Ô nhiễm không khí đang hiện hữu ngày càng rõ rệt, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Thành phố nói riêng. Đây cũng là vấn nạn của 99% dân cư trên toàn thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí khiến cho con người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí. Các hạt này thâm nhập sâu vào phổi và hệ tim mạch, gây ra nhiều loại bệnh như bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp nơi và đang tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động, ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của con người. Theo một ước tính năm 2018, 9/10 dân số thế giới phải hít thở không khí chứa các chất gây ô nhiễm với hàm lượng cao. Gần đây, dữ liệu của WHO đã chỉ ra gần như toàn bộ dân số toàn cầu (99%) đang phải hít thở không khí với nồng độ ô nhiễm vượt quá giới hạn, theo hướng dẫn của WHO. Trong đó, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải chịu mức phơi nhiễm cao nhất.
Ngoài ô nhiễm không khí ngoài trời, ô nhiễm không khí từ khói thải của các hộ gia đình cũng là nguy cơ rất lớn đối với sức khỏe của 3 tỷ người đang sử dụng nhiên liệu sinh khối và than đá để nấu ăn và sưởi ấm trên thế giới. Theo nghiên cứu năm 1998 của Trung tâm An toàn sức khỏe dân cư Canada, hoạt động sống của con người diễn ra “ở trong nhà” chiếm tới 86,9%, trong khi “ở ngoài nhà” chỉ chiếm 7,6% và “trên phương tiện giao thông” khoảng 5,5%. Vì thế, việc đảm bảo cải thiện chất lượng không khí trong nhà là yếu tố rất quan trọng.
Thống kê trên toàn thế giới, ô nhiễm không khí đã gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm. Nếu tính riêng khu vực Tây Thái Bình Dương, mỗi năm có khoảng 2,2 triệu người tử vong. Ở Việt Nam, hơn 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí. Do vậy, ô nhiễm không khí là mối nguy cơ rất lớn trong giai đoạn hiện nay. Theo Tổ chức Thông tin về chất lượng không khí toàn cầu (IQAir AirVisual), dựa trên mức đo về lượng bụi siêu mịn PM2.5/m3, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 17, trong đó Hà Nội và TP.HCM nằm trong tốp những thành phố ô nhiễm không khí cao trên thế giới.
Theo đánh giá của WHO, gây ra ô nhiễm không khí chủ yếu là từ các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, nhà máy nhiệt điện chạy than và nhiên liệu rắn. Do vậy, để giảm thiếu tác hại của ô nhiễm không khí đến đời sống xã hội của con người, cần thúc đẩy các sáng kiến, chính sách xanh đối với các ngành năng lượng, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị và điện khí hóa các cơ sở y tế. Cũng theo WHO, mặc dù hơn 60% quốc gia đã ban hành tiêu chuẩn về chất lượng không khí, nhưng hầu hết các tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia này đều chưa phù hợp với các chỉ tiêu khuyến cáo tại Hướng dẫn Chất lượng không khí (Air Quality Guideline) của WHO.
Tại Việt Nam, nhiều cơ chế, chính sách được xây dựng và triển khai quyết liệt vào thực tế, hướng đến việc chủ động kiểm soát ô nhiễm không khí và giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động đến sức khỏe người dân. Ở TP.HCM, cùng với sự giúp sức của các trổ chức quốc tế, Chính quyền Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp tổng hợp để giải quyết bài toán nan giải lâu nay. Hy vọng, với những giải pháp hợp lý, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, ô nhiễm không khí tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng sẽ sớm được kiểm soát.
BBT