TP.HCM đã và đang rất nỗ lực xây dựng Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số, cũng chính là xây dựng thành phố thông minh nhằm giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước. Từ những định hướng chung của Chính phủ, Thành phố đã triển khai vào thực tiễn nhiều giải pháp đồng bộ ở các cấp, các ngành. Nhiều chức năng quản lý nhà nước tại Thành phố đã được thực hiện thông qua các công cụ trực tuyến, cho phép người dân và doanh nghiệp có thể giao tiếp với các cơ quan chính quyền để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình từ xa.
Với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM (Cổng dịch vụ công - https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/vi/), 29 thủ tục hành chính (17 cho công dân, 8 cho doanh nghiệp và 4 dịch vụ công thiết yếu) đang được vận hành 24/7.
Hệ thống phục vụ công dân các thủ tục hành chính liên quan đến các nhóm: (1) Học tập và Việc làm (Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng lần đầu hạng II, hạng III; Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe; và Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp); (2) Nhân thân và Cư trú (Cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân; Xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân; Cấp lại, sửa đổi bổ sung hộ chiếu phổ thông; Thủ tục đăng ký kết hôn; Cấp bản sao trích lục hộ tịch; Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam; Đăng ký thường trú; Đăng ký tạm trú; Thông báo lưu trú; Khai báo tạm vắng); (3) Kinh doanh (Đăng ký thành lập hộ kinh doanh và Nhóm thủ tục liên thông đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế); và (4) Xây dựng (Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ).
Các doanh nghiệp sẽ được Hệ thống phục vụ các thủ tục hành chính về: (1) Kinh doanh (Thông báo hoạt động khuyến mại; Thông báo sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại; Nhóm thủ tục liên thông đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương (trường hợp cấp lần đầu và trường hợp chuỗi cơ sở kinh doanh thực phẩm có tăng về cơ sở kinh doanh); Làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu và Làm con dấu thu nhỏ dấu nổi dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu; (2) Lao động (Đăng ký nội quy lao động của doanh nghiệp và Báo cáo giải trình nhu cầu, thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài).
Bên cạnh đó, Hệ thống cũng cung cấp tiện ích làm việc với một số dịch vụ công thiết yếu như: Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V); Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện; Đăng ký cấp biển số mô tô, xe gắn máy; Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội).
Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin – 1022 (https://1022.tphcm.gov.vn/) do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, cùng 86 đơn vị với 625 đầu mối (Sở/Ngành, UBND 24 quận/huyện và các đơn vị quản lý/sở hữu/duy tu hạ tầng) tham gia giải quyết xử lý các sự cố do người dân, tổ chức và doanh nghiệp phản ánh. Được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2020, với 5 kênh phản ánh (Điện thoại: Gọi 1022, Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it., Mobile App: IOS/Android, Website: http://1022.tphcm.gov.vn, Facebook: FB/1022.tphcm.gov.vn), người dân, tổ chức và doanh nghiệp có thể gửi phản ánh đến chính quyền Thành phố về các sự cố/vấn đề xảy ra trong 12 lĩnh vực (Giao thông, Cấp nước, Thoát nước, Chiếu sáng, Cây xanh, Điện lực, Viễn thông, Giao thông công cộng, Tài nguyên môi trường, Trật tự xã hội, Y tế và Khu chế xuất/Khu công nghiệp), theo dõi tiến trình xử lý và nhận kết quả phản hồi từ chính quyền. Kể từ khi vận hành đến nay, Cổng đã tiếp nhận và xử lý gần 583.000 phản ánh của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Không chỉ tiếp nhận phản ánh, Cổng còn tạo điều kiện để người dân, tổ chức và doanh nghiệp có thể đề xuất, hiến kế với Thành phố về các giải pháp xử lý sự cố, các vấn đề cần triển khai,…
Với Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền thành phố (https://doithoaidn.hochiminhcity.gov.vn/), tên gọi ban đầu là Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Nhà nước, tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 133/2002/QĐ-UB ngày 13/11/2002 của UBND TP.HCM, một hình thức “Chính quyền điện tử” đầu tiên trên cả nước, đã vận hành từ năm 2002, cung cấp phương tiện giải quyết một cách nhanh nhất các vướng mắc liên quan đến các hoạt động quản lý nhà nước mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thông qua Hệ thống, các thắc mắc, các yêu cầu của doanh nghiệp sẽ được gửi trực tiếp đến các địa chỉ cần giải quyết (Sở/Ngành, Quận/Huyện và một số cơ quan cấp Bộ đóng tại Thành phố) một cách nhanh chóng đầy đủ và chính xác. Quy trình xử lý và giám sát thông tin trong Hệ thống được quy định rõ ràng và được kiểm soát thường xuyên, đảm bảo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các Doanh nghiệp sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước trả lời trong thời gian ngắn nhất. Thống kê đến tháng 6 cho thấy, Hệ thống đã tiếp nhận trên 20.000 câu hỏi của doanh nghiệp, đã xử lý và trả lời 95%. Hiện có 40 đơn vị đang tham gia trả lời thắc mắc của doanh nghiệp trên hệ thống.
Với Cổng thông tin giao thông TP.HCM (http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn/), bên cạnh bản đồ giao thông thông minh (cho phép theo dõi điều kiện, tình trạng giao thông, chỉ dẫn về khu vực nội đô, quy định giới hạn tốc độ lưu thông, bố trí các camera quan sát) của Thành phố, người dân và doanh nghiệp còn có thể nắm bắt được thời gian, vị trí,… các công trình có thể ảnh hưởng đến giao thông (mở đường, gắn đồng hồ nước, ngầm hóa cáp,…); giấy phép lưu thông, giấy phép kinh doanh vận tải, hợp đồng vận tải,… Cổng thông tin quy hoạch TP.HCM (https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn/) cung cấp thông tin về quy hoạch sử dụng đất (các quận nội thành và một số huyện ngoại thành, tính đến ngày 5/6/2023), quy hoạch cao độ nền (hầu hết các quận nội thành) đã có thể tra cứu trực tuyến, phục vụ hữu hiệu cho nhu cầu chọn nơi an cư thích hợp cho người dân, nơi đặt nhà xưởng sản xuất cho các doanh nghiệp,…
Như đã đề cập, Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi ở cấp độ hệ thống nhằm thay đổi hành vi trên quy mô lớn thông qua việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể, toàn diện của cá nhân và tổ chức. Có thể thấy, những đặc trưng của chính quyền số (cổng dịch vụ công trực tuyến, nhận dạng và xác thực kỹ thuật số, dữ liệu mở minh bạch, giao tiếp và tham gia kỹ thuật số,…) đang dần định hình và trở thành hiện thực tại TP.HCM. Những giải pháp đồng bộ, căn cơ của Thành phố đã bước đầu tạo được cánh tay nối dài cho chính quyền trong tương tác với người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, tham gia của người dân, doanh nghiệp vào tiến trình chuyển đổi số tại Thành phố, đóng góp thiết thực vào các nỗ lực thúc đẩy Chuyển đổi số quốc gia hiện nay.
BBT