Theo cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia (Austrade), hiện Việt Nam đứng thứ ba ở Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST); đứng thứ năm Bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo các quốc gia năm 2022. Báo cáo GII 2022 cũng xác định, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình - thấp có tốc độ ĐMST nhanh nhất, tính đến nay.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trong giai đoạn suy thoái, Covid-19, với những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, chính là một phép thử “khả năng sinh tồn” đặc biệt đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
Theo số liệu của Saigon Innovation Hub (Sihub), năm 2020 do tác động của dịch Covid-19, đầu tư khởi nghiệp vào Việt Nam giảm hơn 60%, từ 861 triệu USD năm 2019 xuống còn 317 triệu USD. Đến năm 2021, lần đầu tiên các dự án khởi nghiệp trong nước thu hút được nguồn vốn đầu tư lên tới trên 1,35 tỷ USD. Sang năm 2022, có thể thấy các nhà đầu tư mạo hiểm đang thận trọng hơn, với sự giảm nhẹ mức đầu tư: tính đến tháng 10/2022, cả nước chỉ thu hút thành công khoảng 800 triệu USD.
Nhờ chất lượng được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao, sở hữu nhiều mô hình hoạt động đầy tiềm năng, khai thác được các yếu tố công nghệ mới, nên các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tại Thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút vốn. Với quy mô chỉ gần 50% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên cả nước, năm 2021, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tại Thành phố đã thu hút được khoảng 1 tỉ USD vốn đầu tư mạo hiểm (hơn 60% tổng vốn thu hút được) và trên 600 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm (75% tổng vốn thu hút được) trong năm 2022, tạo cơ sở nền tảng tốt cho phát triển. Đã xuất hiện những doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST bứt phá ngoạn mục, vươn lên những tầm cao mới như 2 kỳ lân công nghệ được định giá trên 3 tỷ USD (Sky Mavis) và trên 2 tỷ USD (Momo), theo báo cáo của Quỹ Đầu tư mạo hiểm (DoVenture) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).
Góp phần tạo ra những hiệu ứng tốt nhằm thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp ĐMST ngày càng khởi sắc tại Thành phố, không thể không kể đến những hỗ trợ ngày càng thiết thực của Chính quyền địa phương, qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất đa dạng, thực tế và dài hơi. Ngay từ năm 2016, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách đột phá nhằm hình thành hệ sinh thái ĐMST và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST, ví dụ như Quyết định số 5342/QĐ-UBND ngày 11/10/2016 về Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, áp dụng cho việc thực hiện hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ĐMST có sử dụng ngân sách sự nghiệp KH&CN của Thành phố. Trong đó, mức hỗ trợ cho một dự án có thể lên đến 2 tỉ đồng; Quyết định số 1339/QĐ-UBND ngày 27/3/2017 về hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP.HCM, trong đó có các biện pháp: nâng cao hoạt động của hệ thống giáo dục, của các nhà cung cấp dịch vụ, của các doanh nghiệp lớn, của tổ chức tài trợ vốn, của các tổ chức nghiên cứu, của các tổ chức hỗ trợ, vấn đề kết nối các yếu tố của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Gần đây hơn, có thể kể đến Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 1/3/2021 về Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TP.HCM giai đoạn 2021-2025, tập trung xây dựng và triển khai 7 nhóm nhiệm vụ chính (phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, hình thành các hệ sinh thái ĐMST của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST phát triển sản phẩm và thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng và ĐMST; thúc đẩy hoạt động ĐMST trong khu vực công; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế khởi nghiệp ĐMST; truyền thông khởi nghiệp ĐMST). Ở Kế hoạch số 552/KH-UBND ngày 23/2/2022 về phát triển các Trung tâm đổi mới công nghệ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025, Thành phố đã xác định nhiệm vụ huấn luyện và ươm tạo các dự án khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực chuyển đổi số hoặc ứng dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề cụ thể cho doanh nghiệp, tổ chức.
Với Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 3/3/2022 về phê duyệt Chương trình nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH&CN trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025, Thành phố cam kết thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, đồng hành và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST thông qua nhiều giải pháp, hướng đến mục tiêu nâng tỷ lệ dành cho hoạt động nghiên cứu phát triển và ĐMST đạt 30% tổng chi ngân sách Thành phố; đảm bảo tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST đạt 50% so với cả nước.
Có thể thấy, những cam kết và quá trình hiện thực hóa nhiều cam kết của Chính quyền Thành phố trên thực tế đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tại TP.HCM, tạo nhiều cơ hội để các doanh nghiệp này có điều kiện phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
BBT