Trí tuệ nhân tạo được thiết lập trên nền tảng khoa học máy tính, thể hiện ra ngoài qua các máy móc, thiết bị điện tử. Được xem là công nghệ cốt lõi trong Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030” để phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh, sáng tạo, hiện Thành phố đang tiếp tục tìm kiếm các giải pháp trí tuệ nhân tạo để đẩy mạnh áp dụng vào các lĩnh vực đời sống xã hội trên địa bàn.
Trí tuệ nhân tạo và cơ chế hoạt động
Trí tuệ nhân tạo (AI) hoạt động dựa trên việc học sâu (deep learning) và bộ não nhân tạo (mạng nơ-ron). Có cơ chế hoạt động như bộ não con người để xử lý thông tin, mạng nơ-ron gồm nhiều thuật toán được tạo ra để học sâu và mỗi một nơ-ron sẽ xử lý một luồng thông tin cụ thể, sau đó kết hợp lại thành một hệ thống lớn nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp hơn.
Là một bước tiến vượt bậc của thế kỷ 21, AI được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nhận dạng khuôn mặt, xử lý giọng nói, ước tính đám đông, hệ thống an ninh, bảo mật; hỗ trợ con người trong lao động, kết hợp với robot để thay thế con người trong những công việc nguy hiểm; giúp phát hiện và dự báo tai nạn, thiên tai, dịch bệnh… AI cũng đưa con người lại gần nhau hơn qua việc xóa bỏ khoảng cách ngôn ngữ, bằng các ứng dụng chuyển đổi ngôn ngữ như Google dịch, Translate Me,... Trong lĩnh vực y tế, theo GS. Jennifer Tour Chayes (Đại học California, Berkeley, Mỹ), AI hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Nhờ AI mà các bác sĩ dễ dàng hơn trong việc phát hiện bệnh, đặc biệt là ung thư,...
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà AI mang lại, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, AI tiềm ẩn nhiều hệ quả tiêu cực, ví dụ như làm tăng nguy cơ thất nghiệp cho người lao động, tác động của máy móc đến hành vi và mối quan hệ của con người, nguy cơ con người phải cạnh tranh với một hệ thống thông minh phức tạp; tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo gia tăng, như chia sẻ của NCS Vũ Thị Linh (Đại học Luật Hà Nội). Thậm chí, GS. Stephen Hawking còn từng cảnh báo khả năng trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đe dọa sự tồn vong của loài người.
Thúc đẩy ứng dụng AI trên địa bàn TP.HCM
Trong nỗ lực xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển AI đã được Thành phố triển khai.
Hàng năm, để tìm kiếm những giải pháp có tính ứng dụng cao vào thực tiễn, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thi “Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP.HCM”. Năm 2020, Hội thi lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo với giao thông thông minh” đã thu hút được đông đảo thí sinh trên cả nước tham dự, với 217 đội và 39 sản phẩm ứng dụng. Một số sản phẩm sau đó đã triển khai thành công vào thực tế như Định danh khách hàng điện tử; Sử dụng AI trong việc chẩn đoán đột quỵ do nhồi máu não thông qua hình ảnh CT; Hệ thống quản lý video thông minh,… Tiếp nối thành công của năm 2020, Hội thi Thử thách trí tuệ nhân tạo (AI-Challenge) năm 2021 với chủ đề “Nhận diện chữ Tiếng Việt trong ảnh ngoại cảnh và sinh hoạt hàng ngày”. Việc phân tích hình ảnh mang lại nhiều lợi ích khi ứng dụng vào xe tự lái, robot tự hành, hỗ trợ người khiếm thính,… Năm nay, hội thi tập trung vào 2 nhóm nội dung: cuộc thi Thử thách trí tuệ nhân tạo (AI-Challenge) với chủ đề truy vấn sự kiện từ dữ liệu thị giác (Event Retrieval from Visual Data) và Sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI Solution) với các giải pháp, sản phẩm ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất, kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp và phục vụ cộng đồng xã hội.
Từ đầu năm 2021, Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030” đã được Thành phố phê duyệt, với 3 giải pháp chính: (1) Xây dựng và phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo; (2) Trí tuệ nhân tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững; (3) TP.HCM trở thành trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Để hiện thực hóa, trong 9 nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Kế hoạch triển khai Chương trình năm 2022, Thành phố sẽ tập trung thực hiện Đề án xây dựng hạ tầng số; tổ chức Ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông và AI. Song song đó, xây dựng các khung pháp lý cơ bản đầy đủ, tạo cơ chế và chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển AI từ môi trường nghiên cứu đến thử nghiệm, ứng dụng thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội.
Để đề xuất bổ sung, hoàn thiện các khung pháp lý, cơ chế và chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển AI vốn còn nhiều vướng mắc; hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, vào ngày 8/4/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Tọa đàm “Đề xuất các khung pháp lý, tạo cơ chế và chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM”. Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ), Thành phố xem AI là công nghệ then chốt, nên đang tăng cường xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, đưa ngành công nghệ AI trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển.
Những nỗ lực của Thành phố nhằm thúc đẩy phát triển AI bước đầu đã có những thành quả nhất định. AI đã được triển khai ở nhiều lĩnh vực, như y tế, giáo dục, tài chính, giao thông,... trên địa bàn.
Ứng dụng trong y học
AI trong y học hiện nay chủ yếu ứng dụng phần mềm xử lý hình ảnh hỗ trợ chẩn đoán bệnh, sàng lọc ung thư ở một số cơ sở y tế. Giới thiệu về “Ứng dụng AI trong hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh” tại hội thảo “Công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phòng, chống dịch, bệnh” được Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (CESTI) tổ chức vào ngày 21/10/2022, PGS.TS. Trần Minh Triết (Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM) đã công bố nhiều kết quả và tiềm năng ứng dụng của các thuật toán AI trong việc hỗ trợ các bác sĩ, các chuyên gia trong lĩnh vực y khoa về việc chẩn đoán từ các dữ liệu hình ảnh. Trước đó, ngày 9/10, Sở KH&CN TP.HCM cũng đã nghiệm thu nhiệm vụ “Tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr” do Bệnh viện Mắt TP.HCM chủ trì, TS.BS Phạm Thị Thủy Tiên là chủ nhiệm. Các tác giả đã thiết kế và khai thác, sử dụng phần mềm hỗ trợ tầm soát bệnh glôcôm một cách dễ dàng và chính xác hơn qua ảnh chụp màu gai thị, Tầm soát và phát hiện sớm bệnh glôcôm kèm với kế hoạch điều trị thích hợp sẽ giúp bệnh nhân ngăn ngừa mất thị lực.
Một trong những căn bệnh gây tử vong cao trên thế giới là bệnh động mạch vành cũng đã được ứng dụng học sâu (deep learning) để xử lý phân đoạn và tìm biên của mạch vành, từ đó phát hiện vị trí bất thường để có các quyết định điều trị thích hợp cho bác sỹ điều trị, là kết quả nghiên cứu của PGS.TS. Phạm Thế Bảo (Trường đại học Sài Gòn) và các cộng sự, qua nhiệm vụ KH&CN “Phát hiện và xác định vị trí các bất thường trên ảnh động mạch vành”,...
Không chỉ tại các quận trung tâm, các vùng sâu, vùng xa tại TP.HCM cũng đã có những ứng dụng AI vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Ngày 18/11, Sở Y tế đã khởi động Chương trình nâng cao năng lực y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, ứng dụng AI vào chẩn đoán X-quang phổi và ứng dụng telemedicine để tổ chức khám bệnh từ xa cho người dân ở đây, qua kết nối trực tuyến với các bác sĩ chuyên khoa của Thành phố,...
Ứng dụng trong giáo dục
Các trường đại học lớn tại TP.HCM cũng đã triển khai AI vào các hoạt động giáo dục. Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng áp dụng AI để nhận diện khuôn mặt, giọng nói của sinh viên trong công tác điểm danh; Trường đại học FPT còn triển khai ứng dụng AI sâu hơn, không chỉ nhận diện khuôn mặt sinh viên, điểm danh, quản lý sinh viên trong ký túc xá, mà còn ứng dụng AI trong công tác chấm điểm các bài thi trắc nghiệm,…
Ứng dụng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
Theo phát biểu của ông Phạm Quang Vinh (Trung tâm Không gian mạng Viettel) tại hội thảo “Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng" tại AI Workshop trong khuôn khổ Ngày hội AI4VN (tổ chức ngày 22,23/9), hơn 60% các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trong nước đang thử nghiệm AI. Tại Thành phố, Vietinbank, ACB và một số ngân hàng khác đã ứng dụng AI trong thu thập dữ liệu, hỗ trợ khách hàng qua chatbot, trợ lý ảo phân tích tài chính. Các ngân hàng đang ứng dụng tối đa các lợi ích của AI vào phục vụ khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ứng dụng trong lĩnh vực giao thông
Từ năm 2019, Thành phố đã bắt đầu triển khai giao thông thông minh. Đến nay, Trung tâm Điều hành giao thông thông minh đã quản lý được các quận trung tâm (quận 1, 3, 4, 5, Tân Bình, một phần quận 2). Theo thống kê của Công an TP.HCM, hiện nay camera giám sát giao thông có thể nhận diện biển số xe ô-tô chính xác tới 95,5% và biển số xe hai bánh tới 87,1%. Trong thời gian tới và Trung tâm sẽ nâng cao tỷ lệ trên; nâng cấp hệ thống phát hiện các sự cố giao thông và cảnh báo cho người dân thông qua tin nhắn, Zalo app hoặc bảng điện tử. Thành phố cũng đã triển khai hệ thống thanh toán điện tử bằng thẻ UniPass trên xe bus hoặc quét mã QR tại 200 phương tiện của 26 tuyến bus nội thành.
Thành phố đang bắt đầu đưa AI vào thí điểm giảng dạy trong chương trình chính khóa ở bậc THCS (Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1) và THPT (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), kể từ năm học 2022-2023 và nhận được sự quan tâm rất lớn của học sinh. Tại TP.Thủ Đức, ngành giáo dục và đào tạo cũng dự kiến giảng dạy AI cho học sinh tiểu học, THCS từ năm nay, theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Đức).
Tiềm năng lớn, ứng dụng rất hiệu quả trong các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế để chẩn đoán và hỗ trợ phẫu thuật, nhưng phát triển AI tại Thành phố vẫn còn gặp nhiều hạn chế, do điều kiện vật chất và lượng nhân lực chuyên gia nghiên cứu về AI. Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thuộc chương trình AI, cần có các giải pháp, cách thức, cách làm cụ thể về chương trình nghiên cứu, phát triển AI; xây dựng và chia sẻ dữ liệu dùng chung trong phạm vi Thành phố; chia sẻ nguồn lực, hợp tác trên cơ sở lợi ích kinh tế; xây dựng môi trường thử nghiệm các đề tài, dự án thực nghiệm trước khi đưa vào ứng dụng rộng rãi, như ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ) từng chia sẻ.
Minh Thư
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] NDH. Phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2020-2030”. https://vpub.hochiminhcity.gov.vn/portal/pages/2021-2-24/Phe-duyet-Chuong-trinh-Nghien-cuu-va-phat-trien-unfidhdb3oofhs.aspx
[2] Phát động “Hội thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TPHCM năm 2022”. https://aichallenge.hochiminhcity.gov.vn/
[3] Lam Vân. TP.HCM: Nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo cần có chính sách ưu tiên. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/tphcm-nghien-cuu-phat-trien-tri-tue-nhan-tao-can-co-chinh-sach-uu-tien-ddc266a2-17bc-4828-b803-d1321f0b5a59
[4] Trần Đức Lịch. Cách thức hoạt động của trí tuệ nhân tạo https://antoanthongtin.vn/cong-nghe-thong-tin/cach-thuc-hoat-dong-cua-tri-tue-nhan-tao-105771
[5] Tạ Quốc Ưng, Tô Thị Thu Hương. Cơ hội và thách thức khi ứng dụng AI. https://congnghiepcongnghecao.com.vn/tin-tuc/t23951/co-hoi-va-thach-thuc-khi-ung-dung-ai.html
[6] M.Hiệp. TPHCM sẽ đưa nội dung trí tuệ nhân tạo AI vào nhà trường từ năm học 2022 - 2023. https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-se-dua-noi-dung-tri-tue-nhan-tao-ai-vao-nha-truong-tu-nam-hoc-2022-2023-1491894791
[7] Ngọc Tấn. 9 nhiệm vụ trọng tâm phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. https://tphcm.chinhphu.vn/9-nhiem-vu-trong-tam-phat-trien-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-101220604102010497.htm