Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Các mục tiêu chính: Phát hiện, thu hút, lựa chọn người thực sự có năng lực và phẩm chất chính trị, đạo đức; Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh cục bộ khép kín; và Ngăn chặn chạy chức, chạy quyền trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, đơn vị cấp phòng và tương đương tại TP.HCM (năm 2022) và mở rộng ra cấp sở, cấp huyện và tương đương (năm 2023) sẽ được thực hiện qua Đề án thí điểm, vừa được UBND TP.HCM ban hành.

 

Đổi mới sáng tạo đã được đề cập đến từ khá lâu trên thế giới. Trong đó, sáng tạo là việc người lao động sử dụng các hoạt động nhận thức để đưa ra những ý tưởng mới (Schumpeter, 1934), đổi mới là việc thực hiện thành công các ý tưởng sáng tạo của người lao động (Amablile và cộng sự, 1996). Tất cả các quá trình đổi mới trong doanh nghiệp đều xuất phát từ những ý tưởng sáng tạo của người lao động. Tại Việt Nam, thuật ngữ này cũng được đề cập trong nhiều văn bản. Theo Điều 3, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, đổi mới sáng tạo (ĐMST) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện đang được thực hiện thông qua cơ chế quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, căn cứ theo Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4/7/2007 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; Nghị định số 115/2020 ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Nghị định số 138/2020 ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Tuyển chọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ, luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng, thực hiện và đổi mới. Kể từ năm 2017, trên cơ sở định hướng, lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, triển khai thông báo Kết luận số 202-TB/TW ngày 26/5/2015 của Bộ Chính trị về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng”, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản số 2424/BNV-CCVC, ngày 09/5/2017, về việc hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng để hướng dẫn cụ thể cách thức tiến hành, các bước thực hiện trong từng khâu của quy trình tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý để các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ thực hiện. Cũng theo văn bản này, sẽ có 36 đơn vị triển khai thực hiện (gồm 14 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có TP.HCM) được chọn tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị của ngành Nội vụ sáng 12/1
(Ảnh: Hoàng Thùy – vnexpress.net)

Tính đến tháng 7/2022, đã có 12/14 cơ quan Trung ương được chọn thí điểm, tổ chức thực hiện Đề án đạt kết quả (Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải (thực hiện trước khi có Đề án), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế), tuyển chọn được 42 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng (32 ứng viên cấp vụ; 10 ứng viên cấp phòng) thông qua thi tuyển.

Về phía địa phương, 17/22 tỉnh, thành phố được chọn thí điểm (chưa tính TP.Hà Nội và TP.HCM) đã tổ chức thực hiện Đề án (Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh, TP.Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, TP.Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, TP.Cần Thơ, Bến Tre), tuyển chọn được 368 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng (33 ứng viên cấp sở, 335 ứng viên cấp phòng). Ngoài ra, nhiều địa phương không có trong Đề án thí điểm cũng đã triển khai thực hiện chủ trương này, ví dụ như Hậu Giang, Cà Mau, Ninh Thuận, Điện Biên, Tuyên Quang,…

Trong số các thành phố trực thuộc Trung ương, triển khai sớm nhất (trước Đề án) là Thành phố Đà Nẵng. Từ năm 2006, địa phương này đã tiến hành Đề án thực hiện thí điểm thi tuyển giám đốc, phó giám đốc (tương đương) một số đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP. Đà Nẵng; đến năm 2015 đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển chọn Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng. Năm 2018, Thành phố này tái khởi động lại việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng như hướng dẫn chung của Bộ Nội vụ, tại văn bản số 2424/BNV-CCVC. Tại Cần Thơ, ngay từ đầu năm 2018, TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng của thành phố, với chức danh Phó Giám đốc Sở lần đầu tiên được tổ chức thi tuyển. Đợt thi tuyển này mở rộng về đối tượng dự tuyển: ngoài cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm nằm trong qui hoạch của chức danh thi tuyển đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm, thì những người đang công tác ở các cơ quan, đơn vị khác được qui hoạch chức danh tương đương cũng được tham gia. Ở Hải Phòng, Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng của các cơ quan, đơn vị tại thành phố Hải Phòng” được Thành ủy Hải Phòng ban hành và áp dụng vào thực tiễn kể từ ngày 5/4/2018. Theo đó, các chức danh thi tuyển gồm “các chức danh diện Thành ủy quản lý, diện Ban Cán sự đảng UBND thành phố quản lý; các chức danh thuộc các sở, ban, ngành và tương đương quản lý; các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của các quận ủy, huyện ủy và đảng ủy trực thuộc”.

Công tác đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng tại Hà Nội chỉ mới được triển khai thí điểm từ tháng 1/2022, thông qua “Đề án thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và Đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP. Hà Nội”, được UBND TP. Hà Nội ban hành vào ngày 14/1/2022 (Quyết định số 219/QĐ-UBND). Các chức danh thực hiện thi tuyển theo Đề án là “Các chức danh do Chủ tịch UBND Thành phố bổ nhiệm thuộc diện Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố quản lý; các chức danh do Thủ trưởng Sở, ban, ngành bổ nhiệm; các chức danh do Chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm; và, các chức danh do Thủ trưởng Đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố bổ nhiệm ”.

Là địa phương cuối cùng trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương triển khai vào thực tiễn, TP.HCM cũng vừa ban hành “Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.HCM”, theo Quyết định số 3242/QĐ-UBND ngày 29/9/2022. Theo đó Thành phố sẽ thi tuyển lãnh đạo, quản lý từ năm 2022 thay vì đề bạt, bổ nhiệm nhằm "tạo sự cạnh tranh, tăng nhân sự trẻ, chọn người tài đức vào bộ máy quản lý".

Tổng số vị trí lãnh đạo, quản lý cấp sở, huyện và tương đương của TP.HCM, theo cơ cấu tổ chức được phê duyệt, là 268 vị trí nhưng vẫn còn khuyết, chưa kiện toàn 34 vị trí (trong đó có 5 cấp trưởng, 29 cấp phó). Đối với lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương, tổng số vị trí theo cơ cấu được phê duyệt là 3.543 vị trí nhưng còn khuyết 484 vị trí (96 cấp trưởng và 388 cấp phó). Theo lộ trình, năm 2022 Thành phố sẽ tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương. Qua năm 2023 sẽ tiến hành thi tuyển thêm các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương.

Theo Kế hoạch số 3461/KH-UBND ngày 27/9/2022 triển khai việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của UBND Thành phố năm 2022, vào tháng 11, Thành phố sẽ tổ chức thi tuyển 13 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại Ban An toàn giao thông (1), Sở Giáo dục và Đào tạo (3), Sở Y tế (1), Sở Công Thương (4), Viện Nghiên cứu phát triển (2) và UBND huyện Hóc Môn (2).

Theo đó, đối tượng được đăng ký dự tuyển là cán bộ, công chức, viên chức tại TP.HCM, không giới hạn đơn vị, nằm trong nguồn quy hoạch của chức danh cần thi tuyển hoặc tương đương. Nếu người đăng ký dự tuyển đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì được dự thi chức vụ cao hơn không quá hai cấp. Nếu không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức hoặc có thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực theo quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh thi tuyển.

Ngoài ra, người không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn nhưng được lãnh đạo và cấp ủy cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử cũng có thể dự tuyển. Trường hợp này, nếu không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì phải có thời gian công tác tối thiểu 3 năm trong ngành, lĩnh vực đó, và chỉ được dự thi chức danh Phó trưởng phòng hoặc tương đương. Nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì chỉ được dự thi vị trí cao hơn liền kề chức vụ hiện có.

Người được đăng ký dự tuyển phái đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh thi tuyển theo quy định hiện hành của Nhà nước, của Thành ủy và UBND Thành phố, thông báo trong Kế hoạch thi tuyển do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm ban hành.

Việc thi tuyển sẽ được Thành phố triển khai theo 2 vòng: Vòng 1 - Thi viết kiến thức chung (chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hiểu biết về nghiệp vụ chuyên ngành; chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh). Thời gian thi 180 phút, thang điểm 100. Vòng 2 - Thi trình bày Đề án (đánh giá thực trạng; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự thi; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo). Chủ đề cụ thể của Đề án do lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển quyết định. Thời gian trình bày Đề án tối đa 30 phút, trả lời chất vấn 30-40 phút, thang điểm 100. Người trúng tuyển là người có số điểm thi vòng 2 cao nhất trong số những người đạt trên 50 điểm (nếu bằng điểm thì theo thứ tự ưu tiên).

Một điểm đáng chú ý trong Kế hoạch của Thành phố, đó là quy định “Cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch tại chỗ vào chức danh cần thi tuyển, đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm phải đăng ký dự tuyển. Nếu không đăng ký tham gia dự tuyển thì hàng năm khi rà soát danh sách quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền đưa ra khỏi danh sách quy hoạch” (trừ một số trường hợp như: không đủ sức khỏe dự tuyển, được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; đang trong thời gian được cử đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hoặc cán bộ, công chức, viên chức nữ đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản). Như vậy, muốn được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch tại chỗ cũng bắt buộc phải tự khẳng định mình, thông qua thi tuyển.

Nhìn chung, các tiêu chuẩn, yêu cầu và điều kiện để dự tuyển trong Đề án của TP.HCM có nhiều điểm khá tương đồng với nội dung Đề án của TP. Hà Nội.

Có thể nói, việc thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý là chủ trương đúng đắn, góp phần quan trọng trong tăng cường dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy trong công tác cán bộ, củng cố và nâng cao lòng tin của quần chúng. Bên cạnh đó, người tham gia thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cũng có cơ hội thử thách, tự đánh giá, sát hạch bản thân để có kế hoạch tự đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu của chức danh, nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được nâng lên. Theo các chuyên gia, khi được những người có thực tài dẫn dắt, năng lực thực thi và kết quả, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị sẽ cao hơn hẳn.

Trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước hiện có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, việc chọn được đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm qua thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý càng trở nên cấp thiết. Tình hình quyết định nhiệm vụ, và nhiệm vụ sẽ quyết định bộ máy, con người. "Chúng ta phải thu hút nhân tài và việc thi tuyển rất quan trọng. Thi tuyển đã được cha ông đặt ra từ rất lâu, thế giới cũng đang thực hiện", như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tại hội nghị ngành Nội vụ, được tổ chức vào sáng 12/1/2022 vừa qua.

Tuấn Kiệt

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] PV. Thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý: Chủ trương tốt nhưng nhiều nơi chưa mặn mà. https://vov.vn/chinh-tri/thi-tuyen-chuc-danh-lanh-dao-quan-ly-chu-truong-tot-nhung-nhieu-noi-chua-man-ma-830150.vov
[2] TS Đào Thị Thanh Thủy. Thực trạng thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý và một số đề nghị. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/3275-huc-trang-thi-tuyen-cac-chuc-danh-lanh-dao-quan-ly-va-mot-so-de-nghi.html
[3] Nguyễn Thị Ngọc Giàu. Thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý - những vấn đề đặt ra hiện nay. https://tcnn.vn/news/detail/55039/Thi-tuyen-chuc-danh-lanh-dao-quan-ly---nhung-van-de-dat-ra-hien-nay.html
[4] Công văn số: 2424/BNV-CCVC ngày 9/5/2017 của Bộ Nội vụ Về việc hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng
[5] Quyết định số 3242/QĐ-UBND ngày 27/9/2022 của UBND TP.HCM ban hành Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.HCM
[6] Kế hoạch số 3461/KH-UBND ngày 27/9/2022 của UBND TP.HCM về Thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của UBND TP.HCM năm 2022

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập