Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi ở cấp độ hệ thống nhằm thay đổi hành vi trên quy mô lớn thông qua việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể, toàn diện của cá nhân và tổ chức. Với bản chất sáng tạo, chuyển đổi số chính là sự thay đổi về nhận thức và phương thức quản lý, vận hành trên môi trường số với các công nghệ số, kể cả đối với khu vực công. Nền tảng cơ bản cho chuyển đổi số, là những thay đổi về công nghệ, khả năng và sự sẵn sàng của nhân viên để thực hiện. Những thay đổi về công nghệ cho phép hiện đại hóa và tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thích hợp phục vụ quá trình khai thác, sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin hiện đại.
Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc các quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.
Theo nhiều nghiên cứu, khi triển khai chính quyền điện tử, các dịch vụ trực tuyến do cơ quan chính quyền cung cấp (ví dụ như dịch vụ đăng ký khai sinh cho công dân khi sinh ra đời; dịch vụ cấp thẻ căn cước công dân hay dịch vụ cấp hộ chiếu khi đến tuổi trưởng thành,...) vẫn yêu cầu người dân phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính. Mỗi lần khai thác dịch vụ, lại phải điền dữ liệu từ đầu, mặc dù đã từng cung cấp trước đó. Trong khi đó, với chính phủ số, khi dữ liệu được chia sẻ giữa các cơ quan chính quyền, người dân chỉ cần cung cấp thông tin một lần cho một cơ quan nhà nước. Sau này, với một mã định danh duy nhất, công dân có thể khai thác, sử dụng các dịch vụ công do các cơ quan chính quyền cung cấp, ở bất kỳ nơi đâu.
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, số người sống ở các thành phố sẽ ngày càng nhiều. Do vậy, sẽ càng có nhiều người tiếp cận các dịch vụ công cộng tại địa phương. Vì thế, việc phải có các cấu trúc chính quyền điện tử, chính quyền số mạnh mẽ ở cấp độ này (đô thị) để đáp ứng các nhu cầu hiện tại và tương lai, là vấn đề rất cấp thiết.
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định những nhiệm vụ quan trọng là việc đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân để phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp,… để đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.
Ngay sau ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đúng một tháng, ngày 3/7/2020, UBND TP.HCM đã công bố “Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM” tại Quyết định số 2393/QĐ-UBND, trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước công bố Chương trình chuyển đổi số, với tầm nhìn đến năm 2030: “TP.HCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số”. Song song đó, UBND Thành phố cũng ban hành Quyết định số 2392/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 về cập nhật “Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM” nhằm làm rõ sự tương quan và phù hợp của “Kiến trúc Chính quyền điện tử” (đã ban hành kèm theo Quyết định số 4250/QĐ-UBND ngày 28/9/2018) với định hướng chuyển đổi số của Thành phố và Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh”. “Kiến trúc Chính quyền điện tử” của TP.HCM ở mức tổng thể chính là cơ sở để các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và phường, xã, thị trấn có thể tham chiếu khi phát triển, nâng cấp, kết nối và triển khai các hệ thống thông tin tại đơn vị.
Có thể thấy, để hiện đại hóa và cải thiện hoạt động của các cơ quan Nhà nước, cung cấp dịch vụ thu hút được sự tham gia của công dân, việc chuyển đổi số đã trở thành yêu cầu tất yếu. Đó là quá trình tích hợp công nghệ vào tất cả các khía cạnh của các chức năng của Chính quyền, từ các quy trình nội bộ và giao tiếp đến các dịch vụ công cộng và tương tác với công dân, tăng cường cung cấp dịch vụ công, cải thiện quy trình quản trị và thúc đẩy sự tham gia của người dân. Nhờ chuyển đổi số, Chính quyền đáp ứng được những kỳ vọng của người dân, thúc đẩy quá trình hợp tác, nâng cao hiệu quả thu hút người dân; cho phép đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, tận dụng các công nghệ mới để thích ứng với các thay đổi của thực tiễn. Do vậy, nắm bắt tốt được các tiến bộ công nghệ, các cơ quan, đơn vị sẽ có khả năng cung cấp các dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn cho xã hội.
BBT