Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Thống kê trên thế giới cho thấy, trong tổng giá trị tài sản của các công ty đa quốc gia, tài sản vô hình luôn chiếm tỷ trọng rất cao: tại Microsoft là 97,8%, Walt Disney là 70,9%, Philip Morris là 78,8%, Johnson & Johnson là 87,9%,... Tài sản vô hình là tài sản trí tuệ, thường tồn tại dưới dạng thông tin, có khả năng lan truyền rộng rãi, rất dễ bị sao chép. Do vậy, chúng luôn được các doanh nghiệp quan tâm đăng ký bảo hộ để chống xâm phạm.

 

Sản phẩm trí tuệ và quyền sở hữu

Sản phẩm trí tuệ là kết quả của quá trình sáng tạo, sự đầu tư trí tuệ, tiền bạc, công sức của các tổ chức và cá nhân. Để bảo vệ quyền của các tác giả, chủ sở hữu sản phẩm trí tuệ, đã có nhiều điều ước quốc tế giữa được ký kết các quốc gia, các tổ chức trên thế giới (Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Công ước Stockholm về việc thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới ,…). Tại Việt Nam, quyền đối với các sản phẩm trí tuệ đã được quy định rõ tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung gần thất vào năm 2022). Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) “…là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”; quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) là “quyền của các tổ chức, cá nhân đối với các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”.

Qua nhiều vụ việc tranh chấp về SHTT, nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký SHTT cũng như giá trị mà bằng độc quyền SHTT mang lại, các chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ trên thế giới đã quan tâm hơn đến việc xác lập quyền SHTT. Hàng năm, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) và các cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia thế giới đã tiếp nhận hàng triệu đơn đăng ký bảo hộ SHTT từ các tổ chức và cá nhân.

Theo thống kê năm 2021 của WIPO, số đơn đăng ký SHTT có sự gia tăng hơn 4% so với năm 2020. Cụ thể, năm 2021 có 3,4 triệu đơn đăng ký sáng chế (SC), tăng 3,6% so với năm 2020. Trong đó, 2,4 triệu đơn đăng ký là người bản địa (chiếm 70,1%) và 1 triệu đơn đăng ký không là người bản địa (29,9%). Cũng trong năm này, có khoảng 13,9 triệu đơn đăng ký nhãn hiệu (NH) và 1,2 triệu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (KDCN), tăng tương ứng so với năm 2020 là 4% và 6,8%.

Lượng đơn đăng ký sáng chế trên thế giới giai đoạn 2007-2021. (Nguồn WIPO)

Về chỉ dẫn địa lý, 63.600 đối tượng đã được WIPO ghi nhận năm 2021. Trong đó, Châu Âu là khu vực có số lượng đăng ký chỉ dẫn địa lý nhiều nhất, kế đến là Châu Á (tỉ lệ lần lượt là 58,1% và 31,7%). Khu vực có ít chỉ dẫn địa lý nhất là Châu Phi (0,1%).

Tại nước ta, số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, năm 2021 có 131.440 đơn, yêu cầu liên quan đến SHTT, tăng 4,6% so với năm 2020. Trong đó, 57,4% là đơn đăng ký xác lập quyền SHCN, các loại đơn/yêu cầu khác chiếm 42,6%.

Cụ thể, về SC, cả nước ghi nhận sự tăng trưởng trong các đơn đăng ký SC và bằng độc quyền SC. Ở 8.535 đơn đăng ký SC đã được công bố (tăng 4,5% so với năm 2020), có 1.066 chủ thể là người Việt Nam (chiếm 12,5%), 7.469 là người nước ngoài (87,5%). Về bằng độc quyền SC, số bằng cấp năm 2021 tăng khoảng 11% so với năm 2020, trong đó, đến 95,9% thuộc các chủ đơn nước ngoài (với 3.583 bằng). Chủ đơn trong nước chỉ có 153 bằng (khoảng 4,1%).

Doanh nghiệp là chủ thể dẫn đầu trong nhóm các chủ thể sở hữu (cá nhân, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, chủ thể khác) về số lượng đơn đăng ký SC được công bố trong hai năm 2020-2021. Đây cũng là chủ thể có sự tăng trưởng nhanh và ổn định trong việc đăng ký SC giai đoạn 2011-2021. Tuy nhiên, trái với việc khu vực doanh nghiệp vẫn chiếm đa số về lượng đơn đăng ký SC năm 2021, số bằng độc quyền SC được cấp cho cá nhân lại cao hơn số cấp cho doanh nghiệp (20/14).

Về GPHI, trong giai đoạn 2016-2021, doanh nghiệp là nhóm liên tục dẫn đầu trong việc được cấp bằng độc quyền GPHI. Tính riêng năm 2021, số đơn đăng ký GPHI và số bằng độc quyền GPHI cấp cho người Việt Nam giảm nhẹ (tương ứng là khoảng 7,4% và gần 7%) so với năm trước.

Với KDCN, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, tổng số đăng ký KDCN con số này đã có dấu hiệu gia tăng trở lại, tuy nhiên vẫn chưa phục hồi được về mức 2019 (chỉ khoảng 97% so với năm 2019).

Trong các đối tượng được đăng ký SHCN thì NH chiếm ưu thế, với 44.638 NH được người Việt đăng ký năm 2021 và 25.379 giấy chứng nhận bảo hộ NH đã được cấp cho các chủ thể trong nước.

 

Đăng ký sở hữu công nghiệp tại TP.HCM

Trong giai đoạn 2011-2019 TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về tổng số đơn đăng ký SHCN, với 117.943 đơn (chiếm 39,4%) được công bố. Xếp thứ hai là Hà Nội, với 92.110 đơn (chiếm 30,8%).

Năm 2021, TP.HCM có 13.917 đơn đăng ký NH, 468 đơn đăng ký KDCN, 303 đơn đăng ký SC/GPHI được công bố. Xét riêng nhóm các chủ thể sở hữu SC/GPHI tại TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện đăng ký quyền sở hữu của Nhà nước đối với 47 đơn theo quy định, là một trong những đơn vị có số đơn đăng ký được công bố nhiều nhất tại Thành phố. Các SC/GPHI do Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đăng ký quyền sở hữu của Nhà nước được hình thành từ các nghiên cứu theo nhu cầu thực tế, phục vụ cho người dân Thành phố, xoay quanh các lĩnh vực như y học, hóa chất, các thiết bị hỗ trợ, vật liệu,… Trong đó, một số SC/GPHI có tính ứng dụng rộng rãi hơn, có thể kể đến như: “Ống giúp phát âm giúp phục hồi chức năng nói” (số đơn 1-2019-05421); “Quy trình sản xuất bộ mẫu ngoại kiểm cho xét nghiệm huyết thanh học HBsAg và anti-HCV” (số đơn 1-2021-01325) hay “Phương pháp mã hoá, giải mã trên đường truyền từ máy chủ đến thiết bị cổng kết nối internet vạn vật (IoTs - Internet of Things)” (số đơn 1-2020-05601),...

Đơn đăng ký SC về “Ống giúp phát âm giúp phục hồi chức năng nói” xuất phát từ kết quả nghiên cứu “Ống giúp phát âm giúp phục hồi chức năng nói cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt thanh quản” do nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Trần Minh Trường triển khai. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra được một sản phẩm hỗ trợ phục hồi chức năng giao tiếp cho người bệnh ung thư thanh quản. Ống được thử nghiệm gắn thông nối giữa khí quản - thực quản ở 40 người bệnh. Kết quả cho thấy, người bệnh có thể giao tiếp trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. Sản phẩm giúp phát âm, đảm bảo các tiêu chí chất lượng, an toàn và giá thành phù hợp cho người Việt sử dụng. Hiện các tác giả đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất, cũng như chuyển giao việc sử dụng ống cho các bệnh viện tuyến tỉnh để phục vụ cho bệnh nhân.

Ống giúp phát âm

Trong 6 tháng đầu năm 2022, TP.HCM có số lượng đơn đăng ký SC/GPHI và KDCN được công bố tương đương với cùng kỳ năm 2021; nhóm NH giảm khoảng 12%. Riêng số SC/GPHI do Sở KH&CN xác lập quyền sở hữu của Nhà nước được công bố tăng 20%. Các đơn này tập trung vào các quy trình để sản xuất vật liệu, như: “Quy trình sản xuất vật liệu alpha-canxi sulfat hemihydrate” (số đơn 1-2020-04361); “Quy trình sản xuất vật liệu canxi phosphat pha kép” (số đơn 1-2020-04362); “Phương pháp tổng hợp vật liệu oligome cấu trúc liên hợp có tính phát huỳnh quang” (số đơn 1-2020-04602); “Quy trình sản xuất vật liệu xây dựng từ bùn thải nhà máy lọc nước” (số đơn 1-2020-04892),…

Với các SC về “Quy trình sản xuất vật liệu alpha-canxi sulfat hemihydrate” “Quy trình sản xuất vật liệu canxi phosphat pha kép”, nhóm nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Đại Hải đã thành công trong việc nghiên cứu tổng hợp vật liệu alpha-canxi sulfat hemihydrate và canxi phosphat pha kép, tạo ra đột phá trong lĩnh vực xương nhân tạo tại Việt Nam. Như đã biết, việc sử dụng xương nhân tạo thay thế xương cho bệnh nhân ngày càng phổ biến và đã được ứng dụng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn cung cấp xương nhân tạo hiện nay tại nước ta được nhập khẩu nên giá thành cao, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng kinh tế của người bệnh. Chính vì vậy, việc tạo ra vật liệu tái tạo xương có tính thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu bức thiết của bệnh nhân trong nước. Xương nhân tạo giúp bệnh nhân khắc phục được những mất mát về chức năng, tổn thương về tinh thần bằng việc thay thế hay phục hồi các bộ phận đã mất, khiếm khuyết, giúp bệnh nhân không phải chịu nhiều đau đớn.

Nhóm nghiên cứu kiểm tra máy móc thiết bị chế tạo xương nhân tạo

Bên cạnh việc tham mưu cho Thành phố tạo ra các cơ chế thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, hình thành các tài sản trí tuệ trên địa bàn, thời gian qua ngành KH&CN Thành phố cũng triển khai nhiều hoạt động đa dạng, phong phú về SHTT như Chương trình đào tạo Quản trị viên tài sản trí tuệ với 3 cấp độ (được triển khai từ năm 2008), đến nay đã có hơn 700 học viên tham dự (riêng trong năm 2022 đang đào tạo 54 học viên), là chương trình đầu tiên của cả nước được Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận và chính thức trở thành một nhiệm vụ trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Các học viên tham gia chương trình đã triển khai tốt công tác quản trị tài sản trí tuệ tại một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần ổn định hoạt động sản xuất – kinh doanh. 62 clip tập huấn về các nội dung liên quan đến SHTT cũng đã được phổ biến, cho phép truy cập rộng rãi trên mạng internet (https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn/trang-chu/site/chu-de?id=13). Đầu tháng 9 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ làm việc với Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) nhằm thúc đẩy các hoạt động SHTT hướng đến phụ nữ, giới trẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoạt động “Tư vấn đăng ký sáng chế” nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký SC/GPHI cũng được Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM chính thức triển khai, bước đầu đã thu hút được nhiều cơ quan, đơn vị, tác giả/chủ sở hữu SC/GPHI trên địa bàn Thành phố khai thác và sử dụng.

Có thể thấy, việc đăng ký SHTT nói chung và SHCN nói riêng đang được quan tâm ngày càng nhiều ở Việt Nam, đặc biệt là tại TP.HCM. Nhiều sản phẩm trí tuệ có tính ứng dụng cao, bám sát các yêu cầu thực tế, phục vụ cho người dân, có nhiều tiềm năng thương mại hóa đã được các tác giả và chủ sở hữu quan tâm xác lập quyền sở hữu, thông qua đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền. Với đa dạng các hỗ trợ của Chính quyền trong hoạt động SHTT, các chủ thể sáng tạo tại Thành phố càng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và bảo vệ các thành quả sáng tạo của mình, vừa phục vụ tốt cho xã hội, vừa mang lại giá trị kinh tế để tái đầu tư cho các hoạt động sáng tạo.

Minh Thư

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] WIPO. World Intellectual Property Indicators 2022. https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/wipo-pub-941-2022-en-world-intellectual-property-indicators-2022.pdf
[2] Cục Sở hữu trí tuệ: 40 năm xây dựng và phát triển https://ipvietnam.gov.vn/documents/20182/1345514/K%E1%BB%B7+y%E1%BA%BFu+40+n%C4%83m+SHTT+trang+%C4%91%C3%B4i.pdf/dcb40ad7-df5c-4506-ba69-52725d843161
[3] Cục Sở hữu trí tuệ. Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2021. https://ipvietnam.gov.vn/documents/20195/1374148/BCTN+SHTT+2021+trang+%C4%91%C3%B4i.pdf/1f4a5e23-818c-474f-9175-2b1c464a22c7
[4] Lam Vân. Ống giúp phát âm, hỗ trợ phục hồi chức năng nói cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần. https://cesti.gov.vn/bai-viet/khcn-trong-nuoc/ong-giup-phat-am-ho-tro-phuc-hoi-chuc-nang-noi-cho-benh-nhan-sau-phau-thuat-cat-thanh-quan-toan-pha-01010574-0000-0000-0000-000000000000

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập