Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Là đô thị đặc biệt, nhưng TP.HCM thường xuyên bị ngập khi mưa lớn, nhất là khi có kết hợp triều cường, ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển và cuộc sống người dân. Các ngành chức năng tại Thành phố đã có nhiều ứng phó, với nhiều dự án được triển khai, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Ở nhiều nơi, cứ mưa là ngập. Cần phải làm sao?

 

Khi mùa mưa trở thành mùa ngập

Ở những nơi thấp, trũng so với khu vực xung quanh như đường Trần Xuân Soạn (Quận 7), chợ Thủ Đức (TP. Thủ Đức),… có thể nói, “mùa ngập” năm 2022 đã về khá sớm, cùng với những cơn mưa lớn đầu mùa. “Mưa lớn mù trời, TP.HCM có nơi ngập gần cả mét” là tiêu đề một bài viết trên Báo Tuổi Trẻ, phản ánh hậu quả của cơn mưa lớn (kéo dài từ chiều đến tối 29/4) đã khiến một đoạn đường Tô Ngọc Vân (TP. Thủ Đức) bị ngập sâu cả mét, có đoạn nước lên đến hết biển số xe.

Ngập nặng trên diện rộng tại Thành phố cũng xảy ra khi mưa to từ trưa ngày 2/6: “…hơn một tiếng sau mưa, nhiều tuyến đường ở các khu vực vùng ven như TP.Thủ Đức, Q.Gò Vấp,… đã ngập nặng. Biển nước cũng tràn vào khu vực trung tâm Thành phố, với các vỉa hè dọc tuyến đường Lê Lai (Q.1) chìm trong nước,...”. “Sáng đi làm đường bộ, chiều trở về đường sông” đã trở thành “trải nghiệm” của nhiều người dân ngày hôm đó (thống kê sơ bộ cho thấy, có ít nhất 18 điểm ngập ở TP.HCM sau trận mưa này). “Sông” lại tiếp tục thay thế đường ở TP.HCM khi nhiều tuyến đường bị ngập nặng, nhiều đoạn ngập sâu, sau cơn mưa lớn vào chiều 22/6. Đường sá tiếp tục ùn tắc, xe cộ nối đuôi kéo dài,… Đến khuya, nhiều nơi tại TP.HCM vẫn ngập sâu trong nước, giao thông hỗn loạn,…

Mới đây, Thành phố lại ghi nhận thêm một “cột mốc” nữa vào lịch sử ngập úng đô thị vốn khá trầm kha của mình. Cơn mưa lớn kéo dài gần 4 giờ (chiều 15/8) trút xuống nhiều nơi trong Thành phố, đã khiến nhiều tuyến đường ngập nặng,... Thống kê đến 18 giờ, Thành phố ghi nhận 42 tuyến đường bị ngập. Ngoài khu trung tâm, nước còn ngập sâu trên diện rộng, ở các tuyến đường tại TP. Thủ Đức, quận 10, 12, Bình Thạnh, Bình Tân,... vượt cả dự báo khả năng ngập khi mưa lớn trong năm nay do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) vừa đưa ra trước đó (39 tuyến).

 

Nguyên nhân?

Nguyên nhân gây ngập lụt tại Thành phố, về mặt khách quan, được lý giải là do mưa lớn có xu hướng ngày càng gia tăng, tần suất xuất hiện những trận mưa có vũ lượng lớn (trên 100mm) nhiều, tập trung trong thời gian ngắn. Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, tình hình ngập lụt trên địa bàn Thành phố diễn ra thường xuyên và phức tạp. Trong đó có 46 trận mưa với lượng mưa trên 50mm, 18 trận mưa gây ngập, 10 đợt triều cường cao. Theo thống kê trong vòng 40 năm (1970-2010), trên địa bàn Thành phố chỉ xuất hiện 11 trận mưa trong 3 giờ, với lưu lượng trên 100mm. Tuy nhiên, chỉ trong hơn 10 năm trở lại đây, đã có đến 29 trận mưa trong 3 giờ. Đặc biệt, trong các năm 2020 và 2021 đã có 4 trận mưa với lưu lượng tới 100-212mm, chỉ trong vòng 60 phút. Có thể thấy, mưa đã gia tăng cả về tần suất và lưu lượng.

Cũng theo các số liệu thống kê, triều cường tại Thành phố cũng có xu hướng tăng cao theo thời gian. Trong 27 năm (1980-2007) đỉnh triều ở mức cao nhất chỉ đạt dưới +1,50m (tại trạm Phú An). Nhưng trong 12 năm gần đây đỉnh triều đã vượt trên mức +1,50m. Hơn thế, tần suất xuất hiện đỉnh triều cũng ngày càng gia tăng: nếu giai đoạn 2006-2015, tần suất xuất hiện đỉnh triều trên +1,50m chỉ có 94 lần, thì chỉ trong 5 năm gần đây (2017-2021) đã xuất hiện tới 151 lần (gấp hơn 1,6 lần). Đặc biệt, đỉnh triều còn chạm đến mức +1,77m.

Đáng chú ý, tổ hợp bất lợi đã xảy ra khi triều cường trên sông Sài Gòn dâng cao kết hợp mưa lớn cùng việc xả lũ của các hồ chứa thượng nguồn, ảnh hưởng mạnh đến công tác chống ngập của Thành phố. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là sức tải lũ của sông Sài Gòn rất thấp. Theo ông Tô Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác Dầu Tiếng - Phước Hòa, trong thực tế, chỉ một lần hồ Dầu Tiếng xả lũ đến 600 m3/giây đã khiến vùng hạ du như TP.HCM và Bình Dương ngập nghiêm trọng. Nếu hồ Dầu Tiếng phải xả lũ đến lưu lượng thiết kế (2.800 m3/giây, với mực nước lũ 26,92m), 10 quận, huyện ở TP.HCM cùng nhiều địa phương tại Tây Ninh, Bình Dương và Long An sẽ bị ngập nặng, thiệt hại cực lớn.

Ngoài ra, nguyên nhân gây ngập lụt tại TP.HCM, còn có yếu tố thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước để đáp ứng với tốc độ đô thị hóa. Ví dụ như việc phát triển các dự án nhà ở phía Nam TP.HCM trên nền đất yếu và thấp, hay sự phát triển tự phát hai bên bờ sông Sài Gòn về phía thượng lưu đã làm mất hàng ngàn hecta chứa nước. Quá trình bê tông hóa khiến ao hồ bị san lấp, diện tích thấm nước, lưu trữ nước trong đô thị giảm, các điểm ngập úng sẽ nghiêm trọng hơn. Chia sẻ tại Hội thảo khoa học về giải pháp thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu do Bộ Xây dựng phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức sáng 25/8, bên cạnh thông tin “Đường ống thoát nước của Việt Nam hiện là 0,5 m/người dân, trong khi số liệu trung bình thế giới là 2m”, ông Lương Ngọc Khánh, Trưởng phòng Thoát nước và Quản lý nước thải (Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng) cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến hệ thống thoát nước ở Việt Nam hoạt động chưa hiệu quả, gây ngập úng là nước mưa và nước thải đang được thu gom chung (tỷ lệ nước thải được thu gom khoảng 15%). Tỷ lệ đấu nối, bao phủ của hệ thống thoát nước mới chỉ 64%. Việc đầu tư hạ tầng thoát nước giữa các hệ thống cũ và mới chưa đồng bộ, thiếu kinh phí nên công suất thiết kế vẫn chưa đảm bảo điều kiện mưa thực tế.

 

Các giải pháp chống ngập cho đô thị tại TP.HCM?

Thời gian qua, Chính quyền Thành phố đã có nhiều quyết sách đầu tư cho công tác chống ngập: đồng ý triển khai dự án chống ngập 10.000 tỉ do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư; chuẩn bị xây dựng hệ thống hồ điều tiết theo Quy hoạch thoát nước mưa đến năm 2020; dựng các cống kiểm soát triều khu vực TP.HCM; xây dựng đê bao ven sông Sài Gòn; nạo vét các trục tiêu thoát nước chính, các kênh rạch; các dự án hỗ trợ kỹ thuật chống ngập; xây dựng các tuyến thu gom nước thải và nhà máy xử lý,…

Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học cũng có nhiều đóng góp vào nỗ lực giảm thiểu ngập úng, giảm thiểu các thiệt hại do mưa lũ và triều cường gây ra tại Thành phố. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, đã có hàng chục nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được các chuyên gia đề xuất và thực hiện:

  • Để phục vụ công tác cảnh báo và dự báo ngập trên địa bàn, có các nghiên cứu của: Trường Đại học Quốc tế (“Nghiên cứu thiết kế mạng lưới giám sát mực nước sông kênh rạch, ngập nước đô thị dựa trên công nghệ mạng cảm biến không dây và thiết kế xây dựng trung tâm thu thập dữ liệu tự động, website công bố dữ liệu trực tuyến” – năm 2017); Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (“Xây dựng quy trình cảnh báo mưa lớn cho TP.HCM phục vụ dự báo ngập” - năm 2018 và “Xây dựng mô hình dự báo, cảnh báo và quản lý ngập cho đô thị thông minh tại TP.HCM” - năm 2021”); Trung tâm Công nghệ Môi trường (“Nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của biến đổi khí hậu; xây dựng chiến lược tích hợp để nâng cao khả năng thích nghi và ứng phó ngập lụt; nâng cao năng lực quan trắc, dự báo ngập lụt” – năm 2019); Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao (“Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc ngập tại các điểm thường xuyên ngập nặng thuộc đô thị sáng tạo kết nối công nghệ đô thị thông minh TP.HCM” – năm 2020). Từ tháng 12/2020, Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ đã triển khai thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm ngập lụt đô thị dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM”, dự kiến công trình sẽ hoàn tất vào tháng 12/2022, đóng góp thêm vào các giải pháp phòng chống ngập lụt, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
  • Để phục vụ công tác đánh giá và giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra, đó là các nghiên cứu của: Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM (“Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định để điều hành tối ưu và bền vững hệ thống liên hồ chứa đảm bảo an toàn công trình phục vụ phát điện, cấp nước, chống ngập lụt, và xâm nhập mặn ở hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn” – năm 2017 và “Nghiên cứu đề xuất lựa chọn chiến lược quản lý ngập lụt thích hợp trên cơ sở các dự án đã, đang và dự kiến triển khai tại Tp.HCM” – năm 2018); Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (“Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phân lũ, chậm lũ, giảm lũ nhằm giảm ngập lụt cho TP.HCM khi hồ Dầu Tiếng xả lũ theo thiết kế hoặc gặp sự cố” – năm 2018); Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (“Mô hình hóa hạ tầng xanh phục vụ giảm thiểu ngập lụt đô thị lưu vực Tham Lương Bến Cát” – năm 2019); Viện Môi trường và Tài nguyên (“Nghiên cứu cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước nhằm kiểm soát ngập lụt do lượng mưa và triều cường tăng trong điều kiện biến đổi khí hậu trên địa bàn TP.HCM” – năm 2020); Trường Đại học Tôn Đức Thắng (“Đánh giá tác động của ngập lụt do biến đổi khí hậu đến nhà ở tại khu vực Nhà Bè, Cần Giờ (TP.HCM), và đề xuất giải pháp quy hoạch và kiến trúc nhằm ứng phó” – năm 2021); Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (“Điều tra khảo sát và đánh giá thiệt hại do ngập lụt đến kinh tế - xã hội; xây dựng bản đồ thiệt hại do ngập lụt phục vụ công tác chống ngập, quy hoạch đô thị trên địa bàn TP.HCM” – năm 2021);,…

Có thể nói, giải pháp là khá nhiều. Vấn đề là việc triển khai, vận dụng các giải pháp chống ngập vào thực tiễn tại Thành phố vẫn còn khá nhiều bất cập. Theo số liệu thống kê, kinh phí chi cho công tác chống ngập giai đoạn 2016-2020 tại TP.HCM là 25.998 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD). Tuy theo đánh giá của ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Sở Xây dựng TP.HCM): “…so với trước đây, công tác chống ngập đã đạt được hiệu quả đáng ghi nhận. Số điểm ngập, thời gian và chiều sâu ngập giảm rất nhiều…”, nhưng theo các chuyên gia, những hoạt động chống ngập của TP.HCM vẫn chưa căn cơ, nhiều nội dung đã triển khai nhiều năm vẫn chưa có kết quả: dự án chống ngập 10.000 tỉ vẫn chưa hoàn tất (kế hoạch hoàn thành vào tháng 4/2018); các hồ điều tiết ngầm vẫn chưa được triển khai trong thực tế; nhiều dự án chống ngập và xử lý nước thải còn đang chờ đợi vốn đầu tư, nhất là các dự án cải thiện hệ thống thoát nước,...

Theo kế hoạch giảm ngập nước cho Thành phố giai đoạn 2021-2025, ước tính sẽ cần tới khoảng 101.000 tỉ đồng (4,3 tỉ USD). Để khai thác đồng vốn đầu tư một cách hiệu quả, theo các chuyên gia, cần phải sử dụng các giải pháp tổng hợp liên vùng, từ cấp lưu vực sông toàn vùng đô thị, đến các giải pháp mang tính chi tiết của từng khu vực đô thị, dự án cụ thể. Đối với các giải pháp thuộc nhóm công trình, cần tăng cường xây dựng hệ thống tiêu thoát nước; hệ thống thu gom xử lý nước thải; hệ thống công trình đê, cống ngăn triều; trạm bơm tiêu úng; san lấp cốt nền; xây dựng hồ điều hòa, hồ chứa cắt lũ ở phía thượng lưu. Đối với các giải pháp phi công trình, cần thực hiện tốt các quy trình vận hành hệ thống liên hồ chứa; xây dựng các hệ thống cảnh báo, tích hợp vấn đề rủi ro ngập úng vào các quy hoạch đô thị. Cơ quan quản lý Nhà nước phải tiến hành kiểm soát phát triển đô thị một cách hợp lý, khuyến khích phát triển đô thị tại khu vực có địa hình cao (như khu vực đô thị trung tâm hiện hữu và hướng Bắc, Tây Bắc), siết chặt và kiểm soát đối với khu vực đô thị hóa có địa hình thấp (như hướng Đông Bắc; Tây Nam dọc Quốc lộ 1; hướng Nam, Đông Nam tiến ra biển. Ngoài ra, cần gia tăng công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống xả rác bừa bãi, khơi thông dòng chảy, bảo vệ các công trình tiêu, thoát nước.

Tuấn Kiệt

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Hà Mai. Bao giờ TP.HCM hết ngập? 04/06/2022. https://thanhnien.vn/bao-gio-tp-hcm-het-ngap-post1465107.html
[2] Lê Thoa-Võ Thơ. Lên kịch bản xả lũ tránh gây ngập nặng cho TP.HCM16/07/2022 https://plo.vn/len-kich-ban-xa-lu-tranh-gay-ngap-nang-cho-tp-hcm-post689372.html
[3] Tỷ Huỳnh. Người dân TP. HCM lại chịu cảnh ngập, tắc kinh hoàng 22/06/2022. https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nguoi-dan-tp-hcm-lai-chiu-canh-ngap-tac-kinh-hoang-post952013.vov
[4] Thanh Tùng. TP. Hồ Chí Minh: Quyết liệt triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị. 09/08/2022 https://baotainguyenmoitruong.vn/tp-ho-chi-minh-quyet-liet-trien-khai-cac-giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-ngap-lut-do-thi-342574.html
[5] Sơn Hà. Hạ tầng thoát nước của Việt Nam bằng 1/4 trung bình thế giới. 25/8/2022. https://vnexpress.net/ha-tang-thoat-nuoc-cua-viet-nam-bang-1-4-trung-binh-the-gioi-4503781.html

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập