Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), dù chịu những tác động nặng nề do dịch Covid-19 trong thời gian qua, với những chỉ đạo kịp thời, tình hình chăn nuôi trong nước tiếp tục có những chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ hình thành và đang phổ biến, nhân rộng. Năm 2021, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển: đàn heo ước đạt khoảng 28 triệu con, tăng 7,1%; đàn gia cầm đạt khoảng 525 triệu con, tăng 5,8% so với năm 2020; đàn bò khoảng 6,5 triệu con (riêng đàn bò sữa đạt 375,2 nghìn con, tăng 13,2%). Chăn nuôi phát triển không chỉ đảm bảo bảo đảm nhu cầu thực phẩm trong nước mà còn tạo nền tảng cho xuất khẩu ra thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội mở ra nhờ đàn vật nuôi phát triển, ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi tập trung, cũng tạo nên một lượng chất thải cực lớn (theo các số liệu thống kê, năm 2020, lượng chất thải rắn do chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh gần 90 triệu tấn), đe dọa trực tiếp đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người, nếu không có những giải pháp xử lý thích hợp.
Trước thực tế này, các nhà nghiên cứu trong nước đã vào cuộc khá nhanh chóng. Nhiều giải pháp công nghệ tác động đến quá trình chăn nuôi, từ khâu xử lý thức ăn chăn nuôi, xử lý môi trường nuôi (nhằm giảm thiểu chất thải), cho đến đa dạng các pháp xử lý trực tiếp chất thải phát sinh từ gia súc, gia cầm đã được giới thiệu. Các giải pháp này không chỉ cho phép bảo vệ môi trường tốt hơn, mà còn mang lại thêm thu nhập cho người chăn nuôi. “Máy ủ phân gà dạng bồn đứng năng suất 2m3/ngày” là một ví dụ.
Bắt đầu triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh tại TP.HCM từ tháng 6/2020, đến nay các nhà nghiên cứu của Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã thiết kế chế tạo thành công một mẫu máy ủ phân công nghiệp theo phương pháp lên men tự nhiên hiếu khí trong bồn đứng không dùng men vi sinh, để thay thế các phương pháp ủ hở dùng men vi sinh như hiện nay. Đây là sản phẩm thân thiện môi trường, giúp xử lý các loại phân tươi (như phân gà, heo, bò,...) và rác thải sinh hoạt thành nguyên liệu để làm các loại phân bón hữu cơ (hoặc hữu cơ vi sinh), sử dụng ít năng lượng, không thải ra mùi hôi như các phương pháp khác. Máy giải quyết tận gốc vấn đề môi trường trong các trang trại gia cầm, gia súc (và cả trong các nhà máy phân loại rác thải). Các trang trại không còn phải chịu áp lực mua phụ phẩm như cám trấu, mùn cưa, men vi sinh đưa vào trang trại (làm tăng nguy cơ gây bệnh cho đàn gà). Nhờ đó, quá trình sản xuất được khép kín (nguyên liệu mang vào trang trại là thức ăn không nhiễm khuẩn; mang ra khỏi trang trại là trứng sạch, gà và phân bón sạch khuẩn), giảm tối đa nguy cơ nhiễm cúm gia cầm do vận chuyển phân tươi đến các nhà máy tập trung hoặc các vùng canh tác nông nghiệp. Phân sản xuất ra đạt 100% là phân vi sinh, có giá thành rẻ.
Có thể nói, việc nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp KH&CN thích hợp để xử lý triệt để các chất thải chăn nuôi, biến chất thải từ một nguồn ô nhiễm nguy hại trở thành “tài nguyên”, nguồn nguyên liệu hữu cơ đầu vào cho ngành trồng trọt phát triển theo hướng nông nghiệp bền vững, góp phần kiến tạo nền kinh tế tuần hoàn là rất thiết thực, đáp ứng tinh thần của Quyết định số 923/QĐ-TTg về Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
BBT