Với sự hỗ trợ của các công nghệ 4.0, việc phát triển hạ tầng số của các cơ quan nhà nước; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập và tăng cường tính công khai, minh bạch; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao giúp người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt, giảm thiểu giấy tờ và chi phí đang diễn ra rất sôi động. Đây cũng chính là xu hướng phát triển chung trong việc xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp trên toàn thế giới.
Chuyển đổi số
Chuyển đổi số, theo Cẩm nang Chuyển đổi số của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Với ThS. Trần Thị Thơ (Viện Khoa học tổ chức nhà nước), chuyển đổi số là quá trình sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể, toàn diện cá nhân và tổ chức về cách thức làm việc trên môi trường số. Đây là quá trình chuyển đổi ở cấp độ hệ thống nhằm thay đổi hành vi trên quy mô lớn. Bản chất của chuyển đổi số là sáng tạo, đó là sự thay đổi nhận thức và phương thức quản lý, vận hành. Nền tảng cơ bản cho chuyển đổi số là những thay đổi về công nghệ, khả năng và sự sẵn sàng của nhân viên để thực hiện.
Dùng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số tại Quảng Nam. (Ảnh: TTXVN)
Về chuyển đổi số khu vực công, cũng theo nhận định Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), đây là hoạt động phát triển chính phủ số của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, và tương ứng là hoạt động phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của các cơ quan chính quyền cấp địa phương. Các hoạt động này tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước; tạo lập dữ liệu về kinh tế - xã hội phục vụ ra quyết định về chính sách; tạo lập dữ liệu mở cho phép dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cả trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ một cách nhanh chóng, chính xác, giảm thiểu giấy tờ, chi phí,…
Chuyển đổi số khu vực công là tất yếu khách quan
Những tiến bộ và đổi mới công nghệ trong thời đại 4.0 ngày nay, do những tiềm năng và cơ hội mà chúng mang lại, đã và đang là động lực chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi số khu vực công:
Xu thế phát triển chung
Công nghệ đang phát triển nhanh chóng, mang đến những khả năng và cơ hội mới. Các xu hướng toàn cầu và khu vực làm nổi bật các công nghệ mới nổi, công nghệ 4.0, ví dụ như: trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI), chuỗi khối (blockchain), điện toán đám mây (cloud), Internet vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (big data),… cũng như cách chúng có thể được vận dụng để chuyển đổi các cách thức vận hành xã hội. Các quốc gia bắt buộc phải nghiên cứu những xu hướng này để hiểu được những lợi ích tiềm năng và ý nghĩa của việc áp dụng các công nghệ này vào thực tiễn của chính mình. Nói cách khác, để đáp ứng các biến động ngày càng nhanh của xã hội, để cải thiện việc cung cấp dịch vụ, nâng cao hiệu quả điều hành, các quốc gia phải nhanh chóng triển khai quá trình chuyển đổi số và tăng cường sự tham gia của người dân. Các quốc gia triển khai chuyển đổi số thành công sẽ có lợi thế cạnh tranh về thu hút đầu tư, nhân tài và thúc đẩy đổi mới.
Kỳ vọng của người dân
Tiến bộ và đổi mới công nghệ đã tác động đáng kể đến những mong đợi của công dân. Với những trải nghiệm số ngày càng tăng trong cuộc sống hàng ngày, người dân kỳ vọng nhiều vào sự thuận tiện, khả năng tiếp cận và hiệu quả tương tự từ các dịch vụ công mà chính quyền cung ứng. Họ mong muốn các dịch vụ công diễn ra một cách liền mạch, được cá nhân hóa và có thể truy cập thông qua nhiều kênh kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, người dân cũng muốn có khả năng tương tác trực tuyến, thông tin liên lạc theo thời gian thực với các cơ quan chính quyền; gửi các biểu mẫu dạng điện tử và nhận được thông tin kịp thời; có thể truy cập các dịch vụ công 24/7 từ mọi nơi,... với các trải nghiệm người dùng trực quan và thân thiện, khi tương tác với các dịch vụ của chính phủ.
Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình từ chính quyền là một trong những mong đợi của công dân, thể hiện ở khả năng được quyền truy cập vào các dữ liệu về ngân sách và quy trình ra quyết định của chính quyền; trở thành những người tham gia tích cực trong quá trình hoạch định chính sách, đóng góp vào quá trình ra quyết định phục vụ cộng đồng.
Hoạt động của Chính quyền
Những tiến bộ và đổi mới công nghệ cũng giúp Chính quyền có khả năng nâng cao hiệu quả và giảm chi phí hoạt động. Tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn giúp hợp lý hóa các quy trình và tối ưu hóa việc phân bổ tài nguyên, cho phép tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thủ tục giấy tờ và nâng cao hiệu quả hoạt động. Chính quyền có thể cung cấp các dịch vụ số thông qua các cổng trực tuyến, ứng dụng di động và nền tảng kỹ thuật số. Nhờ đó, công dân có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi một cách dễ dàng và cá nhân hóa, giảm thiểu các rào cản quan liêu và nâng cao sự hài lòng của người dân. Phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và học máy là các công cụ mạnh, cho phép có những hiểu biết sâu, xác định mẫu và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, hỗ trợ tốt hơn cho việc xây dựng chính sách, phân bổ nguồn lực và xác định hiệu quả các chương trình hành động. Sự hợp tác và hội nhập giữa các cơ quan, ban ngành thông qua các ứng dụng điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ giúp thông liên lạc, chia sẻ dữ liệu liền mạch, tích hợp dịch vụ, tạo điều kiện phối hợp tốt, quản trị hiệu quả hơn.
Những giải pháp công nghệ mới như các phương tiện mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến và các kênh truyền thông số cũng cho phép chính phủ thu thập ý kiến của công chúng, nhận phản hồi và thu hút người dân tham gia vào quá trình ra quyết định, giúp tăng cường tính minh bạch, niềm tin và chất lượng của các chính sách và dịch vụ công. Có thể nói, đổi mới công nghệ cung cấp cho chính quyền sự nhanh nhẹn và linh hoạt để đáp ứng với các tình huống phát triển của xã hội.
Một số lợi ích thiết thực khi tiến hành chuyển đổi số khu vực công
- Gia tăng hiệu quả hoạt động: việc số hóa các thủ tục hành chính giúp loại bỏ các loại giấy tờ không cần thiết, mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn.
- Tạo ra dịch vụ tốt hơn: với các kênh kỹ thuật số và nền tảng trực tuyến, có thể cung cấp quyền truy cập vào các dịch vụ (ví dụ như biểu mẫu trực tuyến, thanh toán điện tử,...) giúp cung cấp dịch vụ nhanh hơn, giảm thời gian chờ đợi và tăng sự hài lòng của người dân.
- Gia tăng mức độ minh bạch: các ứng dụng về dữ liệu mở, cổng thông tin trực tuyến và báo cáo theo thời gian thực sẽ cho phép công dân truy cập và giám sát các hoạt động của Chính quyền, thúc đẩy lòng tin và trách nhiệm.
- Tiết kiệm chi phí: tự động hóa giúp giảm chi phí lao động; các phương thức liên lạc kỹ thuật số và dịch vụ trực tuyến giúp giảm nhu cầu về cơ sở hạ tầng, giảm chi phí hành chính. Ngoài ra, việc ra quyết định dựa trên dữ liệu cũng cho phép Chính quyền phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.
- Tăng cường sự tham gia của công dân: chuyển đổi số cung cấp các nền tảng cho người dân tương tác và tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.
- Ra quyết định dựa trên dữ liệu: chuyển đổi số tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ. Phân tích dữ liệu và sử dụng mô hình dự đoán, có thể xác định xu hướng, chủ động giải quyết các vấn đề và phát triển các chính sách thích hợp.
- Chính sách được thực hiện linh hoạt và thích ứng cao: chuyển đổi số cho phép giám sát và đánh giá việc thực hiện chính sách hiệu quả hơn; cho phép phản ứng nhanh chóng với những thách thức mới phát sinh và hoàn cảnh thay đổi.
Tại Việt Nam, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, tạo nên những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận thức được lợi ích của Cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng và Nhà nước đã có định hướng xây dựng chính sách và một số chương trình để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó, nhấn mạnh tới ứng dụng và phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vấn đế chuyển đổi số đã được Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định rõ thông qua chủ trương “Xây dựng Chiến lược chuyển đổi số quốc gia”. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cần “Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước…”. Triển khai các chủ trương này, “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020, trong đó xác định rõ các mục tiêu chuyển đổi số khu vực công - phát triển Chính phủ số. Đây là tiền đề, là hành lang pháp cho các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số khu vực công ngày càng nhanh, mạnh và hiệu quả.
Có thể thấy, những phát triển vượt bậc của công nghệ trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng kỳ vọng của người dân về một nền hành chính minh bạch, hiệu quả, có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi, đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trở thành yêu cầu tất yếu khách quan đối với mỗi cơ quan, đơn vị khu vực công, nơi mà sứ mệnh chính là tạo ra các dịch vụ công hiệu quả phục vụ xã hội. Việc chuyển đổi số ở khu vực này cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, đảm bảo yêu cầu “lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, động lực trong chuyển đổi số Quốc gia”, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng nhấn mạnh.
Tuấn Kiệt
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Chuyển đổi số là gì? https://dx.mic.gov.vn/docs/chuyen-doi-so-la-gi/
[2] ThS. Trần Thị Thơ. Kinh nghiệm chuyển đổi số trong khu vực công ở một số quốc gia và những gợi mở đối với Việt Nam. https://moha.gov.vn/kstthc/tintuc/kinh-nghiem-chuyen-doi-so-trong-khu-vuc-cong-o-mot-so-quoc-gia-va-nhung-goi-mo-doi-voi-viet-nam-48410.html
[3] Phúc Hằng. Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu của mọi quốc gia. https://www.vietnamplus.vn/chuyen-doi-so-da-tro-thanh-xu-the-tat-yeu-cua-moi-quoc-gia/746587.vnp
[4] Tường Huy. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia. https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/thuc-day-manh-me-chuyen-doi-so-quoc-gia-580776.html
[5] Hà Văn. Đẩy mạnh chuyển đổi số để làm lợi thiết thực cho người dân, giải quyết những vấn đề lớn của đất nước. https://thutuong.chinhphu.vn/day-manh-chuyen-doi-so-de-lam-loi-thiet-thuc-cho-nguoi-dan-giai-quyet-nhung-van-de-lon-cua-dat-nuoc-10940751.htm
[6] Hiền Minh. Chuyển đổi số và cuộc sống ở Việt Nam 10 năm tới: Góc nhìn từ chuyên gia. https://baochinhphu.vn/chuyen-doi-so-va-cuoc-song-o-viet-nam-10-nam-toi-goc-nhin-tu-chuyen-gia-102220127104614019.htm
[7] Khương Trung. Thủ tướng: Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, động lực trong chuyển đổi số Quốc gia. https://baotainguyenmoitruong.vn/thu-tuong-lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-chu-the-dong-luc-trong-chuyen-doi-so-quoc-gia-348330.html