng du lịch số, du lịch thông minh và bước đầu đã đạt được những thành quả nhất định, góp phần nhanh chóng hồi phục sau đại dịch và hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững của ngành công nghiệp không khói này.
Như Hà
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Huy Lê. Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch. https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/thuc-day-chuyen-doi-so-trong-nganh-du-lich-607292.html
[2] Minh Hiệp. Du lịch TPHCM năm 2022 đổi mới, thích ứng, khôi phục mạnh mẽ hơn. https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/du-lich-tphcm-nam-2022-doi-moi-thich-ung-khoi-phuc-manh-me-hon-1491890504
[3] Mỹ Phương. Kết nối, khôi phục du lịch Tp Hồ Chí Minh: Bài 2: Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. https://bnews.vn/ket-noi-khoi-phuc-du-lich-tp-ho-chi-minh-bai-2-ung-dung-cong-nghe-va-chuyen-doi-so/227191.html
[4] Vibrant Ho Chi Minh City. https://taimienphi.vn/download-vibrant-ho-chi-minh-city-71006#
[5] Giới thiệu Gotadi. https://gotadihanoi.com/gioi-thieu
[6] Lam Vân. TripHunter: ứng dụng du lịch thông minh của người Việt. https://cesti.gov.vn/bai-viet/khcn-trong-nuoc/triphunter-ung-dung-du-lich-thong-minh-cua-nguoi-viet-01009145-0000-0000-0000-000000000000