Trang DW (Cộng hòa liên bang Đức) ngày 8/6/2022 đăng bài viết đánh giá hoạt động kinh tế sôi động của Việt Nam trong những năm gần đây là yếu tố thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp tại Châu Âu. Theo đó, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á không rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế mạnh trong đại dịch Covid-19 (các năm 2020 và 2021); số doanh nghiệp đã tăng nhanh trở lại trong 6 tháng qua. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo, năm 2022, GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 5,5%. Kết quả này giúp Việt Nam thu hút được sự chú ý của nhiều công ty lớn ở châu Âu hơn là quốc gia láng giềng (Trung Quốc), vốn được mệnh danh là “công xưởng” của thế giới. “Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư”, theo ông Raphael Mok, Trưởng ban phân tích rủi ro quốc gia khu vực châu Á của Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Solutions (Mỹ).
Cùng thời điểm đọc những dòng chữ này, nếu quay ngược thời gian cách nay khoảng một năm, bầu không khí của chúng ta hoàn toàn khác. Cuối tháng 5/2021, TP.HCM bước vào giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 (riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 theo Chỉ thị 16). Làn sóng thứ 4 về Covid-19 tại TP.HCM diễn biến ngày càng phức tạp, với số bệnh nhân lây nhiễm lên đến hàng trăm ca/ngày, kể từ 18/6. Thành phố cũng bắt đầu có những tổn thất về sinh mạng, với ca tử vong do nhiễm biến chủng Alpha (B.1.1.7) đầu tiên. Dịch bệnh lan rộng khắp 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, khiến UBND Thành phố phải thực hiện nhiều biện pháp giãn cách xã hội (từ ngày 15/6 đến ngày 8/7 giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 10 của UBND TP.HCM; từ ngày 9/7 đến ngày 15/9 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ). Cùng với tốc độ thành lập các “bệnh viện dã chiến”, “bệnh viện thu dung” trong giai đoạn này, mất mát về con người của Thành phố cũng bắt đầu gia tăng mạnh. Do chưa có thuốc đặc trị, phương tiện có thể giúp chống chọi với Covid-19 chỉ có thể là vaccine. Nhưng vaccine không phải dễ tìm, khi mà cả thế giới cũng đang bị nhận chìm bởi làn sóng Delta.
Chủng Delta đã trở thành nguyên nhân gây nên tổn thất rất lớn về sinh mạng cho người dân Việt Nam, nhất là tại TP.HCM vào năm 2021. Trong những tháng ngày cao điểm “ai ở đâu thì ở đó”, gần 20.000 người dân Thành phố đã mãi mãi ra đi, khi vaccine vẫn là niềm mong ước trên mặt trận chống dịch.
Có thể nói, cùng với những giải pháp quyết liệt của Chính quyền, sự đồng lòng của người dân, cùng với vaccine, chúng ta đã cơ bản khống chế được dịch. Tuy hàng ngày vẫn còn có người nhiễm bệnh, nhưng tỉ lệ tử vong đã rất thấp, có những ngày không còn bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Người dân Việt Nam ít nhiều tạo được “miễn dịch cộng đồng” chủ động đối với các biến chủng trước đây của virus SARS-CoV2, tạo điều kiện để Chính quyền hủy bỏ “giãn cách xã hội”, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Đến nay, thế giới lại đang chứng kiến sự xâm nhập nhanh chóng của các biến chủng Omicron mới (BA.4, BA.5). Các biến chủng này dễ dàng lây nhiễm cho những người chưa tiêm phòng, hoặc đã bị nhiễm các biến chủng trước đó (ví dụ BA.1). Bằng chứng từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, người đã từng tiêm phòng được bảo vệ tốt hơn.
Do hiệu quả bảo vệ chống nhiễm bệnh của vaccine (kháng thể do cơ thể tạo ra sau khi tiêm) suy giảm dần theo thời gian, để phòng chống Omicron BA.4 hoặc BA.5, cần phải tiếp tục sử dụng vaccine. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn có nơi, có người còn chủ quan, khiến tốc độ phủ vaccine còn chậm.
Với quan điểm chuyển trạng thái vận hành đất nước từ mục tiêu “không có Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội” của Chính phủ từ tháng 10/2021 đến nay, rõ ràng là, đối với Covid-19, phòng dịch vẫn phải là giải pháp cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định. Phòng dịch tốt thì không phải chống. Trong đó, tiêm vaccine đầy đủ; tiêm tăng cường (booster dose) mũi 3, mũi 4 khi đến hạn là yêu cầu then chốt.
Thực tiễn cho thấy “…vaccine vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tiêm vaccine là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng", như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 sáng 5/7 vừa qua.
BBT