Được công bố hàng năm, GII cung cấp các thước đo hiệu suất và xếp hạng hệ sinh thái đổi mới của các nền kinh tế trên thế giới. Năm 2022, theo số liệu vừa được công bố vào cuối tháng 9, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế trên thế giới. Với thứ hạng này, Việt Nam có bước thụt lùi 3 bậc so với cách đây 5 năm (2018). Tuy nhiên, xét trong 15 năm, thứ hạng GII của Việt Nam vẫn có chiều hướng tăng trưởng tích cực.
Đổi mới sáng tạo (innovation) đã được đề cập đến từ khá lâu trên thế giới. Trong đó, sáng tạo là việc người lao động sử dụng các hoạt động nhận thức để đưa ra những ý tưởng mới (Schumpeter, 1934), đổi mới là việc thực hiện thành công các ý tưởng sáng tạo của người lao động (Amablile và cộng sự, 1996). Tất cả các quá trình đổi mới trong doanh nghiệp đều xuất phát từ những ý tưởng sáng tạo của người lao động. Tại Việt Nam, thuật ngữ này cũng được đề cập trong nhiều văn bản. Theo Điều 3, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, đổi mới sáng tạo (ĐMST) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (Global Innovation Index - viết tắt GII) là chỉ số đánh giá năng lực và kết quả đổi mới của các nền kinh tế thế giới do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (World Intellectual Property Organization - WIPO), Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Viện INSEAD hợp tác thực hiện hàng năm. Kể từ khi được thiết lập vào năm 2007, đến nay, GII đã trở thành chỉ dấu quan trọng trong việc đo lường đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên thế giới; trở thành nền tảng trong việc hoạch định chính sách kinh tế của các quốc gia. Ngày càng nhiều chính phủ phân tích một cách có hệ thống các kết quả GII hàng năm và kiến tạo các chính sách thích hợp để cải thiện hiệu quả hoạt động. Đây cũng là một tiêu chuẩn được Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc (United Nations Economic and Social Council - ECOSOC) công nhận vào năm 2019, nhằm đo lường ĐMST liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Chỉ số GII không bị giới hạn trong các phòng thí nghiệm R&D, các bài báo khoa học đã xuất bản,… mà có tính chất tổng quát hơn, bao gồm các khía cạnh xã hội, mô hình kinh doanh và kỹ thuật.
Khởi thủy (năm 2007), GII được đánh giá từ tập hợp 8 trụ cột (84 tiêu chí), thang điểm 7, phân bổ theo 2 hướng tiếp cận:
- Nguồn lực đầu vào: (1) Thể chế kinh tế và chính sách (Institutions & Policies - 13 tiêu chí; (2) Nguồn nhân lực (Human capacity - 8 tiêu chí; (3) Kết cấu hạ tầng và CNTT (General & ICT Infrastructure - 10 tiêu chí; (4) Thị trường và vốn (Business, Markets & Capital flows - 15 tiêu chí; (5) Công nghệ sản xuất tiên tiến (Technologies & Process Sophistication - 12 tiêu chí).
- Sản phẩm đầu ra: (6) Tri thức (Knowledge - 9 tiêu chí); (7) Khả năng cạnh tranh (Competitiveness - 8 tiêu chí); và (8) Của cải xã hội (Wealth - 9 tiêu chí).
Theo thời gian, phương pháp tính điểm, chọn lọc chỉ tiêu đánh giá GII cũng có nhiều thay đổi (từ năm 2011 đến nay, điểm đánh giá thay đổi từ thang 7 sang thang 100). Năm nay, GII được đánh giá từ tập hợp 7 trụ cột (81 tiêu chí):
- Đầu vào: (1) Thể chế của nền kinh tế (Institutions - 7 tiêu chí): (2) Nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu (Human capital & Research - 12 tiêu chí): (3) Kết cấu hạ tầng (Infrastructure - 10 tiêu chí); (4) Sự phát triển của thị trường (Market sophistication - 10 tiêu chí); và (5) Sự phát triển của doanh nghiệp (Business sophistication - 15 tiêu chí).
- Đầu ra: (6) Sản phẩm tri thức và công nghệ (Knowledge & Technology outputs - 14 tiêu chí; (7) Sản phẩm sáng tạo (Creative outputs - 13 tiêu chí).
Vừa được WIPO công bố ngày 29/9, GII 2022 là ấn bản lần thứ 15,có sự hợp tác của Viện Portulans và nhiều đối tác. Theo đó, các nền kinh tế có GII 2022 đứng tốp đầu từng khu vực địa lý như sau:
- Khu vực Châu Âu: (1) Thụy Sĩ; (2) Thụy Điển; (3) Vương quốc Anh.
- Khu vực Bắc Mỹ: (1) Mỹ; (2) Canada.
- Khu vực Mỹ La-tinh: (1) Chi Lê; (2) Brasil; (3) Mexico.
- Khu vực Trung và Nam Á: (1) Ấn Độ; (2) Iran; (3) Uzbekistan.
- Khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Châu Đại dương: (1) Hàn Quốc; (2) Singapore; (3) Trung Quốc.
- Khu vực Bắc Phi và Tây Á: (1) Israel; (2) Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất; (3) Thổ Nhĩ Kỳ.
- Khu vực Hạ Sahara (Châu Phi): (1) Nam Phi; (2) Botswana; (3) Kenya.
Theo thu nhập, các nền kinh tế có GII 2022 đứng tốp đầu là:
- Nhóm thu nhập cao: (1) Thụy Sĩ; (2) Mỹ; (3) Thụy Điển.
- Nhóm thu nhập trung bình-cao: (1) Trung Quốc; (2) Bulgaria; (3) Malaysia.
- Nhóm thu nhập trung bình-thấp: (1) Ấn Độ; (2) Việt Nam; (3) Iran.
- Nhóm thu nhập thấp: (1) Rwanda; (2) Madagasca; (3) Ethiopia.
Có thể thấy, trong danh sách các quốc gia có GII cao trên thế giới, thường là các nước phát triển như Mỹ và các quốc gia khu vực châu Âu. Đặc biệt, trong những năm gần đây,Thụy Sĩ thường giữ thứ hạng đầu bảng (Hình 1).
Hình 1: Diễn biến thứ hạng GII của các nước tốp đầu thế giới trong 5 năm gần đây (Nguồn: GII 2022)
Ngay từ năm đầu xây dựng GII, Việt Nam đã được WIPO đưa vào đánh giá cùng với 106 nền kinh tế khác trên thế giới. Xuất phát điểm của Việt Nam trong bảng xếp hạng lần đầu (2007) khá thấp, dưới mức trung bình chung của 107 nền kinh tế được WIPO xếp hạng năm này (65/107). Năm 2022, GII Việt Nam đã đạt vị trí 48/132 nền kinh tế, đứng hạng nhì trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình - thấp và thứ 10 các nước khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Châu Đại dương. Tuy trong 5 năm gần đây, GII của Việt Nam có vẻ chững lại, nhưng nhìn chung, qua 15 lần xếp hạng, GII của Việt Nam vẫn có xu hướng đi lên (Bảng 1, Biểu đồ 1). Báo cáo GII 2022 cũng xác định, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình - thấp có tốc độ ĐMST nhanh nhất, tính đến nay.
Bảng 1: Vị trí của Việt Nam và số nền kinh tế được WIPO đánh giá giai đoạn 2007-2022
(Nguồn: tổng hợp GII 2007-2022)
Biểu đồ 1: Diễn biến thứ hạng của Việt Nam về ĐMST giai đoạn 2007-2022 (Nguồn: tổng hợp GII 2007-2022)
Biến động các trụ cột GII của Việt Nam, giai đoạn 2017-2022
• Các trụ cột đầu vào: trong 5 năm gần đây, điểm số các trụ cột “Thể chế của nền kinh tế” và “Kết cấu hạ tầng” của Việt Nam có xu hướng gia tăng. Với năm 2022, đóng góp mạnh cho sự tăng điểm của trụ cột “Thể chế của nền kinh tế” là nhóm chỉ tiêu “Hiệu quả điều hành” (tăng 10 bậc, từ thứ hạng khoảng 70 lên 57), cho thấy các chủ trương, chính sách hỗ trợ đổi mới của nhà nước đã phát huy tốt tác dụng. Tuy nhiên, trụ cột “Sự phát triển thị trường” lại sụt giảm, mất điểm, chủ yếu là do các nội dung liên quan đến nhóm “Tín dụng”: các khoản vay từ các tổ chức tài chính vi mô và ngân sách dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bị đánh giá thấp (Biểu đồ 2).
Biểu đồ 2: Điểm số các trụ cột đầu vào về ĐMST của Việt Nam, giai đoạn 2018-2022 (Nguồn: tổng hợp GII 2018-2022)
Xét theo thứ hạng tương quan, các trụ cột “Kết cấu hạ tầng”, “Sự phát triển của doanh nghiệp” và “Thể chế nền kinh tế” của Việt Nam đều có sự thăng hạng, trong đó, tăng mạnh nhất là “Thể chế nền kinh tế” (từ hạng 78 lên hạng 51). Ngược lại, các trụ cột “Sự phát triển của thị trường” và “Nhân lực và năng lực” lại chứng kiến sự sụt giảm, khiến “Nhân lực và năng lực” là trụ cột có thứ hạng thấp nhất (từ hạng 66 xuống hạng 80) trong 7 trụ cột GII 2022 của Việt Nam (Biểu đồ 3).
Biểu đồ 3: Thứ hạng các trụ cột đầu vào về ĐMST của Việt Nam, giai đoạn 2018-2022 (Nguồn: tổng hợp GII 2018-2022)
• Các trụ cột đầu ra: trong bối cảnh “GII của Việt Nam chững lại trong 5 năm qua”, các trụ cột đầu ra của Việt Nam đều có xu hướng sụt giảm, dẫn đến sụt giảm thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ GII thế giới. Trụ cột “Sản phẩm tri thức và công nghệ” chỉ giữ được đà tăng đến năm 2019. Qua năm 2020, trụ cột này bị đánh giá sụt giảm liên tục đến năm 2022. Đóng góp “ổn định” vào việc giảm thứ bậc của trụ cột này là các chỉ tiêu trong nhóm thành phần “Tác động của kiến thức - knowledge impact”, sụt giảm liên tục trong kỳ. Trụ cột “Sản phẩm sáng tạo” mất 10% số điểm sau 5 năm do sụt giảm ở cả 3 nhóm cấu thành (Tài sản vô hình - Intangible assets; Hàng hóa và dịch vụ sáng tạo - Creative goods & services và Sáng tạo trực tuyến - Online creativity) (Biểu đồ 4).
Biểu đồ 4: Điểm số các trụ cột đầu ra về ĐMST của Việt Nam, giai đoạn 2018-2022 (Nguồn: tổng hợp GII 2018-2022)
Xét theo thứ hạng tương quan, trụ cột “Sản phẩm tri thức và công nghệ” của Việt Nam sụt giảm mạnh (từ vị trí 35 xuống vị trí 52), trong khi các “Sản phẩm sáng tạo” có sự phát triển tốt hơn (tăng hạng từ 46 lên 35) trong khoảng thời gian này (Biểu đồ 5).
Biểu đồ 5: Thứ hạng các trụ cột đầu ra về ĐMST của Việt Nam, giai đoạn 2018-2022 (Nguồn: tổng hợp GII 2018-2022)
Nhìn chung, so với cách đây 5 năm, xét theo điểm số, Việt Nam có 3/7 trụ cột tăng giá trị. Về thứ hạng, Việt Nam có 4/7 trụ cột tăng hạng.
Xét trong mối tương quan giữa các nhóm trụ cột đầu vào/đầu ra của Việt Nam, các nhóm trụ cột đầu ra có thứ hạng tốt hơn (cao hơn) nhóm các trụ cột đầu vào. Tuy nhiên, thứ hạng các nhóm trụ cột đầu vào đang được cải thiện khá ổn định theo thời gian (Biểu đồ 6).
Biểu đồ 6: Thứ hạng các nhóm trụ cột đầu vào và đầu ra về ĐMST của Việt Nam, giai đoạn 2018-2022 (Nguồn: tổng hợp GII 2018-2022)
Vị trí của Việt Nam trong ASEAN, từ góc nhìn GII
Xét trong khuôn khổ tương quan giữa các nước thành viên ASEAN, Singapore là nền kinh tế mạnh, luôn giữ vị trí đầu bảng xếp hạng ĐMST, và luôn duy trì được thứ hạng cao trên thế giới. Malaysia, tuy có sự suy giảm thứ hạng theo thời gian so với toàn cầu, nhưng vẫn đứng ở vị trí thứ hai. Vị trí thứ ba có sự so kè sát sao giữa Thái Lan và Việt Nam trong các hoạt động hỗ trợ ĐMST và kết quả các hoạt động ĐMST trong 5 năm gần đây, nhưng nhìn chung, Thái Lan vẫn có phần nhỉnh hơn (Biểu đồ 7).
Biểu đồ 7: Tương quan thứ hạng của Việt Nam và các nước ASEAN về ĐMST (Nguồn: tổng hợp GII 2007-2022)
*Ghi chú: không bao gồm 3 nước Lào, Myanmar và Brunei do số liệu GII của các nước này không đầy đủ.
***
Có thể thấy, theo GII, thế mạnh của Việt Nam là có các chủ trương, chính sách khá phù hợp và kịp thời đối với các hoạt động và hệ sinh thái ĐMST trong nước. Ngoài ra, việc đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh tế - xã hội cũng là một ưu điểm của Việt Nam. Các hạn chế của Việt Nam liên quan mật thiết đến các yếu tố về sản phẩm tri thức và công nghệ. Trong đó, thể hiện rõ nhất là các chỉ tiêu về chứng nhận hệ thống quản lý ISO, đăng ký sáng chế quốc tế (PCT), thu từ bản quyền và tỉ trọng xuất khẩu dịch vụ ICT trong cơ cấu hàng xuất.
Với các kết quả đo lường đổi mới được tính toán, đánh giá phân tích một cách khoa học và hệ thống, nghiên cứu cải thiện GII đã trở thành một yêu cầu tất yếu của ngày càng nhiều chính phủ trên thế giới nhằm hoạch định và kiến tạo các chính sách thích hợp để nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế và điều hành xã hội.
Tuấn Kiệt
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
WIPO. The Global Innovation Index (2007-2022)