Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Nghề nuôi yến trong nhà đã xuất hiện tại Việt Nam từ cách đây khoảng 20 năm nhưng mới bắt đầu phát triển mạnh từ vài năm trở lại đây do lợi nhuận cao và cơ hội xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài tiềm năng. Tuy nhiên, hầu hết việc xây dựng nhà yến mang tính tự phát, đan xen vào khu dân cư và chưa có phương thức quản lý phù hợp. Do đó, cần có các giải pháp giúp gia tăng hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi, đáp ứng quy chuẩn xuất khẩu và giảm thiểu các tác động đến môi trường sống của con người.

 

Tổ chim yến (tổ yến hay gọi theo tên thương mại yến sào) là sản phẩm từ thiên nhiên do chim yến tạo ra từ nước bọt để làm tổ và chỉ có tại một số nước Đông Nam Á. Với hàm lượng protein cao, hương vị phong phú và khá hiếm nên yến sào đã được sử dụng trong ẩm thực dành cho vua chúa phong kiến cách đây hàng trăm năm. Thành phần chính của tổ yến gồm các chất dinh dưỡng như protein (50-60%), carbohydrate (30-40%), calci (Ca), sắt (Fe), kali (K) và magnesi (Mg), tỷ lệ dinh dưỡng tùy thuộc vào xuất xứ, lượng thức ăn, khí hậu và nơi sinh sản của chim yến.

Theo một số tài liệu, Indonesia đã bắt đầu khai thác tổ yến tự nhiên từ các hang động đá vôi từ khoảng thế kỉ 14-15, Thái Lan từ khoảng thế kỷ 18 và Malaysia từ thế kỷ 19. Tại Việt Nam, khai thác tổ yến tự nhiên bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ 19 và tập trung chủ yếu ở các đảo yến như khu vực Cù Lao Chàm - Hội An và Khánh Hòa.

Với việc gia tăng nhu cầu sử dụng yến sào, nguồn tổ yến ngoài tự nhiên đã dần được thay thế bằng tổ yến thu hoạch từ những ngôi nhà được xây dựng theo cấu trúc phù hợp để làm nơi cho chim yến xây tổ, trú ngụ. Đó thường là những ngôi nhà ở khu vực đô thị gần biển, theo xu hướng tập trung của chim yến. Mô hình nuôi yến trong nhà đã phát triển tại Indonesia và Malaysia từ hơn 100 năm, với việc phát triển kỹ thuật nuôi yến tiên tiến và thiết bị công nghệ tối tân, đã trở thành một ngành kinh tế mạnh của hai nước này. Nhà nuôi yến tại Việt Nam xuất hiện khoảng năm 2003, tại thôn An Hòa thuộc xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP.HCM, nơi có hơn 30.000 ha rừng ngập mặn ven biển.

Nuôi yến trong nhà. Nguồn: Internet

 

Thị trường yến sào trên thế giới và tại Việt Nam

Indonesia là nước sản xuất tổ yến lớn nhất Đông Nam Á, xuất khẩu khoảng 2.000 tấn/năm (chiếm khoảng 80% tổng sản lượng yến sào thế giới), tiếp theo là Malaysia (600 tấn/năm) và Thái Lan (400 tấn/năm), Việt Nam (khoảng 120 tấn/năm). Philippines là nước có sản lượng thấp nhất, khoảng 5 tấn/năm.

Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong tiêu thụ tổ yến, chiếm hơn 90% sản lượng tổ yến trên toàn thế giới. Lượng nhập khẩu tổ yến của Trung Quốc tăng liên tục theo thời gian, từ 180 tấn (năm 2019) lên 220 tấn (năm 2020) và ước tính lên đến 300 tấn vào năm 2021. Nhu cầu đối với một sản phẩm giá trị cao như tổ yến đã gia tăng mạnh mẽ trên toàn thế giới trong những năm gần đây. Do đó, việc nuôi và sản xuất yến sào đã trở thành một trong những ngành công nghiệp có đóng góp chính cho nền kinh tế của một số quốc gia khu vực Đông Nam Á. Giá thị trường của yến sào từ 1.000-50.000USD/kg, tùy thuộc vào cấp, hình dạng, màu sắc, chủng loại và nguồn gốc. Vì vậy, xét trên lĩnh vực thương mại, ngành yến sào được coi là một trong những ngành mang lại lợi nhuận tốt cho các bên liên.

Tại Việt Nam, ngành yến sào đang có nhiều cơ hội phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, cả nước có khoảng 22.000 nhà nuôi chim yến tại 42/63 tỉnh, thành trên cả nước, tập trung nhiều ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong đó Kiên Giang là tỉnh có nhiều nhà yến nhất, với khoảng 2.600 nhà. Sản lượng tổ yến thu hoạch hàng năm khoảng 120 tấn (tương đương 450 triệu USD), chiếm khoảng 3% sản lượng tổ yến toàn cầu. Tổ yến của Việt Nam đã xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Australia, New Zealand, Trung Quốc,… với giá trung bình 1.500-2.000 USD/kg thành phẩm, thu về 100-125 triệu USD/năm. Dự báo sản lượng yến sào năm 2030 có thể đạt mức 170 tấn/năm, khi một số tỉnh như Tây Ninh, Long An và những tỉnh giáp biên giới với Campuchia đang phát triển một cách hiệu quả các vùng quy hoạch nuôi chim yến.

Nhà máy sản xuất, tinh chế yến sào (Nguồn: Công ty Yến sào Khánh Hòa)

Vào tháng 11/2022, Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm tổ yến và khoai lang của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã được ký kết. Tổ yến là sản phẩm nông sản thứ 13 của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Từ đó, nhiều yêu cầu cấp thiết trong việc nghiên cứu các đặc điểm chính của chim yến tại Việt Nam, quản lý được chủ nhà yến, nhà yến theo mã định danh, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tổ yến, chế biến sâu tổ yến để tăng giá trị sản phẩm, phục vụ xuất khẩu đã được đặt ra, nhất là quy định cụ thể về vùng nuôi chim yến theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm hướng đến phát triển bền vững nghề nuôi yến, hài hòa với môi trường.

 

Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong nghề nuôi yến

Hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học trong thực hiện các đề tài nghiên cứu, phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam đã có cách đây từ hơn 20 năm, ban đầu là các nghiên cứu khai thác tổ yến từ thiên nhiên. Trong 12 nhiệm vụ KH&CN liên quan đến nghề nuôi chim yến từ cấp tỉnh trở lên đã được nghiệm thu từ năm 1997, có 2 nhiệm vụ ở cấp quốc gia (Bảng 1).

Bảng 1. Một số nghiên cứu phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam

(Nguồn: CSDL nhiệm vụ KH&CN – Bộ KH&CN)

Trong đó, nhiệm vụ “Khai thác và phát triển nguồn gen chim yến đảo phục vụ phát triển bền vững nghề chim yến của Việt Nam” do Công ty Yến sào Khánh Hòa thực hiện (nghiệm thu năm 2014) đã tập trung nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm sinh học, sinh sản chim yến; đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật xây dựng nhà yến, nghiên cứu thiết kế mô hình nhà yến, cải tiến vật liệu, nghiên cứu các dung dịch, hợp chất, thiết bị dùng trong xây dựng và lắp đặt nhà yến, hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến tự động hoàn toàn. Trong phạm vi đề tài, nhóm nghiên cứu đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật, bí quyết công nghệ trên 4 mô hình: 1 mô hình ở thành phố với 2.000 con, đã tạo ra hơn 1.000 tổ yến; 3 mô hình ở nông thôn với số lượng ổn định 250 con, đã tạo ra hơn 50 tổ/mô hình. Các sản phẩm từ nghiên cứu này bao gồm: tổ yến mô phỏng, dung dịch tạo mùi bầy đàn chim yến, giá tổ, bộ âm thanh dẫn dụ chim yến,... Các mô hình nghiên cứu có thể chuyển giao ngay, mở ra triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, việc ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) hay internet kết nối vạn vật (IoT) áp dụng trong nhà nuôi yến ngày càng trở nên phổ biến. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở nhiều tỉnh, thành phố đã dần tiếp cận với các hệ thống IoT có mặt trên thị trường, giúp người nuôi quản lý nhà yến tốt hơn. Hệ thống bao gồm phần mềm ứng dụng có thể truy xuất nguồn gốc tổ yến để phục vụ cho thị trường xuất khẩu chính ngạch (không lo các vấn đề như mất giá, khó bán như khi xuất tiểu ngạch). Ngoài ra, hệ thống IoT trong nhà yến còn có một số chức năng nâng cao như:

  • Sử dụng cả hai hệ thống điện (điện mạng lưới và điện dự phòng UPS);
  • Dùng hệ thống 2 loa ru hoạt động xen kẽ để đảm bảo tuổi thọ amply;
  • Hệ thống phun sương tạo ẩm theo cảm biến với thời gian hoạt động chủ động (tạo ẩm ban ngày 80-85%, ban đêm tắt tạo ẩm để chim yến không bị lạnh vào những tháng mùa đông);
  • Hệ thống cảnh báo sự cố nhà yến qua tin nhắn điện thoại (hư hỏng thiết bị, máy móc, thiếu nước, máy tạo ẩm,…);
  • Cảm biến đếm số lượng chim yến trong nhà nuôi, ghi nhận điện năng tiêu hao của nhà yến, phát hiện loa, amply bị hỏng.

Các hệ thống IoT có thể quản lý thông qua điện thoại di động, nên người nuôi yến có thể điều khiển dễ dàng các hệ thống, đảm bảo tạo môi trường thuận lợi nhất cho yến sinh sống và làm tổ, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ yến.

 

Nghiên cứu giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại TP.HCM

Theo thống kê, đến cuối năm 2019, có 727 nhà yến tại 19 quận/huyện ở TP.HCM. Trong đó, nhiều nhất là huyện Cần Giờ với 496 nhà (chiếm 70%), TP.Thủ Đức với 62 nhà (chiếm 8,7%), Nhà Bè với 31 nhà (chiếm 4,3%). 17% tổng số lượng nhà yến trên toàn Thành phố phân bố ở các quận/huyện còn lại.

Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi yến như: địa hình tương đối bằng phẳng; khí hậu ôn hòa, nền nhiệt độ cao và tương đối ổn định trong năm; ít chịu ảnh hưởng của bão hàng năm; có diện tích đất nông nghiệp còn nhiều (42,1% tổng cơ cấu đất đai của thành phố), thị trường tiêu thụ lớn, nhiều cơ hội ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật,… nhưng việc nuôi yến tại TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn: tốc độ đô thị hóa nhanh làm giảm nguồn cung cấp thức ăn, môi trường sống tự nhiên của yến; chi phí đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao trong quá trình nuôi; các nhà nuôi chim yến phân tán nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch vùng nuôi nên các mối quan hệ sản xuất còn ở mức thấp, chưa hình thành các mối liên kết tạo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu yến sào. Bên cạnh đó, TP.HCM chưa có kế hoạch phát triển nghề nuôi chim yến nhà, nên khó khăn trong việc quản lý các nhà yến, các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển và tái cơ cấu nông nghiệp chưa cụ thể đối với nghề nuôi yến trong nhà, đặc biệt là nguồn vốn vay để đầu tư cũng như tái sản xuất.

Từ thực trạng nêu trên, các nhà khoa học tại Viện Sinh học nhiệt đới đã thực hiện nhiệm vụ KH&CN: “Nghiên cứu hiện trạng, và đề xuất giải pháp quản lý, phát triển bền vững nghề nuôi yến ở TP.HCM”. Qua đó, nghiên cứu đánh giá và đề xuất các vùng nuôi, kỹ thuật nuôi, kỹ thuật sau thu hoạch, phương thức quản lý thích hợp nghề nuôi yến ở TP.HCM vừa có hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường.

Nhà nuôi yến trên địa bàn TP.HCM và cấu trúc thiết kế, xây dựng bên trong (Nguồn: Sở KH&CN TP.HCM)

Về vị trí xây dựng nhà yến, độ ồn trung bình nhóm nghiên cứu đo tại khu vực nhà nuôi yến ở Cần Giờ và phường Long Phước (TP. Thủ Đức) lần lượt là 71,1 và 71,4 DbA (cao hơn tiêu chuẩn QCVN 26). Các nhà yến nằm trong khu vực đông dân cư đều gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh do tiếng ồn (mở máy dẫn dụ liên tục) và mùi hôi (từ lông và phân yến). Do đó, Thành phố cần quy hoạch cụ thể về vùng nuôi yến trên địa bàn và hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục pháp lý có liên quan đến việc phát triển nghề nuôi chim yến. Trong đó, các khu vực có tiềm năng lớn trong việc phát triển nghề nuôi chim yến tại TP.HCM, ít ảnh hưởng đến cộng đồng là huyện Củ Chi, Cần Giờ và khu vực quận 9 (cũ) do có diện tích thảm thực vật lớn, đảm bảo nguồn thức ăn cho chim yến sinh sống và phát triển, mật độ dân cư thưa thớt.

Về kỹ thuật thiết kế và vật liệu thi công, nhà yến tại TP.HCM khá đa dạng, nhiều chủng loại như nhà mái vòm, mái bằng; kết cấu bằng tôn hoặc bê tông; vật liệu cho chim bám vào làm tổ có thể là xi măng, gỗ, … Kỹ thuật xây dựng có thể thay đổi và sáng tạo nhằm đáp ứng điều kiện thời tiết tại TP.HCM và tăng năng suất, chất lượng tổ yến sau thu hoạch.

Về công nghệ dẫn dụ chim yến đến làm tổ, có ba phương pháp dẫn dụ chính là bằng âm thanh, phân chim yến và tạo mùi thu hút chim yến. Sự kết hợp của cả ba phương pháp này giúp cho việc thu hút chim yến hiệu quả hơn, từ đó làm tăng sản lượng tổ yến và doanh thu. Công nghệ hỗ trợ quản lý nhà yến cũng khá đa dạng chủng loại, xuất xứ và không ngừng được cải tiến, giúp việc vận hành nhà yến hiệu quả hơn, như hệ thống kiểm soát điều kiện không khí tự động, hệ thống camera giám sát và quản lý từ xa,…

Hệ thống quản lý nhà nuôi yến (Nguồn: Sở KH&CN TP.HCM)

Hai phương thức nuôi yến trong nhà tại TP.HCM, là phương thức nuôi kiểu nhà yến kết hợp và nhà yến chuyên dụng. Trong đó, phương thức nuôi chuyên dụng có sự đầu tư bài bản về hạ tầng cũng như công nghệ nuôi, giúp tăng chất lượng tổ yến thô tại các nhà nuôi yến. Tuy nhiên, chi phí đầu tư xây dựng và vận hành nhà yến giữa hai phương thức kết hợp và chuyên dụng chênh lệch khá lớn. Tổng chi phí trung bình theo phương thức kết hợp khoảng 90 triệu đồng/năm, sản lượng trung bình khoảng 7,5kg/năm, cho doanh thu trung bình 160 triệu đồng/năm. Trong khi đó, tổng chi phí theo phương thức chuyên dụng khoảng 112 triệu đồng/năm, cho sản lượng trung bình 9 kg/năm và doanh thu khoảng 200 triệu đồng/năm.

Theo nhóm nghiên cứu, cần xây dựng các quy trình, quy phạm và các tiêu chuẩn trên đối tượng chim yến và hướng dẫn các tổ chức và cá nhân nuôi chim yến thực hiện đúng các quy định về sử dụng âm thanh dẫn dụ, công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, và xử lý triệt để các trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, cơi nới nhà ở thành nhà nuôi chim yến không khai báo với chính quyền địa phương và không nằm trong quy hoạch đã được UBND TP.HCM phê duyệt.

Bên cạnh đó, các hộ và đơn vị nuôi yến cần đặc biệt chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin cho nhà yến (như hệ thống phun sương hẹn giờ, hệ thống phát âm thanh hẹn giờ, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm tự động bên trong nhà yến) để tăng năng suất nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ấp nở, dẫn dụ và nuôi chim yến; quy trình chế biến sản phẩm từ tổ yến, truy xuất nguồn gốc của tổ yến để đảm bảo chất lượng và thương hiệu của tổ yến khi bán ra thị trường; xây dựng cơ sở dữ liệu về các yếu tố bên trong nhà yến, kinh nghiệm nuôi yến từ các nhà yến thành công để tập hợp thành những quy chuẩn cụ thể trong xây dựng nhà yến.

***

Nghề nuôi yến tại TP.HCM được xác định là một trong những ngành nghề tiềm năng, với lợi nhuận kinh tế cao, nhưng để phát triển bền vững, TP.HCM cần phải tăng cường công tác quản lý để khai thác một cách hiệu quả và đảm bảo vấn đề môi trường. Với việc thị trường Trung Quốc cho phép Việt Nam xuất khẩu chính ngạch mặt hàng yến sào, mở ra nhiều cơ hội tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức cho các doanh nghiệp về việc tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, mã số định danh nhà yến (phục vụ truy xuất nguồn gốc),… Hơn nữa, các doanh nghiệp cần không ngừng đầu tư, cải tiến như quy trình sản xuất để khai thác và chế biến hiệu quả hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh với sản phẩm từ các quốc gia khác.

Duy Sang

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Lee et al. Investigations into the physicochemical, biochemical and antibacterial properties of Edible Bird’s Nest. Journal of Chemical and Pharmaceutical Research, 228-247.
[2] Nguyên Phương. Xuất khẩu tổ yến sào kỳ vọng thu về hàng trăm triệu USD. https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-to-yen-sao-ky-vong-thu-ve-hang-tram-trieu-usd-117422.html
[3] PV. Kiên Giang là tỉnh có nhiều nhà yến nhất cả nước, tổ yến ở đâu tốt nhất? Rhttps://danviet.vn/tinh-nao-dang-co-nhieu-nha-nuoi-yen-nhat-ca-nuoc-nuoi-yen-o-dau-tot-nhat-20221112111648714.htm
[4] Sheikha, A. F. Why the importance of geo-origin tracing of edible bird nests is arising? Food Research International.
[5] Sở KH&CN TP.HCM. Phát triển bền vững nghề nuôi yến tại TP.HCM. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/phat-trien-ben-vung-nghe-nuoi-yen-tai-tphcm-f9d1aa91-2959-4937-9226-ef384cdd980a
[6] Văn Tài. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nghề nuôi yến. https://tptuyhoa.phuyen.gov.vn/cac-tin-khac/ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-vao-nghe-nuoi-yen-616663

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập