Xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, với các nhiệm vụ như đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin và các nền tảng số, đảm bảo an toàn dữ liệu,… Ngoài mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội, việc phát triển chính quyền số cũng hướng đến trang bị “năng lực số” cho cán bộ, công chức nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thực thi công vụ.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đang ngày càng làm mờ ranh giới giữa các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thay đổi cách con người sống, làm việc và giao tiếp. Trong đó, khu vực công là một trường hợp điển hình, không còn sự tách biệt rõ ràng giữa Chính phủ và Chính phủ điện tử về chính sách, thể chế, chiến lược và công cụ.
Đại dịch Covid-19 xuất hiện đã buộc các Chính phủ trên khắp thế giới phải tăng tốc phát triển các giải pháp kỹ thuật số để đảm bảo tính liên tục của nền hành chính công, các dịch vụ công và sự ổn định của xã hội. Mặc dù gần như mọi quốc gia đều tham gia vào quá trình số hóa, nhưng không phải tất cả đều đạt được mức độ phát triển như nhau. Các hành động sai lầm trong quá trình chuyển đổi số hoạt động của Chính phủ có thể gây tốn kém và làm trầm trọng thêm rủi ro về vấn đề an ninh mạng và quyền riêng tư. Ngược lại, việc phát triển theo định hướng đúng đắn sẽ tạo cơ hội tăng cường khả năng quản trị, nắm bắt kịp thời cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời mở rộng cung cấp thông tin và dịch vụ cho tất cả các thành phần xã hội, đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Sự phát triển của Chính phủ điện tử
Theo báo cáo khảo sát đầu tiên về Chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào năm 2001: “Benchmarking E-government: A Global Perspective”, từ giữa những năm 1990, các Chính phủ trên khắp thế giới đã quan tâm khai thác tiềm năng to lớn của internet để cải thiện và hoàn thiện quy trình quản lý. Cũng trong báo cáo này, Chỉ số Chính phủ điện tử (E-Government Index) được giới thiệu nhằm đánh giá cơ sở hạ tầng viễn thông, sự hiện diện trực tuyến của Chính phủ và năng lực phát triển con người ở các quốc gia. Chỉ số Chính phủ điện tử xác định, nhấn mạnh và cân nhắc tầm quan trọng của các điều kiện cần thiết cho phép một quốc gia duy trì môi trường chính phủ điện tử, đảm bảo rằng mọi bộ phận dân cư của quốc gia đó đều có quyền truy cập không hạn chế vào thông tin và các dịch vụ một cách kịp thời, hữu ích và phù hợp. Qua đó, phản ánh trình độ phát triển kinh tế, xã hội và dân chủ của quốc gia. Theo kết quả đánh giá Chỉ số Chính phủ điện tử tại 190 nước thành viên Liên Hợp Quốc năm 2001, công dân của các nước có Chỉ số Chính phủ điện tử trên mức trung bình toàn cầu được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên phong phú, khả năng tiếp cận thông tin vượt trội và có tương tác tốt hơn với chính phủ.
Báo cáo khảo sát năm 2022 về Chính phủ điện tử, E-Government Survey 2022 - The Future of Digital Government, là ấn bản thứ 12 của LHQ nhằm theo dõi sự phát triển của chính phủ điện tử trên toàn cầu. Từ năm 2008, Chỉ số chính phủ điện tử đã được chuẩn hóa và thay bằng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử - EGDI (E-Government Development Index), một chỉ số tổng hợp về phát triển Chính phủ điện tử, bao gồm bình quân gia quyền của 3 chỉ số thành phần độc lập: Chỉ số dịch vụ trực tuyến (Online Services Index - OSI), Chỉ số cơ sở hạ tầng viễn thông (Telecommunications Infrastructure Index - TII) và Chỉ số nguồn nhân lực (Human Capital Index - HCI). Mỗi chỉ số thành phần là thước đo tổng hợp, có thể được trích xuất và phân tích độc lập. Giá trị tổng hợp của từng chỉ số thành phần được chuẩn hóa để nằm trong phạm vi từ 0 đến 1.
Bản đồ xếp hạng các nhóm chỉ số EGDI theo quốc gia năm 2022 (Nguồn: E-Government Survey 2022)
Theo báo cáo năm 2022, giá trị EGDI trung bình toàn cầu đã tăng nhẹ từ 0,5988 năm 2020 lên 0,6102 năm 2022, phần lớn là do những tiến bộ trong việc củng cố cơ sở hạ tầng viễn thông. Châu Âu vẫn là khu vực đi đầu, với sự góp mặt của 8/15 quốc gia dẫn đầu về phát triển chính phủ điện tử trong bảng xếp hạng, đạt giá trị EGDI trung bình là 0,8305, sau đó là Châu Á (0,6493), Châu Mỹ (0,6438), Châu Đại Dương (0,5081) và Châu Phi (0,4054). Có thể thấy, các quốc gia Châu Âu đang trong cuộc đua chuyển đổi chính phủ số và phát triển công nghệ kỹ thuật số. Trong đó, Đan Mạch và Phần Lan là hai quốc gia đứng đầu thế giới.
Các quốc gia dẫn đầu về phát triển chính phủ điện tử năm 2022 (Nguồn: E-Government Survey 2022)
Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2022 đạt 0,6787 điểm đứng thứ 86/193 quốc gia thành viên LHQ và đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử có EGDI ở mức cao và cao hơn so với chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0,5988).
Theo đánh giá chung, hầu hết các quốc gia đều có chiến lược về chính phủ điện tử/chính phủ số, cũng như luật về an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, chính sách dữ liệu quốc gia, dữ liệu chính phủ mở. Các cá nhân và doanh nghiệp ngày càng có khả năng tương tác với các tổ chức công thông qua các nền tảng trực tuyến, có được thông tin về luật liên quan đến quyền tự do thông tin và truy cập nội dung và dữ liệu công khai.
Mặc dù xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới cho thấy sự tăng trưởng và cải thiện ổn định, với những tiến bộ đạt được trong một số lĩnh vực, nhưng vẫn có những thách thức đáng kể. Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm sự phân chia kỹ thuật số với hơn 3 tỷ người sống ở các quốc gia có giá trị EGDI thấp hơn mức trung bình toàn cầu, hầu hết tập trung ở Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương.
Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại Việt Nam
Trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Một số cột mốc trong định hướng xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số của Việt Nam:
- Năm 2014, với mục tiêu định hướng đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW với quan điểm: “…Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…”, xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 “Triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực”.
- Năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam nằm trong 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của LHQ. Cũng trong năm 2019, nhằm đặt nền tảng xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử theo định hướng Nghị quyết số 17/NQ-CP, Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0, đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành theo Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019.
- Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, có 6 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Hoàn thiện môi trường pháp lý; (2) Phát triển hạ tầng số (Hạ tầng mạng và Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ); (3) Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; (4) Phát triển dữ liệu số quốc gia; (5) Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; (6) Đảm bảo an toàn, an ninh mạng quốc gia.
Sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 (Nguồn: Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT)
Ngoài những văn bản mang tính định hướng chung cho cả nước, Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm từng bước thể chế hóa những lĩnh vực nền tảng của Chính quyền số. Cụ thể như Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ quy định về các hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng,…
Từ các định hướng và chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai Chính phủ điện tử và đạt được một số kết quả tích cực bước đầu như: hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng nhu cầu; hoàn thành xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội,… Các cơ sở dữ liệu từng bước được khai thác, sử dụng hiệu quả; việc trao đổi văn bản điện tử đi vào nền nếp; nhiều dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử được cải thiện; nhận thức về chuyển đổi số được nâng cao, thể hiện rõ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, nhiều hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (ví dụ như: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống e-Cabinet; Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,…), đã được đưa vào sử dụng, giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí hành chính, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo lập niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ – E-cabinet ngày 24/6/2019 (Nguồn: https://egov.chinhphu.vn/)
Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số tại TP.HCM
TP.HCM đã và đang rất nỗ lực xây dựng Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số, cũng như xây dựng thành phố thông minh nhằm giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước. Từ những định hướng chung của Chính phủ, Thành phố đã ban hành nhiều văn bản mang tính chiến lược như: Đề án xây dựng TP.HCM trở thành Đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 (theo Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 23/11/2017 của UBND TP.HCM); Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM (theo Quyết định số 4250/QĐ-UBND ngày 28/9/2018 của UBND TP.HCM căn cứ trên kết quả được thẩm định bởi Bộ Thông tin và Truyền thông theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam); Chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM (theo Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03/7/2020 của UBND TP.HCM),…
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của Thành phố
Đầu năm 2021, Thành phố đã hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành chính thức cấu phần quan trọng trong Kiến trúc chính quyền điện tử là Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của Thành phố (HoChiMinh City Local Government Service Platform - LGSP). Đây là nền tảng quan trọng để đảm bảo phát triển các ứng dụng thống nhất cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn Thành phố. Hệ thống cung cấp nền tảng “mở”, giúp tập hợp nhiều nguồn lực tham gia phát triển, tránh việc độc quyền, phụ thuộc vào một số nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp. Đồng thời, Thành phố đưa Kho dữ liệu dùng chung đi vào hoạt động tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn/ nhằm liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trên địa bàn TP.HCM. Theo Báo cáo kết quả triển khai chuyển đổi số và đô thị thông minh của TP.HCM năm 2022, hiện Kho dữ liệu dùng chung đã tích hợp được các thông tin như: Dữ liệu văn bản điện tử; Thông tin doanh nghiệp; Hộ kinh doanh cá thể; Thông tin giao dịch đảm bảo; Thông tin đăng ký quyền sử dụng nhà ở, đất ở; Cơ sở khám chữa bệnh; Chứng chỉ hành nghề y; Cơ sở giáo dục; Dịch vụ giáo dục; Dự án đầu tư nước ngoài; Dự án đầu tư công; Thông tin giá thị trường của một số ngành thiết yếu. Ngoài chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, theo định hướng trong tương lai, một phần của Kho dữ liệu dùng chung sẽ được chia sẻ qua Cổng dữ liệu mở để người dân, tổ chức, doanh nghiệp khai thác sử dụng nhằm tạo ra giá trị gia tăng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho Thành phố.
Giao diện Nền tảng tích hợp, chia sẻ liên thông kết nối chính quyền điện tử TP.HCM (HCM LGSP) (Nguồn: https://api.tphcm.gov.vn/)
Cơ sở dữ liệu phục vụ Kho dữ liệu dùng chung TP.HCM
Bên cạnh nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và Kho dữ liệu dùng chung, TP.HCM cũng đã đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị để hình thành hệ thống dữ liệu cung cấp cho Kho dữ liệu dùng chung. Về kết quả xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ cho Kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM, Báo cáo kết quả triển khai chuyển đổi số và đô thị thông minh của TP.HCM năm 2022 đã cho thấy, các CSDL đã được số hóa là:
- CSDL hộ tịch: hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch (sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con) với tổng số khoảng 12 triệu hồ sơ, và đã đồng bộ với CSDL hộ tịch của Bộ Tư pháp;
- CSDL dân cư: hoàn thành kết nối sử dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử trong CSDL quốc gia về dân cư;
- CSDL ngành giáo dục: hoàn thành xây dựng CSDL trường, lớp, học sinh, giáo viên, nhân viên và đang tiếp tục xây dựng CSDL tốt nghiệp THPT và văn bằng, chứng chỉ;
- CSDL tổ chức, doanh nghiệp: hoàn tất tích hợp và chia sẻ dữ liệu đăng ký doanh nghiệp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, đang phối hợp Cục thuế để chia sẻ dữ liệu tổng hợp về thuế của Thành phố;
- CSDL quản lý đô thị và bản đồ: đã triển khai và tích hợp dữ liệu về hệ thống thoát nước; hệ thống chiếu sáng đô thị; hệ thống công viên cây xanh; xử lý nước thải; dữ liệu hạ tầng giao thông (cầu, đường, tín hiệu giao thông); dữ liệu điện lực; dữ liệu cấp nước; dữ liệu bản đồ địa chính, địa hình; dữ liệu quy hoạch đô thị.
Ngoài ra, một số dữ liệu đang được thử nghiệm, thí điểm trên địa bàn TP.HCM như: Dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 tại khu vực TP. Thủ Đức (gồm 87 lớp dữ liệu: nền địa lý, cơ sở đo đạc, dân cư, giao thông, thủy văn, địa hình, phủ bề mặt, biên giới địa giới,…); Dữ liệu công chứng (thí điểm tại 7 phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp); Dữ liệu địa chính (thí điểm tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Quận 1 và Quận 6).
Các nền tảng số, hạ tầng số hỗ trợ phát triển đô thị thông minh
Nhiều ứng dụng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp cũng được TP.HCM triển khai như: Cổng dịch vụ công TP.HCM/Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/vi/), Hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai (https://motcuadatdai.tphcm.gov.vn); Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin – 1022 (https://1022.tphcm.gov.vn/); Cổng thông tin giao thông TP.HCM (http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn/); Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục và đào tạo TP.HCM (https://hcm.edu.vn/homehcm); Cổng thông tin quy hoạch TP.HCM (https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn/); Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền thành phố (https://doithoaidn.hochiminhcity.gov.vn/); Hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113-114-115 và ứng dụng HCMC EOC; Ứng dụng thông tin xe buýt;…
Một số ứng dụng tiện ích cho người dân (Nguồn: https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn/)
Để đảm bảo các nền tảng công nghệ thông tin hoạt động ổn định, TP.HCM đã triển khai tập trung các ứng dụng của các Sở ngành, UBND TP.Thủ Đức và các Quận/Huyện trên 1.034 máy chủ tại Trung tâm Dữ liệu Thành phố. Hạ tầng trung tâm dữ liệu được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây và được đầu tư đầy đủ hệ thống, chính sách bảo vệ, giám sát an ninh hiện đại. Bên cạnh đó, Thành phố cũng thành lập Công ty Cổ phần Vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP.HCM (HISSC) nhằm giám sát, phòng ngừa và ứng cứu sự cố về an toàn thông tin, trước mắt cho Sở, ngành, Quận/Huyện và doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND và các đơn vị thuộc hệ thống chính trị của TP.HCM, kế đến là các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn và sau đó mở rộng trong nước và quốc tế.
Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển chính quyền điện tử
Ngoài chú trọng xây dựng các nền tảng và hạ tầng công nghệ thông tin, để việc ứng dụng các công cụ nói trên được hiệu quả, công tác bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố cũng rất được quan tâm. Gần đây, UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông TP.HCM giai đoạn 2022-2025 (Kế hoạch số 2914/KH-UBND ngày 18/8/2022). Qua đó, đã triển khai đào tạo kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho 1.431 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông cho 2.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Thành phố. Định hướng trong thời gian tới, nhằm đáp ứng xu hướng ngày càng phát triển của chính quyền điện tử, TP.HCM sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành nghề (như Hội Tin học TP.HCM, Chi hội An toàn thông tin phía Nam,…), các Viện nghiên cứu, Trường đại học,… để thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng công vụ, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
***
Quá trình xây dựng chính phủ điện tử đã cho thấy nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển các dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng số, cũng như sự kết nối ngày càng tiện lợi giữa người dân và chính quyền. Trong năm 2022, TP.HCM cũng là thành phố đông dân nhất của Việt Nam được LHQ lựa chọn để khảo sát đánh giá Chỉ số Dịch vụ trực tuyến địa phương (Local Online Services Index - LOSI). Đây là chỉ số phụ để đánh giá sự phát triển dịch vụ trực tuyến của một số thành phố lớn tại các quốc gia được công bố trong Báo cáo khảo sát về Chính phủ điện tử năm 2022 của LHQ. Kết quả cho thấy, TP.HCM xếp hạng 54/193 thành phố được khảo và được xếp ở nhóm các nước chỉ số LOSI cao.
Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin và nâng cao trình độ công nghệ của đội ngũ cán bộ, nhưng với các kết quả đã đạt được và những định hướng mang tính chiến lược của Chính phủ, có thể kỳ vọng đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 80% và lọt vào 50 quốc gia đứng đầu về xếp hạng Chính phủ điện tử trên thế giới.
Duy Sang
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Department of Economic and Social Affairs. E-Government Survey 2022 - The Future of Digital Government. United Nations
[2] Đỗ Công Anh. Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. https://tcnn.vn/news/detail/56345/Phat-trien-Chinh-phu-dien-tu-huong-toi-Chinh-phu-so-thuc-day-chuyen-doi-so-quoc-gia.html
[3] Hoàng Liên Hương. Xây dựng và phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam - bất cập và giải pháp. Lý luận chính trị và Truyền thông, 54-58.
[4] Mai Tiến Dũng. Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam. https://egov.chinhphu.vn/xay-dung-chinh-phu-dien-tu-huong-toi-chinh-phu-so-va-nen-kinh-te-so-o-viet-nam-a-NewsDetails-37599-14-186.html
[5] Minh Thư. TPHCM xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh. https://hochiminhcity.gov.vn/thong-tin-tuyen-truyen/3-chuong-trinh-dot-pha-va-1-chuong-trinh-trong-diem/-/asset_publisher/KTocitRjkFnx/content/tphcm-nang-cao-hieu-qua-chuyen-oi-so-thuc-ay-qua-trinh-xay-dung-chinh-quyen-ien-tu-phat-trien-o-thi-thong-minh
[6] Phạm Vinh. Mục tiêu Chính phủ điện tử Việt Nam vào top 50 thế giới. https://vneconomy.vn/muc-tieu-chinh-phu-dien-tu-viet-nam-vao-top-50-the-gioi.htm
[7] UBND TP.HCM. Báo cáo về kết quả triển khai chuyển đổi số và đô thị thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.
[8] UNDPEPA and ASPA. Benchmarking E-government: A Global Perspective 2001. United Nations.
[9] Vũ Thị Hồng Trang. Một số vấn đề lý luận về xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay. http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/mot-so-van-de-ly-luan-ve-xay-dung-chinh-phu-so-o-viet-nam-hien-nay-49242.html