Công nghệ sinh học là một lĩnh vực sáng tạo, mang tính liên ngành và có tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nông nghiệp, công nghiệp, y học, môi trường, đến hóa chất,... Lĩnh vực này đã và đang dẫn đầu cho quá trình chuyển đổi, phát triển xã hội theo xu hướng giảm phát thải carbon và giải quyết các thách thức trong đời sống, như bảo vệ sức khỏe, cung cấp thực phẩm và năng lượng, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng,… Đây là một trong những ngành công nghệ quan trọng nhằm sản xuất bền vững trong tương lai.
Thị trường công nghệ sinh học toàn cầu đạt 752,88 tỷ USD vào năm 2020, dự báo giai đoạn 2021-2028 tốc độ tăng trưởng đạt 15,83%. Theo phương diện ứng dụng, lĩnh vực y tế chiếm tỷ lệ cao nhất (48,64%). Theo phương diện công nghệ, công nghệ mô và tái tạo mô, công nghệ giải mã gen chiếm tỷ lệ cao nhất. Công nghệ sinh học đã trở thành trung tâm phát triển của khoa học, công nghệ và chính trị. Các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước có nền khoa học phát triển đều đang tiếp tục đầu tư và phát triển công nghệ sinh học trong nhiều lĩnh vực.
Về lĩnh vực này, ngày 11/3/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/CP về phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2010. Tiếp đó, ngày 4/3/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 50 CT/TW về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đó, nhiều kế hoạch, chương trình, đề án cũng đã được Nhà nước triển khai để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, có thể kể đến gần đây là Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030 (Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 21/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030 (Quyết định 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 (Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ);…
Với mục tiêu “Tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước”, Nghị quyết số 36-NQ/TW, vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 30/1/2023, là nghị quyết chuyên đề về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học để phục vụ phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới, khẳng định: “Công nghệ sinh học là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân”. Nghị quyết đã xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp triển khai, trong đó, nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế: tập trung nghiên cứu, sản xuất thuốc, vaccine đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong công nghiệp dược phẩm, công nghệ gene, sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược.
Hưởng ứng kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giới khoa học Việt Nam đã có nhiều thành quả đáng chú ý trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất và đời sống, đặc biệt là ở lĩnh vực y học, trong bối cảnh cuộc sống con người đang rất thiếu an toàn do tình trạng kháng thuốc kháng sinh, các thực phẩm chứa hóa chất độc hại và dịch bệnh gia tăng hiện nay. Những thành quả về công nghệ sinh học trong nước gần đây như nghiên cứu quy trình sản xuất vaccine phòng Covid-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp tạo tiểu thể nano; xây dựng quy trình giải trình tự hệ gene virus SARS-CoV-2; quy trình phát hiện ctDNA trong công nghệ sinh học giai đoạn sớm của ung thư; xác định vi khuẩn đa kháng thuốc gây nhiễm khuẩn trong bệnh viện;… đáp ứng các yêu cầu về chẩn đoán sớm và phòng chống sự lây lan bệnh dịch trong cộng đồng đã cho thấy khả năng làm chủ công nghệ, tiếp cận kịp thời với xu thế chung của thế giới của đội ngũ khoa học Việt Nam trong lĩnh vực y tế, mang lại sự tin cậy ngày càng cao của cộng đồng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia.
BBT