Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Trên các kênh truyền thông chính thống cũng như các hội nhóm trực tuyến trong những ngày gần đây, thông tin về việc tiêm vaccine các mũi bổ sung để phòng, chống Covid-19 được bàn luận khá nhiều. Nhà nước cũng đang tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, cùng các mũi bổ sung, trong bối cảnh số ca nhiễm đang có chiều hướng gia tăng trở lại ở Việt Nam (theo các số liệu thống kê), hệ quả tất yếu của sự xâm nhập nhanh chóng các biến chủng Omicron mới (BA.4, BA.5), vốn dễ dàng lây nhiễm cho những người chưa tiêm phòng, kể cả những bệnh nhân đã từng nhiễm các biến chủng trước đó (ví dụ BA.1). Tuy có gia tăng số lượng người nhiễm, số bệnh nặng, nhưng số bệnh nhân không qua khỏi hầu như không có. Thành quả này có sự đóng góp quyết định của vaccine cùng các mũi tiêm tăng cường.

 

Theo báo cáo “A Review on Immunological Responses to SARS-CoV-2 and Various Covid-19 Vaccine Regimens” (tạm dịch: Đánh giá về đáp ứng miễn dịch đối với SARS-Cov-2 theo các phác đồ vaccine phòng chống Covid-19) công bố ngày 1/7/2022 trên cơ sở dữ liệu SpringerLink cho thấy, hiện đã có 7 vaccine đạt Phase IV (lâm sàng) của quá trình sản xuất vaccine (4 phase) là Comirnaty/Pfizer, Spikevax/Moderna (vaccine mRNA); AstraZeneca/Vaxzevria hay Covishield, Ad26.COV2.S, Ad5-nCoV (vaccine trên cơ sở adenoviral vector); CoronaVac and BBIBP-CorV (vaccine virus bất hoạt).

 

Hầu hết các loại vaccine giúp cơ thể chống lại quá trình lây nhiễm bằng cách tạo ra phản ứng kháng thể trung hòa hiệu quả. Tuy nhiên, tác dụng của các kháng thể này không lâu dài, vì vậy, việc triển khai nhanh chóng các chương trình tiêm chủng và tiêm chủng tăng cường là rất cần thiết để ức chế sự lan truyền của SARS-CoV-2. Với Comirnaty hay Spikevax, nghiên cứu về việc tiêm liều thứ ba (tăng cường) cho các nhân viên y tế sau 6-9 tháng tiêm liều thứ hai cho thấy xuất hiện nhiều kháng thể trung hòa bảo vệ chống lại Omicron và các biến thể khác của SARS-CoV-2.

 

Việc tiêm trộn các loại vaccine khác nhau cũng cho thấy khả năng giúp giảm thiểu nguy cơ từ các biến thể mới xuất hiện hoặc các biến thể cần quan tâm (VOC), vốn đang có xu hướng kháng một phần với các loại vaccine đang có trên thị trường. Theo một số nghiên cứu trên thế giới, việc sử dụng pha trộn vaccine giúp gia tăng mức độ kháng thể, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể: tiêm trộn vaccine Vaxzevria và Comirnaty sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn so với trường hợp chỉ sử dụng đơn nhất hai liều vaccine các loại này; liều tăng cường Pfizer hoặc Moderna sử dụng sau khi tiêm AstraZeneca cho kết quả gia tăng đáng kể mức độ IgG và tăng đột biến các globulin miễn dịch IgA so với những người chỉ tiêm AstraZeneca thuần túy,...

 

Những luận cứ khoa học về vấn đề đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng phòng Covid-19 cũng ít nhiều được minh chứng tại Việt Nam, qua nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước. Với đối tượng tìm hiểu là tác dụng của liều tăng cường (mũi 3) bằng vaccine Covishield, qua nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu đánh giá đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng vaccine ChdOx1 nCoV-19 (AZD1222)”, vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu trong tháng 8, kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Y Dược TP.HCM đã cho thấy sự tương đồng với các kết quả nghiên cứu trên thế giới về tác dụng của liều vaccine tăng cường trong việc phòng, chống Covid-19. Đây cũng là một luận cứ rất thuyết phục về việc cần tiêm các liều vaccine tăng cường để phòng chống dịch Covid-19, trong bối cảnh nhiều loại vaccine được triển khai trên thực tế vẫn mới chỉ được cấp phép có điều kiện (ngoại trừ các loại vaccine như Pfizer và Moderna đã được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ cấp phép đầy đủ), lý do khiến một thiểu số người dân vẫn còn chưa thực sự tin tưởng và sử dụng các mũi vaccine tăng cường trong thực tiễn.

 

Tuy các chuyên gia nhận định vẫn cần nhiều nghiên cứu để xác định khả năng chống lại các biến thể SARS-CoV-2 của các loại vaccine đang được lưu hành, chính nhờ hiệu quả thực tế của các loại vaccine này trong việc phòng, chống nhiễm bệnh và bệnh nặng (thậm chí tử vong) thời gian qua, nên các biện pháp khắt khe để phòng, chống Covid-19 đang dần được gỡ bỏ ở nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã triển khai chương trình tiêm chủng đến giai đoạn cuối, hứa hẹn việc sớm chấm dứt đại dịch vốn đang tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội toàn cầu hiện nay.

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập