Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Đã qua 20 năm, kể từ khi Chợ công nghệ và thiết bị Quốc gia (Techmart Quốc gia) lần đầu tiên được UBND TP.HCM phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND TP.Hà Nội tổ chức tại Thủ đô vào năm 2003, đánh dấu một chặng đường dài của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Thành phố trong nỗ lực cùng cả nước đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy hình thành thị trường KH&CN, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.

 

Techmart lần đầu tiên được UBND TP.HCM, thông qua Sở Khoa học và Công nghệ , tổ chức tại Hội trường Thành ủy TP.HCM năm 1999, với tên gọi “Ngày chào hàng thiết bị và công nghệ ngành lương thực - thực phẩm”. Đây là hoạt động xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của Thành phố về thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm KH&CN; hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu và hội nhập, cơ sở hình thành Chỉ thị 04/2000/CT-KT của UBND Thành phố về việc triển khai chương trình "Hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu năm 2000 – 2003”, cũng là sân chơi được Nhà nước tạo ra, nhằm hỗ trợ các cơ quan nghiên cứu đưa các giải pháp công nghệ ứng dụng ngay vào sản xuất, góp phần xóa bỏ tình trạng “nhiều nhà khoa học còn có thói quen hàn lâm, công trình nghiên cứu nghiệm thu xong thì cất vô tủ”, trong khi các doanh nghiệp trong nước thì “chỉ quan tâm đến việc nhập khẩu từ nước ngoài cho chắc ăn, thay vì đặt hàng các nhà khoa học trong nước”, vốn khá phổ biến trong nước, khi ấy.

 

Hoạt động có sự tham gia chào bán công nghệ, thiết bị (CN&TB) của 19 viện, trường, cơ quan nghiên cứu trên địa bàn Thành phố, đã nhận được sự quan tâm của khu vực doanh nghiệp, với 33 bản ghi nhớ, thỏa thuận cung cấp, chuyển giao công nghệ, thiết bị được ký kết. Thành công của “Ngày chào hàng” (được gọi tắt là Techmart) đã thúc đẩy Thành phố triển khai mạnh mẽ hoạt động này trên địa bàn (hỗ trợ các bên cung – cầu tại Thành phố), cũng như hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước (đặc biệt là khu vực phía Nam và Tây nguyên) để tổ chức tại các địa phương (đưa sản phẩm công nghệ của Thành phố đến các địa phương). Nhiều sản phẩm công nghệ nội địa có giá thành rẻ nhưng chất lượng tương đương ngoại nhập, đúng tinh thần của Chỉ thị 04/2000, đã được Thành phố, thông qua các Techmart, đưa đến ứng dụng tại nhiều tình, thành, đặc biệt là các địa bàn còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Hiệu quả của mô hình Techmart đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận, với sự kiện Techmart Quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội năm 2003. Cũng từ đây, thương hiệu “Techmart” đã lan tỏa khắp các tỉnh, thành, và đã trở thành một nội dung không thể thiếu trong các hoạt động thường xuyên về KH&CN.

 

Từ những bước đi ban đầu nhằm tạo “sân chơi” hỗ trợ các cơ quan nghiên cứu đưa các giải pháp công nghệ ứng dụng ngay vào sản xuất tại Thành phố, cũng như các tỉnh, thành, Techmart đã thực sự trở thành cầu nối cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên “cung – cầu” công nghệ để trao đổi, tìm hiểu và đàm phán chuyển giao công nghệ, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Qua đó, lan tỏa tinh thần nghiên cứu - triển khai, đổi mới công nghệ và đẩy nhanh quá trình thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Do vậy, Nghị định số 159/2004/NĐ-CP của Chính phủ đã xác định Techmart là một hoạt động dịch vụ thông tin KH&CN. Nội dung này tiếp tục được khẳng định tại Nghị định số 11/2014/NĐ-CP.

 

Hiện nay, Techmart đã được tổ chức thường xuyên, theo nhiều hình thức trên cả nước. Với những tiến bộ của công nghệ nghệ thông tin, bên cạnh hình thức tổ chức trao đổi, tiếp xúc trực tiếp “tại chỗ” như truyền thống, kể từ năm 2021, Techmart đã được Thành phố tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Nền tảng cho phép dễ dàng truy cập, thiết kế mô phỏng theo trải nghiệm triển lãm thực tế, nên thu hút nhiều đơn vị tham gia. Phương thức này vừa giúp đưa các sản phẩm công nghệ đi xa hơn, nhanh hơn, vừa tạo ra cơ hội tiếp cận đa dạng cho các đối tượng có nhu cầu.

 

Có thể nói, với thực tiễn kết nối các bên cung – cầu, hình thành nên các giao dịch công nghệ thời gian qua, đã chứng tỏ Techmart là một giải pháp hiệu quả và thật sự cần thiết để thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển thị trường KH&CN của Việt Nam, góp phần đưa KH&CN thực hiện được sứ mệnh là quốc sách hàng đầu, là động lực cho phát triển kinh tế, như ông Phạm Đức Nghiệm (Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN) đã từng chia sẻ.

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập