Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Là đội ngũ chủ yếu trong triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước để quản lý mọi mặt đời sống xã hội, đội ngũ CBCC cần đảm bảo chất lượng để có thể phục vụ cộng đồng ngày càng tốt hơn.

 

Liên quan đến công tác đánh giá công chức, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị tháng 10/2022, TS. Đào Thị Thanh Thủy (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), đã chia sẻ 3 hướng tiếp cận: (1) Đánh giá công chức theo đầu vào, là việc căn cứ vào những gì công chức đang có để xác định khả năng hoàn thành nhiệm vụ của họ trong tương lai. Đầu vào để đánh giá gồm: văn bằng, chứng chỉ, các kiến thức thu nhận được từ quá trình đào tạo, tuổi tác, giới tính, những kinh nghiệm đã có,...; (2) Đánh giá công chức theo quá trình thực thi công vụ, là việc đánh giá thông qua các tiêu chí như: thời gian thực hiện công việc, cách thức thực hiện, quy trình thực hiện, những chuẩn mực về thái độ hành vi khi thực hiện,... Quá trình đánh giá tập trung vào việc tuân thủ pháp luật của nhà nước, các quy định của cơ quan và gắn với cơ chế kiểm soát quy trình (trình tự, bước đi, hình thức thực hiện); (3) Đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ (đánh giá theo kết quả đầu ra), là xem xét kết quả đầu ra (hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp và những tác động của đầu ra đó), sản phẩm công chức thực thi công vụ (tạo ra dịch vụ), gắn với tính hiệu quả (giảm thiểu chi phí đầu vào đối với một đơn vị đầu ra hoặc tối đa hóa số lượng đầu ra tương ứng với tổng chi phí đầu vào xác định).

 

Có thể nói, đánh giá công chức theo đầu vào ghi nhận quá trình đào tạo và kiến thức sẵn có của công chức. Đây mới chỉ là “điều kiện cần”, chứ chưa phải là “điều kiện đủ” để đánh giá một cách toàn diện năng lực của công chức. Đánh giá công chức theo quá trình thực thi công vụ, có thể phát sinh các vấn đề như: thực hiện đúng quy định nhưng kết quả không cao, hoặc không thể thực hiện theo cách thức có thể cho kết quả tốt hơn, thời gian nhanh hơn mà không đúng với các nguyên tắc, quy trình, thủ tục hành chính đã quy định. Đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ là cách tiếp cận chủ yếu của hầu hết các quốc gia có nền kinh tế phát triển, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động công vụ hiện nay.

 

Theo các chuyên gia, đánh giá công chức theo kết quả thực thi công vụ gắn liền với hệ thống quản lý thực thi công vụ theo kết quả. Quản lý theo kết quả đầu ra sẽ chuyển từ việc chú trọng các yếu tố đến đầu vào hoặc các hoạt động đã/đang triển khai để thực hiện chính sách sang kết quả đầu ra hoặc tác động mà các chính sách/kế hoạch hướng tới. Tuy nhiên, quản lý theo kết quả cũng không từ bỏ hoàn toàn việc kiểm soát đầu vào và quá trình tổ chức hoạt động, mà là giảm bớt sự chú trọng đầu vào/hoạt động để công chức chủ động trong việc xác định phương pháp thực hiện đạt được hiệu quả cao nhất.

 

Thời gian qua, Thành phố đã vận dụng rất linh hoạt và kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn triển khai công tác đánh giá CBCC trong phạm vi quản lý trên địa bàn, đảm bảo công tác đánh giá CBCC theo hướng ngày càng thực chất hơn, đặc biệt là theo kết quả đầu ra.

 

Với nguyên tắc “Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá xếp loại chất lượng CBCC thuộc thẩm quyền quản lý”; các cơ sở, tiêu chí đánh giá bám sát theo hướng dẫn của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP cũng như các quy định của Thành phố trong triển khai tự chủ, năm 2020, gần 121 ngàn CBCC đã được đánh giá theo đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, minh bạch, đã góp phần tạo sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, thái độ làm việc cũng như khuyến khích tinh thần chủ động, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của tập thể CBCC tại Thành phố.

 

Việc đánh giá đúng đội ngũ CBCC, thông qua kết quả thực thi công vụ, là giải pháp cần thiết, thích hợp để có thể ghi nhận và có những động viên khuyến khích kịp thời đối với những CBCC làm tốt (thông qua việc sử dụng, bổ nhiệm, trả lương, áp dụng chế độ đãi ngộ,…), và cũng chính là cơ sở cho phép dần sàng lọc, tinh giản những CBCC thực sự không còn đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu công việc trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh toàn Thành phố đang triển khai thử nghiệm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội Khóa 14 (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM) và các chủ trương về “Cải cách hành chính”, “Tinh giản biên chế” đang được Chính phủ triển khai mạnh mẽ trên cả nước.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để công tác đánh giá CBCC phát huy hiệu quả cao nhất, vẫn cần nhiều cải tiến về các quy trình và phương pháp; lượng hóa nhiều hơn trong tiêu chí đánh giá và cần thực sự gắn với kết quả đầu ra. Tin rằng, với những thành quả ban đầu đã thu nhận được; việc xác định rõ những tồn tại, hạn chế sẽ giúp công tác đánh giá CBCC thực sự trở thành một công cụ tốt để góp phần phát triển đội ngũ CBCC Thành phố ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp.

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập