Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Những năm gần đây tình trạng sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái diễn ra khá phổ biến. Hàng giả không chỉ tập trung ở một vài nhóm sản phẩm hay thương hiệu xa xỉ, mà diễn ra với hầu hết các nhãn hiệu trong và ngoài nước, vi phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen tiêu dùng và đôi khi, cả sức khỏe của khách hàng.

 

Hàng giả, hàng nhái hiện diện khắp nơi

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm 2017-2019, Trung Quốc và Hương Cảng là những nơi xuất khẩu hàng giả nhất, chiếm hơn 3/4 số vụ bắt giữ trên toàn cầu (Trung Quốc chiếm đến 55% và Hương Cảng, 19%).

Hình 1. Top 25 quốc gia sản xuất hàng giả và hàng vi phạm bản quyền 2017-2019. (Nguồn OECD/EUIPO)

Cũng theo OECD các loại sản phẩm giả mạo được giao dịch phổ biến nhất là nước hoa và mỹ phẩm, quần áo, đồ chơi, phụ tùng ô tô và dược phẩm. Các sản phẩm này tiềm ẩn gây ra các mối đe dọa về sức khỏe, an toàn cho người dùng.

Hình 2. Top 20 danh mục sản phẩm bị làm giả làm nhái 2017-2019 (Nguồn OECD/EUIPO)

Trong giai đoạn 2017-2019, dịch vụ bưu chính (64%) và chuyển phát nhanh (13%) là hai phương thức vận chuyển hàng giả có số vụ bắt giữ cao nhất trên toàn cầu (77% ). Tiếp theo là vận chuyển bằng đường hàng không (14%) và đường biển, 5%.

Hình 3. Phương thức vận chuyển hàng giả và hàng vi phạm bản quyền 2017-2019 (Nguồn OECD/EUIPO)

Hàng giả đi vào thị trường Liên minh châu Âu và Mỹ thông qua các bưu kiện nhỏ bằng phương thức giao dịch thương mại điện tử. Đây là phương thức phổ biến nhất để vận chuyển lượng hàng hóa này ra thị trường, và cũng là hình thức gây nhiều khó khăn cho việc phát hiện, sàng lọc, xử phạt và kiểm soát hàng giả. Tại khu vực các quốc gia vùng Vịnh, hàng giả được vận chuyển thông qua đường biển, với tổng giá trị lớn, trong đó, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất là quốc gia đứng đầu danh sách điểm đến của hàng giả và cũng là nơi tập kết, phân phối hàng giả đi khắp thế giới.

Cơ quan Sở hữu trí tuệ Cộng đồng chung Châu Âu (EUIPO) đã nghiên cứu 191 thông báo có liên quan đến hàng giả trong giai đoạn 2010-2017, kết quả cho thấy, 80% hàng hóa được báo cáo là nguy hiểm và hàng giả là sản phẩm liên quan đến trẻ em (đồ chơi, đồ dùng chăm sóc trẻ em và quần áo trẻ em). Các sản phẩm hàng giả sử dụng vật tư linh kiện, nguyên liệu kém chất lượng, sản xuất không đạt chuẩn về an toàn. Trong các rủi ro về sức khỏe và độ an toàn, rủi ro về hóa chất là nhiều nhất (32% tổng số), tiếp theo là có khả năng gây nghẹt thở (17,3%), gây thương tích do nguy cơ cơ học (16%), gây điện giật (6,7%), tổn thương thính giác (4%) và hỏa hoạn (4 %).

Từ các dữ liệu hải quan, OECD đã công bố giá trị hàng giả và vi phạm bản quyền lên tới 464 tỷ USD, chiếm 2,5% tổng giá trị thương mại toàn cầu năm 2019. Theo báo cáo của OECD và EUIPO ngày 18/3/2019, buôn bán hàng giả và hàng nhái gia tăng đều đặn trong các năm qua, ngay cả trong giai đoạn thương mại toàn cầu bị đình trệ và hiện đang chiếm đến 3,3% tổng giá trị giao dịch thương mại toàn cầu.

Nằm ở sát bên quốc gia được xem là nơi sản xuất hàng giả lớn nhất thế giới, nên tình hình buôn bán hàng giả tại nước ta khá phức tạp, nhất là ở 13 tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu,... Thời gian qua, vấn nạn buôn bán vận chuyển hàng hóa, hàng giả diễn ra rộng khắp các tuyến cửa khẩu, quy mô tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng. Như Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Văn Ổn đã từng chia sẻ, các cửa khẩu đường bộ, đường biển, sân bay quốc tế đều đã phát hiện tội phạm.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện gần 100.000 vụ việc vi phạm; trong đó hơn có 12.200 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; gần 83.000 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; trên 1.800 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Cũng trong năm 2022, mặt hàng Sorbitol nhập khẩu vào Việt Nam được Tổng cục Hải quan xác định có dấu hiệu gian lận xuất xứ, số lượng, trị giá nên đã yêu cầu tăng cường quản lý kiểm tra. Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội cũng thông tin vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sách giả, thu giữ gần 100 tấn sách giả và nhiều máy móc, tang vật liên quan vào tối 4/1/2023,…

Hình 4. Hàng giả thương hiệu nổi tiếng (Nguồn: báo Dân Việt)

Hàng buôn lậu từ nước ngoài và làm giả trong nước được đưa ra thị trường thông qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, đến các chợ, cửa hàng truyền thống và đến các trung tâm thương mại,... Tại Hà Nội, hàng giả các thương hiệu tập trung bày bán tại hầu hết các khu vực nổi tiếng như chợ Đồng Xuân, các tuyến phố Hàng Bài, Huế, Bà Triệu, Tràng Thi,… Ở TP.HCM, hàng giả được phát hiện tại các chợ, trung tâm thương mại như chợ Bến Thành, An Đông, Kim Biên, Bình Tây, Saigon Square,... Hàng giả cũng được đưa đến tay người tiêu dùng thông qua các trang thương mại điện tử và mạng xã hội như Shopee, Lazada, Facebook,...

 

Chống hàng giả, hàng nhái tại Thành phố Hồ Chí Minh

Là đô thị lớn nhất cả nước, với hơn 10 triệu dân, TP.HCM luôn là điểm đến lý tưởng cho hàng giả, hàng nhái. Theo ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, hàng giả, hàng nhái vi phạm sở hữu trí tuệ hiện đang được bày bán ở khắp nơi: “Công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái,… gặp rất nhiều cam go do website giả, trang thương mại điện tử bán hàng giả, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo,… bán hàng thật, hàng giả lẫn lộn với nhau”.

Để giải quyết vấn nạn này, Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp mạnh nhằm kiểm soát thị trường, từ nguồn cung cho đến việc tiêu thụ hàng hóa. Tính đến 30/11/2022, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan tới hàng hóa quá cảnh giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ, sở hữu trí tuệ,… thu về ngân sách gần 2,5 tỷ đồng tiền phạt; khởi tố một doanh nghiệp nhập khẩu 2 container máy móc đã qua sử dụng và một doanh nghiệp xuất nhập khẩu hơn 30 container hàng hóa giả mạo xuất xứ, trị giá ước tính hơn 70 tỷ đồng.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra 412 vụ, trong đó có 408 vụ vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, 3 vụ vi phạm về xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và 1 vụ buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; tạm giữ trên 345.000 đơn vị sản phẩm, với tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 7,4 tỷ đồng. Ngày 30/11/2022 Cục Quản lý thị trường đã bắt quả tang 5 kho chứa và xưởng sản xuất ở huyện Bình Chánh đang pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu nổi tiếng như X-men, Romano, Enchanteur, Clear, Pantene, Head & Shoulder,... bằng thủ công.

Ngoài những biện pháp chống hàng giả, hàng nhái từ các cơ quan Nhà nước, việc triển khai các biện pháp chống hàng giả, bảo hộ thương hiệu đang được nhiều đơn vị và doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu và ứng dụng. Ví dụ như việc sử dụng tem chống hàng giả, mã vạch truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ blockchain trong chống hàng giả ngày càng được biết đến và sử dụng nhiều hơn.

Hình 5. Một loại tem chống hàng giả

Theo ông Đỗ Văn Long, CEO Công ty Cổ phần Vietnam Blockchain: “Hiện blockchain đang là ứng cử viên sáng giá hàng đầu để thực hiện công việc chứng tỏ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Công nghệ này giúp định danh, ghi nhận và lưu trữ toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối một sản phẩm tới tay người tiêu dùng”. Vietnam Blockchain đã áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng blockchain trên hơn 700 loại sản phẩm. Trong đó, với dự án Xoài Mỹ Xương, lần đầu tiên một sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được dán tem nhãn blockchain.

Cũng bàn về giải pháp chống hàng giả, hàng nhái bằng công nghệ blockchain, với giải pháp iSeal, ông Nguyễn Khương Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần ONYX Việt Nam) cho biết: “Người tiêu dùng sẽ dùng smartphone để xác thực thông tin trên sản phẩm. Smartphone sẽ gửi thông tin vào iSeal, hệ thống sẽ gửi thông tin đến Hội đồng xác thực gồm Nhà nước, nhà sản xuất,… để đồng thuận và đóng dấu cho blockchain đó thông qua hệ thống iSeal. Sau khi đối chiếu và kiểm tra xong, hệ thống sẽ trả lại thông tin về smartphone cho người tiêu dùng theo dõi, đồng thời cập nhật lại chữ ký số mới lên tem”.

Gần đây, PGS.TS Nguyễn Đình Quân (Đại học Bách Khoa TP.HCM) và cộng sự đã ứng dụng công nghệ blockchain vào giải pháp chống hàng giả, với giải pháp Deep Signature cho phép nhà sản xuất sử dụng ví blockchain để tạo ra những mã ID sản phẩm (số seri hoặc mã số bất kỳ, duy nhất đại diện cho một sản phẩm), cho phép người tiêu dùng xác minh mã ID để xác định hàng thật hay hàng giả. Công nghệ Deep Signature bảo đảm việc làm hàng giả với số lượng lớn trở nên bất khả thi. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Quân, Deep Signature có độ bảo mật rất cao, khi cơ sở dữ liệu dạng chuỗi khối có thể xem như không thể bị gian lận, thay đổi với các mã ID sản phẩm đã được mã hóa và lưu trữ. Bên cạnh đó, Deep Signature có thể ứng dụng rộng rãi, mà không cần quy trình đăng ký phức tạp. Deep Signature sử dụng cơ chế “xác thực một lần”, loại bỏ khả năng mã ID sản phẩm thực bị sao chép rồi in lại trên các sản phẩm giả và không bị giới hạn phải có blockchain riêng.

Hình 6. Công nghệ blockchain chống hàng giả

Hàng giả tràn lan trên thị trường xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ sở hữu, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế và có thể gây tác hại xấu đến sức khỏe, cũng như nhận thức của người tiêu dùng, nhất là những sản phẩm liên quan đến trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước, cần phải sớm được hạn chế và ngăn chặn.

Thể hiện quyết tâm làm sạch môi trường thương mại, ngày 1/11/2022 vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 4036/KH-UBND nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên vùng biển và địa bàn TP.HCM. Thông qua việc chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, sẽ góp phần ổn định trật tự, tuân thủ quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Nhiệm vụ này đã được giao cho Cục Quản lý thị trường TP.HCM chủ trì phối hợp thực hiện cùng các sở, ngành khác như Công an TP.HCM, Hải quan TP.HCM, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM, Cục Thuế, Sở Công thương,… thực hiện cho đến tháng 9/2025.

Tuy các cơ quan quản lý của Nhà nước đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chống hàng giả, hàng nhái, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất cũng cần nhanh chóng đổi mới công nghệ, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa,…) và áp dụng các giải pháp hiện đại để bảo vệ tốt hơn cho các sản phẩm, thương hiệu của mình. Ở góc độ tiêu dùng, người tiêu dùng cũng cần sáng suốt trong việc lựa chọn, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Tránh mua hàng giả, hàng nhái vì cái lợi trước mắt (giá rẻ), vừa tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần tác động tiêu cực cho sự phát triển xã hội, vừa có thể bị thiệt hại do chính các sản phẩm chất lượng kém gây ra cho bản thân và gia đình, nhất là các mặt hàng dành cho trẻ nhỏ.

Minh Thư

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] OECD and European Union Intellectual Property Office. Dangerous Fakes. Trade in Counterfeit Goods that Pose Health, Safety and Environmental Risks.https://www.oecd.org/publications/dangerous-fakes-117e352b-en.htm
[2] OECD and European Union Intellectual Property Office. Global Trade in Fakes. A Worrying Threat. https://www.oecd-ilibrary.org/governance/global-trade-in-fakes_74c81154-en
[3] Như Quỳnh. Công nghệ chống hàng giả bằng blockchain của phó giáo sư Việt. https://vnexpress.net/cong-nghe-chong-hang-gia-bang-blockchain-cua-pho-giao-su-viet-4461872.html
[4] Quyên Lưu. Công khai các điểm nổi cộm về hàng giả, hàng nhái tại 20 tỉnh, thành phố. https://moit.gov.vn/quan-ly-thi-truong/cong-khai-cac-diem-noi-com-ve-hang-gia-hang-nhai-tai-20-tinh2.html
[5] Nhóm PV. Buôn lậu vẫn phức tạp, hàng giả gia tăng trên không gian mạng. https://haiquanonline.com.vn/buon-lau-van-phuc-tap-hang-gia-gia-tang-tren-khong-gian-mang-169655.html
[6] Minh Hiệp. Chung tay chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng. https://thanhuytphcm.vn/tin-tuc/chung-tay-chong-hang-lau-hang-gia-bao-ve-thuong-hieu-doanh-nghiep-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-1491902186

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập