Việc chuyển đổi số nền kinh tế nói chung và chuyển đổi số các doanh nghiệp nói riêng là xu hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu. Chuyển đổi số mang lại những thay đổi bước ngoặt, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ giữa các doanh nghiệp mà còn giữa các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Kinh tế số
Thuật ngữ nền kinh tế kỹ thuật số (nền kinh tế số) được Don Tapscott nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1996, khi Internet vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Đến năm 1998, lần đầu tiên thuật ngữ “kinh tế số” được sử dụng trong báo cáo về kinh tế số của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Từ đó, khái niệm “kinh tế số” đã thu hút sự chú ý của các tổ chức, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp như một lĩnh vực có nhiều tiềm năng.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế kỹ thuật số cho phép thực hiện giao dịch hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử trên Internet (2013). Cùng quan điểm, Hiệp Hội máy tính Anh (British Computer Society) xem kinh tế kỹ thuật số là nền kinh tế dựa trên công nghệ kỹ thuật số và hoạt động thông qua các thi trường dựa trên internet và mạng lưới toàn cầu (2014). Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn (G20) vào năm 2016, kinh tế số được chỉ các hoạt động sử dụng thông tin và kiến thức được số hóa làm yếu tố chính của sản xuất, các mạng thông tin hiện đại là không gian hoạt động quan trọng và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông như một động lực quan trọng nhằm tăng năng suất và tối ưu hóa cơ cấu kinh tế. Với các nhà nghiên cứu, nhìn chung, nền kinh tế số là mạng lưới kinh tế toàn cầu, với các hoạt động được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm các cơ sở hạ tầng vật chất, các thiết bị sử dụng (máy tính, điện thoại thông minh), các ứng dụng hỗ trợ và các chức năng mà chúng cung cấp (IoT, phân tích dữ liệu, điện toán đám mây).
Theo hai nhà kinh tế Bukht và R. Heeks, nền kinh tế số có 3 mức độ: (1) Kỹ thuật số cốt lõi (Core Digital Sector), gồm hoạt động kinh tế từ các nhà sản xuất hàng hóa công nghệ thông tin (phần cứng, phần mềm, cung ứng các dịch vụ kỹ thuật số,…); (2) Kinh tế số (Digital Economy, kinh tế số phạm vi hẹp), có thêm hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp về dịch vụ số và hạ tầng số cho hoạt động kinh tế; bổ sung thêm các hoạt động kinh tế chia sẻ, kinh tế gắn kết; (3) Kinh tế số hóa (Digitalised Economy, kinh tế số phạm vi rộng), mở rộng thêm các hoạt động với các dạng hoạt động dựa trên nền tảng kỹ thuật số như kinh doanh điện tử, thương mại điện tử, công nghiệp 4.0, nông nghiệp chính xác, kinh tế thuật toán.
Như vây, để phát triển được nền kinh tế số cần phải có chiến lược phát triển cụ thể liên quan đến kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng hỗ trợ kỹ thuật số, đổi mới công nghệ tiến bộ đột phá, số hóa dữ liệu, áp dụng công nghệ số và nền tảng số,…
Khái niệm về kinh tế số theo mức độ (Nguồn: Rumana Bukht and Richard Heeks, 2017)
Kinh tế số đang phát triển rất nhanh, trở thành chìa khoá cho không ít nền kinh tế vươn ra toàn cầu. Báo cáo của cơ quan liên chính phủ thường trực của Liên hiệp quốc UNCTAD (United Nation Conference on Trade and Development) năm 2019 về kinh tế số ở 194 nước thành viên cho thấy, kinh tế số thuần ICT/VT đang chiếm khoảng 4,5% GDP toàn cầu, khoảng 6,9% GDP của Mỹ và 7% GDP Trung Quốc; kinh tế số Internet/nền tảng, chiếm khoảng 15,5% GDP toàn cầu, khoảng 21,6% GDP của Mỹ và 30% GDP Trung quốc; kinh tế số ngành/lĩnh vực chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu.
Theo Báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện ngày 27/10/2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28% so năm 2021 (tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022-2025). Mức tăng của một số nước trong khu vực trong năm 2022 thấp hơn mức tăng của Việt Nam (Indonesia, Philippines và Singapore tăng 22%, Thái Lan tăng 17%, Malaysia tăng 13%).
Có thể nói, kinh tế số là hình thức vận hành kinh tế thông qua công nghệ hiện đại, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong các ngành nghề khác nhau của xã hội, tạo ra lợi ích kinh tế cao hơn so với hoạt động của nền kinh tế công nghiệp truyền thống, trở thành hình thức kinh tế năng động, sáng tạo.
Xây dựng kinh tế số tại Việt Nam và TP.HCM
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, kinh tế số được coi là một trong những động lực tăng trưởng trong những thập niên tới. Việc thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong những chiến lược phát triển của Đảng và Nhà nước. Nhiều quy định pháp luật liên quan đến hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, nền tảng để phát triển kinh tế số, đã và đang được rà soát, sửa đổi, bổ sung (Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ cao, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật An toàn thông tin,…), góp phần ngày càng hoàn thiện hơn hành lang pháp lý, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số. Nghị quyết số 52-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN lần thứ 4” được Bộ Chính trị ban hành ngày 27/9/2019 đã xác định nhiều mục tiêu cho giai đoạn 2025-2045, trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GDP. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng chỉ rõ “…vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”.
Nhờ nỗ lực thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại ở các bộ, ngành, địa phương và quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp đã góp phần định hình kinh tế số, giúp nền kinh tế Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á: tăng trưởng liên tục trong vòng hơn 35 năm qua và luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 7%/năm. Theo Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2022, dịch vụ công nghệ thông tin đóng góp nhiều nhất, chiếm khoảng 30% tổng giá trị nền kinh tế số. Tiếp theo là thương mại điện tử (14,3%) và sản xuất phần cứng (12,83%). Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đã vượt 30%, tỷ trọng giá trị gia tăng của nền kinh tế số trên GDP năm 2022 ước đạt 14%, cao hơn mức 12% của năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số (doanh chuyển đổi thành công công nghệ thông tin vào cách thức quản lý, sản xuất, truyền thông tiếp thị,…) ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 6.200 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, tương đương 0,7 doanh nghiệp/1.000 dân. Ước tính, Việt Nam đã có 60 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số. Tốc độ tăng trưởng hạ tầng viễn thông – công nghệ, mức độ phủ sóng rộng, mật độ người sử dụng công nghệ khá cao ở Việt Nam chính là đòn bẩy để phát triển kinh tế số, là tiền đề cho Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.
Tại TP.HCM, kinh tế tri thức, kinh tế số là những nội dung đầu tiên được đề cập tại mục tiêu xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 trong Đề án cùng tên (Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 23/11/2017 của UBND TP.HCM). Theo bà Võ Thị Trung Trinh (Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM), mục tiêu của TP.HCM đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, kinh tế số nhằm tạo được sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Hiện Thành phố có 268.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp thông tin - truyền thông chiếm khoảng 7.000, chiếm gần 1/3 doanh nghiệp cả nước, đóng góp vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) gần 1,5 triệu tỉ đồng vào trong năm 2022. Riêng về tỷ trọng kinh tế số trong GRDP, năm 2023 ước đạt 19%. Thành phố đang đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỷ trọng này lên mức 25% năm 2025 và mức 40% vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, TP.HCM đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân và doanh nghiệp về chuyển đổi số. Cụ thể, Thành phố có các sản phẩm tập trung tuyên truyền như Cổng thông tin chuyển đổi số TP.HCM, Bản tin chuyển đổi số hàng tháng, tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra giải pháp về chuyển đổi số,… Thành phố cũng đẩy mạnh phát triển hạ tầng số (với mục tiêu định hướng phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên toàn thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mạng di động 5G và hạ tầng kết nối IoT cho TP. Thủ Đức và các quận, huyện xung quanh), phát triển chính quyền số, hỗ trợ trực tuyến giải quyết các thủ tục hành chính, tiến hành đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền, ra mắt cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp và cổng 1022 tiếp nhận và giải đáp thông tin,… Bên cạnh đó, Thành phố cũng triển khai đồng bộ nhiều chương trình giới thiệu, tôn vinh các sản phẩm công nghệ số, sứ mệnh của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông tại Thành phố,… Ngoài ra, để phát triển nguồn nhân lực sáng tạo công nghệ số, khai thác vận hành kinh doanh số, kinh tế số,…, Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông TP.HCM giai đoạn 2022-2025 cũng đã được UBND TP.HCM ban hành (Kế hoạch số 2914/KH-UBND ngày 18/8/2022). Gần nhất, Kế hoạch triển khai đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” năm 2023 vừa được UBND TP.HCM ban hành ngày 24/05/2023 (Kế hoạch số 2155/KH-UBND) đã xác định nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân, đơn vị để tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án và thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế mới, trong đó có kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố, góp phần chuyển dịch kinh tế Thành phố theo hướng hiện đại và bền vững. Một số nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Kế hoạch này như: xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố; tổ chức các chương trình đào tạo, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ, đảm bảo an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử; nghiên cứu giải pháp phát triển kinh tế số trên địa bàn Thành phố; xây dựng Quy chế hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố,…
Ra mắt và đưa vào hoạt động Cổng thông tin chuyển đổi số TP.HCM (Nguồn: vneconomy.vn)
Trong bối cảnh các doanh nghiệp trên thế giới đang đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, tăng khả năng phân tích, dự báo và ra quyết định dựa trên dữ liệu (đẩy mạnh quá trình tự động hóa các công tác thủ công giúp tiết kiệm thời gian, kiểm soát tài chính toàn diện; ứng dụng các giải pháp số đón đầu các xu thế công nghệ tiên tiến nhất của cuộc cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu (Data Science), chuỗi khối (Blockchain), tài chính nhúng (Embedded Finance) để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số hỗ trợ việc ra quyết định quản trị điều hành hiệu quả dựa trên dữ liệu), gia tăng mạnh mẽ tỉ trọng đóng góp của kinh tế số vào kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng (đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) còn gặp rất nhiều khó khăn (nhất là gần 70% doanh nghiệp siêu nhỏ) trong quá trình chuyển đổi số, tiếp cận kinh tế số.
Do vậy, việc đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, thích nghi với xu thế chung toàn cầu là yêu cầu rất cấp thiết nhằm tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế số, tái cấu trúc nền kinh tế và phục hồi tăng trưởng nhanh. Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TP.HCM sẽ góp phần quan trọng vào thành công trên cả nước, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của Thành phố về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ ở tầm quốc gia và khu vực, như Phó Thủ tướng Lê Minh Khái từng nhấn mạnh tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM (chủ đề “Kinh tế số: động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai”) trong thời gian vừa qua.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Trần Mạnh. TP.HCM sẽ thực hiện thành công và đi đầu cả nước về phát triển kinh tế số. https://baochinhphu.vn/tphcm-se-thuc-hien-thanh-cong-va-di-dau-ca-nuoc-ve-phat-trien-kinh-te-so-102220415100317177.htm
[2] ThS. Hồ Thị Mai Sương. Thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam hiện nay. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-va-giai-phap-thuc-day-phat-trien-nen-kinh-te-so-o-viet-nam-hien-nay-104016.htm
[3] Rumana Bukht & Richard Heeks. Defining, Conceptualising and Measuring the Digital Economy. https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3431732
[4] Phan Anh. Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á. https://vneconomy.vn/kinh-te-so-viet-nam-tang-truong-cao-nhat-dong-nam-a.htm
[5] Digital Economy Report 2019. https://unctad.org/system/files/official-document/der2019_en.pdf.