Những ngày gần đây TP.HCM thường xuất hiện lớp mù khá dày đặc. Sáng sớm, lớp mù này còn mờ, sau đó đậm dần và kéo dài đến tận trưa. Hiện tượng này khiến cho các tòa nhà cao tầng gần như biến mất trong lớp mù bao phủ. Ô nhiễm không khí đang hiện hữu ngày càng rõ rệt, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đây cũng là vấn nạn của 99% dân cư trên toàn thế giới.
Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường do Quốc hội 13 ban hành ngày 23/6/2014 đã xác định: “Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật”. Có thể thấy, đối với môi trường khí, ô nhiễm không khí (ONKK) là việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào không khí, khi việc đó gây ra những tác hại như gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật, hệ sinh thái và gây ra thiệt hại về vật chất, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng môi trường tự nhiên. ONKK cũng có thể hiểu là trong không khí có sự tồn tại của các chất gây ô nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, hoặc tạo ra những tác động xấu đối với môi trường. Đây là một trong những rủi ro về môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người.
Hình 1. Cơ cấu và tỉ lệ ONKK tại các khu vực trên thế giới, ngày 30/8/2022 (Nguồn: unep.org)
Theo công bố của Viện Ảnh hưởng Sức khỏe (Health Effects Institute - HEI) và Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (Institute for Health Metrics and Evaluation - IHME) tại Báo cáo Tình trạng không khí Toàn cầu (State of Global Air) năm 2020, ONKK đã gây ra 6,67 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2019, hơn 1,5 lần so với năm 2016 (4,2 triệu ca). Trung Quốc và Ấn Độ đứng đầu danh sách này (tương ứng với 1,85 triệu ca và 1,67 triệu ca). Việt Nam có 71.700 người chết do ONKK. Ước tính, có đến 99% dân số thế giới đang sống ở những khu vực không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng không khí mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Chất ô nhiễm có hại nhất cho sức khỏe, liên quan chặt chẽ với tử vong sớm là hạt mịn PM2.5 thâm nhập sâu vào đường phổi. Vào năm 2021, để đối phó với những bằng chứng ngày càng gia tăng về tác động của ONKK, WHO đã cập nhật hướng dẫn về chất lượng không khí trung bình hàng năm PM2.5 là 5µg/m3, giảm một nửa so với mức hướng dẫn trước đó (năm 2005, là 10µg/m3).
Tuy là một vấn đề toàn cầu, nhưng ONKK có tác động không giống nhau ở các quốc gia: những người sống ở các quốc gia đang phát triển là những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người già.
Hình 2. Phân nhóm các quốc gia theo nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm (Nguồn: unep.org)
Có nhiều nguồn phát thải gây ONKK tại các quốc gia. Theo Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), có thể chia thành 5 nhóm chính: sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải, xử lý chất thải và các hoạt động trong gia đình. Chỉ dẫn của WHO về tác động trực tiếp đến sức khỏe con người của các chất phát thải gây ONKK được trình bày tại Bảng 1.
Bảng 1. Các chất ô nhiễm, tác động của chúng đến sức khỏe và chỉ dẫn nồng độ an toàn trong không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
(Nguồn: Tổng hợp từ Mạng lưới không khí sạch Việt Nam; WHO Global air quality guide lines 2021)
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, hít thở không khí ô nhiễm trong thời gian dài góp phần làm gia tăng các nguy cơ mắc bệnh và tử vong cho con người. Thống kê về các vấn đề sức khỏe gây ra tử vong cho con người liên quan đến ONKK gồm có: bệnh tim thiếu máu cục bộ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh tim, nhiễm trùng đường hô hấp dưới (như viêm phổi) cấp tính và mãn tính, đột quỵ, tiểu đường loại 2 và các bệnh ở trẻ sơ sinh liên quan chủ yếu đến cân nặng và sinh non (Hình 3).
Hình 3. Tỷ lệ ca tử vong trên toàn cầu do các nguyên nhân từ ONKK (Nguồn:stateofglobalair.org)
Không chỉ ONKK ngoài trời, ONKK tại hộ gia đình cũng là một nguy cơ nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe của khoảng 2,4 tỷ người đang sử dụng các loại sinh khối, dầu hỏa và than đá để nấu ăn và sưởi ấm trên thế giới (có 3,8 triệu ca tử vong do ONKK trong nhà vào năm 2016). Một khảo sát tại Mỹ cho thấy, cứ 6 phòng trong ngôi nhà có tổng diện tích khoảng 450 m2 sẽ thu được tới 18 kg bụi/năm. Những hạt bụi li ti này thường ở trong các lớp vải bọc ghế, gối, đồ nội thất,… hay ở lông vật nuôi, thực phẩm, bào tử, nấm mốc,… tạo thành môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật phát triển và gây bệnh. Khi thường xuyên hít phải không khí ô nhiễm này, người ta sẽ bị dị ứng, khó thở, viêm da và nổi mụn, đỏ mắt, chảy nước mũi, buồn nôn, chóng mặt, nghẹt xoang mũi,... có nguy cơ dẫn đến các bệnh hen suyễn, tim mạch, phổi hay thậm chí là ung thư.
Tình trạng ONKK trong nhà thường bị coi nhẹ và khó nhận biết, bởi ngôi nhà vốn luôn được xem là nơi trú ẩn, nghỉ ngơi an toàn nhất của mọi người. Thống kê cho thấy, những đối tượng dễ bị thương tổn nhất là các thai phụ, trẻ em, người già do thời gian ở trong nhà thường lên tới 90% (Hình 4).
Hình 4. Số ca tử vong trên toàn cầu do PM2.5, Ozone và không khí ô nhiễm trong nhà năm 2019 (Nguồn: stateofglobalair.org)
Năm 2016, mức thiệt hại mà ONKK đã gây ra cho toàn nhân loại lên đến gần 30% tổng GDP. Trong đó, các thất thoát liên quan đến bệnh tật là 4,7% GDP, tử vong tiêu tốn 25,1% GDP. Châu Á là một điểm nóng trên toàn cầu, với Nam Á là khu vực chịu thiệt hại nhiều nhất do ONKK, kế đến là Đông Á và Thái bình dương. Khu vực Mỹ Latin và Caribbean chịu tác động thấp nhất (Hình 5).
Hình 5. Chi phí toàn cầu năm 2016 vì bệnh tật và tử vong do ONKK (tác nhân bụi mịn PM2.5), tính theo GDP (Nguồn: Actions on Air Quality: A Global Summary of Policies and Programmes to Reduce Air Pollution - UNEP 2022)
Các chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí đang được chính phủ các nước trên thế giới thực hiện đã được UNEP đánh giá trong Báo cáo về các hoạt động đảm bảo chất lượng không khí (UNEP’s Actions on Air Quality report). Việc đánh giá dựa trên các chính sách nền tảng (gồm tiêu chuẩn chất lượng không khí) và năng lực quản lý chất lượng không khí, đối với các lĩnh vực chính tạo nên ONKK, bao gồm: khí thải công nghiệp (khuyến khích sản xuất sạch hơn), giao thông vận tải (tiêu chuẩn đối với nhiên liệu và khí thải phương tiện), quản lý chất thải rắn (quy định về đốt rác hở), ONKK hộ gia đình (khuyến khích sử dụng năng lượng sạch trong nấu ăn và sưởi ấm) và nông nghiệp (thực hành nông nghiệp bền vững).
Báo cáo cũng phân tích các chiến lược quản lý chất lượng không khí và giám sát chất lượng không khí. Theo đó, việc ban hành các “tiêu chuẩn chất lượng không khí”, “sản xuất sạch hơn” và “năng lượng sử dụng trong hộ gia đình” là các nội dung được nhiều quốc gia quan tâm (từ 50% tổng số quốc gia khảo sát trở lên); trong khi đó, việc đốt chất thải tự nhiên ít được sự quan tâm của chính quyền nhiều nơi (Hình 6).
Hình 6. Các nội dung và giải pháp ứng phó của các quốc gia trên thế giới để chống lại ONKK (Nguồn: Actions on Air Quality: A Global Summary of Policies and Programmes to Reduce Air Pollution – UNEP, 2022)
Việc kiểm soát hiệu quả mức độ ONKK đã trở nên rất cấp thiết, vì nó không chỉ giúp giảm thiểu tác hại của ONKK đến môi trường và con người, giảm thiểu gánh nặng về y tế cho người dân, mà còn tiết kiệm đáng kể nguồn lực xã hội, tạo thêm điều kiện để đầu tư cho phát triển, góp phần nhanh chóng phục hồi nền kinh tế toàn cầu vốn đang chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 ngày nay.
Tuấn Kiệt
Mời xem tiếp: Ô nhiễm không khí tại Việt Nam (Thông tin chuyên đề Khoa học, Công nghệ & Đổi mới sáng tạo, số 01/2023)
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Hà Minh. Vì sao ô nhiễm không khí trong nhà đáng lo ngại hơn ngoài trời? https://zingnews.vn/vi-sao-o-nhiem-khong-khi-trong-nha-dang-lo-ngai-hon-ngoai-troi-post1208857.html
[2] Actions on air quality: A global summary of policies and programmes to reduce air pollution (UNEP 2022)
[3] About the state of global air initiative. https://www.stateofglobalair.org/about
[4] WHO. Ambient (outdoor) air pollution. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/ambient-(outdoor)-air-quality-and-health
[5] Hùng Võ. Ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 trong nhà cao hơn bên ngoài 2-3 lần. https://www.vietnamplus.vn/o-nhiem-khong-khi-do-bui-pm25-trong-nha-cao-hon-ben-ngoai-23-lan/826899.vnp
[6] WHO. Global air quality guidelines, 2021.
[7] Tác hại của ô nhiễm không khí. http://vietcleanair.vn/tac-hai-cua-o-nhiem-khong-khi/