Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, mô hình Chợ công nghệ và thiết bị đã khẳng định được vai trò kết nối cung - cầu công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để các bên tham gia tìm hiểu, trao đổi, đàm phán chuyển giao công nghệ,… Qua đó, lan tỏa tinh thần nghiên cứu - triển khai, đổi mới công nghệ, đẩy nhanh quá trình thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, góp phần thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nước.

 

Chợ công nghệ và thiết bị

Mô hình Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM khởi xướng và tổ chức thực hiện lần đầu tiên vào năm 1999, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của Thành phố về thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN); hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu và hội nhập theo tinh thần Chỉ thị 04/2000/CT-KT của Uỷ ban Nhân dân Thành phố.

Điểm khác biệt cơ bản của Techmart so với các triển lãm, hội chợ thông thường ở chỗ Techmart chỉ được tổ chức sau khi đã xác lập được thông tin mô tả về từng công nghệ, thiết bị (CN&TB) được giới thiệu, chào bán của các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia và cung cấp đến cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan. Nghĩa là, thông tin về “nguồn cung”“nhu cầu” về các CN&TB đưa ra giao dịch/cần mua đã được rà soát trước các phiên tổ chức. Nhờ vậy, Techmart đã trở thành nơi kết nối các quan hệ “cung - cầu”, giao dịch, thương thảo, đàm phán của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để tiến tới cung cấp, chuyển giao các CN&TB này.

Do đó, ngay từ khi khởi xướng, nhiệm vụ chính của Techmart được xác định là: tạo môi trường kết nối các quan hệ giao dịch tìm hiểu, thỏa thuận các điều kiện mua - bán CN&TB; hỗ trợ cung cấp thông tin về các nguồn cung cấp và thiết bị chào bán, thông tin về nhu cầu của các đối tượng khách hàng; hỗ trợ gắn kết cung - cầu, gắn kết lực lượng khoa học với doanh nghiệp sản xuất, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm KH&CN; góp phần thực hiện thành công quá trình tạo lập và phát triển thị trường KH&CN của Thành phố và cả nước, với mức tăng trưởng của thị trường công nghệ cần đạt được từ 10-20%/năm.

Kỳ Techmart đầu tiên do Trung tâm Thông tin KH&CN (nay là Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN – CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức vào tháng 12/1999 với tên gọi “Hội nghị chào hàng thiết bị và công nghệ ngành lương thực - thực phẩm”. Hoạt động đã thu hút 19 đơn vị khu vực nghiên cứu, chế tạo tham gia, chào bán 91 CN&TB. Kết thúc sự kiện, các bên cung - cầu đã ký kết 33 được bản thỏa thuận cung cấp, chuyển giao CN&TB.

Từ đây, hàng loạt các kỳ Techmart chuyên ngành, đa ngành tại TP.HCM được tiếp nối tổ chức, phục vụ các ngành nghề, lĩnh vực: cao su - nhựa, dệt - da – may, xử lý môi trường, thiết bị phục vụ giảng dạy, phòng thí nghiệm,… Đồng thời, mô hình này cũng được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (qua đơn vị trực tiếp triển khai là CESTI) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh/thành nhanh chóng lan tỏa đến nhiều địa phương khác như Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định, Nghệ An, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Hà Nội, An Giang, Bình Dương,…

Năm 2003, Techmart bắt đầu được nâng tầm lên quy mô quốc gia, với sự chỉ đạo phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP.HCM và UBND TP. Hà Nội, hai trung tâm KH&CN hàng đầu của cả nước. Cũng từ đây, thương hiệu “Techmart” đã trở thành cái tên quen thuộc, là hoạt động KH&CN rất sôi nổi trên khắp cả nước. Đến năm 2004, việc tổ chức Techmart đã được Nghị định số 159/2004/NĐ-CP xác định là một nhiệm vụ thường xuyên trong các hoạt động thông tin KH&CN.

 

Thúc đẩy thị trường KH&CN

Theo chia sẻ của bà Lê Thị Khánh Vân (nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia) với Báo Hà Nội mới, Techmart giới thiệu các hàng hóa công nghệ là thành quả KH&CN, do các tổ chức nghiên cứu KH&CN Việt Nam tạo ra và thúc đẩy lưu thông hàng hóa chất xám này trên thị trường công nghệ. Thông qua Techmart, nhiều nhà khoa học đã tìm được thị trường mới cho công nghệ của mình, cũng như thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của khách hàng để hoạt động nghiên cứu sát với nhu cầu của thị trường. Techmart giúp các nhà quản lý thấy rõ thêm về những điểm yếu cần khắc phục trong việc tổ chức và quản lý thị trường KH&CN ở Việt Nam, từ đó có những chính sách phù hợp hơn.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, theo ông Phạm Đức Nghiệm (Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN), có một nguyên tắc hàng đầu, đó là không có giao dịch công nghệ thì không có thị trường KH&CN. Và như vậy, KH&CN không thực hiện được sứ mệnh là quốc sách hàng đầu, là động lực cho phát triển kinh tế. Để thực hiện được nguyên tắc này, cần lấy giao dịch công nghệ và giá trị giao dịch công nghệ làm trọng tâm cho sự phát triển thị trường KH&CN, bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thị trường phát triển. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, cần có sự chung sức của viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp,… để dần tạo được thị trường sôi động, cạnh tranh.

Từ sự “trưởng thành” của Techmart, có thể thấy những đóng góp tích cực của mô hình này cho sự phát triển thị trường KH&CN thời gian qua.

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2000-2007, Thành phố đã tổ chức thực hiện và tham gia phối hợp thực hiện 44 kỳ Techmart (22 kỳ tại TP.HCM; 19 kỳ các tỉnh, thành khác và 3 kỳ Techmart cấp quốc gia); huy động được 2.285 lượt đơn vị tham gia, chào bán 13.673 lượt CN&TB. Trong đó, các doanh nghiệp công nghệ (nghiên cứu thiết kế, chế tạo) chiếm 65%, các cơ quan khu vực nghiên cứu, giảng dạy là 35% (viện, phân viện 13%; trường đại học, cao đẳng 6% và các trung tâm nghiên cứu 16%). Nguồn CN&TB chào bán rất phong phú và đa dạng, phục vụ đáp ứng cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất và quản lý. Tổng giá trị hợp đồng mua – bán, chuyển giao CN&TB đạt được hơn 500 tỷ đồng. Về hiệu quả đầu tư, chỉ tính riêng trong các ngày Techmart diễn ra, cứ 1 triệu đồng chi cho việc tổ chức Techmart, đã đem lại được 100 triệu đồng giá trị CN&TB được chuyển giao vào ứng dụng. Đối với thị trường KH&CN mới bước đầu phát triển ở nước ta, thì đây là một tỷ lệ thành công. Quan trọng hơn, các kỳ Techmart được tổ chức trên cả nước, với nhiều quy mô khác nhau đã giúp đưa CN&TB đến cả những vùng sâu, vùng xa, giới thiệu đến tận những người nông dân. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị tham gia Techmart trao đổi, học hỏi lẫn nhau; tìm hiểu thị trường, để qua đó, phát huy năng lực sáng tạo KH&CN, gắn kết nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất và đời sống; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới CN&TB, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ dựa vào KH&CN, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm,…

Từ năm 2008 đến nay, TP.HCM đã tham gia phối hợp tổ chức 20 kỳ Techmart (trong đó có 2 kỳ với quy mô quốc gia; 18 kỳ tại các tỉnh/thành khác). Kể từ năm 2013, hoạt động tổ chức Techmart tại TP.HCM được triển khai theo hướng đi sâu theo các chuyên ngành. Đến nay, đã tổ chức được 21 kỳ Techmart chuyên ngành, phục vụ các lĩnh vực như công nghệ sau thu hoạch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, y tế và chăm sóc sức khỏe.

Các Techmart tổ chức tại Thành phố đã thu hút hơn 1.300 lượt đơn vị (viện nghiên cứu, trường đại học, nhà sáng chế, doanh nghiệp công nghệ) tham gia trưng bày, giới thiệu hơn 5.000 lượt CN&TB; tiếp nhận và tư vấn thông tin cho 1.574 yêu cầu tư vấn công nghệ, ký kết 141 biên bản ghi nhớ, 29 hợp đồng chuyển giao công nghệ trị giá gần 197 tỷ đồng, thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan, trao đổi trực tiếp tại các gian hàng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, CESTI đã tích cực ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động triển khai, tổ chức Techmart, nên vừa đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, vừa đảm bảo được mục tiêu giới thiệu kịp thời các giải pháp CN&TB từ khu vực nghiên cứu đến nơi ứng dụng. Các kỳ Techmart chuyên ngành (Công nghệ sau thu hoạch và Công nghệ sinh học) năm 2021 được tổ trên nền tảng trực tuyến (địa chỉ techmart.techport.vn), đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Qua máy tính hoặc điện thoại di động, người dùng có thể trải nghiệm việc tham quan, tương tác với 3 hoạt động chính của Techmart là triển lãm, hội thảo và tư vấn chuyên gia. Nền tảng thuận tiện cho truy cập, được thiết kế mô phỏng theo trải nghiệm triển lãm thực tế, nên thu hút nhiều khách tham dự. Phát huy các hiệu quả đạt được, các kỳ Techmart chuyên ngành năm 2022 (“Techmart Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch” và “Techmart Y tế và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng”) cũng được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, phát huy cao độ hiệu quả lan tỏa và gia tăng sự lựa chọn cho doanh nghiệp quan tâm.

Có thể thấy, Techmart - mô hình thúc đẩy kết nối cung, cầu CN&TB - là hướng đi đúng, được sự hưởng ứng, ủng hộ từ các cơ quan quản lý (từ Trung ương đến địa phương), các cơ quan nghiên cứu (trường, viện, trung tâm nghiên cứu) và khu vực sản xuất, do hỗ trợ thiết thực nhu cầu cải tiến, đổi mới CN&TB của các doanh nghiệp. Techmart vẫn đang tiếp tục được duy trì tại TP.HCM và các tỉnh, thành, khu vực trên cả nước, với quy mô ngày càng phát triển, khẳng định vai trò là công cụ tốt trong việc thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.

Hiện nay, tham gia thị trường KH&CN trong nước đã có hơn 800 tổ chức trung gian. Trong đó, hơn 20 sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương đang hoạt động khá hiệu quả. Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030 đã được ban hành, đề ra nhiều mục tiêu quan trọng cũng như các nhiệm vụ và giải pháp để triển khai đồng bộ. Công tác hỗ trợ, phát triển thị trường KH&CN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện, giá trị giao dịch hàng hoá KH&CN gia tăng với tốc độ bình quân đạt 20,9%/năm,… cùng với những đóng góp thiết thực của mô hình Techmart trên cả nước, sẽ tiếp thêm động lực cho thị trường KH&CN phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Lam Vân

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM: Báo cáo tổng kết công tác tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart – Softmart) của TP.HCM giai đoạn 2000 – 2007.
[2] Minh Tú: Qua 8 năm Techmart, công nghệ - thiết bị Việt Nam vẫn chưa thành hàng hóa. https://www.sggp.org.vn/qua-8-nam-techmart-cong-nghe-thiet-bi-viet-nam-van-chua-thanh-hang-hoa-345347.html
[3] Bá Tân: Sàn giao dịch khoa học công nghệ: Chưa tính được hiệu quả. https://www.sggp.org.vn/san-giao-dich-khoa-hoc-cong-nghe-chua-tinh-duoc-hieu-qua-831988.html
[4] Ánh Tuyết: Techmart: Hướng đi đúng để mở rộng thị trường. http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/782343/techmart-huong-di-dung-de-mo-rong-thi-truong
[5] Hoàng Giang: Tiếp thêm động lực cho thị trường khoa học và công nghệ. https://baochinhphu.vn/tiep-them-dong-luc-cho-thi-truong-khoa-hoc-va-cong-nghe-102220922095207175.htm

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập