Phát triển bền vững là chủ đề mang tính toàn cầu, cũng là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia. Sản xuất và tiêu dùng bền vững đã được Chính phủ xác định là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Sản xuất và tiêu dùng bền vững được xem là giải pháp đảm bảo nguồn tài nguyên cho các thế hệ sau.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững
Có khá nhiều khái niệm về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SX&TDBV), trong đó, được sử dụng phổ biến nhất là khái niệm của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP): “SX&TDBV là việc sử dụng các dịch vụ và sản phẩm có liên quan để đáp ứng các nhu cầu cơ bản và mang lại một cuộc sống tốt hơn, đồng thời giảm thiểu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu độc hại cũng như giảm thiểu phát thải trong suốt vòng đời sản phẩm, sao cho không làm tổn hại đến việc thỏa mãn các nhu cầu của các thế hệ tương lai”.
SX&TDBV có tác động tích cực đến nhiều mặt của kinh tế và đời sống xã hội: tạo ra thị trường mới, cơ hội mới (thực phẩm hữu cơ, hội chợ thương mại, nhà ở, năng lượng tái tạo, giao thông vận tải và du lịch), việc làm phù hợp, giữ gìn môi trường bền vững cũng như quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Quy trình SX&TDBV khép kín do UNEP đề xuất (2012) vận hành theo 9 lĩnh vực trong vòng đời sản phẩm và dịch vụ, bao gồm: (1) Quản lý tài nguyên bền vững; (2) Thiết kế theo hướng bền vững; (3) Sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên; (4) Vận tải bền vững; (5) dán nhãn sinh thái và chứng nhận nhãn sinh thái; (6) Mua sắm bền vững; (7) Tiếp thị bền vững; (8) Lối sống bền vững; và (9) Quản lý rác thải (Hình 1).
Hình 1. Phương pháp tiếp cận hệ thống toàn diện trong sản xuất và tiêu dùng bền vững
(Nguồn: UNEP, 2012)
Việt Nam đã vận dụng phương pháp tiếp cận hệ thống toàn diện SX&TDBV và triển khai thiết thực vào các hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong thực tiễn. Có thể nói, SX&TDBV đã có nền tảng tại Việt Nam kể từ năm 2004, theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” nhằm phát triển bền vững đất nước trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Theo thời gian, nhiều chủ trương, chính sách cụ thể hóa các hoạt động SX&TDBV đã được chính quyền các cấp triển khai trong cả nước. SX&TDBV đã trở thành một công cụ về phát triển kinh tế bền vững, được lồng ghép vào trong các chương trình, chiến lược và kế hoạch quốc gia. “Chương trình hành động quốc gia về SX&TDBV giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” theo Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ chính là khung pháp lý đầu tiên của Việt Nam tiếp cận tổng thể và toàn diện các nội dung và nhiệm vụ về SX&TDBV.
Việt Nam đã đẩy mạnh 6 chiến lược quốc gia phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm: (1) Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; (2) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; (3) Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020; (4) Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; (5) Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020; (6) Chiến lược về sản xuất sạch hơn trong ngành công nghiệp đến năm 2020. Có thể thấy, các chiến lược quốc gia này có mối liên quan rất chặt chẽ với 9 lĩnh vực chính sách ưu tiên về SX&TDBV mà UNEP đề xuất. Trong đó, lĩnh vực chính sách ưu tiên “Quản lý tài nguyên bền vững” hiện diện trong cả 6 chiến lược quốc gia của Việt Nam, kế tiếp là lĩnh vực “Quản lý chất thải rắn” (5 chiến lược) và thứ 3 là lĩnh vực “Sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên” (Hình 2).
Hình 2. Mối quan hệ giữa các lĩnh vực ưu tiên về SX&TDBV và chiến lược quốc gia
(Nguồn: SWITCH-Asia)
Việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã góp phần thúc đẩy quá trình xanh hóa SX&TDBV, đặc biệt nhận thức của các bên liên quan (chính quyền, doanh nghiệp và người dân) về sự cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh đã có những chuyển biến rõ rệt. Sau 10 năm triển khai tích cực các dự án thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp công nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp cận với dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Nhiều mẫu hình sản xuất bền vững trong công nghiệp, thiết kế sản phẩm bền vững cũng đã bước đầu được thực hiện, tuy còn ở phạm vi hẹp. Cộng đồng doanh nghiệp đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu SX&TDBV. Việt Nam cũng đang trong quá trình áp dụng các thông lệ mua sắm công bền vững.
Gần đây, ngày 24/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia về SX&TDBV giai đoạn 2021-2030”, trong đó làm rõ thêm một số nội dung tác động trong vòng đời sản phẩm, tái sử dụng, tái chế và thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm được sản xuất trong nước. Triển khai Chương trình, Bộ Công Thương đã hỗ trợ 02 tỉnh và xây dựng hướng dẫn các tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình; xây dựng một số hướng dẫn kỹ thuật về SX&TDBV cho một số ngành (chế biến thủy sản, bia rượu, bao bì…) cũng như các công tác truyền thông về SX&TDBV.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chương trình SWITCH-Asia (được Ủy ban Châu Âu tài trợ, thông qua Cơ quan Hợp tác và Phát triển Quốc tế) về kết quả triển khai “Chương trình hành động Quốc gia về SX&TDBV giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” tại Việt Nam cho thấy, đến năm 2020, mới chỉ có 1/13 chỉ tiêu của 5 mục tiêu cụ thể mà Chương trình hành động Quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã đề ra được đánh giá là đạt (áp dụng chứng nhận phân phối xanh cho các đơn vị phân phối, xây dựng và mở rộng chuỗi cung ứng bền vững cho các sản phẩm chủ lực), 2/13 chỉ tiêu có thể đạt (50% doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng; cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu áp dụng các hệ thống quản lý bền vững đáp ứng yêu cầu môi trường của nước nhập khẩu), 2/13 chỉ tiêu đạt một phần, 4/13 chỉ tiêu chưa đạt. Ngoài ra, có đến 4 chỉ tiêu chưa thể xác định kết quả do không đủ dữ liệu để đánh giá. Có thể nói, con đường SX&TDBV vẫn còn nhiều khó khăn.
Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức trong tháng 9 vừa qua, bà Nguyễn Lệ Thủy (Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo) chia sẻ, nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; cảnh quan, môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Hưởng ứng sản xuất và tiêu dùng bền vững tại TP.HCM
Là địa phương luôn đi đầu trong hoạt động phát triển kinh tế, các chương trình được hành động quốc gia về SX&TDBV rất được quan tâm, triển khai tại TP.HCM. Nhiều nội dung về SX&TDBV đã được Thành phố vận dụng từ khá lâu, ví dụ như: quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ TP.HCM; đổi mới, phát triển các KCX-KCN theo hướng xanh, bền vững; sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên; dán nhãn sinh thái và chứng nhận sinh thái; mua sắm công xanh; tiếp thị bền vững; lối sống bền vững và quản lý chất thải,...
Hưởng ứng “Chương trình hành động quốc gia về SX&TDBV giai đoạn 2021-2030”, tháng 8/2021 UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3128/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về SX&TDBV trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2030”. Năm 2022 đã ghi nhận nhiều hoạt động triển khai, thúc đẩy quá trình SX&TDBV trên địa bàn, ví dụ như xây dựng Đề án "Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2040”; phát động Chiến dịch Tiêu dùng xanh với chủ đề “Gia đình xanh cùng hành động”;...
Hình 3. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến về Đề án Định hướng phát triển các KCX-KCN TP.HCM giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2040
(Nguồn: hochiminhcity.gov.vn)
Đồng hành cùng những nỗ lực của chính quyền, các nhà khoa học tại Thành phố cũng tham gia rất tích cực vào công cuộc thúc đẩy SX&TDBV. Để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất bền vững, có thể kể đến các nhiệm vụ như “Nghiên cứu điều chế sản phẩm polyphenol từ hạt bơ (Persea americana Mill) nhằm nâng cao hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus Vannamei)” của TS. Phan Thị Anh Đào nhằm cải thiện tỷ lệ sống, tăng cường hệ miễn dịch ở tôm thẻ chân trắng. Sản phẩm nghiên cứu phù hợp với xu thế giảm thiểu và loại bỏ dần sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, thân thiện với môi trường; tăng năng suất vật nuôi, cải thiện thu nhập cho nông dân nuôi tôm. “Dây chuyền chiên tôm Tempura bán tự động” của PGS.TS Võ Tường Quân (Trung tâm Nghiên cứu thiết bị và công nghệ cơ khí Bách Khoa thuộc Trường Đại học Bách Khoa, Đại học quốc gia TP.HCM) là giải pháp thay thế cho việc chiên tôm truyền thống, đảm bảo được sự đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn cần có của các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Liên minh châu Âu,... Dây chuyền có công suất và tính năng tương đương, dễ dàng bảo trì, sửa chữa, thay đổi mẫu mã sản phẩm nhưng giá thành chỉ bằng ½ nhập ngoại, tiết kiệm chi phí đầu tư cho nhà sản xuất. Trong một nghiên cứu khác, cũng vừa được Thành phố nghiệm thu năm 2022, nhóm nghiên cứu của ThS. Lương Đức Thiện (Viện Sinh học nhiệt đới) đã khuyến nghị xây dựng các quy trình, quy phạm và các tiêu chuẩn về chăn nuôi phù hợp với nghề nuôi yến ở TP.HCM. Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào nhà nuôi để tăng năng suất vật nuôi, đạt hiệu quả vận hành cũng như phòng, chống dịch bệnh hiệu quả và bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững.
Để phục vụ mục đích xây dựng các hành vi tiêu dùng bền vững, ngay từ năm 2015, TS. Lê Văn Khoa (Trường Đại học Bách khoa TP.HCM) đã công bố nghiên cứu đánh giá các chương trình hành động hướng đến tiêu dùng bền vững trên địa bàn TP.HCM và khảo sát, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng bền vững nhằm cung cấp các luận cứ phục vụ cho việc xây dựng các giải pháp, chương trình hành động hướng đến mục tiêu tiêu dùng bền vững đến năm 2025. Năm 2017 nhóm nghiên cứu của ThS. Đặng Thị Thanh Lê (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ) báo cáo kết quả nghiên cứu hiện trạng kiến thức, nhận thức, thái độ và hành vi tiêu dùng bền vững của sinh viên một số trường đại học tại TP.HCM nhằm hình thành chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về tiêu dùng bền vững cho sinh viên.
Năm 2020, các tác giả Đặng Thị Thanh Lê, Tô Thị Hiền (Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Kỳ Phùng (Viện KH&CN Tính toán) và Nguyễn Thị Thu Hiền, Huỳnh Ngọc Thúy An (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) đã hoàn tất nhiệm vụ KH&CN “Truyền thông nâng cao nhận thức về tiêu dùng bền vững cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn TP.HCM”, nghiên cứu về các hành vi tác động đến ý định tiêu dùng của học sinh trung học tại TP.HCM - nhóm đối tượng trẻ, năng động, sáng tạo, có khả năng tìm tòi, tiếp nhận và lan tỏa thông tin tốt đến cộng đồng. Việc cung cấp cho học sinh trung học những kiến thức cơ bản có liên quan đến tiêu dùng bền vững, cũng như mối quan hệ tác động qua lại giữa thói quen tiêu dùng, môi trường và sức khỏe trong sinh hoạt hằng ngày sẽ góp phần hình thành cho giới trẻ ý thức, thái độ và hành vi đúng đắn về tiêu dùng bền vững. Năm 2022, nhóm nghiên cứu của ThS. Nguyễn Trúc Vân (Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM) cũng vừa được nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN “Giải pháp khuyến khích hành vi tiêu dùng xanh trên địa bàn TP.HCM”. Các tác giả đã phân tích đánh giá thực trạng triển khai các công cụ chính sách điều chỉnh hành vi tiêu dùng xanh của người dân TP.HCM. Trên cơ sở đó, đề xuất các công cụ chính sách để thúc đẩy hành vi tiêu dùng xanh (bao gồm công cụ kinh tế, công cụ hành chính và công cụ thông tin truyền thông).
Từ việc triển khai đồng bộ các chương trình hành động cấp quốc gia và tại các địa phương về SX&TDBV, đến các nỗ lực nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về SX&TDBV cho các bên sản xuất - tiêu dùng, sự “vào cuộc”, hướng ứng tích cực, kịp thời của các nhà khoa học, các doanh nghiệp và cộng đồng, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thực tế cho thấy, khu vực sản xuất của Việt Nam đã được tôi luyện nhiều hơn về sản xuất bền vững, với sản xuất xanh; người tiêu dùng đã bắt đầu hiểu về tiêu dùng bền vững, qua việc thay đổi hành vi - là ưu tiên chọn các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý xem phát triển bền vững là trách nhiệm của các doanh nghiệp. Do vậy, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để cộng đồng cùng chung tay thực hiện SX&TDBV. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về SX&TDBV. Ngoài ra, các nội dung vẫn còn tồn tại sau 10 năm triển khai Chương trình hành động Quốc gia về SX&TDBV (giai đoạn 2011-2020) đã được các nghiên cứu quốc tế đề cập cũng cần được các cấp, các ngành quan tâm nghiên cứu và xử lý, tạo điều kiện cho đất nước tiếp tục phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Minh Thư
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Ngọc Hân. Phát động Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. https://moit.gov.vn/phat-trien-ben-vung/phat-dong-chuong-trinh-hanh-dong-quoc-gia-ve-san-xuat-va-tie2.html
[2] 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. https://moit.gov.vn/tin-tuc/tiet-kiem-nang-luong/17-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-cua-viet-nam.html
[3] Lê Minh Đức. Thực trạng sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam - những khuyến nghị chính sách. http://tailieudientu.lrc.tnu.edu.vn/Upload/Collection/brief/brief_36574_40167_13201392212_2011_156.30.pdf
[4] Switch- Asia. Xây dựng chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (2021-2030) ở Việt Nam. https://www.iges.or.jp/en/publication_documents/pub/policyreport/en/11076/vietnam_scp_assessment_report_vn.pdf
[5] Băng Tâm. TP.HCM sẽ thí điểm xây dựng mới một khu công nghiệp sinh thái. https://tphcm.chinhphu.vn/tphcm-se-thi-diem-xay-dung-moi-mot-khu-cong-nghiep-sinh-thai-101220915195133953.htm
[6] Quang Ngọc. TP. Hồ Chí Minh tăng cường chuyển đổi mô hình khu công nghiệp theo hướng phát triển bền vững. https://scp.gov.vn/tin-tuc/t13094/tp-ho-chi-minh-tang-cuong-chuyen-doi-mo-hinh-khu-cong-nghiep-theo-huong-phat-trien-ben-vung.html