Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Mô hình “Mỗi xã (phường) một sản phẩm” (One Commune One Product - OCOP) đang được triển khai và lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp ở tất cả các tỉnh, thành với sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Tính đến hết năm 2022, cả nước đã có 8.689 sản phẩm OCOP, để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP hơn nữa trong giai đoạn 2021-2025 cần phải có những hướng đi mới.

Bắt nguồn từ mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” (One Village One Product - OVOP) ở thị trấn Oyama, quận Oita, Nhật Bản từ những năm 60 thế kỷ trước, đến nay, OCOP đã trở thành mô hình mẫu của việc phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng tối đa các nguồn lực địa phương ở hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát huy thế mạnh, đặc thù ở mỗi địa phương để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại Việt Nam.

Phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP

- Hạng 5 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu.

- Hạng 4 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng cấp lên hạng 5 sao.

- Hạng 3 sao:Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao.

- Hạng 2 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao.

- Hạng 1 sao: Tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm khởi điểm tham gia Chương trình OCOP, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.

Được triển khai và lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp ở tất cả các tỉnh, thành phố, cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, OCOP đã trở thành một giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới trên cả nước. Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Tính đến ngày 31/12/2022, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; có 8.689 sản phẩm OCOP của 4.479 chủ thể được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, bên cạnh những thành quả đạt được, sau hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP cũng vẫn còn một số hạn chế như: việc tham gia của một số địa phương còn chưa chủ động hoặc mang tính hình thức, chạy theo thành tích, số sản phẩm OCOP tăng nhanh, nhưng chưa thực sự bền vững.

Để khắc phục những hạn chế trước đây, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, mới được Chính phủ ban hành vào năm 2022, hướng vào các hoạt động theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

 

Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đã đề ra ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, tương ứng với các phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.

 

Ưu tiên phát triển sản phẩm bản địa, truyền thống

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm có lợi thế ở mỗi địa phương, nhưng cần có sự chọn lọc. Các sản phẩm OCOP có sự khác biệt giữa các địa phương, cần gắn sản phẩm với địa danh, với những câu chuyện mang tính nhân văn của vùng miền để truyền tải đến cộng đồng, đến người mua thấy được cả giá trị, văn hóa và cảm xúc của người sản xuất. Qua đó, hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp, các mô hình du lịch nông thôn (du lịch làng nghề, trang trại, canh nông, lễ hội,…) để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

 

Tập trung chế biến sâu từ các đặc sản, sản phẩm truyền thống

Hiện nay, đa dạng hóa sản phẩm là xu thế tất yếu, giúp giải quyết tốt hơn nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo ra những giá trị mới từ những sản phẩm thô sẵn có tại địa phương. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến sâu là giải pháp cơ bản, quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho các đặc sản, sản phẩm truyền thống. Theo các chuyên gia ước tính, nếu chỉ qua chế biến thô, cấp đông và xuất khẩu, một đồng vốn sản phẩm chỉ bán được 1,5-2 đồng. Cũng sản phẩm đó, sau khi tinh chế, chế biến sâu, sẽ bán được giá gấp 5-7 lần. Hơn thế, phát triển theo hướng chế biến sâu sẽ giải quyết được hàng hóa bị ứ đọng, mất giá khi đến mùa vụ. Đây cũng chính là con đường bền vững để nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống, sản phẩm OCOP.

Chế biến sâu nông sản

Là việc sử dụng các công nghệ, thiết bị để chế biến nông sản, mở rộng phạm vi và sản lượng thành phẩm từ một đơn vị nguyên liệu, cũng như giảm tỷ lệ chất thải trong sản xuất, tối đa hóa việc sử dụng tiềm năng nguyên liệu của các sản phẩm thứ cấp.

Chế biến sâu đa dạng hóa sản phẩm từ tôm

 

Đưa sản phẩm OCOP vào các kênh bán hàng hiện đại

Nhu cầu mua sắm sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế ngày càng cao. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn gặp khó khăn trong khâu tiếp cận, lựa chọn sản phẩm. Đưa sản phẩm OCOP lên các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử,...) sẽ giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn. Ngoài ra, nếu các chủ thể bán hàng tăng cường ứng dụng các giải pháp mới (livestream bán hàng, tham gia chợ OCOP online, kết nối cung - cầu trực tuyến, xây dựng gian hàng thực tế ảo về sản phẩm OCOP,…) sẽ giúp phổ cập nhanh thông tin về sản phẩm đến người tiêu dùng.

Tại TP.HCM, Chương trình OCOP đã được triển khai tại 5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) từ năm 2019. Theo bà Hoàng Thị Mai (Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới TP.HCM), hiện TP.HCM đã công nhận 66 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, 4 sao. Một số sản phẩm OCOP của TP.HCM đã có mặt tại các siêu thị và được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng như: bột rau má, bột diếp cá, bột tía tô (Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt), mật dừa nước cô đặc (Công ty Phát triển Dừa nước Việt Nam), mật ong rừng sữa ong chúa (Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên), xoài cát, khô cá dứa (HTX Cần Giờ Tương Lai),…

Sản phẩm bột rau má đạt chuẩn OCOP của Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM). Nguồn: danviet.vn

Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025, mở rộng tìm kiếm sản phẩm OCOP tại 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức của Thành phố. Mục tiêu đến 2025, TP.HCM sẽ có ít nhất 124 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Theo ông Đinh Minh Hiệp (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM), Sở sẽ hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP; đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực cho chủ thể sản xuất về tổ chức, quản trị và phát triển sản phẩm; phối hợp với các sở, ngành có liên quan để tham mưu UBND Thành phố ban hành chính sách kích cầu đầu tư phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2022-2025.

***

Có thể thấy, Chương trình OCOP đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, đồng thời lưu giữ phát triển được các làng nghề truyền thống trên cả nước. Để tăng giá trị đầu ra cũng như tạo thương hiệu riêng của doanh nghiệp cho các sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp cần tập trung theo hướng áp dụng khoa học và công nghệ, chế biến sâu để nâng cao năng suất, tạo sản phẩm chất lượng và đa dạng hóa, tạo sức cạnh tranh cho các đặc sản, sản phẩm truyền thống; mở rộng các kênh phân phối, từ đó nâng tầm giá trị kinh tế cho sản phẩm OCOP cũng như góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản Việt Nam.

Vân Anh

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Vài nét về mô hình OVOP (One Village One Product). http://www.vacne.org.vn/vai-net-ve-mo-hinh-ovop-one-village-one-product/212789.html
[2] Cả nước có 8.689 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ca-nuoc-co-8689-san-pham-ocop-dat-3-sao-tro-len-123077.html
[3] Tập huấn về cách thức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. http://www.nghean.gov.vn/tin-tuc-xay-dung-nong-thon-moi/tap-huan-ve-cach-thuc-xay-dung-nong-thon-moi-giai-doan-2021-2025-547862
[4] Đã có bộ tiêu chí đánh giá và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. https://baodautu.vn/da-co-bo-tieu-chi-danh-gia-va-quy-trinh-danh-gia-phan-hang-san-pham-ocop-d184374.html
[5] Công bố tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. https://baochinhphu.vn/cong-bo-tieu-chi-va-quy-trinh-danh-gia-phan-hang-san-pham-ocop-102230308183227268.htm

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập