Vaccine là giải pháp đã giúp Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19 và từng bước hồi phục kinh tế, trở lại cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, hiện nay, số ca mắc mới vẫn liên tục xuất hiện, ca nặng vẫn ở mức 2-3 con số và chưa có dấu hiệu sụt giảm. Vì vậy, ngành y vẫn tiếp tục nghiên cứu các giải pháp ứng phó, đặc biệt là các căn cứ khoa học về đáp ứng miễn dịch đối với mũi tiêm nhắc lại và hoàn thiện các phương pháp điều trị tối ưu cho nhóm bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 12/9/2022, toàn thế giới có 605.912.418 ca mắc Covid-19 được ghi nhận (bao gồm 6.491.649 ca tử vong). Trong đó, đứng đầu là Mỹ với 93.822.524 ca, đứng thứ 2 là Ấn Độ với 44.500.580 ca, đứng thứ 3 là Brazil với 34.499.823 ca, Việt Nam xếp thứ 13 với tổng số 11.439.613 ca. Số lượng ca mắc Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục được ghi nhận mỗi ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này cho thấy việc phòng chống và điều trị Covid-19 vẫn phải tiếp tục, nhất là khi các biến thể của virus SARS-COV-2 còn khả năng phát triển, tiếp tục tiến hóa, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến các ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt là ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Tổng số ca mắc Covid-19 trên thế giới (Nguồn: WHO, tính đến 12/9/2022)
Cũng theo số liệu của WHO, tính đến 3/9/2022, hơn 12 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới. WHO và Chính phủ các nước đã và đang đưa ra khuyến cáo để người dân tiếp tục tiêm các mũi vaccine tăng cường, nhằm gia tăng khả năng miễn dịch vì hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh (sau 3-5 tháng). Mặc dù vaccine Covid-19 sản xuất trước đây còn một số hạn chế đối với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, nhưng các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy, những vaccine này vẫn có thể phòng được thể nặng, nguy cơ nhập viện, cũng như các triệu chứng hậu Covid-19. Nói cách khác, người được tiêm phòng Covid-19 với đầy đủ mũi nhắc lại sẽ đáp ứng tốt hơn khi họ nhiễm virus và miễn dịch tạo ra cũng mạnh mẽ hơn nhiều so với người không tiêm. Từ đó, tạo ra được miễn dịch cộng đồng, hạn chế khả năng lây nhiễm của virus.
Trong một đánh giá về tỷ lệ tử vong hàng tuần do Covid-19 ở nhiều độ tuổi liên quan đến tình trạng tiêm chủng, dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ trong vòng 3 tháng (2/4/2022-2/7/2022) cho thấy tỷ lệ tử vong rất cao đối với những người chưa tiêm bất kỳ mũi vaccine nào. Tỷ lệ tử vong giảm dần theo thứ tự nhóm người đã tiêm mũi vaccine cơ bản, người đã tiêm vaccine có bổ sung 1 mũi tăng cường (mũi 3) và thấp nhất là nhóm người đã tiêm vaccine có bổ sung thêm 2 mũi tăng cường (mũi 4).
Tỷ lệ tử vong mỗi tuần do COVID-19 theo tình trạng tiêm chủng tại Hoa Kỳ (tính trên 100.000 người)
(Nguồn: CDC COVID-19 Response, Epidemiology Task Force)
Ngoài ra, 7 nghiên cứu về hiệu quả mũi 4 vaccine phòng Covid-19 được tổng hợp từ WHO (6 nghiên cứu của Israel và 1 nghiên cứu của Canada) cũng cho tỷ lệ mắc Covid-19 ở những người được tiêm mũi 4 giảm và tỷ lệ mắc Covid-19 nặng thấp hơn 3,5 lần so với ở nhóm tiêm 3 liều. Do đó, việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine Covid-19 mũi tăng cường là rất cần thiết, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh nền, người cao tuổi vì các nghiên cứu cho thấy miễn dịch ở nhóm người này sẽ giảm nhanh hơn so với người bình thường.
Bên cạnh việc tham khảo các kết quả nghiên cứu trên thế giới, các nhà khoa học tại Việt Nam cũng đang nghiên cứu khả năng đáp ứng miễn dịch của các vaccine sử dụng cho người Việt để có đề xuất hợp lý cho cơ quan quản lý y tế, và hơn nữa, là nghiên cứu các hướng điều trị bệnh nhân Covid-19 hiệu quả hơn, đặc biệt là từ kinh nghiệm trong đợt dịch cao điểm, điều trị các ca bệnh nặng và nguy kịch.
Nghiên cứu đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng vaccine Covid-19
Để có thêm những luận cứ khoa học về vấn đề đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng tại Việt Nam, các nhà khoa học tại Trường Đại học Y dược TP.HCM đã thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng vaccine ChdOx1 nCoV-19 (AZD1222)”. Nhiệm vụ vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu vào tháng 8/2022.
Nghiên cứu sử dụng loại vaccine ChAdOx1 nCoV-19 (AZD1222), được phát triển bởi Đại học Oxford và Hãng dược AstraZeneca, sử dụng công nghệ vector adenovirus. Đây cũng là loại vaccine đã được đưa vào sử dụng trong tiêm chủng tại Việt Nam từ tháng 3/2021. Đối tượng thử nghiệm là nhân viên y tế và người thân trong gia đình, thời gian khảo sát đáp ứng miễn dịch là 6 tháng sau tiêm đủ 2 liều vaccine.
Vaccine ChAdOx1 nCoV-19 (Nguồn: internet)
Nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu về khả năng sinh miễn dịch sau tiêm đủ liều vaccine, nhóm nghiên cứu thực hiện phân tích nồng độ kháng thể anti-S và kháng thể trung hòa hiện diện trong huyết thanh của người đã tiêm đủ 2 liều vaccine trong khoảng thời gian 180 ngày.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 100% người tham gia có sự hiện diện của kháng thể anti-S và giảm dần tỷ lệ nồng độ qua các thời điểm: 46% ở thời điểm 90 ngày (3 tháng) và hơn 67% ở thời điểm 180 ngày (6 tháng). Sau 6 tháng, nhóm tuổi 40-59 tuổi có nồng độ kháng thể anti-S trung bình thấp nhất. Vì vậy, nhóm nghiên cứu kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích và hỗ trợ người tiêm mũi tăng cường nhằm củng cố miễn dịch.
Nghiên cứu hướng điều trị tiềm năng trên nhóm bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch
Bên cạnh khuyến khích người dân tiêm các liều vaccine tăng cường để đáp ứng miễn dịch, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục đánh giá lại các phương pháp điều trị Covid-19 nhằm đề xuất các giải pháp điều trị phù hợp, đặc biệt đối với các ca Covid-19 nặng và nguy kịch.
Nghiên cứu “Liệu pháp methylprednisolone pulse liều cao trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch” đã được ThS.BS. Bùi Nghĩa Thịnh, NCS Ngô Hoàng Anh, ThS.BS. Huỳnh Minh Nhật, Đỗ Trần Nguyên Huy, BS.CKII. Lê Duy Lạc, TS.BS. Nguyễn Thu Anh cùng với các cộng sự tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức và Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam thực hiện và áp dụng lần đầu trên 147 bệnh nhân được điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Covid-19 số 2 và Bệnh viện Thành phố Thủ Đức từ ngày 13/7/2021 đến ngày 31/8/2021. Trong đó, 66 bệnh nhân được điều trị với liệu pháp pulse corticosteroids (nhóm điều trị), và 81 bệnh nhân còn lại thuộc nhóm đối chứng, được điều trị theo phác đồ tiêu chuẩn trước đó của Bộ Y tế. Ý tưởng ban đầu là sử dụng corticosteroids liều pulse trong điều trị điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, bắt nguồn từ các nghiên cứu trên thế giới, tiêu biểu là nghiên cứu quan sát tiến cứu của Miguel A.L.Z. và các cộng sự hoặc nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu của Ivan C. và các cộng sự tại Tây Ban Nha, hay thử nghiệm lâm sàng của Maryam E. và các cộng sự tại Iran.
Với các kết quả khả quan như giảm tỉ lệ tử vong nội viện cũng như gia tăng khả năng xuất viện thành công, nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn áp dụng ý tưởng và kiểm chứng trên các bệnh nhân nguy kịch đang điều trị nội trú tại bệnh viện, khi tình hình dịch đang ở thời điểm trở nên căng thẳng hơn.
Trong quá trình nhiễm Covid-19, giai đoạn có tỉ lệ tử vong cao nhất là ở pha tăng viêm, được đặc trưng bởi đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể, có khả năng dẫn đến tổn thương đa cơ quan. Do đó, nhiều biện pháp can thiệp đã được thử nghiệm như sử dụng các kháng thể đơn dòng chặn IL-6 (như Tocilizumab), IL-1 (như Anakinra), Janus Kinase hay sử dụng corticosteroids liều cao. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bùng phát, việc tiếp cận các liệu pháp kháng thể đơn dòng còn tại Việt Nam hạn chế, nên việc sử dụng pulse corticosteroids với tính sẵn có và giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện tiềm lực và cơ sở vật chất y tế còn nhiều thiếu thốn như Việt Nam, là liệu pháp khả thi nhất trong thời điểm đó cho điều trị bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng. Kết quả phân tích dữ liệu đa biến cho thấy, việc sử dụng corticosteroids liều pulse có thể giúp giảm gần 90% tỉ lệ tử vong nội viện của bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. Với kết quả nghiên cứu khả quan, liệu pháp này đã được mở rộng để điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại nhiều khoa, phòng, trung tâm Hồi sức cấp cứu, tiêu biểu là các bệnh viện tầng 2 và Bệnh viện Dã chiến Hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương, giúp giảm thiểu nhanh chóng tỉ lệ tử vong của bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín như bài báo “Severe Covid-19 during pregnancy treated with pulse corticosteroid therapy and mid-trimester termination: A case report” đăng trên tạp chí Case Reports in Women's Health vào tháng 02/2022 và bài báo “High-dose methylprednisolone pulse therapy for the treatment of patients with severe Covid-19: Results from a prospective observational study” đăng trên tạp chí Journal of Intensive Medicine vào tháng 04/2022.
***
Mặc dù giai đoạn nghiêm trọng nhất của đại dịch Covid-19 đã qua đi, nhưng dư âm, cũng như các biến thể của virus SARS-CoV-2 vẫn còn có khả năng tiếp tục phát triển và lây lan trên khắp thế giới. Do vậy, những nghiên cứu mới nhằm đánh giá hiệu quả của vaccine trong việc ứng phó với sự biến đổi của virus và tăng cường năng lực điều trị đóng vai trò rất quan trọng. Những nghiên cứu này không chỉ giúp ích trong giai đoạn hiện tại, mà còn là cơ sở để các ngành y tế đối phó với các dịch bệnh có khả năng xuất hiện trong tương lai.
Duy Sang
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Amanda Montañez và Tanya Lewis. How to Compare COVID Deaths for Vaccinated and Unvaccinated People. https://www.scientificamerican.com/article/how-to-compare-covid-deaths-for-vaccinated-and-unvaccinated-people/
[2] B. Như. Liệu pháp corticosteroids liều pulse: Hướng đi tiềm năng trên nhóm bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch? https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/lieu-phap-corticosteroids-lieu-pulse-huong-di-tiem-nang-tren-nhom-benh-nhan-covid19-nang-va-nguy-kich/2022081109452662p1c160.htm
[3] Hoàng Kim. Nghiệm thu nhiệm vụ đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng vaccine Covid-19. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/nghiem-thu-nhiem-vu-danh-gia-dap-ung-mien-dich-sau-tiem-chung-vaccine-covid-19-8f683cf2-6584-409e-8d09-b9cbb730e109
[4] Lệ Hà. Hiệu lực vaccine Covid-19 giảm sau 3-5 tháng, nguy cơ mắc ở ca chưa tiêm đủ. https://laodong.vn/suc-khoe/hieu-luc-vaccine-covid-19-giam-sau-3-5-thang-nguy-co-mac-o-ca-chua-tiem-du-1090879.ldo
[5] Thủy Tiên. Lợi ích tiêm Covid-19 mũi 4.https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/covid19/tin-tuc-moi-nhat/loi-ich-tiem-covid19-mui-4-6a412a3daa1c2813b7fb705b513f33f3.html
[6] WHO. WHO Coronavirus (Covid-19) Dashboard. https://covid19.who.int/