Những năm gần đây khởi nghiệp sáng tạo được biết đến rộng rãi và luôn là chủ đề thu hút cộng đồng. Trong đó TP.HCM được xem là cái nôi của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start up) Việt Nam, với nhiều hoạt động sôi nổi, hàng loạt đơn vị gọi vốn thành công, giá trị lớn và tăng trưởng nhanh chóng.
Khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam
Có khá nhiều khái niệm liên quan đến startup. Theo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (2017), “Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”. Ông Bùi Thế Duy (Thứ trưởng Bộ KH&CN) cho rằng, start up phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới, nghĩa là phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả doanh nghiệp trên thế giới. Với TS. Tạ Thị Bích Ngọc (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) và ThS. Nguyễn Quốc Anh (Học viện Đổi mới Sáng tạo - Đại học Quốc gia Ireland), start up là quá trình khởi nghiệp dựa trên chính những ý tưởng đổi mới sáng tạo; qua đó tạo ra sản phẩm, dịch vụ, quy trình, mô hình kinh doanh mới có điểm khác nổi trội, ưu việt hơn so với những sản phẩm, dịch vụ, quy trình hiện có; tạo ra được giá trị mới cho cá nhân và cộng đồng.
Dù có nhiều cách thể hiện khác nhau, nhưng nhìn chung, khởi nghiệp sáng tạo là quá trình đổi mới, làm khác biệt các sản phẩm, dịch vụ, quy trình, mô hình kinh doanh,.. để tạo ra giá trị mới cho xã hội.
(Nguồn Jobsgo)
Các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở nước ta trong những năm gần đây diễn ra rất sôi động và đã gặt hái nhiều thành quả bước đầu. Theo cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia (Austrade), hiện Việt Nam đứng thứ ba ở Đông Nam Á về số lượng các start up; đứng thứ 5 Bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo các quốc gia năm 2022. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 3.000 start up, trong đó, khoảng 50% tại TP.HCM, tập trung ở các lĩnh vực: CNTT (41,1%), nông nghiệp ứng dụng công nghệ (20,13%), công nghệ giáo dục (16,11%), IoT (9,4%), chế biến thực phẩm (6,71%), du lịch (3,36%) và công nghệ tài chính (0,67%).
Sở hữu nguồn nhân lực chất lượng và sáng tạo đã giúp Việt Nam trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư đầu tư mạo hiểm. Theo chia sẻ của ông Hoàng Công Đoàn (Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam), năm 2019, nguồn vốn đổ vào start up Việt khoảng 874 triệu USD. Đến năm 2020, do Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, lượng vốn này chỉ còn hơn 300 triệu USD, nhưng đến năm 2021 nguồn vốn này đã tăng lên kỷ lục, tới 1,4 tỷ USD.
Giai đoạn 2019-2021 cũng là quãng thời gian tăng trưởng thần tốc của một số start up đình đám như Loship (200%), FoodHub (300%) và TikiNGON (2.000%), khi bắt kịp xu hướng mua hàng online của người dân trong đại dịch. Các start up này thành công với việc cung cấp các dịch vụ vận chuyển, mua hàng và kết nối người mua với người bán thực phẩm sạch. Năm nay, Việt Nam cũng chứng kiến sự vươn lên của 2 kỳ lân công nghệ, được định giá trên 3 tỷ USD (Sky Mavis) và trên 2 tỷ USD (Momo), theo báo cáo của Quỹ Đầu tư mạo hiểm (DoVenture) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).
Tuy nhiên, bên cạnh những start up bứt phá ngoạn mục, vươn lên những tầm cao mới, cũng có nhiều start up tầm cỡ không qua khỏi những rào cản trong quá trình khởi nghiệp, do nhiều yếu tố vĩ mô hoặc vi mô. Prozy là một ví dụ. Start up này (TOP 10 start up khổng lồ ở Việt Nam, theo KPMG & HSBC) vừa đóng cửa ngày 12/9, do kinh doanh không hiệu quả trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của Covid-19, bất ổn chính trị giữa Nga và Ukraine và không thể gọi vốn từ đầu năm nay,... Có thể thấy, bên cạnh nguồn nhân lực, vốn là một yếu tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo duy trì và phát triển của các start up.
Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh
Nói đến các hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, không thể không nhắc đến những đóng góp của các nhà khoa học.
Để tham mưu cho các chủ trương, chính sách hỗ trợ start up của Thành phố, từ năm 2018, PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Học viện Cán bộ TP.HCM) đã nghiên cứu về thực trạng các start up và hệ sinh thái khởi nghiệp, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại TP.HCM và tác động của khởi nghiệp đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Các khuyến nghị liên quan đến chính sách hỗ trợ start up (tăng cường hành lang pháp lý, chính sách hỗ trợ tài chính ban đầu, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá khởi nghiệp sáng tạo, thành lập cơ quan điều phối hoạt động khởi nghiệp sáng tạo) cũng được ThS. Hồ Thủy Tiên (Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM) đề xuất với Thành phố và Chính phủ vào năm 2019, trong mong mỏi đưa TP.HCM trở thành “Thành phố khởi nghiệp”. Cũng hướng đến việc “chuẩn hóa” trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo, năm 2021, ThS. Huỳnh Kim Tước (Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN TP.HCM) đã kiến nghị phê duyệt và ban hành bộ tiêu chuẩn vườn ươm khởi nghiệp nhằm cụ thể hóa các chính sách khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng mô hình vườn ươm khởi nghiệp theo chuẩn quốc tế,…
Ở góc độ hỗ trợ người trẻ tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên của ThS. Nguyễn Thị Bích Liên (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) vào năm 2020, đã xác định được 5 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên (giáo dục khởi nghiệp; nguồn vốn; đặc điểm tính cách; nhận thức tính khả thi; chuẩn chủ quan). Cũng trong năm này, nhóm tác giả do PGS. TS Phạm Đình Anh Khôi (Đại học Bách Khoa TP.HCM) dẫn dắt cũng đã xây dựng thành công bộ giáo trình đào tạo start up theo chuẩn quốc tế (gồm các phần lý thuyết và thực hành).
Những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã góp phần định hình nhiều chương trình, giải pháp, “sân chơi” phong phú nhằm thúc đẩy việc hình thành và phát triển các start up tại TP.HCM.
Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp (WHISE) là một ví dụ. Diễn ra vào khoảng cuối tháng 10 hàng năm, WHISE được tổ chức nhằm tạo ra không gian giao lưu KH&CN và khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Đây là sự kiện lớn nhất trong năm về lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và khởi nghiệp của Thành phố. Gần đây, WHISE 2022 bao gồm chuỗi 42 sự kiện xuyên suốt từ ngày 8-14/10. Trong đó, “Triển lãm Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số” diễn ra các ngày 13-14/10 là điểm nhấn của WHISE 2022, khi đồng thời bùng nổ hàng loạt sự kiện nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp TP.HCM.
Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (I-Star) là Giải thưởng thường niên, nhằm lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp góp phần tạo ra những đột phá mới cho sự phát triển của Thành phố. I-Star 2022 vừa vinh danh và trao giải cho 4 nhóm đối tượng: các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (star up); các giải pháp đổi mới sáng tạo; các tác phẩm báo chí truyền thông về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có đóng góp tích cực cho cộng đồng.
IoT Startup là cuộc thi thường niên, do Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC) tổ chức nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đam mê đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực IoT của các bạn trẻ và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, đồng thời, hỗ trợ phát triển, ươm tạo và hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT, hướng tới xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp IoT bền vững.
Để hỗ trợ cho các start up về nguồn vốn hoạt động, nhiều nguồn tài trợ đã được Thành phố chuẩn bị. Ví dụ như Chương trình hỗ trợ phát triển và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Speed up) của Sở KH&CN TP.HCM, hoạt động nằm trong chuỗi các chương trình của WHISE đã cấp vốn hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để tạo điều kiện cho các start up mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Giai đoạn 2016-2020, chương trình đã hỗ trợ cho 50 start up với nguồn kinh phí hơn 33 tỷ đồng, trong đó một số startup tăng doanh thu hoặc được định giá tăng từ 2-10 lần. Quỹ hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp TP.HCM là một ví dụ khác. Trong giai đoạn 2017 đến 6/2022, Quỹ đã hỗ trợ cho hơn 570 dự án, với tổng kinh phí 202,4 tỷ đồng.
Các hoạt động phong phú của TP.HCM đã góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong nước không ngừng phát triển, tạo ra ngày càng nhiều start up có thực lực. Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), chất lượng của các start up tại Thành phố hiện được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao, nhiều start up có mô hình hoạt động đầy tiềm năng, khai thác được các yếu tố công nghệ mới. Đây là những điều kiện thuận lợi để start up thu hút được vốn đầu tư cho phát triển. Tính đến tháng 10/2022, trong tổng số thu hút thành công khoảng 800 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm của cả nước, hơn 600 triệu USD (75%) đã đổ vào các hoạt động start up tại Thành phố.
Có thể nói, các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Thành phố đã có những hỗ trợ thiết thực cho việc hình thành và phát triển bền vững các start up trên địa bàn. Theo báo cáo của Sở KH&CN TP.HCM, hiện Thành phố có 34 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó 24 cơ sở ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp và 10 không gian làm việc chung có tổng diện tích khoảng 30.000 m2. Gần đây, Thành phố đã khởi công xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM, tại địa chỉ 123 Trương Định, Quận 3. Đây là nơi cung cấp dịch vụ về cơ sở vật chất cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cũng là trung tâm làm việc sáng tạo, phát triển ý tưởng khởi nghiệp, tiếp cận các chính sách mới nhất về đầu tư và khởi nghiệp, hạt nhân gắn kết các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp hướng đến công nghệ 4.0.
Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn do ảnh hưởng hậu Covid-19, các bất ổn về kinh tế - chính trị trên thế giới, nhưng các start up Việt Nam vẫn đang được thế giới đón nhận và đầy tiềm năng phát triển. Với sự hỗ trợ ngày càng thiết thực qua các chủ trương, chính sách, cũng như các chương trình, giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo đa dạng, thực tế của Thành phố, các start up tại TP.HCM sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Minh Thư
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Trần Hoàng Ngân. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Hồ Thủy Tiên. Giải pháp đưa thành phố Hồ Chí Minh thành Thành phố khởi nghiệp.
[3] Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia https://hvtc.edu.vn/Portals/28/Ky%20yeu%20hoi%20thao%20cuoi%20in-final.pdf
[4] Nic & Do Venture. Báo cáo đổi mới sáng tạo năm 2021/ https://nic.gov.vn/wp-content/uploads/2022/05/Bao-cao-DMST-va-Dau-tu-Cong-nghe-2021.pdf?fbclid=IwAR3D9cIn_w6nZKTrDjfBaHWJ5141CnumEdrBNm-_VLtvw2l7yS2SKrIb_XU
[5] Hà Thế An. Thành phố Hồ Chí Minh là “nhà” của gần 50% công ty khởi nghiệp ở Việt Nam. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/tin-tuc-khcn/tphcm-la-nha-cu-gan-50-cong-ty-khoi-nghiep-o-viet-nam/
[6] Hồng Phấn. Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM187734