Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Để nâng cao năng suất, chất lượng, và đa dạng hóa sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhiều kết quả nghiên cứu của các tổ chức, doanh nghiệp đã được thử nghiệm và ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, khẳng định năng lực công nghệ trong việc hỗ trợ ngành nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế quốc gia.

 

Với hơn 3.200km đường bờ biển cùng khí hậu thuận lợi, Việt Nam hiện có 19 tỉnh, thành trải dài từ Bắc vào Nam (miền Bắc 5 tỉnh, miền Trung 7 tỉnh, Nam Bộ 7 tỉnh) có nghề sản xuất muối, trong đó, tập trung chính là các địa phương như: Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Bến Tre, Bạc Liêu,…

Thống kê từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng diện tích sản xuất muối cả nước năm 2021 vào khoảng 11.393 ha và đang có xu hướng giảm (năm 2017: 13.158 ha, năm 2018: 13.074 ha, năm 2019: 12.494 ha, năm 2020: 11.926 ha). Diện tích sản xuất muối giảm dần do thu nhập từ sản xuất muối thấp, người dân dần chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản hoặc chuyển sang nghề khác. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng gây ảnh hưởng đến sản lượng muối của cả nước (năm 2020 tổng sản lượng đạt 1.334.507 tấn, nhưng đến năm 2021 chỉ còn 914.999 tấn).

Cánh đồng muối tại Việt Nam (Nguồn: Internet)

Hiện nay, để sản xuất muối, ở Việt Nam đang áp dụng 3 phương pháp chính:

  • Phơi cát truyền thống: tiến hành theo thời vụ, từ tháng 5 đến tháng 12 hàng năm, phổ biến ở các tỉnh phía Bắc, với diện tích khoảng 1.026 ha (chiếm 8,6% tổng diện tích sản xuất muối cả nước), cho sản lượng muối từ 100-120 nghìn tấn/năm;
  • Phơi nước phân tán: tiến hành theo thời vụ, từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm, phổ biến từ Quảng Bình trở vào đến Cà Mau, diện tích khoảng 7.408ha (chiếm 61,8% tổng diện tích sản xuất muối cả nước, trong đó khoảng 516ha ô kết tinh muối), sản lượng muối từ 400-500 nghìn tấn/năm;
  • Phơi nước tập trung quy mô công nghiệp: tại 8 đồng muối ở 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, diện tích khoảng 3.552ha (chiếm 29,6% tổng diện tích sản xuất muối cả nước), sản lượng muối từ 250-350 nghìn tấn/năm.

Để chế biến muối tinh, muối trộn i-ốt, muối sạch xuất khẩu, cả nước hiện có khoảng 70-80 cơ sở, với các quy mô khác nhau. Ở một số cơ sở sản xuất, nhờ đầu tư trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng, công nghệ hiện đại và áp dụng biện pháp quản lý sản xuất, chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, nên muối thương phẩm đạt chất lượng cao. qua đó, đã xây dựng được một số thương hiệu và chỉ dẫn địa lý sản phẩm muối OCOP, ví dụ như: sản phẩm muối tinh của Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Bạc Liêu đạt OCOP 4 sao; sản phẩm muối Nanosalt của Công ty TNHH ABACA (Nghệ An) đạt OCOP 3 sao; sản phẩm muối tre Kosal của Quảng Bình đạt OCOP 3 sao; sản phẩm muối Đề Gi của Bình Định (đã được xác lập quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận gắn với địa danh “Đề Gi”); nhãn hiệu tập thể “Muối Sa Huỳnh” của Quảng Ngãi; nhãn hiệu chứng nhận “Muối Bà Rịa” của Bà Rịa - Vũng Tàu; nhãn hiệu chứng nhận “Muối Tuyết Diêm” của Phú Yên,…

Tuy có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và bước đầu đạt được một số thành quả nhất định, nhưng chất lượng và sản lượng muối trung bình của ngành muối nước ta vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu, hàng năm còn phải nhập khẩu thêm khoảng 500 nghìn tấn để phục vụ cho ngành công nghiệp hóa chất. Nguyên nhân là do phương pháp sản xuất chủ yếu còn thủ công, quy mô hộ phân tán, nên năng suất, chất lượng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành hóa chất. Bên cạnh đó, còn nhiều cơ sở chế biến ở quy mô nhỏ (chiếm 83%) có vốn điều lệ thấp (dưới 10 tỷ đồng), sở hữu công nghệ sản xuất gián đoạn, chất lượng muối chế biến phụ thuộc vào chất lượng muối nguyên liệu và tỷ lệ thu hồi muối trong chế biến cũng thấp (dưới 80%).

Nhằm bảo tồn và phát triển nghề muối, thúc đẩy đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm từ muối, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/08/2020 về phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021–2030. Trong nhiều giải pháp đề ra, nội dung liên quan đến KH&CN cũng được xác định rõ: “Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, 50% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến muối và 70% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến muối”. Bên cạnh đó, Đề án cũng khuyến khích các dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào sản xuất muối công nghiệp, muối kết tinh trên nền vật liệu mới, các sản phẩm mới từ muối và sản phẩm muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên, có lợi cho sức khỏe, thân thiện môi trường.

Đóng góp vào nỗ lực chung để phát triển nghề muối, nhiều giải pháp công nghệ cũng được các cơ quan và doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, ví dụ như: “Quy trình sản xuất muối giảm mặn NanoSalt” của Công ty TNHH ABACA (Nghệ An); “Quy trình và dây chuyền tinh chế muối từ nguồn nguyên liệu muối trải bạt của huyện Cần Giờ với năng suất 100 kg/giờ” của Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ cơ khí Bách Khoa (TP.HCM); “Quy trình sản xuất muối thảo dược ngâm chân từ muối Cần Giờ” của Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (TP.HCM),...

 

Quy trình công nghệ sản xuất muối giảm mặn NanoSalt

Nhằm nâng cao giá trị hạt muối của địa phương, tăng thu nhập cho diêm dân, cũng như mong muốn sản xuất được dòng muối giảm mặn (hàm lượng Natri thấp) và dòng muối dược liệu chuyên sâu, tốt cho sức khỏe người dùng, các nhà khoa học tại Công ty TNHH ABACA đã nghiên cứu thành công sản phẩm Nanosalt – dòng muối có hàm lượng Natri thấp đến 50%, giàu khoáng Magie, Kali tự nhiên mà không làm thay đổi “vị mặn” truyền thống.

Đầu tiên, muối thô được thu mua từ các tại địa phương sẽ được cô đặc bằng phương pháp nhiệt. Phần dung dịch còn lại sau cô đặc sẽ được kết tinh lạnh ở nhiệt độ thích hợp để tạo ra muối MgSO4 và KCl. Sau bước kết tinh là quá trình sấy, trộn, ly tâm tách nước và nghiền để tạo ra được hạt muối. Quá trình phối trộn sau đó sẽ giúp tạo ra được một loại muối giảm mặn đặc biệt, cân bằng các vi khoáng khác nhau.

Kết tinh và sấy khô trong quy trình tạo ra sản phẩm muối Nanosalt (Nguồn: Khoa học & Phát triển)

Ngoài sử dụng muối thô, doanh nghiệp còn tận dụng cả nước ót (nước chảy ra từ hạt muối và còn sót lại trên bề mặt phơi –thường bị thải bỏ sau quá trình làm muối) để tách các loại khoáng chất (gồm Natri, Kali, Magie và khoảng 60 vi khoáng khác) theo phương pháp nhiệt lạnh. Việc này giúp tận dụng tối đa giá trị nước biển trên ruộng muối và gia tăng thu nhập cho diêm dân.

Sản phẩm muối Nanosalt đã được cung cấp ra thị trường vào đầu năm 2022 tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, An Giang và TP.HCM. Ngoài đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Nghệ An, sản phẩm Nanosalt còn đạt được nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi khởi nghiệp như: Giải nhất Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh (Techfest 2022), Top 10 phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2022,…

Công nghệ sản xuất muối Nanosalt cũng đã được các nhà sáng chế nộp 3 đơn đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích tại Cục Sở hữu trí tuệ: “Thiết bị cô đặc muối biển” (số đơn VN 2-2022-00169); “Thiết bị kết tinh lạnh muối biển” (số đơn VN 2-2022-00190); “Phương pháp sản xuất muối ăn từ nước biển” (số đơn VN 2-2022-00191).

 

Quy trình sản xuất muối thảo dược ngâm chân

Do thiếu các luận cứ khoa học về thành phần, công thức, tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm muối thảo dược đang được cung ứng trên thị trường, cùng với nhu cầu phát triển sản phẩm đầu ra cho muối nguyên liệu của huyện Cần Giờ (TP.HCM), nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (Trường Đại học Y Dược TP.HCM) đã nghiên cứu và xây dựng thành công 4 công thức muối thảo dược ngâm chân, sử dụng hai loại nguyên liệu đầu vào là muối thành phẩm và bán thành phẩm (nước ót). Kết quả, đã điều chế được 4 sản phẩm ở dạng hạt cốm, cùng 2 bài thuốc: (1) Tăng cường tuần hoàn ngoại biên, giảm đau nhức xương khớp, tê thấp và (2) Giảm nhẹ các biến chứng, rối loạn thần kinh ngoại vi đối với bệnh nhân đái tháo đường. Đề tài đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu vào tháng 12/2021.

Sản phẩm muối thảo dược ngâm chân từ kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp Thành phố (Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM)

Để chứng minh và đánh giá tính an toàn của sản phẩm muối ngâm chân, nghiên cứu thử nghiệm kích ứng da trên chuột được tiến hành bởi các nghiên cứu viên của Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM. Kết quả cho thấy, sản phẩm không gây kích ứng da ở các thời điểm quan sát là sau 1 giờ, 24 giờ, 48 giờ và 72 giờ. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng khảo sát mức độ hài lòng về sản phẩm đối với 300 tình nguyện viên từ 50 tuổi trở lên đã/đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược (Cơ sở 3) và Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM, sử dụng sản phẩm với liệu trình trong 30 ngày tương ứng 10 lần ngâm chân. Kết quả khảo sát không ghi nhận trường hợp bị kích ứng da hoặc các phản ứng có hại khác, đạt độ hài lòng tổng thể ở mức “Rất hài lòng”. Trong đó, 32% số người tham gia cho biết đã cải thiện đáng kể chất lượng sống (giảm đau nhức xương khớp, tê thấp, giảm nhẹ các biến chứng, rối loạn thần kinh ngoại vi với bệnh nhân đái tháo đường). Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy nên sử dụng nguyên liệu muối thành phẩm để đạt hiệu quả kinh tế tối ưu, do nguyên liệu nước ót cần phải thông qua quá trình cô nước ót đến thể tích nhất định nên không phù hợp cho sản xuất ở quy mô công nghiệp.

Với những lợi ích kinh tế cho diêm dân, quy trình sản xuất chế phẩm muối thảo dược ngâm chân được chuyển giao cho Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ (TP.HCM) để triển khai thương mại hóa (thành phần bài thuốc, quy trình chiết xuất cao đặc và điều chế chế phẩm muối, tiêu chuẩn chất lượng của chế phẩm muối với các sơ đồ, quy trình và thông số kỹ thuật) tại Hợp tác xã Muối xã Lý Nhơn.

 

Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm dây chuyền sản xuất và tinh chế muối

Nhằm ứng dụng công nghệ tự động hóa vào việc phát triển máy móc, thiết bị phục vụ cho ngành muối của Việt Nam nói chung và huyện Cần Giờ (TP.HCM) nói riêng, các kỹ sư và chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ cơ khí Bách Khoa (Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM) đã thực hiện đề tài KH&CN “Nghiên cứu đề xuất công nghệ, thiết bị sản xuất muối tinh cho huyện Cần Giờ” . Kết quả nghiệm thu nhiệm vụ vào tháng 12/2022 tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình công nghệ sản xuất muối đạt tiêu chuẩn TCVN 3974:2015 cho nguồn muối thô, được sản xuất theo công nghệ phơi nước trải bạt tại huyện Cần Giờ; thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất và tinh chế muối dạng pilot với năng suất 100kg/giờ, để có thể sản xuất muối tinh nguyên liệu đạt yêu cầu tiêu chuẩn trên.

Dây chuyền sản xuất và tinh chế muối được vận hành thử nghiệm tại Hợp tác xã Cần Giờ Tương lai, cơ bản gồm 7 module máy độc lập: (1) Máy rửa thô, (2) Máy nghiền, (3) Máy rửa tinh, (4) Máy ly tâm, (5) Máy sấy, (6) Máy sàng, (7) Máy đóng gói (quy cách 500 gram/bịch). Các module có thể điều chỉnh thông số hoạt động để vận hành phù hợp với từng nguồn nguyên liệu muối đầu vào tại các xã khác nhau của huyện Cần Giờ. Muối sạch sau quá trình tinh chế có thể được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cung cấp cho lĩnh vực thực phẩm.

Thành công của nhiệm vụ không chỉ góp phần làm gia tăng giá trị kinh tế của muối và mang lại thu nhập đáng kể cho diêm dân, mà còn thúc đẩy phát triển lĩnh vực thiết kế, chế tạo máy tự động hóa phục vụ cho ngành sản xuất muối trong nước. Nhờ được nghiên cứu, phát triển hoàn toàn trong nước, nên hệ thống có thể tùy chỉnh cho phù hợp với từng nguồn nguyên liệu muối khác nhau của các địa phương.

Dây chuyền tinh chế muối được lắp đặt và vận hành thử nghiệm tại HTX Cần Giờ Tương Lai (Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM)

***

Theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng muối cả nước sẽ đạt khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030, trong đó, muối công nghiệp khoảng 1,35 triệu tấn. Bên cạnh những chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất muối của Chính phủ, ngành muối Việt Nam rất cần các nhà khoa học tiếp tục đồng hành, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp công nghệ mới, các ứng dụng khoa học kỹ thuật, tự động hóa trong sản xuất muối, đặc biệt ở quy mô công nghiệp. Qua đó, góp phần phát triển bền vững nghề muối, nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm muối, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu sản phẩm muối giá trị cao.

Duy Sang

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Ứng dụng giải pháp công nghệ đưa ra dây chuyền sản xuất thử nghiệm muối tinh cho huyện Cần Giờ. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/ung-dung-giai-phap-cong-nghe-du-ra-day-chuyen-san-xuat-thu-nghiem-muoi-tinh-cho-huyen-can-gio/
[2] Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Tăng giá trị cho sản phẩm muối Cần Giờ với giải pháp thảo dược ngâm chân. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/tang-gia-tri-cho-san-pham-muoi-can-gio-voi-giai-phap-thao-duoc-ngam-chan/
[3] Anh Thư. NanoSalt với quy trình sản xuất muối giảm mặn. https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/nanosalt-voi-quy-trinh-san-xuat-muoi-giam-man/20220922031948653p1c160.htm
[4] BT. Nghịch lý ngành muối Việt Nam. https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/nghich-ly-nganh-muoi-viet-nam-603954.html
[5] TS. Nguyễn Tiến Định và TS. Hồ Thị Hà. Nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị ngành muối bằng phát triển các hợp tác xã. https://tapchinongthonmoi.vn/nang-cao-hieu-qua-chuoi-gia-tri-nganh-muoi-bang-phat-trien-cac-hop-tac-xa--21146.html
[6] Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập