Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trên thế giới, thời gian qua, ngành thủy sản Việt Nam đã mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu. Để sản phẩm có thể vượt qua hàng rào kỹ thuật của các nước, phát triển mạnh ở những thị trường khó tính, cần tăng cường áp dụng tiêu chuẩn ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị thủy sản.

 

Tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Các thị trường xuất khẩu thủy sản chủ yếu của Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 4,7 tỷ USD, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2021 (riêng cá tra và tôm chiếm khoảng 2,8 tỷ USD).

Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm, cá tra và các mặt hàng hải sản khác của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt so (năm 2021, thị trường Mỹ đạt trên 2 tỉ USD). Số lượng doanh nghiệp được phép xuất khẩu cá tra sang Mỹ gia tăng; giá xuất khẩu cá tra đạt đỉnh mới. Còn tại thị trường Trung Quốc, đến cuối tháng 5/2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ (cá tra chiếm 53% tỉ trọng xuất khẩu).

Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính 5 tháng đầu năm 2022. (Nguồn: vasep.com.vn)

Theo chia sẻ của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nhu cầu thủy sản đang rất lớn, số đơn đặt hàng đảm bảo cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị phần rộng mở, các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và tránh vi phạm về an toàn thực phẩm khi xuất khẩu.

Thực tế, hàng năm vẫn có nhiều lô thủy sản xuất khẩu bị các nước trả lại, cùng với đó là những cảnh báo chất lượng đối với thủy sản Việt. Đơn cử như mặt hàng tôm, trong năm 2021 có đến 53 lô hàng bị cảnh báo:

Nguồn: nafiqad.gov.vn

Nguyên nhân gây nên các cảnh báo đến từ rất nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất, từ khâu nuôi trồng cho đến chế biến, bảo quản. Để khắc phục tình trạng này, các nông hộ, doanh nghiệp thủy sản cần tăng cường chú ý, vận dụng triệt để các tiêu chuẩn liên quan đến việc nuôi trồng, chế biến thủy hải sản để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm Việt.

Một số hệ thống tiêu chuẩn chất lượng áp dụng cho thủy sản

Hiện có 12 hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng trong quá trình nuôi trồng, chế biến thủy sản tại Việt Nam (SQF, Global GAP, ASC, BAP, Naturland, AquaGAP, VietGAP,…). Các hệ thống tiêu chuẩn này đều tập trung vào các vấn đề cốt lõi như chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, môi trường, xã hội và truy xuất nguồn gốc,... Tùy theo từng đối tượng xuất khẩu (hoặc yêu cầu của nhà nhập khẩu), mà doanh nghiệp lựa chọn các hệ thống phù hợp nhất để triển khai:

  • Hệ thống tiêu chuẩn áp dụng cho nhiều đối tượng: Global GAP, FOS, VietGAP, SGF.
  • Hệ thống tiêu chuẩn áp dụng cho một số đối tượng đặc thù: ASC (cá tra, rô phi, tôm,…), BAP/ACC (cá tra,…).
  • Hệ thống tiêu chuẩn áp dụng cho các sản phẩm nhãn hữu cơ/sinh thái: thường được áp dụng theo thị trường tiêu thụ. Ví dụ như tiêu chuẩn Naturland áp dụng cho thị trường Đức và EU, tiêu chuẩn SELVA (Thụy Sỹ, EU), tiêu chuẩn BIOSUISSE (Thụy Sỹ, EU), tiêu chuẩn hữu cơ USDANOP (Mỹ, Nhật Bản, Canada), tiêu chuẩn hữu cơ EU (khối EU),…

Áp dụng tiêu chuẩn sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cộng đồng, giảm thiểu tác hại đến môi trường, đồng thời mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi, chế biến cả về thị trường cũng như giá trị kinh tế của sản phẩm, một khi đã được cấp giấy chứng nhận.

 

Phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản tại TP.HCM

Để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế, ngày 15/4/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2030”. Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân. Giai đoạn 2021-2025, nâng diện tích nuôi thủy sản, cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 10%/năm; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 10%/năm; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm;…Giai đoạn 2026-2030 đưa tỉ lệ được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt tăng 15%/năm; chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 15%/năm và 20%/năm,…

Để đạt được các mục tiêu này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ các điều kiện, quy định của Việt Nam và các thông lệ quốc tế; chủ động được các nguồn giống sạch bệnh đối với các đối tượng chủ lực (như tôm giống tôm sú, tôm chân trắng, cá tra, cá ngừ,…); hình thành được các vùng nuôi tập trung thâm canh; đầu tư cho các cơ sở hạ tầng chế biến tiên tiến, hiện đại, tạo điều kiện áp dụng tốt các tiêu chuẩn chất lượng cần thiết để mang lại được giá trị cao cho thủy sản Việt.

Là địa phương có kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 922 triệu USD (đứng thứ 3 cả nước, sau Cà Mau - trên 1 tỉ USD và Sóc Trăng - với 986 triệu USD), 5 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 539 triệu USD (đứng đầu cả nước), TP.HCM luôn quan tâm đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thủy sản: bảo vệ nguồn lợi thủy sản và ưu tiên cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản giá trị cao. Thành phố đang tiến hành đầu tư xây dựng Trung tâm thủy sản hiện đại nhất Việt Nam tại Cần Giờ, Bình Chánh, với vốn đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng, bao gồm nhà máy chế biến, kho lạnh, cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nhằm thu gom hàng hóa từ các tỉnh về bằng đường sông; chế biến sản xuất cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hàng năm Thành phố đều triển khai kế hoạch thả con giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn; khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác tái tạo, phục hồi nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản. Thành phố cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo, tập huấn về tiêu chuẩn chất lượng thủy sản nhằm nâng cao nhận thức cho đối tượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.. Gần đây, Thành phố cũng đặt hàng xây dựng và phổ biến nhiều tài liệu kỹ thuật giúp nuôi trồng thủy hải sản đạt hiệu quả cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, ví dụ như “Quy trình nuôi tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp với cá măng (Chanos chanos) trong ao đất”, “Quy trình nuôi thương phẩm cá hồng mỹ (Sciaenops ocellatus Linnaeus, 1766) trong lồng bè bằng thức ăn tổng hợp”, “Quy trình sinh sản và ương nuôi cá chẽm (Lates calcarifer) quy mô nông hộ”,... nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững ở các huyện Cần Giờ, Nhà Bè và các tỉnh thành lân cận.

Có thể nói, khi thị trường càng rộng mở, năng lực cung ứng của ngành thủy sản càng cần phải được đẩy mạnh. Để các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đến được với người tiêu dùng tại các thị trường lớn, khó tính, quy trình sản xuất (nuôi trồng, chế biến và bảo quản) phải luôn chú trọng đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng cần thiết. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn, kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng, chế biến thủy sản theo hướng chất lượng sẽ giúp sản phẩm Việt có vị trí vững chắc trên bản đồ cung ứng thủy sản thế giới.

Vân Anh

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Trung Chánh. TP.HCM dẫn đầu xuất khẩu thuỷ sản cả nước 5 tháng đầu năm 2022. https://thesaigontimes.vn/tphcm-dan-dau-xuat-khau-thuy-san-ca-nuoc-5-thang-dau-nam-2022/
[2] Hoài Niệm. TP.HCM: Tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. https://vneconomy.vn/tp-hcm-tang-cuong-bao-ve-va-phat-trien-nguon-loi-thuy-san.htm
[3] Hoàng Kim. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM xây dựng tài liệu kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản cho huyện Cần Giờ, Nhà Bè. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/so-khoa-hoc-va-cong-nghe-tphcm-xay-dung-tai-lieu-ky-thuat-nuoi-trong-thuy-hai-san-cho-huyen-can-gio-nha-be/
[4] Nguyên Anh. Thủy sản TP.HCM: nỗ lực xây dựng thương hiệu. https://thuysanvietnam.com.vn/thuy-san-tp-hcm-no-luc-xay-dung-thuong-hieu/
[5] Phương Linh. Xuất khẩu sang Châu Âu: Chứng nhận thủy sản bền vững. https://vasep.com.vn/san-pham-xuat-khau/tin-tong-hop/thi-truong-the-gioi/xuat-khau-sang-chau-au-chung-nhan-thuy-san-ben-vung-tiep-24363.html
[6] Hồng Hà. Nhiều lô hàng bị trả về, xuất khẩu cần thận trọng. https://thuysanvietnam.com.vn/nhieu-lo-hang-bi-tra-ve-xuat-khau-can-than-trong/
[7] Sáu Nghệ. Tiêu chuẩn thủy sản: Đổi thay cùng xu thế. https://thuysanvietnam.com.vn/tieu-chuan-thuy-san-doi-thay-cung-xu-the/

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập