Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Phần 2: Đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ tại TP.HCM

Là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, TP.HCM hiện có 20 cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố. Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) Thành phố ngày càng được nâng cao, trong đó, việc đánh giá CBCC đã dần đi vào nề nếp và coi trọng hơn về kết quả thực thi công vụ.

 

Triển khai các chủ trương, chính sách đánh giá công chức tại TP.HCM

Định hướng nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ công chức (CBCC), viên chức của Nhà nước được TP.HCM vận dụng linh hoạt theo từng giai đoạn phát triển.

Trong những năm gần đây, từ những chủ trương, chính sách của Chính phủ (Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại CBCC, viên chức); chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ Thành phố (Chương trình hành động số 18, 19 năm 2016 của Thành ủy TP.HCM); của HĐND Thành phố (Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/03/2018 của HĐND TP.HCM về chi thu nhập tăng thêm cho CBCC, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý), UBND Thành phố đã có nhiều quy định về đánh giá công chức theo hướng “hiệu quả công việc đầu ra”. Ví dụ như Quyết định số 4631/QĐ-UBND ngày 19/10/2018 (về đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với CBCC, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.HCM) nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND. Với Quyết định này, các tiêu chí đánh giá đã được chỉ ra cụ thể (Ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức - tối đa 20 điểm; Năng lực và kỹ năng - tối đa 30 điểm; Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao - tối đa 50 điểm). Các tiêu chí đánh giá công chức có chức vụ lãnh đạo, quản lý có khác biệt với công chức không giữa chức vụ lãnh đạo, quản lý ở nhóm tiêu chí về năng lực, kỹ năng. Căn cứ nhóm tiêu chí và khung điểm tối đa đạt được của từng nhóm tiêu chí nêu trên, các cơ quan, tổ chức chủ động xây dựng thang điểm chi tiết để thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị. Có thể thấy, việc lượng hóa các nội dung đánh giá công chức đã bước đầu được thực hiện.

Để sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với CBCC, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.HCM cho phù hợp hơn với thực tiễn, sau 1 năm triển khai Quyết định số 4631/QĐ-UBND, ngày 03/9/2019, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3728/QĐ-UBND. Theo đó, ba nhóm tiêu chí cơ bản tại Quyết định số 4631/QĐ-UBND ngày 19/10/2018 vẫn được giữ nguyên, nhưng số lượng tiêu chí trong từng nhóm nhiều hơn và được quy định chi tiết hơn. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đánh giá, tỷ trọng điểm về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của CBCC, viên chức được điều chỉnh tăng lên (chiếm 60% tổng số điểm), đảm bảo có sự phân hóa rõ nét giữa các mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Triển khai Nghị định 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ (về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức) và quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025: “…Đổi mới công tác đánh giá CBCC, viên chức…”, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành đã được áp dụng tại Thành phố trong thời gian gần đây: Công văn số 4780/UBND-VX ngày 14/12/2020 của UBND TP.HCM (về hướng dẫn đánh giá xếp loại chất lượng CBCC, viên chức, người đại diện và người quản lý doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố-hàng năm); Công văn số 124/UBND-VX ngày 13/1/2021 của UBND TP.HCM (về hướng dẫn bổ sung công tác đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân CBCC, viên chức, người đại diện phần vốn nhà nước và người quản lý doanh nghiệp); Công văn số 628/UBND-VX ngày 05/3/2021 của UBND TP.HCM (về hướng dẫn bổ sung công tác đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với người quản lý doanh nghiệp) và Công văn số 718/UBND-VX ngày 11/3/2022 của UBND TP.HCM (về hướng dẫn bổ sung công tác đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân CBCC, viên chức, người đại diện và người quản lý doanh nghiệp).

Để có thêm căn cứ, cơ sở cho công tác đánh giá, UBND Thành phố đã ban hành nhiều văn bản làm rõ các nội dung tiêu chí được sử dụng để đánh giá CBCC. Ví dụ như: Quyết định số 67/2017/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 (quy định về Quy tắc ứng xử của CBCC, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố); Quyết định số 2783/QĐ-UBND ngày 01/7/2019 (ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ), trong đó có quy định CBCC, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện văn hóa công vụ. Đây cũng là tiêu chí để làm căn cứ, cơ sở trong việc bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng hàng năm. Có thể nói, Thành phố đã vận dụng rất linh hoạt và kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn triển khai công tác đánh giá công chức trong phạm vi quản lý trên địa bàn, cả trong ngắn hạn (theo từng quý) và hàng năm.

 

Thực tiễn đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ tại TP.HCM

Kết quả thực hiện đề tài “Đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh theo kết quả thực thi công vụ”, do TS. Nguyễn Thị Thu Hòa làm chủ nhiệm, vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu (tháng 7/2022) cho thấy, công tác đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM được triển khai đúng quy định, đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là việc sử dụng kết quả đánh giá trong chi trả thu nhập tăng thêm cho đội ngũ công chức Thành phố theo cơ chế đặc thù.

Cụ thể, Thành phố đã vận dụng nhiều phương pháp (phương pháp bình bầu, phương pháp cho điểm, phương pháp 360 độ) nhằm đạt được kết quả đánh giá chính xác hơn; quy trình đánh giá được quy định cụ thể và đúng theo các quy định pháp luật hiện hành; đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn đã có sự đề cao kết quả thực thi công vụ; các tiêu chí đánh giá đã mang tính định lượng nhiều hơn và gắn sát với kết quả thực thi công vụ;...

Thực tiễn, công tác đánh giá, xếp loại CBCC tại TP.HCM trong năm 2020 đã thực hiện với 120.678 người (số lượng cán bộ chiếm 2,14%, công chức 10,27% và viên chức 87,59%), theo đúng quy trình, thủ tục và nguyên tắc “Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá xếp loại chất lượng CBCC thuộc thẩm quyền quản lý”. Cơ sở, tiêu chí đánh giá bám sát theo hướng dẫn của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, minh bạch, góp phần tạo sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, thái độ làm việc cũng như khuyến khích tinh thần chủ động, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của CBCC.

Tuy nhiên, thực tiễn quá trình đánh giá vẫn còn một số tồn tại: vẫn còn các quy định đánh giá công chức chưa phù hợp; tiêu chí đánh giá theo kết quả thực thi công vụ chưa được xác định rõ ràng, chưa được lượng hóa và gắn với kết quả đầu ra; phương pháp đánh giá chưa đa dạng; quy trình đánh giá chưa thực sự hoàn thiện;… Ví dụ, bước “lấy ý kiến của tập thể” trong quy trình đánh giá vẫn còn hình thức, có tâm lý “nể nang”, “ngại va chạm”, khiến kết quả đánh giá chưa được thực chất; quy trình vẫn còn nặng tính "nội bộ” khép kín, chưa cho phép nhiều chủ thể tham gia, nhất là ở những vị trí công tác tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp chưa dựa trên phản hồi của “khách hàng” để đánh giá;...

 

Nâng cao hiệu quả đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ

Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của TP.HCM giai đoạn 2022-2027 theo Quyết định số 2679/QĐ-UBND vừa được UBND TP.HCM ban hành ngày 8/8/2022. Theo đó, đến năm 2025, TP.HCM sẽ phê duyệt 100% danh mục vị trí việc làm của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ cấp Thành phố cho đến cấp quận, huyện và TP.Thủ Đức. Việc cơ cấu, sắp xếp đội ngũ CBCC, viên chức phải đảm bảo ít nhất 95% đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định và bảo đảm đúng người, đúng việc. Đến năm 2027, Thành phố xây dựng được đội ngũ CBCC, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý. Phấn đấu ít nhất 95% đội ngũ CBCC có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Để đạt được mục tiêu trên, Thành phố sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài; đề cao trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của CBCC, viên chức và gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các chế tài về khen thưởng, kỷ luật, thăng tiến, đãi ngộ; tiếp tục đổi mới công tác đánh giá CBCC, viên chức;…

Đề xuất nhằm hoàn thiện công tác đánh giá CBCC theo kết quả thực thi công vụ tại TP.HCM, theo nhóm nghiên cứu đề tài “Đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh theo kết quả thực thi công vụ”, các giải pháp cần thực hiện gồm: (1) Nâng cao nhận thức của đội ngũ CBCC; (2) Xây dựng khung năng lực và bản mô tả công việc cho các vị trí; (3) Hoàn thiện các tiêu chí đánh giá; (4) Đa dạng hóa các phương pháp đánh giá với nhiều chủ thể tham gia; (5) Hoàn thiện quy trình đánh giá; (6) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào đánh giá công chức; (7) Sử dụng có hiệu quả kết quả đánh giá công chức; (8) Triển khai đánh giá công chức theo KPI.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thị Thu Hòa nhận định, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các tiêu chí đối với đánh giá công chức; rà soát lại các tiêu chí đánh giá công chức hiện hành; cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ. Trong đó, các tiêu chí phải xây dựng và cụ thể hóa theo hướng có thể đo lường được trên thực tế. Cơ sở để xây dựng các tiêu chí một cách khoa học là cần phải rà soát, xây dựng bảng mô tả công việc; xác định khung năng lực; phân tích đặc điểm, tính chất của từng vị trí công việc để xác định kết quả đầu ra. Việc quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, quản lý và từng cá nhân về vai trò và tầm quan trọng của công tác đánh giá, xếp loại CBCC; vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện đánh giá, xếp loại theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, khách quan trong từng khâu của quy trình đánh giá, xếp loại;… là rất quan trọng.

Theo ThS. Phạm Huy Tiến (Khoa Luật, Trường Đại học Mở TP.HCM), để giảm thiểu các tồn tại, hạn chế trong công tác đánh giá CBCC, cần lượng hóa trách nhiệm công vụ thông qua một số nội dung đánh giá; thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn nâng cao đạo đức công vụ; hoàn thiện cơ chế bảo vệ công chức dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Trong đó, một số nội dung có thể dùng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của công chức bao gồm: việc hoàn thành các công việc được giao (đúng trình tự, thủ tục; đúng tiến độ đã cam kết/quy định; có để xảy ra sai sót hay ảnh hưởng không tốt đến đối tượng chịu tác động); chủ động giải quyết những sự vụ, sự việc vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân nhưng nằm ngoài trách nhiệm; báo cáo kịp thời, đầy đủ kết quả thực hiện nhiệm vụ; trang phục, phong cách, thái độ ứng xử phù hợp với quy định. Đối với công chức giữ vị trí lãnh đạo, cần thêm các yếu tố liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, dám chịu trách nhiệm trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của cơ quan, tổ chức.

CBCC là đội ngũ chủ yếu trong triển khai các hoạt động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước để quản lý mọi mặt đời sống xã hội. Việc “…xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước…” chính là nhân tố quyết định để cải cách hành chính thành công. Để nâng cao chất lượng, đội ngũ CBCC cần được đánh giá đúng, thông qua kết quả thực thi công vụ. Đây là vừa là giải pháp nhằm ghi nhận và có những động viên khuyến khích kịp thời đối với những CBCC làm tốt (thông qua việc sử dụng, bổ nhiệm, trả lương, áp dụng chế độ đãi ngộ,…), cũng chính là cơ sở để dần sàng lọc, tinh giản những CBCC thực sự không còn đủ khả năng để đáp ứng các yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Lam Vân

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Chính phủ. Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức.
[2] Chính phủ. Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
[3] UBND TP.HCM. Quyết định số 2679/QĐ-UBND ngày 08/8/2022 về ban hành Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của TP.HCM giai đoạn 2022 - 2027.
[4] Báo cáo tổng hợp kết quả nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN “Đánh giá công chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh theo kết quả thực thi công vụ”. Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Nguyễn Thị Thu Hòa. Cơ quan chủ trì nhiệm vụ: Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP.HCM.
[5] ThS. Phạm Huy Tiến: Đánh giá trách nhiệm công vụ của công chức - yêu cầu cần thiết trong nền công vụ. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/danh-gia-trach-nhiem-cong-vu-cua-cong-chuc-yeu-cau-can-thiet-trong-nen-cong-vu-98151.htm
[6] Huyền Mai: TP.HCM đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức. https://ttbc-hcm.gov.vn/tphcm-day-manh-cai-cach-che-do-cong-vu-cong-chuc-30316.html
[7] TS. Nguyễn Thị Thu Hòa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Văn Hiếu (Sở Nội vụ TP.HCM): Đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức của TP. Hồ Chí Minh – những giải pháp và kiến nghị. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/10/19/danh-gia-xep-loai-chat-luong-can-bo-cong-chuc-cua-tp-ho-chi-minh-nhung-giai-phap-va-kien-nghi/.

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập