Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công là tiền đề phát triển hệ thống quản lý nhà nước linh hoạt, thích ứng với bối cảnh thực tiễn là yêu cầu tất yếu để phát triển kinh tế xã hội.

(Nguồn: citt.hcmiu.edu.vn)

Đổi mới sáng tạo (innovation) đã được đề cập đến từ khá lâu trên thế giới. Trong đó, sáng tạo là việc người lao động sử dụng các hoạt động nhận thức để đưa ra những ý tưởng mới (Schumpeter,1934), đổi mới là việc thực hiện thành công các ý tưởng sáng tạo của người lao động (Amablile và cs, 1996). Tất cả các quá trình đổi mới trong doanh nghiệp đều xuất phát từ những ý tưởng sáng tạo của người lao động. Tại Việt Nam, thuật ngữ này cũng được đề cập trong nhiều văn bản. Theo Điều 3, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, đổi mới sáng tạo (ĐMST) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

ĐMST được áp dụng trong nhiều khu vực. Nếu ở khu vực doanh nghiệp, hoạt động theo logic thị trường, ĐMST là nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh và tạo lợi nhuận thì đối với khu vực công, hoạt động theo logic chính trị và tiến hành các hoạt động được tài trợ từ ngân sách (thuế), nhằm tạo ra hàng hóa công về mặt chính trị hoặc phục vụ nhu cầu của công dân, thì động lực chính của ĐMST là sự lan tỏa phi lợi nhuận của đổi mới, cộng tác, ra quyết định chính trị, sáng kiến của nhân viên và nhu cầu của người dân.

 

Đổi mới sáng tạo trong khu vực công

ĐMST trong khu vực công có những nét đặc thù riêng, đó là đổi mới về những quy định và chính sách; về các quy trình, dịch vụ công,… Trên thực tế, công nghệ thay đổi, thị trường thay đổi và nhu cầu của những “khách hàng” (hay chính là người dân, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn) cũng thay đổi, đặt áp lực rất lớn lên chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương. Chính quyền hoạt động dưới sự giám sát của người dân (về mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công; chất lượng dịch vụ giữa khu vực tư nhân và khu vực công, và quan trọng hơn là tạo dựng niềm tin của dân chúng và doanh nghiệp) trong điều kiện nguồn nhân lực hạn chế, áp lực thu hút và giữ chân người tài. Chính vì vậy, để thúc đẩy kinh tế tri thức hay sáng tạo, khu vực công không thể không ĐMST, cả về cách thức làm việc và tư duy về ĐMST.

ĐMST trong khu vực công có tiềm năng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của một quốc gia. Thực hiện ĐMST trong khu vực công, có thể tiến hành trực tiếp (giảm các chi phí dịch vụ; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào cải cách hành chính để tăng chất lượng dịch vụ,…) hoặc gián tiếp (tăng cường đầu tư KH&CN; chuyên giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng do nhà nước cung cấp cho các khu vực tư nhân,…). Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, ĐMST mang đến nhiều tác động tích cực, như đóng góp tới 95% khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; 91% đối với nền kinh tế xanh; 88% trong các công việc mới; 87% với việc mang lại giá trị cho toàn xã hội.

Tại Việt Nam, để thúc đẩy hoạt động ĐMST, đã có nhiều chính sách lớn được ban hành, ví dụ như Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia,…; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” xác định, một trong những mục tiêu hướng tới năm 2030 là duy trì xếp hạng về chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) của Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Để cụ thể hóa các mục tiêu này, Nghị quyết đã đề ra 8 nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp về “Chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia”; Năm 2020, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 được Quốc hội thông qua cũng có những quy định về các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm ĐMST, trung tâm nghiên cứu và phát triển,… Những chủ trương, chính sách như vậy đã góp phần tạo ra nền tảng pháp lý mới cho các hoạt động ĐMST, mang lại lợi ích thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

TP.HCM thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công

Thúc đẩy ĐMST trong khu vực công là động lực chính thúc đẩy mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cùng cả nước, Thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách để đẩy mạnh các hoạt động ĐMST nói chung và trong khu vực công nói riêng, ví dụ gần đây như Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 1/3/2021 về Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 3/3/2022 về phê duyệt Chương trình nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 552/KH-UBND ngày 23/2/2022 phát triển các Trung tâm đổi mới công nghệ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025;... Đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy hoạt động ĐMST trong khu vực công, chỉ riêng trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều cơ quan, đơn vị. Bên cạnh những đổi mới ngay trong các hoạt động thường nhật của mình, Sở Khoa học và Công nghệ đã tăng cường hợp tác với các cơ quan, đơn vị để thúc đẩy các hoạt động ĐMST tại Thành phố: ngày 22/4, phối hợp với Công ty cổ phần Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo Victory tổ chức Chương trình Kết nối đầu tư cho các dự án khởi nghiệp ĐMST nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng; ngày 28/4, phối hợp cùng Sở Xây dựng tổ chức Tọa đàm “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM” để tìm kiếm những hướng đi mới phục vụ công tác phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM; ngày 27/5 tổ chức Hội nghị “Tìm kiếm giải pháp hỗ trợ quận - huyện trong quản lý, điều hành” nhằm trực tiếp thúc đẩy các hoạt động KH&CN và ĐMST trong khu vực công; phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện “Chương trình phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế TP. HCM giai đoạn 2022-2025” nhằm tìm ra các giải pháp tốt và phù hợp nhất giúp nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho hệ thống y tế, phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân của Thành phố,…

Gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ cũng vừa tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 2701/KH-UBND (ngày 4/8) về thúc đẩy hoạt động ĐMST trong khu vực công tại TP.HCM. Tại Hội nghị “Triển khai thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025” được tổ chức ngày 7/9, theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN), hiện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đang đồng hành cùng các Sở, ban, ngành, Thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện triển khai thúc đẩy hoạt động ĐMST trong khu vực công ở 3 nội dung cụ thể gồm: (1) Inno-Coffee: sự kiện kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đây là cơ hội để các đơn vị có chung nhu cầu trình bày vấn đề cần giải quyết, nhận tư vấn từ phía chuyên gia (Viện, trường - Doanh nghiệp) nhằm tìm kiếm hướng giải pháp đổi mới sáng tạo phù hợp để hợp tác triển khai; (2) R&D: chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển giải pháp. Đây là chính sách áp dụng sau khi đơn vị đã tìm được hướng giải quyết vấn đề và (3) Sandbox: chính sách hỗ trợ thử nghiệm để các bên hoàn thiện giải pháp giải quyết vấn đề.

07 nhóm nhiệm vụ về hoạt động ĐMST năm 2022 tại TP.HCM:

1. Thành lập Tổ công tác tại mỗi đơn vị để triển khai hoạt động ĐMST trong khu vực công của TP.HCM.

2. Huấn luyện nâng cao năng lực cho tổ công tác thực hiện các hoạt động ĐMST trong khu vực công.

3. Triển khai xây dựng các bài toán lớn về hoạt động ĐMST trong khu vực công cho một số lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể.

4. Triển khai các nhiệm vụ ĐMST hàng năm trong hoạt động quản lý nhà nước được phân công tại các đơn vị.

5. Thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp ĐMST Thành phố tham gia phát triển các giải pháp ĐMST, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, trong hoạt động ĐMST phục vụ công tác quản lý nhà nước.

6. Phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu dùng chung cho các Sở ban ngành và các cơ sở dữ liệu mở cho cộng đồng để hỗ trợ cho các hoạt động ĐMST trong khu vực công.

7. Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về ĐMST trong khu vực công.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) phát biểu tại Hội nghị (Nguồn: dost.hochiminhcity.gov.vn)

Trong đó, để triển khai hiệu quả các bài toán lớn cho Thành phố, cụ thể hóa các nhiệm vụ trong hoạt động ĐMST về lĩnh vực Quản lý nhà nước, cần thực hiện tốt 5 bước: (1) Xây dựng nội dung các bài toán lớn (khảo sát, đánh giá, phát hiện vấn đề, phân loại vấn đề, mô tả vấn đề để xây dựng nội dung bài toán); (2) Công bố rộng rãi cho cộng đồng về nội dung bài toán lớn; (3) Tuyển chọn đơn vị chủ trì thực hiện; (4) Tổ chức phối hợp thực hiện; (5) Triển khai ứng dụng các nội dung của bài toán lớn và đánh giá kết quả.

Thúc đẩy ĐMST trong khu vực công là tiền đề phát triển hệ thống quản lý nhà nước linh hoạt, thích ứng với bối cảnh thực tiễn là yêu cầu tất yếu để phát triển kinh tế - xã hội. Đây một trong những nhiệm vụ được xác định là trọng tâm, lâu dài và thường xuyên. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ cho các đơn vị làm quen, kết nối với các thành phần trong hệ sinh thái, cùng tương tác giải quyết vấn đề, tìm ra giải pháp hoàn thiện thực hiện ĐMST.

Vân Anh

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Bảo Linh. Xây dựng Khung Chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại Việt Nam. https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=54944&idcm=188
[2] Minh Vân. Tầm quan trọng của Đổi mới sáng tạo trong khu vực công. https://sohuutritue.net.vn/tam-quan-trong-cua-doi-moi-sang-tao-trong-khu-vuc-cong-d147103.html
[3] Lam Vân. TP.HCM tìm kiếm giải pháp hỗ trợ quận – huyện: thúc đẩy đổi mới sáng tạo khu vực công. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/tphcm-tim-kiem-giai-phap-ho-tro-quan-huyen-thuc-day-doi-moi-sang-tao-khu-vuc-cong/
[4] Hoàng Kim. TP.HCM thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/tphcm-thuc-day-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-trong-linh-vuc-y-te-cdb7f915-94e0-4d8f-97ac-8614329a31e1
[5] Thúy Nhi. 7 nhóm giải pháp cho đổi mới sáng tạo cho khu vực công ở TP.HCM. https://plo.vn/7-nhom-giai-phap-cho-doi-moi-sang-tao-cho-khu-vuc-cong-o-tphcm-post697428.html
[6] UNECE. Innovation in the Public Sector. https://unece.org/DAM/ceci/publications/Innovation_in_the_Public_Sector/Public_Sector_Innovation_for_web.pdf

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập