Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Thành phố Hồ Chí Minh - đô thị đặc biệt và là đầu tàu kinh tế, dù chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, vẫn đóng góp khoảng 14,5% GDP cả nước trong năm 2021. Tuy nhiên, đây cũng là nơi thường xuyên bị ngập vào mùa mưa, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và gây thiệt hại không nhỏ đến nền kinh tế. Do vậy, chống ngập vẫn luôn là vấn đề thời sự.

 

Thực trạng ngập lụt tại đô thị

Mùa mưa ở các tỉnh phía Nam diễn ra từ đầu tháng 5 tới tháng 11 hàng năm. Mưa lớn, nhất là khi có thêm tác động của bão lũ là nguyên nhân gây nên ngập lụt ở nhiều nơi, làm thiệt hại đến tài sản và cả tính mạng của người dân. Các đô thị cũng không ngoại trừ. Mưa lớn kéo dài và tốc độ thoát nước không kịp thời thường gây ngập trên diện rộng, tắc nghẽn giao thông, tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Theo báo điện tử VNExpress, từ 15/8 đến 6/9 liên tục ghi nhận mưa lớn làm ngập sâu, gây tắc nghẽn giao thông và tai nạn cho người dân tại TP.HCM; ngày 15/10 tại Đà Nẵng, mưa lớn gây ngập đến 2m, khiến 4 nạn nhân tử vong,...

Nước ngập đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp) chiều 01/10/2022, xe cộ phải lưu thông sát dải phân cách (Ảnh: Lưu Duyên - Báo Tuổi Trẻ)

Theo khảo sát đánh giá của người dân về tình trạng ngập lụt và ứng phó ngập lụt ở TP.HCM, trong một nghiên cứu cùng tên, của tác giả Bùi Thị Minh Hà (đăng trên Tạp chí Xã hội học năm 2021), với người dân TP.HCM, tình trạng ngập lụt đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn: 35,4% người được khảo sát cho rằng việc ngập lụt gia tăng và gần 2/3 (55,4%) người tham gia khảo sát đánh giá tình hình ngập lụt tương đương hoặc cao hơn những năm trước.

Vấn đề ngập nước không chỉ tác động lớn đến đời sống người dân, mà thực sự còn gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tại hội thảo tìm giải pháp chống ngập do Báo Tiền Phong tổ chức hồi năm 2018, ông Lê Văn Thành (Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM) đã thông tin, các khu vực bị ảnh hưởng do ngập nước chiếm đến khoảng 2/3 diện tích toàn Thành phố, tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt, việc làm của gần 3 triệu người dân; ước tính thiệt hại do ngập nước tại TP.HCM lên đến 1.500 tỷ mỗi năm.

Tác hại của ngập lụt đến cuộc sống hàng ngày của người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được ông Nguyễn Việt Hưng (Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM) chỉ ra tại bài viết “Xây dựng bản đồ ngập lụt phục vụ công tác chống ngập, quy hoạch đô thị trên bàn thành phố Hồ Chí Minh”, đăng trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn năm 2021 (Bảng 1).

Bảng 1. Tổng hợp những loại hình thiệt hại do ngập lụt

(Nguồn: Nguyễn Việt Hưng. Xây dựng bản đồ ngập lụt phục vụ công tác chống ngập, quy hoạch đô thị trên bàn TP.HCM)

 

Đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống ngập, lụt

Nước ngập các tuyến đường đô thị, các khu dân cư là vấn đề khiến người dân rất bức xúc và luôn là mối quan tâm của chính quyền, nhất là khi mùa mưa đến. Theo các nhà khoa học, để chống ngập hợp lý, chiến lược chống ngập phải có tính đồng bộ giữa các giải pháp và bản thân các giải pháp phải có tính bền vững, thân thiện với môi trường. Các giải pháp này phải có tính lâu dài, tránh đầu tư ngắn hạn và cần tối ưu hóa chi phí để mang lại lợi ích tối đa.

Đến nay, nhiều phương án đã được các chuyên gia đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước, từ những giải pháp mang tính tổng thể, quy mô lớn như xây dựng hệ thống giám sát cảnh báo hạn hán, lũ lụt, thoát nước có bơm ở vùng thấp của GS. TS Nguyễn An Niên (nguyên Viện Trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam); bố trí hồ điều hòa của PGS.TS Lê Huy Bá (Khoa Môi trường và Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM); ứng dụng vỉa hè thẩm thấu nước, tôn nền,… của TS. Ngô Lê Minh (Trưởng Bộ môn Kiến trúc- Trường Đại học Tôn Đức Thắng); xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo lũ, lụt và hạn hán theo thời gian thực trên nền tảng WebGIS của TS.Trần Anh Phương (Viện Khoa học Tài nguyên nước); cải tạo và xây dựng mới hệ thống thoát nước của TS. Nguyễn Trung Việt (Văn phòng Biến đổi khí hậu TP.HCM),… đến các giải pháp cho một công đoạn cụ thể phục vụ quá trình tiêu thoát nước, ví dụ như sản phẩm nắp hố ga vật liệu composite SMC cải tiến bằng bakelite (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa nghiệm thu năm 2022). Sản phẩm này có khả năng chịu trọng tải lớn, khá nhẹ (chỉ bằng ¼ gang thép) nên việc thi công, sửa chữa và sử dụng dễ dàng (cho phép thông cống nhanh hơn) và quan trọng nhất là giá thành rẻ, ít bị mất trộm (do không thể tái chế), ứng dụng được với quy mô lớn,...

Nắp hố ga được sản xuất từ nhựa Bakelite dầu vỏ hạt điều. (Nguồn: dost.hochiminhcity.gov.vn)

Ở góc độ chính quyền, để giải quyết vấn đề ngập lụt, TP.HCM đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án xử lý, phòng chống để giảm thiểu tác hại của ngập lụt đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2016-2020, Thành phố tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập tại lưu vực trung tâm và một phần của 5 lưu vực ngoại vi ở phía Bắc, Tây, Nam, Đông Bắc, Đông Nam (rộng 550km2, với khoảng 6,5 triệu dân). Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố triển khai nhiều giải pháp công trình như: ưu tiên xây dựng và cải tạo các tuyến cống thoát nước; nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với chiều dài 32km để giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 14.500 ha; thực hiện Dự án nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm dài 8,2 km giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 700ha,… Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tập trung nguồn vốn để thực hiện Dự án cải tạo rạch chính khu vực nội đô, gồm rạch Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh, Bà Tiếng, kênh Liên xã, rạch Ông Búp; xây dựng hồ điều tiết Gò Dưa (rộng 23ha), hồ Bàu Cát (rộng 0,4 ha), hồ Khánh Hội (diện tích 4,8ha).

Gần đây, tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X, UBND Thành phố đã xin kiến về chủ trương đầu tư hai dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu (tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2023-2028), với mục tiêu cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải, tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập nước do mưa, triều và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lưu vực Tây Sài Gòn và Tham Lương - Bến Cát.

Có thể thấy, trong các giải pháp chính để phòng, chống ngập (điều chỉnh quy hoạch chống ngập; thực hiện các dự án chống ngập, xử lý nước thải; tăng cường ứng dụng KH&CN trong dự báo ngập; vận động người dân không xả rác ra kênh rạch; bố trí nguồn kinh phí để thực hiện chương trình chống ngập) mà Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND Thành phố, bên cạnh công tác vận động người dân không xả rác ra kênh rạch, tăng cường đầu tư ứng dụng KH&CN trong phòng, chống ngập; các biện pháp pháp nạo vét, xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước đang được ưu tiên triển khai mạnh. Hy vọng những đầu tư mới của Thành phố sẽ sớm phát huy tác dụng, để tình trạng “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” không còn tái hiện mỗi mùa mưa.

Minh Thư

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Bùi Thị Minh Hà. Đánh giá của người dân về tình trạng ngập lụt và ứng phó ngập lụt ở TP.HCM. https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/317203/CVv207S12021 050.pdf
[2] Ngô Lê Minh. Đánh giá tác động của ngập lụt do biến đổi khí hậu đến nhà ở tại khu vực Nhà Bè, Cần Giờ (TP.HCM), và đề xuất giải pháp quy hoạch và kiến trúc nhằm ứng phó. http://library.cesti.gov.vn/viewerv3/173267/Ket-qua-nghiencuu-TPHCM/Danh-gia-tac-dong-cua-ngap-lut-do-bien-doi-khi-hau-den-nha-o-tai-khu-vuc-nha-be-can-gio-TPHCM-va-de-xuat-giai-phap-quy-hoach-va-kien-trucnham-ung-pho.
[3] Lê Song Giang. Nghiên cứu đề xuất lựa chọn chiến lược quản lý ngập lụt thích hợp trên cơ sở các dự án đã, đang và dự kiến triển khai tại TP.HCM. http://library.cesti.gov.vn/ViewerV3/126457/Ket-qua-nghien-cuu-TPHCM/Nghien-cuu-de-xuat-lua-chon-chien-luoc-quan-ly-ngap-lut-thich-hop-tren-co-so-cac-du-an-da-dang-va-du-kien-trien-khai-tai-TpHCM
[4] Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Tiềm năng lớn từ nắp hố ga vật liệu composite SMC cải tiến bằng bakelite có nguồn gốc biến tính dầu điều. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/tiem-nang-lon-tu-nap-ho-ga-vat-lieu-composite-smc-cai-tien-bang-bakelite-co-nguon-goc-bien-tinh-dau-dieu/
[5] Trần Anh Phương và cộng tác. Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo lũ, lụt và hạn hán theo thời gian thực trên nền tảng WebGIS. https://www.vista.gov.vn/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/nghien-cuu-xaydung-he-thong-giam-sat-canh-bao-lu-lut-va-han-han-theo-thoi-gian-thuc-trennen-tang-webgis-5379.html

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập