Với việc hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu về đảm bảo chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày càng cao, đòi hỏi các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phải luôn đổi mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Đo lường trong doanh nghiệp là một nội dung đang được đẩy mạnh.
Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TĐC) tại Việt Nam hiện đang được điều chỉnh bởi các luật: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Đo lường và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Trong đó, xác định:
- Tiêu chuẩn là là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.
- Đo lường là việc xác định, duy trì giá trị đo của đại lượng cần đo. Hoạt động đo lường là việc thiết lập, sử dụng đơn vị đo, chuẩn đo lường; sản xuất, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; thực hiện phép đo; định lượng đối với hàng đóng gói sẵn; quản lý về đo lường; thông tin, đào tạo, tư vấn, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ về đo lường.
- Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trong đó, sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dung; Hàng hóa là sản phẩm được đưa vào thị trường, tiêu dùng thông qua trao đổi, mua bán, tiếp thị.
Với khung pháp lý vững chắc, việc triển khai các hoạt động TĐC trên cả nước đã đảm bảo tính tập trung, thống nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việt Nam đã hình thành và phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia (National Quality Infrastructrure, NQI), làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của kinh tế – xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam (TCVN) đã có hơn 13.000 tiêu chuẩn và hơn 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), trong đó, hơn 60% TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.
Năm 2021, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo lường cho 159 lượt đơn vị, chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 128 lượt đơn vị, chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo cho 158 lượt đơn vị, chứng nhận, cấp 1.224 thẻ kiểm định viên đo lường, phê duyệt 4.094 mẫu phương tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước, giải quyết hơn 88.000 lượt hồ sơ hàng hóa nhập khẩu, góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh giúp các doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, các tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp cũng được hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) phù hợp, giúp các đơn vị có căn cứ pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện chức năng thông báo về các biện pháp hàng rào kỹ thuật trong thương mại theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đây chính là công cụ hỗ trợ quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển qua hoạt động TĐC
Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng vũ bão, các sản phẩm, hàng hóa ngày nhiều và càng đa dạng, nhu cầu kiểm tra, kiểm soát các hoạt động trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng ngày càng cấp thiết.
Để hỗ trợ giải quyết bài toán này, bên cạnh việc đánh giá, rà soát và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa,…), Nhà nước cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới; đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống các phòng kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa đủ năng lực để phục vụ tốt nhu cầu phát triển các sản phẩm chủ lực và kiểm soát chất lượng các sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, các hoạt động của Đề án 996 về bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp, Chương trình 1322 về nâng cao năng suất chất lượng,… cũng sẽ linh hoạt huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 của Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng. (Nguồn: www.most.gov.vn)
Tại TP.HCM, ngày 21/2/2022, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới đo lường tại doanh nghiệp trên địa bàn. Một trong những mục tiêu của Kế hoạch là hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp, giúp nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giảm thất thoát, giảm giá thành; tiết kiệm tài nguyên, vật tư, năng lượng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan; bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn lao động và môi trường; đẩy mạnh phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tham gia sâu và rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, nhiều nội dung đã được xác định cụ thể như:
- Đến năm 2025: hạ tầng đo lường Thành phố phát triển đồng bộ, thống nhất với hạ tầng kỹ thuật đo lường quốc gia. Đơn vị sự nghiệp công lập liên quan của Thành phố đủ năng lực kiểm định được tối thiểu 60% phương tiện đo thông dụng thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định trên địa bàn; Phát triển được ít nhất 5 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho ít nhất 2.200 lượt cán bộ; Triển khai Chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 5.000 lượt doanh nghiệp.
- Đến năm 2030: Đơn vị sự nghiệp công lập liên quan của Thành phố đủ năng lực kiểm định được tối thiểu 70% phương tiện đo thông dụng thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định trên địa bàn; Phát triển được ít nhất 10 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 4.000 lượt cán bộ; Triển khai Chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 10.000 lượt doanh nghiệp.
Hội nghị tuyên truyền kế hoạch “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Nguồn: dost.hochiminhcity.gov.vn)
Triển khai Kế hoạch, trong năm 2022, Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng TP.HCM sẽ tăng cường công tác truyền thông về vai trò của đo lường trong đời sống xã hội và trong công nghiệp; tổ chức bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho trên 240 lượt cán bộ tham gia hoạt động đo lường và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho ít nhất 200 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ có điều kiện ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến, đổi mới trang thiết bị, công cụ để thực hiện các quy trình đo lường mới, phục vụ định hướng phát triển trong sản xuất - kinh doanh.
Để tham gia, doanh nghiệp sẽ cần xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kinh phí thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường đủ tính khả thi, tính hiệu quả, phù hợp với thực tế của doanh nghiệp và đáp ứng định hướng phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh theo từng năm, từng giai đoạn. Thông qua triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định – văn bản của pháp luật về đo lường.
Có thể thấy, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong nước không ngừng phát triển và đổi mới, hội nhập sâu với cộng đồng thế giới, phục vụ ngày càng hiệu quả cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Là một đầu tàu kinh tế của cả nước, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng của Thành phố rất được quan tâm, đầu tư và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với việc triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố sẽ tiếp tục được tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh và hội nhập.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] TS. Hà Minh Hiệp. Hành trình 60 năm tiêu chuẩn đo lường chất lượng. https://tcvn.gov.vn/hanh-trinh-60-nam-tieu-chuan-do-luong-chat-luong/04/02/2022/
[2] Hội nghị tuyên truyền kế hoạch “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế” năm 2022. https://smeq.com.vn/homepage/blog/detail/news/hoi-nghi-tuyen-truyen-ke-hoach-tang-cuong-doi-moi-hoat-dong-do-luong-ho-tro-doanh-nghiep-thanh-pho-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-va-hoi-nhap-quoc-te-nam-2022
[3] Hoàng Kim. TP.HCM sẵn sàng triển khai Chương trình đảm bảo đo lường cho 200 doanh nghiệp. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/tphcm-san-sang-trien-khai-chuong-trinh-dam-bao-do-luong-cho-200-doanh-nghiep/
[4] Hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng. https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/21612/hoat-dong-tieu-chuan-do-luong-chat-luong--ngan-chan-cac-san-pham--hang-hoa--dich-vu-kem-chat-luong--bao-ve-nguoi-tieu-dung.aspx#:~:text=23%20GMT%2B7-,Ho%E1%BA%A1t%20%C4%91%E1%BB%99ng%20Ti%C3%AAu%20chu%E1%BA%A9n%20%C4%90o%20l%C6%B0%E1%BB%9Dng%20Ch%E1%BA%A5t%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%3A%20Ng%C4%83n%20ch%E1%BA%B7n,v%E1%BB%9Bi%20ti%C3%AAu%20chu%E1%BA%A9n%20qu%E1%BB%91c%20t%E1%BA%BF.
[5] Quyết định số 520/QĐ-UB, ngày 21/02/2022 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM về ban hành kế hoạch “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
[6] Kế hoạch số 1489/KH-SKHCN, ngày 01/6/2022 của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM về “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế năm 2022”