Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, công bố vào tháng 10/2010, có khoảng 1 tỷ người trên thế giới thiếu ăn, 80 quốc gia đang thiếu lương thực. Các con số này không ngừng gia tăng theo thời gian, do dân số ngày càng tăng, giá thực phẩm ngày càng cao và tác hại của biến đổi khí hậu cũng ngày càng lớn. Trong bối cảnh này, sản phẩm và thực phẩm biến đổi gene đã trở thành đề tài tranh luận khá sôi nổi.

 

Theo một nghiên cứu, với đà tăng hàng năm gần 74 triệu người trong giai đoạn hiện nay, dân số thế giới đến năm 2050 sẽ là 11 tỷ người. Bảo đảm cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho lượng dân số đông như vậy là vấn đề không đơn giản.

Trong điều kiện này, một số quốc gia coi thực phẩm biến đổi gene (Genetically modified food - GMF) là giải pháp tốt để giải quyết vấn đề này, nên phát triển rất mạnh sản phẩm biến đổi gene (Genetically modified organism - GMO), cả về diện tích trồng cũng như sản lượng, trong thời gian gần đây. Theo tổ chức Future Market Insights, giai đoạn 2016-2021, thị trường GMF toàn cầu đạt tốc độ tăng trưởng kép CAGR 5,8%. Năm 2022, giá trị thị trường này lên tới 102,8 tỉ USD và dự kiến sẽ đạt 188,1 tỉ USD đến năm 2032 (tốc độ tăng trưởng kép đạt 6,2% hàng năm). Tăng trưởng thị trường GMF được cho là do sự gia tăng nhu cầu đối với thực phẩm dinh dưỡng cao ở mọi lứa tuổi.

Argentina là quốc gia đầu tiên cho phép trồng lúa mì biến đổi gene. (Nguồn: thanhnien.vn)

Tuy nhiên, cũng có không ít quốc gia, nhất là các nước khu vực châu Âu, lại khá dè dặt đối với việc phát triển GMO, xuất phát từ những lo ngại lâu dài về sức khỏe. Vấn đề đặt ra là GMF có an toàn hay không?

Để chứng minh GMF có an toàn hay không đòi hỏi một quá trình lâu dài, kỹ lưỡng và rất khó khăn, vì phải xem xét, đánh giá rất nhiều yếu tố. Trước khi đưa GMF ra bán trên thị trường, các nhà sản xuất đều phải tiến hành nhiều thử nghiệm chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, kiểm định để khẳng định không có chất độc và không gây hại cho người tiêu dùng. Các thử nghiệm này được tiến hành trên nhiều loài động vật như chuột, cá, gà, bò,… với các tiêu chí đánh giá bao gồm cả quá trình sinh trưởng, phát triển, khả năng sinh sản, chất lượng thịt, sữa cũng như các chất độc phát sinh nếu có ở động vật sau khi ăn thực phẩm biến đổi gene. Đến nay, các nghiên cứu trên động vật vẫn chưa cho thấy các tác hại nào khác biệt giữa GMF và thực phẩm thông thường. Hơn 20 năm, kể từ khi GMF được đưa vào sử dụng, vẫn chưa có báo cáo về những tác hại do nó gây ra cho con người.

Các tổ chức khoa học và các chính phủ khắt khe nhất trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm như: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO), Hiệp hội Hoàng gia Anh và hơn 60 quốc gia đã khẳng định các loại GMF vượt qua được đánh giá an toàn dựa trên các nguyên tắc Codex là an toàn và cho phép sử dụng. Họ đều ủng hộ việc áp dụng công nghệ sinh học để góp phần giải quyết vấn đề an ninh lương thực, dinh dưỡng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Theo ghi nhận của CropLife Việt Nam, năm 2022 là năm có rất nhiều quốc gia ban hành chính sách “mở cửa” đối với giống cây trồng, nông sản biến đổi gene.

Hiện chưa có bằng chứng cụ thể về những ảnh hưởng của thực phẩm biến đổi gen đối với sức khỏe (Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Tại Việt Nam, tháng 8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1212/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với các sinh vật biến đổi gene; sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gene nhằm quy định việc quản lý nhà nước về an toàn sinh học trong các hoạt động: nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và khảo nghiệm; sản xuất, kinh doanh và sử dụng; nhập khẩu, xuất khẩu, lưu giữ và vận chuyển; đánh giá, quản lý rủi ro và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với các sinh vật biến đổi gene; sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gene nhằm bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và đa dạng sinh học. Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong “mặt trận” này, ngày 21/6/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gene, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gene. Trải qua 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định đã và đang phát huy hiệu quả trong việc quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gene, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gene tại Việt Nam. Cụ thể, có 7 sự kiện bắp biến đổi gene đã được công nhận kết quả khảo nghiệm hạn chế; 5 sự kiện bắp biến đổi gene đã được công nhận kết quả khảo nghiệm diện rộng; 5 sự kiện bắp biến đổi gene được cấp Giấy chứng nhận An toàn sinh học; 44 sự kiện bắp, đậu nành, bông, cỏ linh lăng, củ cải đường và cải dầu biến đổi gene được cấp Giấy xác nhận thực vật biến đổi gene đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Đến ngày 2/10/2020, Nghị định này được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 118/2020/NĐ-CP, hướng đến mục tiêu hoàn thiện quy định về khảo nghiệm sinh vật biến đổi gene; hoàn thiện quy định về vận chuyển quá cảnh sinh vật biến đổi gene.

Bám sát các động thái của thế giới, các nhà khoa học Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng, đã có nhiều nghiên cứu và bước đầu công bố nhiều công trình liên quan đến công nghệ biến đổi gene trên cây trồng, vật nuôi. Có thể kể đến các nghiên cứu khá sớm như “Chuyển gen bar (kháng thuốc trừ cỏ) và gen GNA (kháng côn trùng) vào cây thuốc lá thông qua vi khuẩn Agrobacterium” của tác giả Phạm Thị Hạnh (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ), báo cáo năm 2007.

Với bắp, đối tượng đứng đầu bảng các sản phẩm GMO mà các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký chứng nhận tại Việt Nam, cũng được nhiều nhà nghiên cứu trong nước rất quan tâm. Có thể kể đến nghiên cứu “Tạo dòng ngô biến đổi gene kháng sâu/kháng thuốc diệt cỏ” của TS. Nguyễn Văn Đồng, Viện Di truyền nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2010). Đặc tính kháng sâu và chịu hạn là các nội dung được khá nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam (Viện nghiên cứu Ngô, Viện nghiên cứu Hệ gen,…) quan tâm tìm hiểu trên đối tượng cây bắp cho đến nay. Năm 2010 cũng là năm đầu tiên cây đậu nành có công bố nghiên cứu chuyển đổi gene của người Việt, với đề tài “Tạo dòng đậu tương biến đổi gen kháng sâu và chịu hạn” của PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa (Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long). Đậu nành tiếp tục được PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa nghiên cứu biến đổi gene để kháng ruồi đục thân và sâu đục quả vào năm 2016. Các nhà khoa học khác lại quan tâm đến việc biến đổi gene đậu nành nhằm tăng cường khả năng chống chịu các điều kiện bất lợi, kháng sâu (PGS.TS. Nguyễn Văn Đồng, Viện Di truyền nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các năm 2018, 2020); tăng khả năng chịu hạn (GS.TS. Chu Hoàng Mậu, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, năm 2021). Ở TP.HCM, năm 2020, tác giả Nguyễn Vũ Phong (Trường Đại học Nông Lâm) có nghiên cứu “Bước đầu nghiên cứu chuyển gen kháng tuyến trùng sưng rễ trên cây đậu nành”,...

Giống bắp biến đổi gene của Viện Nghiên cứu Ngô trồng tại Nông trường Sông Mã (Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Ngoài hai sản phẩm chủ chốt là đậu nành và bắp, các nhà khoa học Việt Nam cũng nghiên cứu chuyển đổi gene của nhiều sinh vật khác để tạo ra các tính trạng có lợi, ví dụ như nghiên cứu “Tạo dòng ruồi giấm chuyển gen uch -l1 nhằm ứng dụng trong nghiên cứu và hướng tới sàng lọc thuốc chữa bệnh Parkinson” của tác giả Đặng Thị Phương Thảo (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, năm 2011); Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM với các nghiên cứu: “Ứng dụng di truyền phân tử tạo cá Sóc Medaka (Oryzias curvinotus) chuyển gen phát sáng huỳnh quang phục vụ chương trình phát triển cá cảnh” của tác giả Mai Nguyễn Thành Trung (năm 2016); “Nghiên cứu tạo chủng Pseudomonas fluorescens chuyển gen CrylAc từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis kháng sâu khoang trên cây cải xanh” của tác giả Phạm Văn Hiểu (2016); “Nghiên cứu tạo một số dòng lan Mokara kháng virus khảm vàng CyMV (Cymbidium mosaic virus) bằng kỹ thuật chuyển gen RNAi thông qua khuẩn Agrobacterium tumefaciens” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thảo (2019),…

Có thể thấy, các nhà khoa học trong nước đã có khá nhiều nghiên cứu, với nhiều kết quả đầy hứa hẹn ban đầu. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm GMO vẫn đang dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa được triển khai vào thực tiễn. Chủ sở hữu của các sản phẩm GMO được cấp Giấy phép khảo nghiệm, Giấy chứng nhận An toàn sinh học, Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm/thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, cho đến nay, vẫn là các “ông lớn” trong ngành công nghệ sinh học từ nước ngoài như Mosanto, Syngenta, Pioneer Hi-bred, Bayer,… Theo nhiều chuyên gia, khoảng cách từ sản phẩm trong phòng thí nghiệm đến các sản phẩm công nghiệp, là một bước khá xa. Để công nghệ sinh học Việt Nam có thể sớm khẳng định thực sự vai trò, vị trí của mình trong lĩnh vực này, rất cần sự “tiếp sức” hơn nữa của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghệ nội sinh phát triển, ứng dụng được vào thực tiễn và tạo ra giá trị gia tăng trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh thực tế.

Tuấn Kiệt

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Tống Minh. Ban hành Nghị định mới về quản lý sinh vật biến đổi gen. https://baotainguyenmoitruong.vn/ban-hanh-nghi-dinh-moi-ve-quan-ly-sinh-vat-bien-doi-gen-315861.html
[2] Genetically modified food snapshot (2022-2032). https://www.futuremarketinsights.com/reports/genetically-modified-foods-market
[3] Croplife. Vì sao nhiều quốc gia ‘mở cửa’ với cây trồng biến đổi gen? https://thanhnien.vn/vi-sao-nhieu-quoc-gia-mo-cua-voi-cay-trong-bien-doi-gen-1851521820.htm
[4] TS. Phạm Thùy Dương. Thực phẩm biến đổi gen liệu có an toàn? https://suckhoedoisong.vn/thuc-pham-bien-doi-gen-lieu-co-an-toan-169210817102938934.htm#:~:text=C%C3%A1c%20nghi%C3%AAn%20c%E1%BB%A9u%20tr%C3%AAn%20%C4%91%E1%BB%99ng,GMO%20g%C3%A2y%20ra%20%E1%BB%9F%20ng%C6%B0%E1%BB%9D
[5] Cục Bào tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ TN&MT). Danh mục sinh vật biến đổi gen. http://antoansinhhoc.vn/tra-cuu-gmo-2/

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập