Ngày 29/9, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (World Intellectual Property Organization - WIPO) vừa công bố Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2022. Qua 15 lần công bố, kể từ lần đầu tiên vào năm 2007, GII 2022 của Việt Nam cho thấy hoạt động đổi mới sáng tạo có nhiều khởi sắc. Một trong những nguyên nhân được WIPO chỉ ra, đó chính là đóng góp quan trọng của các chủ trương, chính sách của Việt Nam về các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Từ chủ trương “…KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, rõ ràng, để tạo được bước đột phá phát triển KH&CN, việc tập trung xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia bằng các giải pháp đồng bộ là đòi hỏi tất yếu. Để đưa chủ trương đi vào thực tiễn, bên cạnh việc ngày càng hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, tạo thông thoáng cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức KH&CN,…, Việt Nam đã có rất nhiều quyết sách nhằm tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; ươm tạo, nuôi dưỡng và tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Có thể kế đến như Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844); thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (năm 2019),... và gần đây là “Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”, theo Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Không chỉ hỗ trợ phát triển đổi mới sáng tạo, việc đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh tế - xã hội cũng được Việt Nam đặc biệt quan tâm, từ việc ban hành Luật Công nghệ thông tin (2006) đến Luật An toàn thông tin mạng (2015) cùng các văn bản hướng dẫn; các chương trình, dự án, giải pháp nhằm đẩy mạnh việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là chuyển đổi số, trong thời gian gần đây, ví dụ như “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” năm 2020; thành lập Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số (2021); tổ chức Ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10/2022),…
Cùng cả nước, các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được Ủy ban Nhân dân TP.HCM chỉ đạo triển khai mạnh trên địa bàn trong thời gian qua, với các chương trình, đề án, kế hoạch như “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP.HCM” năm 2016; “Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2025” năm 2022; “Chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM” năm 2020;… Trên cơ sở này, nhiều hoạt động đa dạng và phong phú đã được thực hiện tại Thành phố, thu hút được đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng hưởng ứng tham gia.
Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại TP.HCM, trong tháng 10/2022, dưới sự chủ trì của Ủy ban Nhân dân Thành phố, các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Công Thương cùng phối hợp tổ chức Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP.HCM năm 2022.
Với những hoạt động trọng tâm như: Hội thảo khoa học “Chính sách cấp cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” nhằm chia sẻ chính sách, kinh nghiệm, mô hình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công của một số nước, định hướng của TP.HCM trong giai đoạn tới; các sự kiện kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; lễ trao “Giải thưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM 2022”, cùng các tọa đàm quốc tế về chuyển đổi số, triển lãm sản phẩm công nghệ và chuyển đổi số,… sẽ thúc đẩy mạnh hơn các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn trong nỗ lực xây dựng và phát triển thành phố đổi mới sáng tạo và đô thị thông minh; góp phần thiết thực vào quá trình phấn đấu cùng cả nước thực hiện tốt mục tiêu đưa Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam: “..không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới”, như xác định trong “Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”, vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
BBT